Nằm trên một vùng đất có địa hình đồi núi thoai thoải, thôn Lao Xa không chỉ đẹp với cảnh quan hùng vĩ, độc đáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều lớp trầm tích về sự gắn kết của cộng đồng dân cư và vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ cùng văn hóa độc đáo của đồng bào bản địa. Thôn có khoảng 100 hộ dân đồng bào dân tộc Mông chủ yếu sinh sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Không quá đông như Lũng Cẩm và cũng chưa phát triển du lịch như Lô Lô Chải..., Lao Xa còn vô cùng hoang sơ giữa cao nguyên đá. 

leftcenterrightdel
  Em bé người Mông ở thung lũng Sủng Là.

 

Hành trình đến Lao Xa đi qua những cung đường khá dốc và hiểm trở. Con đường như dải lụa dài uốn mình bao quanh những dãy núi. Đường nhỏ hơn so với Quốc lộ 4C và đầy những thách thức. Đoạn đường cuối cách điểm vào đầu thôn khoảng 3km băng qua thung lũng và những cánh đồng hoa cải tuyệt đẹp. Càng đi sâu vào thôn, du khách càng được chìm đắm giữa những cảnh đẹp thơ mộng.

leftcenterrightdel
Nhà cổ Lao Xa- ngôi nhà tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống đặc trưng của người Mông. 

 

Điểm nhấn trong bức tranh làng quê mộc mạc, cổ kính của Lao Xa là những ngôi nhà cổ với lớp mái ngói âm dương, kiến trúc 3 gian độc đáo. Tường nhà được xây dựng hoàn toàn bằng những vật liệu quen thuộc, bình dân như đất, gỗ và tre, được ép vào khuôn, nện chặt nên có màu vàng nâu đặc trưng và dù không có gạch, xi măng nhưng kết cấu vẫn vững chắc. Mái nhà được lợp bằng những viên ngói âm dương màu xám lạnh, xếp từng lớp rất độc đáo. Tường nhà có thể dày tới nửa mét nên những ngôi nhà nơi đây sẵn sàng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt của vùng cao nguyên đá; ấm vào mùa đông và mát về mùa hè. 

leftcenterrightdel
Hoa mận nở trắng trời bên những mái nhà đặc trưng của đồng bào Mông. 

 

Bao quanh ngôi nhà là những bức tường đá kiên cố, cao hơn nửa thân người. Những bức tường này được tạo nên theo cách rất đặc biệt. Từng viên đá được người dân lượm về.  Bằng đôi bàn tay khéo léo, họ xếp chúng chồng lên nhau tạo thành bức tường vững chắc mà không cần bất cứ chất kết dính nào. Để rồi, theo năm tháng, rêu mọc quanh tường tạo nên nét đẹp thật dung dị.  

leftcenterrightdel

  Những cây cầu treo bắc qua dòng Nho Quế, giúp người dân đi lại thuận tiện.

   

 

Những cây đào, cây mận nghiêng nghiêng rực rỡ trên bờ rào đá, trước hiên nhà, đua nhau nở hoa. Dạo quanh trong không gian yên bình nơi đây dễ dàng bắt gặp hình ảnh những em nhỏ đi chân đất nô đùa với nhau. Sự hồn nhiên, trong trẻo, vô tư trong từng trò chơi của những em bé tạo nên một bầu không khí trong lành và bình yên đến lạ.

Các gia đình ở Lao Xa sống thành từng cụm dân cư cách nhau không xa lắm, được nối liền bởi các con đường bê tông men theo sườn núi. Quan sát tổng thể thì thấy nét độc đáo trong thôn là những ngôi nhà vẫn giữ được nét chung trong kiến trúc, từ sự đồng bộ của ngói lợp nhà đến vật liệu xây dựng những căn nhà, dù là nhà mới hay nhà cổ đều được làm bằng đất, tre và gỗ.

Các ngôi nhà cổ bằng đất ở Lao Xa được giữ gìn và bảo vệ tương đối nguyên vẹn. Thỉnh thoảng, tường nhà có những vết nứt nhưng được người dân sửa chữa bằng chính đất sét đã tạo nên ngôi nhà. Người dân kể rằng, đất phải được lấy từ con suối trong thôn. Nếu thay thế bằng đất sét nơi khác thì sẽ không đạt được độ cứng và bền như vậy. Người dân địa phương cho rằng, đây là bí quyết để những ngôi nhà bằng đất sét này có tuổi lên đến hàng trăm năm. Dù điều này chưa được kiểm chứng một cách khoa học, nhưng nó là mạch nguồn để người dân gìn giữ nếp nhà truyền thống, văn hóa lâu đời của đất và người nơi đây.

Cả ngày rong ruổi trò chuyện cùng người dân, biết được họ rất tự hào rằng ở huyện Đồng Văn, ai cũng biết bản Lao Xa là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông. Vùng đất này tạo ra những sản phẩm chạm bạc nức tiếng trong vùng.

Những đồ trang sức bằng bạc được làm ở Lao Xa không chỉ để người Mông làm đẹp và thể hiện sự giàu sang trong những dịp lễ, Tết, mà còn được dùng như một vật bảo vệ sức khỏe, mang lại bình an, hạnh phúc. Để giữ gìn nghề truyền thống và nét văn hóa độc đáo, người Lao Xa chỉ truyền dạy bí quyết nghề cho con cháu trong nhà. Thời gian trước, nguyên liệu dùng để chế tác thường là các đồng bạc hoa xòe. Nay loại bạc này rất hiếm nên phải dùng nguyên liệu bạc thông thường để sản xuất. Tuy nhiên, nghệ nhân ở Lao Xa cũng rất khắt khe chọn bạc tinh khiết, không lẫn tạp chất. Đây là điều kiện tiên quyết để chế tác ra các sản phẩm bạc đạt chất lượng.

leftcenterrightdel

Bản Lao Xa đẹp mộng mị trong sắc xuân. 

 

Đồ trang sức chạm bạc được làm ra từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân người Mông ở Lao Xa mang những họa tiết sinh động, đặc sắc, hút mắt người nhìn. Các đồ trang sức bạc ở đây không chỉ tinh tế mà còn phong phú về chủng loại như nhẫn, lắc tay, lắc chân, vòng cổ... Cùng với trang phục, những sản phẩm chạm bạc từ Lao Xa đã tô điểm, tôn thêm vẻ đẹp đầy sắc màu của đồng bào vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Lên Lao Xa sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới chuyện thưởng thức bữa cơm nóng hổi gồm các món ăn rất đặc trưng như gà đen rang gừng thơm lừng, thịt lợn ba chỉ gác bếp béo ngậy xào với cải mèo đắng, ngồng cải mèo luộc tới độ vừa phải, xanh mướt và giòn giòn hay thịt bắp đùi lợn luộc mềm ăn cùng bắp cải luộc ngọt đậm... 

Trong tiết trời se lạnh, nhấp chén rượu ngô ủ kỹ, hương vị dịu nhẹ hơi ấm lan tỏa khắp người. Sau bữa cơm, ngồi bên bếp lửa thưởng thức tách trà shan tuyết vàng óng, vị đậm, hậu ngọt và nghe tiếng khèn, tiếng hát những khúc ca cổ của người Mông, tận hưởng không gian thật yên bình và nhẹ nhàng đến dịu dàng của Lao Xa.

Bài và ảnh: HỒNG HẠNH - MỘC ANH