Đặc biệt, tượng đài Bác Hồ và những bức tượng bán thân Bác Hồ đặt trang trọng ở những cơ quan, đơn vị khắp cả nước là tác phẩm để đời của ông.
Từ chiến sĩ đánh máy trở thành nghệ sĩ tạo hình
    |
 |
Nghệ sĩ tạo hình Minh Đỉnh bên phác thảo tượng đài Bác Hồ |
Ngay thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Minh Đỉnh đã có mặt ở Trường Sơn, sống và chiến đấu trong đội hình một đơn vị thuộc Binh đoàn Trường Sơn. Sau một thời gian, ông được đơn vị phân công làm văn thư, đánh máy chữ. Tại một ngách đá ở dãy Trường Sơn ấy, sau những giờ làm việc căng thẳng, Minh Đỉnh lại dành thời gian vẽ tranh, tạc tượng và trưng bày ngay tại nơi làm việc của mình. Giữa thời bom đạn ác liệt của chiến tranh nơi mặt trận, không mấy ai để ý tới sở thích cá nhân ấy của ông. Nhưng rồi có một lần, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên vào thăm và kiểm tra các đơn vị dọc tuyến đường Trường Sơn, có nghỉ lại ở đơn vị của Minh Đỉnh. Sau giờ làm việc với ban chỉ huy, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tranh thủ đi thăm các chiến sĩ. Vào ngách đá nơi Minh Đỉnh làm việc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chợt phát hiện ra những tranh, tượng bài trí ở đây. Ông quay sang hỏi Minh Đỉnh và khi biết đó chính là những sáng tác của Minh Đỉnh, ông ngạc nhiên lắm. Ông hỏi chuyện và biết Minh Đỉnh chưa học qua trường lớp mỹ thuật nào thì lại càng ngạc nhiên. Khi quay lại sở chỉ huy đơn vị, ông nói với các cán bộ chỉ huy ở đây cử Minh Đỉnh ra ngoài Bắc để đi học.
Lần sau trở lại Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cũng lại dừng chân ở đơn vị Minh Đỉnh đóng quân và ông thấy Minh Đỉnh vẫn miệt mài bên chiếc máy chữ trong ngách đá như trước, ông tỏ ý không hài lòng. Ông hỏi lý do chỉ huy đơn vị chưa cho Minh Đỉnh ra Bắc đi học thì đồng chí chỉ huy đơn vị nói: “Báo cáo Tư lệnh, chiến trường đang thiếu quân, đưa được một chiến sĩ từ Bắc vào đến đây là khó khăn lắm. Vì vậy nên đơn vị chưa thể cử đồng chí Đỉnh ra Bắc học được”. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nói ngay: “Tôi biết là chiến trường đang rất thiếu quân. Các đồng chí cần 1.000 quân, tôi có thể lo được. Nhưng trong số 1.000 người ấy, nếu cần chọn ra một chiến sĩ có năng khiếu về sáng tác mỹ thuật như Minh Đỉnh thì chưa chắc đã có. Vì vậy, cần cử ngay đồng chí Đỉnh ra Bắc học ngành mỹ thuật để sau này phục vụ cho công tác tuyên truyền, cổ vũ cho quân đội”. Thế là ngay sau đó, Minh Đỉnh đã ngược Trường Sơn ra Bắc để học ở trường mỹ thuật rồi trở thành nghệ sĩ tạo hình, dành trọn cuộc đời phục vụ quân đội.
Mấy chục năm sau, khi là cán bộ của xưởng mỹ thuật quân đội (Tổng cục Chính trị), thỉnh thoảng Minh Đỉnh vẫn tâm sự với bạn bè, đồng đội rằng: “Tôi rất biết ơn Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ông đã phát hiện ra tôi và giúp tôi thực hiện được ước nguyện lớn của cuộc đời”.
Và với kiến thức cơ bản học được tại nhà trường cùng tài năng và tâm huyết với nghề, Minh Đỉnh đã từng bước trưởng thành trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị.
Những ngày quên ăn, những đêm quên ngủ
Minh Đỉnh có một gian nhà nhỏ cấp 4 tại xưởng mỹ thuật quân đội do cơ quan phân cho. Đây là nơi ông làm việc và vì quá đam mê công việc nên có thời gian, ông ít về nhà với vợ con. Thời kỳ “thai nghén” một tác phẩm nào đó, ông cứ ở lỳ trong gian nhà nhỏ ấy suốt ngày đêm, hiếm khi ra ngoài. Tôi từng là hàng xóm với ông 13 năm. Có lần 9-10 giờ đêm tôi mới thấy ông xì xụp ăn bát mì tôm mà chân tay còn dính bùn đất và thạch cao. Tôi hỏi ông: “Sao giờ này anh mới ăn mà lại chỉ có bát mì tôm thế thôi à?”. Ông cười rất hiền và bảo: “Tớ mải hoàn thiện bức tượng đài Bác Hồ sẽ đặt ở Cao Bằng”. Thời điểm đó là năm 1995, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng phát động cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài Bác Hồ đặt ở Cao Bằng, thể hiện hình ảnh bao năm Bác bôn ba tìm đường cứu nước và năm 1941 mới trở về. Minh Đỉnh tham gia cuộc thi này. Vài tháng sau tôi sang chơi, ông Đỉnh đưa tôi xem 3 bức ảnh chụp mẫu tượng đài do ông sáng tác. Hôm ấy ông vui lắm, thông báo ngay với tôi rằng cả 3 mẫu tượng mà ông tham gia dự thi đều được giải cao. Ông lại chỉ vào 3 bức ảnh và nói: “Hôm nọ tớ chụp không biết nó lộ sáng thế nào mà lại ra mấy màu nền ảnh lạ như thế này chứ!”. Tôi chúc mừng ông và vui lây với niềm vui của ông, cùng chờ đợi xem Cao Bằng sẽ chọn dựng mẫu tượng nào.
