Triển lãm như một món quà tri ân các bà, các mẹ nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10).
|
|
“Nụ cười của mẹ” (mẹ Nguyễn Thị Yến ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). |
|
|
“Mẹ đang sống thay con” (mẹ Trần Thị Nuôi, ở huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Ảnh của nhà báo TRẦN HỒNG trưng bày tại triển lãm. |
Trong dòng người tham quan triển lãm, TS Nguyễn Thị Hậu, một chuyên gia giáo dục hiện đang công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng khá lâu bên bức ảnh “Bà mẹ quê lúa” Trịnh Thị Nhu, sinh năm 1937, ở xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, rồi đưa tay gạt những giọt nước mắt. Chị nói: “Đây là khoảnh khắc đời thường của bà ngoại tôi. Bức ảnh được nhà báo Trần Hồng chụp khi bà 105 tuổi. Bà vẫn rất minh mẫn, tỉnh táo và thông tỏ mọi điều cho đến khi về với tổ tiên một thời gian sau đó. Đến xem triển lãm, cảm xúc trong tôi thật sự dâng trào khi gặp lại hình ảnh bà ngoại của mình, người đã nuôi dạy tôi từ lúc còn rất bé cho đến khi trưởng thành. Bà là một người mẹ anh hùng, một người mẹ mẫu mực trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”... Bà Đinh Thị Giám năm nay 87 tuổi, nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của Trường cấp 2 Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đến dự triển lãm cũng có tâm trạng xúc động bởi bà là một nhân vật trong số các bức ảnh của nhà báo Trần Hồng trưng bày tại triển lãm. Bà Giám là vợ của GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Huỳnh. Trong những năm kháng chiến, chồng thường xuyên công tác xa nhà, bà vừa đảm đang việc nước, vừa nuôi dạy 5 người con học hành thành đạt. Trong đó, người con trai thứ hai là TS Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; con trai út là GS, TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia...
|
|
TS Nguyễn Thị Hậu xúc động bên hình ảnh bà ngoại của mình-“Bà mẹ quê lúa” Trịnh Thị Nhu. |
90 bức ảnh là 90 khoảnh khắc tự nhiên, ấn tượng, là biết bao câu chuyện xúc động về các bà mẹ trên dải đất Việt Nam, đã được Đại tá, nhà báo Trần Hồng ghi lại trong suốt chặng đường hơn 40 năm bấm máy. Không chỉ có những người mẹ, người vợ của những người lính đã hy sinh trong chiến tranh, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà còn có rất nhiều người mẹ trong thời bình với niềm vui, nỗi buồn, sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Những khoảnh khắc, những câu chuyện được sắp xếp theo các chủ đề: “Mẹ-hằn sâu nỗi nhớ”, “Mẹ-khoảnh khắc đời thường” và “Tự hào người mẹ Việt Nam anh hùng”. Trong các chủ đề này, người xem được gặp những hình ảnh đặc biệt về các bà mẹ giản dị, chất phác, chân thật trong đời thường, những nỗi đau ẩn giấu trong đôi mắt, trên mái tóc, vết chân chim hay cái nhìn xa xăm chờ đợi, ngóng trông... Những người mẹ bình dị mà cao quý. Dù là một bà mẹ bình thường, một vị giáo sư, nữ anh hùng, nữ biệt động hay các bà mẹ của liệt sĩ đều được ông trân trọng và thể hiện bằng tình yêu của trái tim người lính. Với ông, tất cả bà mẹ trên dải đất hình chữ S đều là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bởi họ đều có tình thương con vô bờ bến, có tấm lòng vị tha, đức hy sinh cao cả...
|
|
Bà Đinh Thị Giám, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh gặp lại hình ảnh của mình tại triển lãm. Ảnh: MINH THÀNH |
Trong quãng đời làm báo của mình, nhà báo Trần Hồng cảm thấy thật may mắn và vinh dự khi được gặp gỡ, tâm sự, lắng nghe câu chuyện của các bà mẹ. Có điều, ông chưa thấy bà mẹ nào có được nụ cười trọn vẹn, bởi đằng sau nụ cười của các bà, các mẹ là sự hy sinh to lớn. Tại triển lãm, không ít người xem đã rưng rưng xúc động với bức chân dung và câu chuyện được tác giả kể về bà Doãn Thị Ngọc Trâm, mẹ của liệt sĩ, bác sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Thùy Trâm. Dù đã ở tuổi 95 nhưng bà vẫn giữ được nét đẹp phúc hậu, trí thức của người phụ nữ Hà thành. Bà không đeo kính, tay thoăn thoắt cầm bút viết rất nhanh... “Mẹ của Đại tướng” là tác phẩm kể về bà Đỗ Thị Thoa, 98 tuổi, một người mẹ cả cuộc đời tần tảo nuôi con khôn lớn bởi chồng hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi con mới chập chững biết đi... Người con trai sinh năm 1949 của mẹ chính là Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhiều người đã lặng đi khi xem bức ảnh bà Đặng Bích Hà (phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp) lặng lẽ sắp xếp tài liệu, thư từ trong những ngày Đại tướng phải nằm viện điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bên cạnh chiếc ghế mà Đại tướng thường ngồi. Rồi bức ảnh bà vợ của nhà văn Sơn Tùng, người đã tận tụy chăm sóc chồng từng thìa cháo, muỗng cơm đến ghi chép các bản thảo sáng tác của ông...
|
|
Triển lãm thu hút đông đảo người xem. |
Những bức ảnh chân dung mẹ đã mang đến cho người xem hình ảnh thân quen đâu đó về người bà, người mẹ của mình, như được gặp lại những dòng sữa mát trong, lời ru ngọt ngào bên cánh võng từ thuở ấu thơ... “Chúng ta không chọn được mẹ mình nhưng chúng ta chọn được cách sống làm sao cho phải đạo với mẹ... Một bà mẹ mất con là mất cả tương lai. Vậy mà mẹ Thứ mất tới 9 người con. Đức hy sinh ấy chính là phẩm chất văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Và tôi cũng cảm thấy vinh dự khi thể hiện được một phần nhỏ về phẩm chất văn hóa của người Việt Nam”-nhà báo Trần Hồng nghẹn ngào chia sẻ.
HÀ THANH MINH