Tôi đọc bài thơ "Tấm bản đồ" của tác giả Vũ Huế đăng trên báo Quân đội nhân dân cuối tuần số 572 (850) ra ngày 17-12-2006. Mới xem cái tít, quả thực tôi định bỏ qua không đọc, bởi nó thật… khô, chẳng gợi được cảm xúc gì. Vậy mà khi đọc nó, tôi mới thấy bài thơ hàm chứa bao điều đáng đọc, đáng suy ngẫm.

"Trán chính ủy hằn sâu đường bình độ"- Câu thơ mở đầu thật bất ngờ bởi giọng thơ y như kiểu đùa tếu táo của "con nhà lính". Tiếp đến là sự "diễn giải" cứ như tác giả đang giảng bài về môn địa hình: "Núi càng cao bình độ càng dày". Phải là người gần gũi, thân thiết lắm mới có lối ví von như thế: "Tôi-người theo-ví ông như thế/ Nếp nhăn dày, trán hơn cả vân tay". Nếp nhăn trên trán là chuyện bình thường ở những người đứng tuổi, bởi những cán bộ đã phát triển lên đến chức vụ chính ủy thì đều là người từng trải, nhưng phải chăng vì thế mà nếp nhăn trên trán người chính ủy này hằn sâu "hơn cả vân tay"?

"Chỉ vì đánh đấy mà sao vẫn cứ thấy đau thay

Cái đau ấy chính là tổn thất

Dẫu nhỏ hơn nhiều lần cho phép

Thắng đấy mà sao vẫn cứ đau thay"

Ra thế! Nếp nhăn hằn sâu ấy vì nỗi đau về sự hy sinh mất mát của đồng chí, đồng đội, chứ đâu phải vì tuổi tác, mới thấy hàm ý sâu xa của cách ví von mộc mạc trên. Mỗi trận đánh, bao giờ chẳng có tổn thất, mà lúc nào cũng được dự tính trước. Tác giả gọi sự tổn thất ở đây là "dẫu nhỏ hơn nhiều lần cho phép, dù biết rằng cái giá phải trả cho mỗi trận đánh đều phải trả bằng xương máu, điều không ai muốn ấy vẫn cứ phải xảy ra! Chúng ta đã từng nghe chuyện về những vị tướng "biết quý từng giọt máu của mỗi chiến binh", khi mọi người hân hoan mừng chiến thắng thì người chỉ huy lại lặng lẽ khóc thầm. Người chính ủy ở đây cũng vậy, vì đau nỗi đau đó mà trán đã hằn sâu. Cụm từ "mà sao vẫn thấy đau thay" được láy lại hai lần ở câu thơ đầu và câu thơ cuối khổ thơ này có lẽ để nhấn thêm về cái nỗi đau còn đeo đẳng mãi. Đoạn thơ sau: "Cậu Vẫn, cậu Trung, cậu Dự, cậu Mây"-những cái tên được gọi bằng "cậu" nghe thật gần gũi, thân tình như đứa em, đứa cháu. "Tuổi họ trẻ còn hơn cả trẻ"-Tôi cứ suy ngẫm mãi về câu thơ này, mới đọc thấy cắc cớ, nhưng ngẫm sâu mới thấy đây là sự sáng tạo trong dùng từ của tác giả, bởi nếu nghĩa đen của nó là "trẻ như không thể trẻ hơn được nữa" thì cách viết "trẻ còn hơn cả trẻ" đã làm cho ta thấy sự hy sinh của họ đau đớn, xót xa hơn nhiều, bởi vì: "đánh xong họ không còn nữa". Ở cái tuổi "trẻ hơn cả trẻ" ấy, bỗng chốc họ trở thành người thiên cổ, đau lắm thay!

Những vị chính ủy đã trở thành hình tượng trong rất nhiều tác phẩm văn học viết về chiến tranh cách mạng và người lính, nhưng vẫn rất hiếm trong thơ ca. Vũ Huế, người "vẽ" nên bức chân dung người chính ủy bằng thơ này thật hóm khi viết tiếp hai khổ thơ cuối cùng đậm "chất lính": "Tôi (người đi theo chính ủy lâu năm)/ Làm cái việc gọi là "cần vụ"-Thì ra "cậu cần vụ" này vì "theo" thủ trưởng đã "lâu năm" nên cảm nhận được nỗi lòng của thủ trưởng sâu như thế. Chẳng có gì lạ khi "cậu cần vụ" này tự nhận mình đã: "Lây" bởi ông những điều "muôn năm cũ"/Ngay cả khi tôi đã về rồi". Và còn hơn thế, "cậu cần vụ" còn nặng lòng khi nghĩ về chính ủy, nghĩ về cái nếp nhăn hằn sâu ấy với niềm thành kính:

"Ngay cả khi cuộc chiến xong rồi

Tôi về sống với làng với xóm

Nhưng cứ nghĩ mà thương vầng trán

"Tấm bản đồ" chi chít những đường cong"

Cái điều "muôn năm cũ" ở đây có lẽ là sự ân nghĩa với đồng đội, là nỗi ám ảnh không nguôi của những người đã đi qua cuộc chiến?

Bài thơ "Tấm bản đồ" dẫu chỉ khắc họa mấy nét về vị chính ủy, qua góc nhìn của người "cần vụ" nhưng vẫn hiện lên một bức chân dung rất có hồn, có chiều sâu. Dù chưa thật trau chuốt giữa tứ và lời, nhưng sự mộc mạc đầy "chất lính" ấy lại khiến cho người đọc xúc động khá mạnh. Bài thơ "Tấm bản đồ" của Vũ Huế một lần nữa làm chúng ta hiểu sâu sắc thêm về một thế hệ chính ủy, chính trị viên thời chiến tranh. Những hình ảnh cao đẹp ấy còn tỏa sáng mãi cho lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau cùng suy ngẫm và học tập, noi theo…

NGUYỄN HOÀNG SÁU