Khi nghiên cứu về các lễ hội truyền thống ở Việt Nam nhận thấy có một số đặc điểm chung nổi bật, đó là việc ứng xử với lễ hội rất văn hóa và mang tính cộng đồng rất cao.

Nhân dân đến với lễ hội truyền thống thành tâm, thành kính, có nền nếp, trật tự và thống nhất. Với mục đích cầu mong “người yên vật thịnh” nên người Việt có niềm tin về “cái thiêng” trong lễ hội. “Cái thiêng” là tình cảm tôn giáo, được thể hiện trong lễ hội bằng các biểu tượng đặc trưng là các báu vật thiêng. Theo quan niệm của người dân, những vật thiêng này có giá trị đặc biệt, đem lại sự may mắn cho người dự hội.

Để đáp ứng mục đích này, việc quản lý lễ hội làng của người Việt xưa cũng rất chặt chẽ, mang tính kỷ luật, tôn nghiêm. Dân làng lựa chọn những người uy tín cao, phẩm giá trong sáng để cử ra lo việc thờ cúng thần linh, tổ chức lễ hội. Đó là hội đồng quan viên, cai đám và thủ từ. Họ có nhiệm vụ chủ tế, “sự thần” (nghĩa vụ làm các công việc với thần linh) và thực thi các nhiệm vụ tổ chức lễ hội.

Trong lễ hội truyền thống, người dân thực sự là chủ thể. Mỗi người trong làng sẽ tham gia gánh vác một việc nào đó trong tổ chức lễ hội. Có người được khiêng kiệu, rước lễ là một vinh dự cho cả phe, giáp, dòng họ. Khi lễ hội diễn ra, dân làng là đối tượng tham gia lễ hội chủ yếu.

Ngày nay, lễ hội truyền thống có những thay đổi. Điều đáng lo ngại là ứng xử với lễ hội không còn nguyên gốc, có những biểu hiện làm mai một văn hóa truyền thống được hun dựng từ ngàn đời.

Biểu hiện rõ nhất là nhiều lễ hội làng đã phát triển thành lễ hội vùng, thậm chí là lễ hội chung của liên vùng. Đối tượng người đến dự hội không chỉ là dân làng, mà còn có du khách trong và ngoài nước, nhiều khi dẫn tới tình trạng quá tải. Nguyên nhân chính của việc này là do đời sống người dân ngày càng được cải thiện, hệ thống giao thông, truyền thông phát triển, lượng khách du lịch có nhu cầu tham dự các lễ hội tăng nhanh, trong đó có tầng lớp thanh niên (nhất là lễ hội có các hành động, sự kiện lạ, hợp thị hiếu).

Vì vậy, khi một làng quê tổ chức lễ hội thì khách thập phương tham gia rất đông, gấp từ hàng chục đến hàng trăm lần so với số dân của làng. Nhưng đáng lo ngại là khi đến với lễ hội, người dân, du khách không còn hào hứng trước các màn nghi lễ mời thánh, dâng rượu, dâng hoa, tế và đọc chúc văn, mà chỉ mong được cướp các vật thiêng.

Từ nhu cầu, thị hiếu của người dân và xã hội, với mong muốn thu hút được nhiều du khách, qua đó củng cố nguồn thu từ sự tiêu dùng các dịch vụ, ban tổ chức lễ hội tiến hành thương mại hóa lễ hội. Họ thuê các công ty sự kiện, các đoàn nghệ thuật đứng ra tổ chức, dàn dựng chương trình. Người dân-chủ thể của lễ hội-chỉ đóng vai trò thụ động như các du khách. Ở một số nơi, từ việc trang trí khánh tiết, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức các hoạt động đều ít hoặc thậm chí thiếu vắng sự tham gia của ngành văn hóa-thể thao địa phương. Có thể thấy, vai trò của địa phương, người dân-chủ thể sáng tạo của lễ hội cổ truyền-ở một số nơi đã bị đánh mất.

Đáng buồn là các lễ hội hiện nay đều bán mặt bằng cho các hộ kinh doanh theo các mức giá khác nhau, khiến lễ hội vốn là nơi thực thi văn hóa tâm linh tín ngưỡng bỗng chốc biến thành khu phố ẩm thực ồn ào với loa đài công suất lớn, biến thành công viên với nhiều trò chơi, thậm chí là những trò cờ bạc ẩn dưới danh nghĩa trò chơi có thưởng.

