Không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên “tồi”
Hoàng Ân (sinh năm 1995), sinh viên ngành đạo diễn sân khấu Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, đã tham gia những buổi giao lưu-truyền nghề của Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh từ ngày 8-3-2020. Hai năm qua, nhờ việc chăm chỉ không bỏ buổi nào, Hoàng Ân học được rất nhiều kinh nghiệm từ những người đi trước, từ đó áp dụng trong thực tiễn làm nghề.
Một kỷ niệm vui mà Hoàng Ân nhớ mãi là buổi giao lưu cùng Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lê Thiện. Trong một tình huống diễn xuất, Ân vào vai một người con đang chuẩn bị dọn cơm. Tìm mãi không thấy chiếc mâm nào, cậu chạy vào phòng hóa trang lấy đại một chiếc hộp và không hề biết trong đó có những chiếc bóng đèn. Diễn đến đoạn cao trào, Hoàng Ân đập chiếc “mâm” xuống đất. Bóng đèn vỡ, văng khắp sân khấu. “Vậy mà cô Lê Thiện vẫn diễn và không hề có biểu hiện nào. Từ đó, tôi cảm thấy khâm phục, cũng nhận ra sự cẩu thả của mình khi không kiểm tra đạo cụ. Sau khi diễn xong, cô chỉ nói: "Có sao không, sau này nhớ cẩn thận nha con". Một câu nói tôi nhớ như in. Bây giờ, lúc nào tôi cũng kiểm tra đạo cụ trước khi diễn”, Hoàng Ân kể.
Mỗi buổi giao lưu đều là những bài học quý báu cho chàng sinh viên-nghệ sĩ trẻ. Ở buổi giao lưu cùng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Kim Cương, Hoàng Ân học được thế nào gọi là cái đẹp. Đẹp cho nhân vật trước rồi sau đó mới đến diễn viên. Buổi giao lưu với NSƯT Lê Thiện, Hoàng Ân vẫn nhớ như in câu nói: “Không có nhân vật nhỏ, chỉ có diễn viên “tồi”. Ân hiểu ra một điều: Dù là vai nào, chỉ cần mình làm tròn và hết mình thì chắc chắn khán giả cũng sẽ nhớ đến chứ không cần phải vào vai lớn. Buổi giao lưu cùng nghệ sĩ Khánh Tuấn, Hoàng Ân lại được học về cách hóa thân vào kép độc... Hay NSND Kim Cương, vừa là nghệ sĩ diễn vai chính, vừa là tác giả kịch bản, vừa là nhà quản lý. Cô vừa nói đến kỹ năng diễn xuất, vừa nói đến góc nhìn, khuynh hướng sáng tác, làm sao không để bị chi phối giữa sự quản lý, tính toán lời-lỗ với vấn đề diễn xuất. Vừa là diễn viên, vừa là bầu, ra sân khấu mà trong đầu cứ suy nghĩ vé hôm nay bán được bao nhiêu, lời-lỗ bao nhiêu thì sẽ bị chi phối đến cảm xúc của mình.
Và buổi giao lưu gần đây nhất, Hoàng Ân cùng các bạn được giao lưu với NSƯT Thành Lộc. NSƯT Thành Lộc còn có sự đúc kết về tính mỹ học, làm đẹp cho nhân vật, thông qua các vở diễn từ hài kịch đến bi kịch, từ dân gian đến cổ trang, sử Việt, nhạc kịch. “Được nghe chú Thành Lộc nói về quá trình làm nghề của mình, từ đó chúng tôi có thêm động lực gắn bó với nghề”, Hoàng Ân chia sẻ.
Xác định động lực đúng đắn
Chương trình giao lưu-truyền nghề ra đời từ năm 2018, do Ban Lý luận phê bình, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức, đã có nhiều tên tuổi nghệ sĩ gạo cội tham gia truyền nghề cho thế hệ trẻ. Có thể kể đến như: NSND Kim Cương, NSND Thoại Miêu, NSND Thanh Vy, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hồng Vân, nghệ sĩ Tú Trinh, nghệ sĩ Khánh Tuấn, NSƯT Lê Thiện. Tháng 8 này, các bạn trẻ được giao lưu với NSND Thanh Điền và "phù thủy" chuyên môn lồng tiếng Đạt Phi...
Nói về ý tưởng tổ chức, nhà báo, đạo diễn Thanh Hiệp, Trưởng ban Lý luận phê bình, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, người “chủ trì” chương trình ý nghĩa này từ ngày đầu, cho biết: "Các buổi giao lưu được tổ chức thành những chuyên đề nhỏ để nghệ sĩ đi trước truyền đạt lại cho các em. Đó là những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn trong mấy mươi năm làm nghề. Sau khi giao lưu xong, các em được diễn xuất liền cùng các diễn viên, nghệ sĩ".
|
|
Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Gần 30 buổi giao lưu, mỗi buổi kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ đã được tổ chức. Đó là sự góp mặt của các nghệ sĩ tên tuổi, vừa có khả năng diễn xuất, vừa có khả năng thị phạm, đứng trên bục giảng. Đạo diễn Thanh Hiệp, người tổ chức chương trình cũng nhận được nhiều bài học quý từ các nghệ sĩ khách mời, nhất là các khách mời lớn tuổi. Như tinh thần, lòng yêu nghề, yêu thế hệ trẻ của NSND Kim Cương. Người nghệ sĩ 86 tuổi vẫn phải trèo lên tầng lầu để lên lớp tại trụ sở Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh khiến mọi người rất xúc động.
“Nhiều bạn trẻ cứ nghĩ rằng vào nghề này mau nổi tiếng, sẽ nhiều tiền, sẽ trở thành người công chúng... Nhưng các nghệ sĩ đã mang đến một tư duy khác cho lớp trẻ, từ những bài học thiết thực, để các em đừng nghĩ đến việc làm giàu, nghề này trước hết phải có tinh thần cống hiến, làm đẹp cho đời. Cho đi rồi mới nhận. Thế hệ đi trước đã rất cực nhọc mới có được vinh dự đó. Nếu nghĩ làm giàu thì nên chọn nghề khác”, đạo diễn Thanh Hiệp nói.
Trong bối cảnh các loại hình sân khấu đang đứng trước thách thức lớn từ các loại hình giải trí hiện đại, rất cần có một thế hệ trẻ tiếp nối. Những chương trình giao lưu-truyền nghề như trên tuy thiếu thốn mọi mặt nhưng đã giúp thế hệ trẻ có cơ hội được tiếp thêm động lực, được uốn nắn, định hướng phát triển thêm. Từ đây, nhiều học trò trở thành những tác giả, đạo diễn, diễn viên... gắn bó với nghề.
HOÀNG VIỆT