Bìa an-bum “Lời ru đất nước”. Ảnh: THĂNG LONG

Là một doanh nghiệp kinh doanh văn hóa “ngoài Nhà nước”, nhưng từ khi thành lập đến nay, các sản phẩm âm nhạc của doanh nghiệp không chạy theo dòng nhạc thị trường với những ca khúc thời thượng và các ca sĩ “hot”, mà vẫn chung thủy với dòng nhạc chính thống và những ca khúc cách mạng, những bài ca “đi cùng năm tháng”. Đó là nét đặc biệt của Công ty cổ phần nghe nhìn Thăng Long, một trong những đơn vị xã hội hóa khá sớm của ngành văn hóa Hà Nội. Và như để tiếp tục khẳng định tôn chỉ mục đích kinh doanh của mình, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 33 năm Đại thắng mùa xuân (30-4) và Quốc tế lao động (1-5), Công ty cổ phần nghe nhìn Thăng Long đã tung ra một “xê-ri” an-bum “nhạc đỏ” khá ấn tượng, gồm 4 đĩa CD và một băng đĩa hình ca nhạc chọn lọc.

VCD Nơi gặp gỡ tình yêu và CD Mong anh về là sản phẩm hợp tác giữa Công ty cổ phần nghe nhìn Thăng Long và Công ty biểu diễn Thanh Hoa, cũng là một doanh nghiệp xã hội hóa ở Thủ đô do Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa sáng lập và điều hành tròn mười năm nay, với một thương hiệu đã trở nên quen thuộc là “Phòng trà Aladin”. Thưởng thức Nơi gặp gỡ tình yêu, công chúng được gặp lại những Rặng trâm bầu của Thái Cơ, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của Nguyễn Văn Tý, Trước ngày hội bắn của Trịnh Quý, Tình ca mùa xuân của Trần Hoàn... qua những giọng ca vàng thuộc nhiều thế hệ như: Thanh Hoa, Thu Huyền, Việt Hoàn, Đức Long… đến những ca sĩ đoạt giải Sao Mai gần đây. Cùng với những ca khúc và những ca sĩ được công chúng mến mộ, VCD Nơi gặp gỡ tình yêu còn có phần hình ảnh được thực hiện trực tiếp tại sân khấu “Phòng trà Aladin” phối hợp với nhiều ngoại cảnh sinh động do nghệ sĩ Phạm Đông Hồng đạo diễn.

CD Năm anh em trên một chiếc xe tăng, tất nhiên là có ca khúc nổi tiếng Năm anh em trên một chiếc xe tăng của nhạc sĩ Doãn Nho, phổ thơ Hữu Thỉnh. Nhưng điều khá bất ngờ và cảm động là công chúng được gặp lại “ngũ hổ”: Quang Thọ, Doãn Tần, Hoàng Chè, Quang Huy và Dương Minh Đức. Những ca sĩ trẻ trung từng hát “Năm anh em…” trên đỉnh Trường Sơn ngày nào, nay đều là những Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú sáng giá của nền âm nhạc nước nhà. Giờ đây tóc đã pha sương, họ lại về bên nhau hát vang “Năm anh em…” nhân dịp kỷ niệm 33 năm Đại thắng mùa Xuân, làm sống lại ký ức hào hùng của mỗi đời người và của cả dân tộc. Cùng với “Năm anh em…”, an-bum còn có nhiều ca khúc trữ tình cách mạng đã đi cùng năm tháng, như: Mời anh đến thăm quê tôi của Nguyễn Đức Toàn, Đêm Trường Sơn nhớ Bác của Trần Chung, Lá đỏ của Hoàng Hiệp, Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà v.v..

Có một ca sĩ Sao Mai sau đêm đăng quang vẫn tiếp tục tỏa sáng với dòng âm nhạc thính phòng sang trọng, lần này cũng có mặt trong xê-ri “nhạc đỏ” chào mừng những ngày lễ trọng của tháng Năm lịch sử. Đó là ca sĩ Phương Thảo với CD Lời ru đất nước. Đây là an-bum thứ ba trong sự nghiệp ca nhạc của cô. Hai an-bum trước đây (Một khúc tâm tình và Cho mẹ, cho em và cho tôi) là sự tri ân quê hương, gia đình và bè bạn, những nguồn mạch thân thương bồi đắp nuôi dưỡng những thành công bước đầu trên con đường nghệ thuật của cô ca sĩ xứ Nghệ, cựu sinh viên Trường cao đẳng VHNT Quân đội. Đến CD thứ ba này, tình cảm của người nghệ sĩ đã vươn rộng lớn hơn, sự tri ân đã hướng đến một tầm cao hơn: Đất nước! Tuy nhiên, đất nước bắt đầu bằng những miền quê ân nghĩa và thiêng liêng đã đi vào thơ ca: Từ làng Sen (Phạm Tuyên), Tiếng hát sông Lam (Đinh Quang Hợp), Hà Tĩnh quê mình (Ngọc Thịnh), Hà Nội-Huế-Sài Gòn (Hoàng Vân), Qua bến đò Quan (Thái Cơ)…

Không chỉ là một bước trưởng thành về cảm xúc thẩm mỹ, CD Lời ru đất nước còn ghi nhận một bước tiến nghệ thuật của Phương Thảo. Công chúng nhận ra một giọng hát nồng nàn và sâu sắc hơn, kỹ thuật thanh nhạc vững vàng và truyền cảm hơn, trên cái nền đậm đà trong sáng của một giọng ca Sao Mai từng đoạt “cú đúp” giải thưởng xuất sắc của ban giám khảo và giải ca sĩ được khán giả yêu thích nhất tại cuộc thi năm 2003.

ĐỨC THỌ