Tướng quân Hoàng Công Chất tên thật là Hoàng Công Thư, sinh năm 1706, xuất thân trong gia đình nông dân nghèo ở làng Hòa Xá, huyện Thư Trì, trấn Nam Sơn Hạ, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông là một lãnh tụ nông dân kiệt xuất, dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình mục ruỗng thời Lê-Trịnh để cứu giúp dân nghèo, bảo quốc an dân, diệt cường hào ác bá, lấy của người giàu chia cho dân nghèo.

Lịch sử ghi lại rằng, vào những năm đầu của thế kỷ 18 xuất hiện giặc Phẻ rất mạnh và vô cùng tàn ác, từ phương Bắc tràn xuống vùng Mường Thanh, Điện Biên, cướp phá, giết hại vô số dân lành, khiến nhiều người phải bỏ làng ra đi.

Năm 1751, nghe tin có ông tướng người miền xuôi lên, đang đóng quân ở thượng Lào (các tỉnh giáp biên với Điện Biên). Hai thủ lĩnh người dân tộc Thái ở địa phương là Lò Văn Ngải và Lò Văn Khanh đã sang gặp, liên kết với nghĩa quân của Hoàng Công Chất lãnh đạo nhân dân tiến đánh giặc Phẻ. Trải qua nhiều trận đánh ác liệt, với tinh thần đoàn kết một lòng, chiến đấu dũng cảm, đầu năm 1754, tướng quân Hoàng Công Chất, cùng tướng Ngải, tướng Khanh và nghĩa quân đã đánh tan lũ giặc, giải phóng hoàn toàn Mường Thanh, đem lại sự yên bình cho vùng biên cương Tổ quốc.

Sau chiến thắng giặc Phẻ, năm 1758, tướng quân Hoàng Công Chất quyết định ở lại Điện Biên, dạy dân cấy lúa, dệt vải, khai hoang, phát triển sản xuất; cho xây dựng Thành Bản Phủ, một thành lũy vững chắc, kiên cố làm thủ phủ của nghĩa quân. Trong khoảng thời gian từ năm 1758 đến 1762, nghĩa quân Hoàng Công Chất vừa xây dựng Thành Bản Phủ vừa đẩy mạnh phạm vi hoạt động ra khắp 10 châu của phủ An Tây, phía Bắc đến tận vùng Vân Nam (Trung Quốc), phía Nam đến tận Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa.

leftcenterrightdel
 Rước kiệu dâng lễ trong Lễ hội Thành Bản Phủ.

 

Lễ hội Thành Bản Phủ năm 2024 là một trong các hoạt động kỷ niệm 270 năm chiến thắng của nghĩa quân Hoàng Công Chất, giải phóng Mường Thanh (1754-2024); tưởng niệm 255 năm Ngày mất của ông; gắn với Năm Du lịch quốc gia-Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban; kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây không chỉ là một hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc mà còn là sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh, giới thiệu đến du khách thập phương nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn. Đồng thời là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

leftcenterrightdel
 Đồng bào dân tộc Khơ Mú múa sạp tại lễ hội.

 

Đến với Lễ hội Thành Bản Phủ, nhân dân và du khách thập phương không chỉ được chiêm bái, thể hiện sự biết ơn người anh hùng Hoàng Công Chất và các tướng lĩnh có công đánh giặc giữ yên bản làng, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân mà còn được hòa mình trong không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa. Tại lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc được tổ chức, như: Nghi lễ rước kiệu, múa rồng; tái hiện nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc qua sân khấu hóa; thi đấu thể thao truyền thống..

Bài và ảnh: HỒNG SÁNG - TRƯỜNG HIẾU