Thăng Long Kinh thành
Cái tên Thăng Long gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp một vị vua đã "khai sinh" ra Thủ đô nước ta xét về mặt địa lý (1010): Lý Thái Tổ (tên thật là Lý Công Uẩn, vị vua trị vì từ 1009 đến 1028). Tương truyền, khi đoàn quân của vua Lý Thái Tổ di chuyển từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra kinh đô mới (thành Đại La, tên do Cao Biền gọi trước đó), tự nhiên trên trời nơi thuyền ngự lúc đó xuất hiện một đám mây hình con Rồng Vàng. Vì thế, vua liền ra chiếu chỉ đặt tên kinh đô mới này là Thăng Long (Rồng Bay).
Bản thân cái tên Thăng Long đã hàm chứa một tư thế, một khát vọng, muốn hướng tới những điều tốt đẹp, cao cả. Sau này, vào năm 1805, sau khi thống nhất đất nước, nhà Nguyễn đặt kinh đô mới tại Phú Xuân (Huế) và cho phá thành Thăng Long để xây thành lũy (theo kỹ thuật của phương Tây tư vấn). Đồng thời, vua Gia Long đổi tên chữ Hán của Thăng Long (Rồng bay lên) thành một từ Thăng Long đồng âm mang nghĩa mới là "thịnh vượng".
Nhưng dù thế nào, Thăng Long vẫn cứ đọng trong tâm khảm người Việt một hình dung rất đặc biệt: Đẹp về ngôn từ (đọc lên nghe êm ái, dễ nghe), đẹp về ngữ nghĩa, vì đó là biểu tượng cho người Việt Nam "con Rồng cháu Tiên" (theo quan niệm, Rồng là con vật linh thiêng, quyền quý, với những phẩm chất tốt đẹp). Vì vậy, dân gian ta vẫn luôn tự hào về truyền thống "Thăng Long ngàn năm văn vật". Đó là giá trị văn hóa tốt đẹp của Thủ đô ngàn đời, biểu hiện qua các di tích lịch sử văn hóa (như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, hồ Hoàn Kiếm-Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chùa Trấn Quốc,...), các nhân vật kiệt xuất mà tên tuổi và sự nghiệp của họ gắn liền với Thăng Long (Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chí Minh...). Những cái tên (địa danh, nhân danh) khi đọc lên ta thấy "lắng hồn núi sông ngàn năm" với bao xúc động, tự hào.
Thăng Long Kẻ Chợ
Kẻ Chợ, theo giới nghiên cứu thì đã xuất hiện từ thời Lý-Trần. Văn bản đầu tiên ghi lại tên gọi này là cuốn Da Asia (nói về châu Á) của Barros, một cố đạo người Bồ Đào Nha, xuất bản năm 1550. Còn trong cuốn Từ điển tiếng Việt đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, còn gọi Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Roma, 1651 đã có từ Kẻ Chợ. Mục từ Kẻ được A.de Rhodes giải nghĩa: “Kẻ chợ: Những người ở trong chợ, nghĩa là những người ở kinh đô Đông Kinh”.
Từ điển từ cổ (Vương Lộc, NXB Đà Nẵng, 2001) cho kẻ là từ chỉ nơi chốn. Theo ông, kẻ được chia thành 2 nghĩa: “1. Nơi, chốn. Xưa nay mấy kẻ binh đao ("Chinh phụ ngâm"), "Chẳng lạ nhân tình đất kẻ ta" ("Nguyễn Công Trứ-Thế tình đối với người nghèo") 2. Từ thường đặt trước một địa danh để gọi một đơn vị cư trú tương đương với xã, thôn; cũng có khi là một đơn vị cư trú lớn hơn: "Sử rao đến Tiên Du này. Đến làng Kẻ Đống về rày hôm mai" ("Thiên Nam ngữ lục"). "Ta ở Kẻ Láng vốn nhà trồng rau"; Đồn rằng Kẻ Lạng vui thay (ca dao)”.
Cũng theo cách cắt nghĩa này, từ kẻ chợ (không viết hoa) được giải thích là “Nơi đô thị, thường dùng để chỉ kinh đô Thăng Long hoặc chỉ kinh đô nói chung”. Như thế, kẻ chợ được dùng với ngoại diên rộng hơn nhiều (Ví dụ: có kẻ chợ Việt Nam, kẻ chợ Bắc Kinh, kẻ chợ Pháp, kẻ chợ Portugal (Bồ Đào Nha),...).
Nhưng có lẽ, kẻ trong kẻ chợ đầu tiên được sử dụng với hàm ý chỉ người. Kẻ có thể là "người hoặc những người như thế nào đó, nhưng không nói cụ thể là ai”, hai là có thể "người hoặc những người như thế nào đó, không nói cụ thể là ai, nhưng hàm ý coi thường, coi khinh” ("Từ điển tiếng Việt", Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Có lẽ, đầu tiên người ta dùng kẻ trong Kẻ Chợ với nghĩa 1 (giống như trong kẻ ở người đi, kẻ Bắc người Nam, kẻ cắp, kẻ sĩ,...), mặc dù có hơi nghiêng về nghĩa 2 (hàm ý không được coi trọng, vì dân thương gia, buôn bán hẳn không phải là những người có thứ bậc cao trong xã hội). Sau đó, kẻ tiếp tục phái sinh nghĩa, chỉ nơi chốn của một cộng đồng người nào đó, có nét đặc thù riêng. Vì thế, ta có kẻ chợ, kẻ quê, kẻ Sặt, kẻ Noi, kẻ Mơ, kẻ Láng, kẻ Đông,... Có vẻ nơi nào cũng được ghép với kẻ được. Ở các từ này, nghĩa chỉ người và nghĩa chỉ một vùng địa danh có sự hòa kết tạo nên một nét nghĩa tổng quát. Kẻ Chợ (Hà Nội) là một tổ hợp mang đậm cách dùng này. Lúc đầu chỉ là để phân biệt hai khu vực trong kinh thành (một nơi của dân buôn bán, xô bồ dân dã; một nơi là hoàng thành của vua chúa, đẹp đẽ nghiêm cẩn). Mặc dù, trong quá trình sử dụng, nét nghĩa chỉ địa danh dần dần trở thành nét trội. Chẳng hạn ta vẫn nghe nói: Dân Kẻ Chợ, đất Kẻ Chợ, vùng Kẻ Chợ, văn hóa Kẻ Chợ...
Kẻ Chợ, một cái tên nôm, dân dã mà quen thuộc, chỉ một phần "không thể thiếu" của Kinh thành Thăng Long. Tên gọi này, tuy không có mặt trong các văn bản chính thống trước đây, vẫn luôn là một cái tên gần gũi, giàu tính biểu cảm và đậm ý nghĩa về hiện thực cuộc sống thị thành.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH