Cách trung tâm TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) gần 30km, ngọn núi nằm trong thung lũng xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh. Nơi đây có khí hậu trong lành, cảnh vật bình yên và thơ mộng. Ngay cái tên của núi đã gợi nên bao sự kỳ bí, huyền ảo. Hỏi chuyện người dân địa phương, chúng tôi được biết, núi Mắt Thần tiếng Tày là “Phja Piót” (núi Thủng). Vì thế, ngọn núi này còn được người dân địa phương gọi là “núi Thủng”.
|
|
Núi Mắt Thần. Ảnh: MAI CHI |
Sau hành trình dài, vượt dốc nhọc nhằn, bước lên đỉnh núi, du khách sẽ được tận hưởng trọn vẹn một cảnh sắc mãn nhãn. Thu vào tầm mắt là sự hiện diện của thảm cỏ xanh bạt ngàn, yên tĩnh và trong lành. Những nương ngô uốn lượn điểm xuyết cho bức tranh thiên nhiên thêm phần cuốn hút. Cỏ cây xanh mát, núi hùng vĩ giao hòa giữa mây trời và non nước, đâu đó quanh bãi cỏ, những chú ngựa, đàn trâu, đàn bò đang thong dong gặm cỏ tựa một bức tranh thủy mặc khổng lồ. Nằm xen kẽ với c ngọn núi đá trập trùng là những đám mây lững lờ, bầu trời xanh ngắt, núi Mắt Thần nổi bật lên giữa khung cảnh nên thơ làm mê đắm lòng người.
Đặc biệt, nếu đến đây vào ngày nắng đẹp, du khách có thể được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình minh của núi Mắt Thần vô cùng độc đáo và mới lạ. Khi những tia nắng xuất hiện từ phía Đông chiếu qua “con mắt” của ngọn núi này tạo nên bức ảnh hào quang rực rỡ tựa như hoa mặt trời, thoát tục, đẹp tuyệt trần.
Theo các nhà khoa học, núi Mắt Thần thực chất là một hang khô, hang hóa thạch hình thành cách ngày nay hơn 300 triệu năm. Lỗ thủng của ngọn núi được tạo ra do sự vận động nâng cao ở giai đoạn kiến tạo nằm ngay giữa lưng núi với đường kính rộng nhất lên đến 50m. Chính đặc điểm này đã tạo nên hình hài một ngọn núi độc nhất vô nhị của Việt Nam.
Núi Mắt Thần phát triển trong điều kiện địa hình đá vôi dạng tháp, bao gồm hệ thống khối núi đá hình tháp, nón đan xen. Vào mùa cạn, ngọn núi soi mình xuống những hồ nước đang cạn dần, để lộ ra bình nguyên cỏ mượt mà, tựa thảm lụa mềm mại. Những hồ nước không biến mất mà dường như nhỏ đi.
Ở đây, các hồ liên thông với những dòng chảy trên bề mặt hoặc dòng chảy ngầm. Do đó, mực nước tại các hồ có thể thay đổi theo mùa, đôi khi rất đột ngột, có khi chỉ trong một vài giờ, nước ào ạt dâng lên mênh mông, cũng có khi chỉ trong thời một gian ngắn, nước lại sôi réo và có thể lại rút cạn toàn bộ. Khi nước rút, quanh núi là thung lũng cỏ xanh mượt như nhung, những đỉnh núi san sát muôn hình vạn trạng tạo nên khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình.
Năm 2021, danh lam thắng cảnh núi Mắt Thần được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia, nằm trong hệ thống di sản của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, thuộc tuyến du lịch phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”.
Theo người dân bản địa, vẻ đẹp tự nhiên vốn có của núi Mắt Thần được giữ vẹn nguyên quanh năm. Vào mùa cạn, tháng 9 và tháng 10, nơi đây thường đón nhiều du khách đến tham quan hơn. Lúc này, hồ nước Thang Hen huyền thoại thường bị rút cạn trong vài giờ đồng hồ, mở ra cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ của thác nước Nặm Trá. Với cảnh đẹp thơ mộng, núi Mắt Thần ngày càng được nhiều du khách yêu thích và ưu ái đặt cho cái tên "Tuyệt tình cốc"-chốn thâm sơn cùng cốc nhưng cảnh sắc đẹp tuyệt trần.
Với những du khách yêu thích du lịch, khám phá, núi Mắt Thần sẽ là địa điểm lý tưởng để thả mình vào thiên nhiên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hoặc và lưu lại nhiều hình ảnh cho riêng mình.
MAI ANH