Cách đây hơn hai tháng, tôi gặp và trò chuyện với một người bạn học chuyên kinh doanh xe điện phục vụ trẻ em vui chơi ở các lễ hội. Anh cho biết, nhờ lễ hội truyền thống mà vợ chồng anh có của ăn của để, trở thành đại gia trong làng. Giai đoạn đầu, khi chưa có vốn, sau Tết Nguyên đán hằng năm, vào mùa lễ hội, vợ chồng anh đạp xe thồ hàng lê la khắp các đình chùa có hội trong vùng để bán hàng ăn lặt vặt. Khi lưng vốn đã kha khá thì anh chuyển sang làm nhà hơi, nhà bóng và bây giờ là xe điện. Anh nói, tùy từng địa phương và tùy từng lễ hội mà các ban quản lý lễ hội lấy kinh phí mặt bằng khác nhau.

Cuối cùng, anh thổ lộ, bán hàng lễ hội có lợi nhuận cao vì ít bị cơ quan, tổ chức nào quản lý về giá và an toàn thực phẩm cũng như vấn đề an toàn. Ví dụ, một cốc nước mía có giá 15.000 đồng; một quả dừa có giá 30.000 đồng; trẻ em đi xe điện của anh trong 10 phút phải trả 50.000 đồng.

leftcenterrightdel

Ứng xử với lễ hội truyền thống. Minh họa: HẢI LÂM 

Thực tế cho thấy, đến bất cứ lễ hội nào hiện nay cũng thấy số lượng người bán hàng rất đông và không thiếu bất cứ thứ gì, từ đồ hành lễ, thức ăn, đồ uống đường phố cho đến đồ chơi trẻ em, thậm chí là thực phẩm tươi sống và quần áo, vật lưu niệm... Không gian lễ hội vốn chỉ phục vụ người trong làng là chính bỗng chốc trở nên quá tải, gây ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy và luôn hiện hữu nguy cơ mất an toàn.

Nếu ai từng đi lễ ở chùa Hương, một trong những lễ hội lớn của vùng Đồng bằng Bắc Bộ sẽ thấy hai bên lề đường núi lên động Hương Tích quanh co, nhỏ hẹp san sát hàng quán. Các tiểu thương cung cấp đủ loại dịch vụ khác nhau. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá mặt bằng nơi này đắt chẳng kém giá thuê những gian hàng trong siêu thị tiện nghi ở các thành phố lớn. Và ở đây vẫn có tình trạng xung đột giữa người mua với người bán về chất lượng hàng hóa, giá cả.

Từ những vấn đề này, theo ý kiến cá nhân tôi, với xu thế phát triển mạnh mẽ của xã hội như hiện nay, nhu cầu của người dân về lễ hội cũng có sự thay đổi cho nên việc tổ chức lễ hội cần có phương án mở thay vì quan điểm lấy các nguyên tắc tổ chức lễ hội truyền thống làm khuôn mẫu. Bên cạnh đó, chính quyền và ngành văn hóa các địa phương phải chủ động vào cuộc để nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội sao cho vừa văn hóa, văn minh và an toàn, đồng thời ngăn ngừa tình trạng lợi dụng lễ hội để trục lợi.

Tôi cho rằng, các địa phương có lễ hội cần phải chủ động xây dựng bộ quy tắc ứng xử công khai, minh bạch dựa trên nguyên tắc chung: Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản lễ hội theo hướng phát triển bền vững. Bảo vệ tính đặc sắc, đa dạng của các thành tố văn hóa lễ hội (các nghi lễ, nghệ thuật ngôn từ như văn cúng, lời của các bài khấn...), nghệ thuật trang trí, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật ẩm thực, các trò chơi... tạo thành chỉnh thể nguyên hợp của lễ hội.

Cần tôn trọng mục đích tổ chức lễ hội của cộng đồng địa phương là nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, các nhân vật lịch sử có công bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước; hình thành hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp cho mỗi người. Loại bỏ xu hướng tổ chức lễ hội với mục đích trục lợi cá nhân, chạy theo lợi ích vật chất, phục vụ lợi ích nhóm. Thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Là đất nước có nền văn minh lúa nước và lấy nông nghiệp là phương thức sản xuất chính nên trong lịch sử, lễ hội của người Việt thường tổ chức vào mùa xuân, thời gian nông nhàn. Người dân thường đến với lễ hội trong trạng thái nhàn tản, vui vẻ và thành kính.

Ngày nay, người dân, du khách đến lễ hội với nhiều mục đích khác nhau, trong đó không hiếm người đến để giải trí. Song không ít lễ hội có cách tổ chức chưa bài bản, chưa thể hiện được đặc trưng, đặc sắc và bản sắc văn hóa truyền thống... làm cho nhiều người thất vọng.

Nếu còn để tình trạng lợi dụng lễ hội để tăng thu từ các hoạt động kinh tế quá mức thì khó lòng quản lý chặt chẽ để phát huy được giá trị văn hóa nguyên nghĩa của lễ hội.

TS BÀN TUẤN NĂNG