Những nông dân “chịu chơi”

Con đường bê tông vào làng Then sạch, đẹp với hàng hoa tim tím hai bên khiến ai đi qua cũng muốn chậm lại để ngắm nhìn. Làng Then nhỏ xinh, trục đường chính chạy một vòng tròn quanh làng nên từ cổng làng rẽ phải hay rẽ trái thì cuối cùng cũng lại ra đến cổng làng. Những ngày giữa đông, cánh đồng quanh làng xanh rì một màu của những ruộng hoa và rau đang đúng độ vừa kịp thu hoạch vào Tết âm lịch. Nhắc đến làng Then là người ta nghĩ đến hai điều: Nghề trồng hoa và những nghệ sĩ nông dân giỏi chơi vĩ cầm. Người ta bảo nhau: Vừa trồng hoa giỏi lại kéo đàn hay, đích thị là người làng Then rồi.

leftcenterrightdel
Ông Hà Minh Châu và cây vĩ cầm trong lúc giải lao ngoài đồng ruộng. 

Người làng Then yêu văn nghệ và có tiếng “chịu chơi” từ lâu. Ông Hà Văn Chính, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ vĩ cầm làng Then kể, sau hòa bình lập lại năm 1954, người dân làng Then vốn yêu văn nghệ muốn thành lập một đội văn nghệ nên rủ nhau mua các nhạc cụ về chơi, nào là vĩ cầm, guitar, sáo, nhị, trống... đủ một đội. Nhưng sở dĩ nói dân làng Then “ăn chơi” là bởi họ không hề biết đánh đàn mà vì thích nên vẫn mua đàn. Hồi ấy, muốn mua đàn phải đặt hàng rồi vận chuyển về khá lâu. Có người bán hai con trâu mộng đi để mua một cây đàn cello, có người mất tiền mà chẳng mua được. Có đàn rồi lại không biết kéo sao cho đúng, cứ “bò ta, bê ta” thành ra cũng ấm ức, lại lãng phí, xót của. Vậy là bố ông Chính, khi đó là Đội trưởng đội văn nghệ mới lên ty văn hóa một chuyến, đề nghị được hỗ trợ mời thầy về dạy đàn cho anh em. Ngày ấy, tìm người biết chơi vĩ cầm cũng không phải dễ dàng, cuối cùng, cơ quan văn hóa địa phương đã liên hệ được ông Đỗ Bài, khi đó đang là biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam, từng học vĩ cầm từ một thầy người Pháp. Mến trọng tình yêu văn nghệ của người làng Then, từ năm 1955, ông Đỗ Bài đã về làng dạy đàn cho 8 “nghệ sĩ”, khá bài bản theo giáo trình của Pháp. Từ đó, không khí văn nghệ rộn ràng khắp làng Then...

Đội văn nghệ làng Then hoạt động sôi nổi trong không khí lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa. Họ mang tiếng đàn, tiếng hát của mình đi phục vụ bà con, phục vụ dân công, bộ đội trong những buổi đắp đê, lao động và các hoạt động của địa phương. Năm 1962, đội văn nghệ làng Then tham gia hội diễn văn nghệ ở Hà Đông, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) và đoạt giải nhất với phần thưởng là chiếc máy hát.

Năm 1973, ông Chính là một trong 13 người thuộc thế hệ thứ hai của làng Then tiếp tục được truyền dạy vĩ cầm từ ông Nguyễn Hữu Đưa, là một trong 8 người đầu tiên học đàn, lúc đó đang công tác tại Đoàn Ca múa Bắc Giang. Dần dần, số người học phát triển lên tới 50-60 người. Nhiều người trong số đó nhập ngũ vào các đoàn văn công, là hạt nhân văn nghệ ở các đơn vị, mang tiếng đàn phục vụ bộ đội, nhân dân từ các làng quê đến mặt trận, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần quân và dân ta đi đến ngày toàn thắng. Đất nước thống nhất, phong trào học vĩ cầm ở làng Then ngày càng rộn ràng. Các nghệ sĩ của làng cũng đi biểu diễn ở nhiều nơi, được tham gia phục vụ Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976, hội diễn nghệ thuật ở Phú Thọ... 

Đã có giai đoạn làng Then có đến vài chục cây đàn, nhưng cũng có khoảng thời gian kinh tế khó khăn, đàn hỏng không có người sửa nên việc chơi đàn cũng bị trầm lắng, làng Then vắng tiếng vĩ cầm. Nhớ đàn quá, ông Chính cùng vài anh em rủ nhau chơi lại. Đội vĩ cầm tiếp tục hoạt động với 10 thành viên. Dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội vĩ cầm làng Then vào Nghệ An biểu diễn. Dịp ấy, đại diện một quỹ của Thụy Điển được xem các nghệ sĩ làng quê biểu diễn say mê, nhiệt huyết nhưng đàn tiếng không chuẩn, chưa đều nên đã tài trợ toàn bộ đàn mới cho đội. Thanh âm của tiếng vĩ cầm làng Then lại càng thêm say mê, vui tươi.

