QĐND - Cách đây chưa lâu, theo một nghiên cứu của Quỹ giao lưu công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, Việt Nam xếp thứ 4 về mức độ yêu thích làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) trên toàn thế giới. Văn hóa Hàn Quốc đã len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống người Việt. Trong đó, tiêu biểu nhất là thời trang.

Khởi đầu từ Hallyu

Dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc, cuối thập niên 1990, đầu thế kỷ 21, Hallyu bắt đầu xuất hiện. Những “sứ giả” tiên phong cho làn sóng này khi vào Việt Nam là những bộ phim truyền hình có cốt truyện nhẹ nhàng, dàn diễn viên trẻ đẹp và những trang phục thời thượng. Đặc biệt, nội dung của hầu hết các bộ phim Hàn Quốc đều kể về những mối tình buồn như: “Mối tình đầu”, “Xúc cảm”, “Anh em nhà bác sĩ”, “Chuyện tình mùa đông”, “Giày thủy tinh”, “Trái tim mùa thu”... nên đã dễ dàng chạm tới trái tim của một bộ phận khán giả Việt.

Sau “làn sóng” thứ nhất, phim truyền hình Hàn Quốc chuyển "tông" sang những bộ phim có nội dung tươi sáng với những tình tiết lãng mạn và đặc biệt là dàn diễn viên đẹp cả nam lẫn nữ. Tiêu biểu trong số đó là “Những người thừa kế” với tình yêu của cặp đôi Kim Tan và Eun Sang. Bộ phim đã trở thành một hiện tượng văn hóa nho nhỏ trong cuộc sống người Việt. Vô số thành viên trên các trang mạng xã hội đã sử dụng ảnh của nhân vật trong phim làm ảnh đại diện. Thậm chí, trên facebook, có không ít hội được thành lập với tên “Hội những người mê Kim Tan”...

Song hành với phim truyền hình, Hallyu còn chinh phục công chúng Việt bằng âm nhạc (K-pop). Đó là: Nhóm TVXQ-“vua K-pop”, nhóm Big Bang với thủ lĩnh là rapper G-Dragon, nhóm pop-rock F.T.Island, ban nhạc CNBLUE, cặp song ca nữ Lee Hae Ri và Kang Min Kyung, anh em Lee Chan Hyuk và Lee Soo Hyun, solo tài năng Lee Hi… Làn sóng K-pop đã khiến không ít bạn trẻ rơi vào tình trạng "cuồng" một cách thái quá. Họ chăm chỉ cập nhật những tin tức của các thần tượng, học thuộc tiểu sử của diễn viên và ca sĩ Hàn còn hơn nhớ các bài giảng ở trường.

Đến sự đổ bộ của thời trang Hàn Quốc

Ngay từ khi những bộ phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên được phát sóng, làn sóng thời trang xứ sở Kim chi đã kịp làm “điên đảo” giới trẻ Việt. Những trang phục thanh lịch cùng kiểu trang điểm “tóc nâu, môi trầm” từng “làm mưa làm gió” khá nhiều năm trong làng thời trang Việt. Thậm chí, “tóc nâu, môi trầm” còn đi vào văn học, nghệ thuật, vào cả những ca khúc thịnh hành một thời.

Thế rồi, sau mỗi bộ phim truyền hình dài dằng dặc của Hàn Quốc, thời trang giới trẻ Việt lại thay đổi tương ứng với trang phục của các diễn viên Hàn. Khi bộ phim “Ngôi nhà hạnh phúc” lên sóng, những chiếc áo lửng dễ thương của nữ chính cũng nhanh chóng trở thành mục tiêu săn lùng của phái đẹp. Sau “Những người thừa kế”, những chiếc áo len, măng-tô hai nhân vật chính Eun Sang và Kim Tan mặc trong phim “bỗng dưng” trở nên nhan nhản trên đường phố Việt. Khi “Vì sao mang anh tới” gây sốt trên sóng truyền hình cũng là lúc những thỏi son môi, những chiếc kính, những chiếc áo khoác, những đôi giày... của nhân vật Chun Song Yi khiến người hâm mộ mê mẩn…

Thời trang Hàn Quốc làm “điên đảo” giới trẻ Việt. Ảnh: koreafashion
Thời trang Việt Nam trước cuộc đổ bộ của Hallyu chủ yếu theo phong cách Âu-Mỹ. Tuy nhiên, phong cách này “ngự trị” quá lâu khiến những tín đồ thời trang, đặc biệt là các bạn trẻ, mong muốn có sự đổi mới. Mặt khác, phong cách Âu-Mỹ tuy đẹp nhưng không thực sự phù hợp với vóc dáng và văn hóa Á Đông. Trong khi đó, thời trang Hàn Quốc lại dung hòa được những yếu tố Đông-Tây, với sự tiết chế trong các thiết kế, màu sắc và phom dáng cho phù hợp với nước da, vóc dáng người châu Á. Vì thế, thời trang Hàn Quốc đã đánh trúng vào tâm lý muốn đổi mới của các tín đồ thời trang. Đặc biệt, thời trang Hàn Quốc còn hướng vào đối tượng nam giới, những người vốn không được ưu ái nhiều trong làng mốt quốc tế.

Rõ ràng thời trang Hàn Quốc đã đem lại một làn gió mới cho làng thời trang Việt. Tuy nhiên, làn gió ấy không chỉ “mát lành” mà còn mang theo không ít hệ lụy. Trong đó, trào lưu unisex (phi giới tính) trong trang phục khiến không ít người phải giật mình. Nam giới “bỗng” trở nên thích mặc áo hoa sặc sỡ, đồ màu pastel, phối phụ kiện vòng nhẫn rườm rà, thậm chí cả son phấn đậm khi ra phố. Ranh giới giữa nam và nữ dường như bị xóa nhòa. Các chàng trai ngày càng trở nên “yểu điệu thục nữ”. Với nữ giới, những chiếc quần soóc siêu ngắn, cắt xẻ, xé rách táo bạo, hay những chiếc áo 2 dây, ren croptop khoét sâu… trở nên nhan nhản trên đường phố. Sự phù hợp hay không với văn hóa Việt chưa bàn ở đây, chỉ thấy rằng, thứ trang phục trên phim không phù hợp với tất cả mọi người. Những diễn viên Hàn Quốc đều được chăm chút cả nhan sắc lẫn thể hình nên còn có thứ để “phô ra cho người ta ngắm". Trong khi đó, vì hâm mộ “thần tượng”, không ít tín đồ thời trang Việt chân cong, đùi to, bụng mỡ… vẫn lao theo bon chen cùng trào lưu.

Trong câu chuyện về sự tác động của Hallyu đối với đời sống công chúng Việt, thời trang chỉ là sự biểu hiện bề nổi. Đằng sau đó là việc đánh mất bản sắc, cá tính riêng mà chỉ rập khuôn theo mọi phong cách của thần tượng. Hơn thế, khi không cạnh tranh được với nền giải trí ngoại nhập, thị trường giải trí Việt trở nên yếu thế hơn. Và hậu quả đáng báo động là, văn hóa Việt trở nên dần bị lu mờ trước làn sóng văn hóa Hàn Quốc. Chuyện giới trẻ Việt bây giờ nghe nhạc Hàn, xem phim Hàn, làm những món ăn của Hàn, thậm chí còn nói tiếng Hàn xen lẫn tiếng Việt... rất đáng để các nhà quản lý văn hóa quan tâm, định hướng!

NGUYÊN ANH