QĐND - Tỉnh Hà Tây cũ-“cửa ngõ Thủ đô” trước đây, nay thuộc thành phố Hà Nội truyền gọi là xứ Đoài, đất văn vật “địa linh nhân kiệt”. Xứ Đoài còn là đất trăm nghề. Không chỉ người dân xứ Đoài tự hào như vậy mà dân tứ xứ muôn phương cũng đều nhận xét như vậy. Và đã từng có nhiều cuốn sách chuyên khảo, nhiều công trình nghiên cứu về làng nghề ở xứ Đoài. Gần đây nhất là vào thập niên cuối của thế kỷ XX, có 2 khảo cứu về “Xứ Đoài bách nghệ”, đó là cuốn “Hà Tây-làng nghề, làng văn” do Sở Văn hóa-Thông tin Hà Tây xuất bản năm 1992 và cuốn “Truyện các làng nghề” của 3 tác giả: Tạ Phong Châu, Nguyễn Quang Vinh và Nghiêm Đa Văn xuất bản năm 1997.
Trong trăm thứ nghề nổi tiếng xứ Đoài thì đặc sắc nhất là nghề dệt lụa. Trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa vốn là một nghề cổ truyền của người dân Việt Nam. Nhưng không đâu nổi tiếng, đặc sắc như nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ở xứ Đoài. Các làng cổ hai bên bờ sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ… rất thạo nghề kéo kén ươm tơ; nổi tiếng nhất là các làng: Vạn Phúc ở Hà Đông, Cổ Đô ở Ba Vì, Phù Lưu Tế ở Mỹ Đức v.v.. Đã có thời, các nghệ nhân làng Cổ Đô được đặc trách dệt lụa tiến vua; lại có thời người dân làng Vạn Phúc mang tơ lụa làng mình sang tận châu Âu đấu xảo. Nghề dệt lụa ở xứ Đoài trước đây còn gắn bó với tên tỉnh-như cách ngày nay ta gọi là thương hiệu để khắp nơi biết tiếng: Hà Tây quê lụa/ Đất lúa Thái Bình/ Quảng Ninh than đá…
|
Cổng làng Vạn Phúc, một di tích văn hóa làng nghề. Ảnh tư liệu
|
Nhắc đến tơ lụa xứ Đoài phải kể trước tiên đến làng lụa Vạn Phúc, nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông của thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 10 cây số về phía Tây Nam, là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất nước ta, tương truyền từng được chọn may trang phục cho triều đình, gọi là “lụa tiến vua”
Làng Vạn Phúc cổ tự là Vạn Bảo, do kỵ húy nhà Nguyễn nên đã đổi thành Vạn Phúc. Theo truyền thuyết, cách đây khoảng hơn 1.100 năm, bà vợ của Thái thú Cao Biền từng sống ở trang Vạn Bảo. Trong thời gian ở đây, bà đã dạy dân cách làm ăn và truyền nghề dệt lụa từ đất nước Trung Quốc của bà. Sau khi mất, bà được phong làm thành hoàng làng, nay vẫn còn miếu thờ ở làng Vạn Phúc. Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được giới thiệu ra quốc tế tại các hội chợ Mác-xây và sau đó là Pa-ri (năm 1932), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp. Ngày nay, lụa vạn Phúc đã được xuất khẩu hoặc theo chân du khách đến nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành một đặc sản của Việt Nam và góp phần thu ngoại tệ về cho đất nước. Theo thống kê cách nay 5 năm, làng Vạn Phúc có khoảng 1000 khung dệt, sản xuất nhiều loại lụa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, trong đó có các loại lụa cao cấp như lụa "Vân quế hồng diệp" và lụa "Vân lưỡng long song phượng". Năm 2010, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã thiết kế mẫu lụa "Long Vân" với hoa văn mang hình tượng lưỡng long chầu Khuê Văn Các.
Tơ lụa Vạn Phúc có nhiều loại: Lụa, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi… Trong đó, nổi tiếng nhất có lẽ là lụa vân-loại lụa mà hoa văn nổi vân trên mặt lụa mượt. Bởi thế dân gian có câu: The La, lĩnh Bởi, chồi Phùng/Lụa Vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn… Lụa vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung có đặc điểm ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như: Mẫu Song Hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý...
Trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, phường Vạn Phúc đã có nhiều thay đổi, với định hướng phát triển làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa. Hằng năm, làng nghề dệt Vạn Phúc đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đặc biệt, từ khi được sáp nhập về thủ đô Hà Nội (năm 2008) đến nay có gần 1 vạn đoàn, với hơn 7,8 vạn lượt khách quốc tế và hơn 39 vạn lượt khách trong nước đến tham quan, trao đổi, mua bán sản phẩm làng nghề. Hiện nay, trên địa bàn phường Vạn Phúc có hơn 300 cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình… sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề. Trong đó có 30 cơ sở, doanh nghiệp và hơn 200 hộ với khoảng 250 máy dệt và hơn 150 cửa hàng kinh doanh tơ lụa và dịch vụ thương mại. Để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, từ năm 2003, phường Vạn Phúc đã quy hoạch và đầu tư xây dựng điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề với diện tích 13ha. Mục tiêu phát triển trong những năm tới của Vạn Phúc là tập trung phát triển kinh tế làng nghề theo hướng bền vững; phát huy giá trị văn hóa làng nghề, xây dựng phường Vạn Phúc trở thành điểm du lịch làng nghề hấp dẫn du khách trong và ngoài nước…
Một nét văn hóa cổ truyền mà hiện nay ở Vạn Phúc vẫn còn giữ được là mỗi khi làng có các cụ hưởng thượng thọ, đại thọ… thì Mặt trận Tổ quốc phường thay mặt dân làng tặng mỗi cụ một mảnh lụa của quê hương. Trong tâm linh của người Vạn Phúc, lụa là kết quả của quá trình trồng dâu nuôi tằm kéo kén, ươm tơ cho đến lúc dệt, là kết tinh sản phẩm của trời - đất, thắm đượm công sức, tài hoa của con người, là sản phẩm quý giá của quê hương. Vì vậy, con cháu tặng sản vật quý nhất của làng cho các bậc cao niên đáng kính, đáng trọng là món quà hết sức ý nghĩa. Sắc thái văn hoá nghề nghiệp ở làng dệt Vạn Phúc thấm sâu trong tình cảm, trong lối ứng xử của con người xứ Đoài bách nghệ.
Ngoài tơ lụa Vạn Phúc, ở xứ Đoài còn nhiều làng nghề nổi tiếng khác như: Nghề làm nón làng Chuông (huyện Thanh Oai); nghề khảm trai làng Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên); Nghề thêu ren ở làng Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng); Nghề tạc tượng ở làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); nghề rèn sắt ở làng Đa Sĩ (nay thuộc quận Hà Đông); nghề làm quạt ở làng Vác (huyện Thanh Oai); nghề giò chả ở làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai) v.v.. Các làng nghề phong phú và nổi tiếng của xứ Đoài kể trên đã góp phần làm giàu có thêm những truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước, trở thành những di sản văn hóa vô cùng quý báu của thủ đô Hà Nội ngày nay.
LƯƠNG NGỌC HÀ