Như chiếc nôi ươm mầm nghệ thuật

Một dịp chuyện trò với nghệ sĩ chèo Hà Nga của Nhà hát Chèo Quân đội sau khi chị vừa giành huy chương bạc Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc năm 2020, tôi vô tình biết Nga là người làng Then. Hà Nga đến với nghệ thuật chèo cũng bắt đầu từ phong trào văn nghệ, từ tiếng vĩ cầm của các nghệ sĩ làng quê nơi mình sinh ra và lớn lên. Chị kể, ông nội chị cũng từ phong trào văn nghệ của làng rồi trở thành nghệ sĩ chèo, công tác tại Đoàn Chèo Hà Bắc (Hà Bắc sau tách thành tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh). Sau này, chú và anh trai Nga cũng theo nghệ thuật, bố chị cũng là một trong những thành viên của đội vĩ cầm làng Then. Nga kể, ký ức tuổi thơ của chị là những lần ngồi sau chiếc xe đạp, được bố chở đi tập văn nghệ, tập đàn cùng, không kể sớm tối. Tính cách mạnh dạn, có năng khiếu, lại “học lỏm” rất nhanh thuộc bài nên Nga được tham gia đội văn nghệ của làng, cùng bố và đội đi biểu diễn, đoạt nhiều giải thưởng. Như một lẽ tự nhiên, khi lớn lên, Nga tiếp nối lửa nghệ thuật của gia đình, làng quê bằng cách chọn theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Ở làng Then còn có nhiều câu chuyện giống như chuyện của Hà Nga. Bởi vậy, chẳng nói quá khi cho rằng có lẽ ở Việt Nam, hiếm có một ngôi làng nào sinh ra nhiều nghệ sĩ như làng Then. Không chỉ các nghệ sĩ của làng mà nơi đây cũng là cái nôi ươm mầm nhiều tài năng nghệ thuật cho đất nước ở các lĩnh vực như: Nhạc sĩ Trần Vinh, nghệ sĩ Hà Huy Bái (Nhà hát Chèo Bắc Giang), NSND Bùi Đắc Sừ (nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam), Nguyễn Thị Kim Huê (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), Hà Thị Thanh Thảo, Giáp Văn Chương, Hà Văn Cường (Nhà hát Chèo Việt Nam), Thu Hương (Liên đoàn Xiếc Việt Nam)...

leftcenterrightdel
Tiếng vĩ cầm có thể vang lên từ cánh đồng làng Then. 

Đến làng Then, từ những em nhỏ 7-8 tuổi đến những ông già 70 tuổi, không kể sáng hay tối, chỉ cần ngơi việc là họ có thể kéo đàn hăng say. Năm 2018, với sự hướng dẫn của Phòng Văn hóa huyện Lạng Giang, Câu lạc bộ vĩ cầm làng Then được thành lập với 13 thành viên nòng cốt là các ông và 23 cháu ở lứa tuổi học sinh. Ông Hà Văn Chính cho biết, mỗi tuần, đội sinh hoạt, tập luyện 2 đến 3 buổi tại nhà văn hóa vào buổi tối. Các thành viên nòng cốt dạy đàn cho các cháu vào cuối tuần và những thời gian rảnh rỗi theo lịch học ở trường của các cháu. Hiện tại, riêng ông Chính có hơn 30 cháu theo học đàn thường xuyên, nhiều cháu ở TP Bắc Giang được bố mẹ đưa đến học. Các cháu mặc dù bận học, không có nhiều thời gian tập luyện nhưng rất yêu thích, hăng say. Không chỉ học theo giáo trình, các ông cũng thường xuyên tham khảo, học tập qua internet để cập nhật kiến thức, chuyên môn. Ông Chính nói: “Lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhiều nghệ sĩ trong nước, cả quốc tế khi gặp đã dành lời khen cho đội vĩ cầm, biểu diễn không kém nghệ sĩ chuyên nghiệp”. Năm 2019, các nghệ sĩ vĩ cầm làng Then tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ quốc tế trong giao lưu âm nhạc quốc tế tại Hải Phòng; biểu diễn dịp Tết Thiếu nhi 1-6 tại Hà Nội và các chương trình trong huyện, tỉnh Bắc Giang.

Tình yêu nghệ thuật bắt đầu từ những người nông dân chất phác, được lan tỏa, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác của làng. Nó không chỉ làm ấm lên đời sống tinh thần cho làng quê mà từ đây còn ươm mầm những tài năng nghệ thuật, ngân vang những thanh âm tươi đẹp của cuộc sống.

Bài và ảnh: DƯƠNG THU