Kết quả cuối cùng không phụ lòng ông. Từ 30 mẫu tượng dự thi, qua các vòng thi, mẫu tượng Bác Hồ mặc áo dân tộc Nùng của tác giả Nguyễn Minh Đỉnh đã được Cao Bằng chọn để xây dựng tượng đài Bác Hồ ở tỉnh. Công trình tượng đài Bác Hồ chính thức khởi công ngày 2-9-1998. Tượng đài được tạc từ khối đá lớn cao 6m, bệ cao 3m, nặng 10 tấn. Tượng đài Bác Hồ uy nghi mà giản dị, vầng trán mênh mông, phong thái ung dung tự tại, gương mặt đôn hậu, hồng hào, đôi mắt tinh anh và cái nhìn xa bao quát cả non sông đất nước; bộ quần áo Nùng giản dị, chân đi đôi dép cao su. Bệ tượng mô phỏng cách điệu hóa núi Các Mác, suối Lênin. Xung quanh là khuôn viên cây cảnh, thềm lát đá, có bồn nước và đài phun rộng gần 2.000m2. Tượng đài Bác Hồ được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 59 năm Ngày Bác về nước (28-1-1941 / 28-1-2000) và 70 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 / 3-2-2000).
    |
 |
Tượng đài Bác Hồ tại Cao Bằng |
Sau thành công của tượng đài Bác Hồ ở Cao Bằng, Minh Đỉnh tập trung sáng tác tượng bán thân Bác. Lại ngày đêm miệt mài lao động. Trước cửa nhà ông lúc nào cũng có đống đất sét được nhào kỹ, bên cạnh là đống thạch cao. Chân tay, quần áo và cả mặt mũi ông đều nhem nhuốc bùn đất. Khách đến chơi, ông mới dừng tay đi rửa qua loa để ngồi tiếp khách. Vốn nổi tiếng về tạc tượng chân dung, trong nhà ông lúc nào cũng có một số tượng chân dung, bức thì đã hoàn thiện, bức còn đang dở dang. Khi tạc tượng chân dung ai, ông chỉ cần chụp hai kiểu ảnh, một kiểu thẳng, một kiểu nghiêng và bắt đầu phác thảo. Khi tượng đã hoàn thành, dù là chất liệu gì, thạch cao, đất nung, đồng hoặc composit, ai cũng thấy hài lòng vì giống mình quá. Chính vì vậy, khi sáng tác mẫu tượng bán thân Bác Hồ, ông lại càng tâm huyết, dành hết trí lực, tài năng vào tác phẩm đó.
Vào khoảng năm 2000, Minh Đỉnh đã hoàn thiện mẫu tượng bán thân Bác Hồ. Khi đó, Thiếu tướng Phạm Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Tuyên huấn và nhà văn quân đội Phạm Hoa đến thăm, xem xét kỹ mẫu tượng này và đều thừa nhận đó là mẫu tượng Bác rất hoàn hảo. Hai ông đã báo cáo lên Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng, đề xuất mua lại bản quyền của Minh Đỉnh và cho sản xuất hàng trăm bức tượng ấy bằng đồng với hai cỡ khác nhau, trong đó có cỡ cao 1,1m để Bộ Quốc phòng tặng các cơ quan nhà nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị cấp sư đoàn trong toàn quân; cỡ nhỏ hơn cấp cho đầu mối các trung đoàn đặt tại hội trường và cấp tiểu đoàn đặt tại các phòng Hồ Chí Minh.
Là nghệ sĩ nổi tiếng, có những đóng góp lớn nhưng Minh Đỉnh lại là người sống rất chân thành, giản dị, khiêm tốn. Chưa ai thấy ông nói to và tự ca ngợi mình bao giờ. Những lần tôi sang chơi với ông, ông thường nói rất thực lòng: “Tớ ít đi đây đi đó như cậu nên ít biết những chuyện ngoài xã hội, càng không biết đến những mánh lới làm ăn và những chuyện xã hội đời thường. Thỉnh thoảng cậu sang chơi với tớ, kể cho tớ nghe với”.
Minh Đỉnh đã sớm ra đi ở tuổi 67 khi ông còn những dự định sáng tác dang dở. Nhưng những tác phẩm nghệ thuật ông để lại cho đời còn sống mãi với thời gian. Bởi cả cuộc đời, ông đã hiến dâng cho nghệ thuật, cho cuộc sống, đặc biệt là những bức tượng Bác Hồ. Bài viết này là nén nhang thơm của tác giả tưởng nhớ tới người nghệ sĩ-chiến sĩ, người hàng xóm một thời ở xóm nhà binh Vân Hồ.
Bài và ảnh: ĐỨC TOÀN