Lễ hội đình Trường Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2017). Trong đình hiện còn lưu 13 sắc phong có từ thế kỷ 15, đến các triều đại hậu Lê, Nguyễn được xác nhận bằng ấn triện của vua. Năm 2017, UBND TP Hà Nội công nhận 13 sắc phong này là “Tài liệu lưu trữ quý hiếm”. Ngôi đình cổ có bức đại tự “Đại nhi hóa chi”, thờ 3 vị thần nhân.
Ở vị trí trung tâm là Linh Lang Đại Vương-Thượng đẳng phúc thần đệ nhất (Thành hoàng làng bảo trợ cho dân). Theo truyền thuyết, cuối thế kỷ 11, Linh Lang Đại Vương-danh tướng nhà Lý thắng trận chống giặc ngoại xâm, từ phòng tuyến sông Cầu (Bắc Ninh) trở về Thủ Lệ để trấn giữ phía Tây thành Thăng Long. Trên đường hành tiến, Ngài cho tung lên trời những lá cờ hiệu. Cờ theo gió bay khắp phương, rơi xuống 269 làng quê, trong đó có làng Trường Lâm. Khi Ngài tạ thế (vào mồng 10-2 năm Đinh Tỵ-1077), các làng nói trên lập đền thờ Ngài, coi đó là vinh hạnh lớn lao. Hằng năm vào ngày này, nhân dân các làng mở hội tưởng nhớ Ngài.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đình Trường Lâm là trụ sở của Ủy ban Kháng chiến, đón Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân về luyện tập đội danh dự và bảo vệ lễ Quốc khánh 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Cách đình khoảng 50m, trong khuôn viên quần thể di tích có Nhà tưởng niệm Bác Hồ (được xây dựng và khánh thành vào năm 1991, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19-5); tu bổ, tôn tạo vào cuối năm 2017-đầu năm 2018). Nơi đây, sáng Mồng Một Tết Mậu Tuất 1958, Bác Hồ về thăm, chúc Tết và biểu dương nhân dân xã Việt Hưng là lá cờ đầu chống hạn. Bác nói: “Thay mặt Đảng, Chính phủ, Bác về chúc Tết đồng bào xã Việt Hưng. Đồng bào trong xã đoàn kết cố gắng chống hạn tốt, bảo đảm vượt định mức kế hoạch cấy lúa chiêm”. Bác ân cần dặn dò cán bộ và nhân dân Việt Hưng ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp.
|
|
Dâng hương lễ giỗ Bác Hồ ngày 21-7 năm Quý Mão (tức ngày 5-9-2023) tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở đình Trường Lâm.
|
Ngày 8-1-2018 (60 năm sau ngày Bác về thăm), trên sân trước nhà tưởng niệm, Đảng bộ và nhân dân Việt Hưng tiến hành lễ đúc tượng Bác đứng giơ tay chào, bằng đồng. Tượng cao 2,17m, nặng 790kg, được đặt trang trọng trong Nhà tưởng niệm-nơi cán bộ, nhân dân Việt Hưng đến dâng hương, tưởng nhớ Bác nhân ngày sinh của Người vào mỗi độ Tết đến, Xuân về. Ngoài ra, đình còn là nơi nhiều lần diễn ra các cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp các khóa. Gần đây nhất, là bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đến nay, ngôi đình đã được Nhà nước đầu tư tu bổ, tôn tạo 3 lần vào các năm: 2006 (công trình hậu cung); 2009-2010 (công trình nhà tả vu, hữu vu, thủy đình, ao cá Bác Hồ, cổng Tây, cổng Đông; gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội); 2022-2023 (cải tạo toàn bộ cảnh quan sân vườn, tường rào, cổng phía Nam)...
Chùa Trường Lâm (Linh Quang Tự), diện tích 2.264,3m2, bao gồm: Cổng tam quan, nhà tam bảo để thờ Phật; nhà tổ thờ các vị tổ sư; nhà điện mẫu thờ: Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ chầu bà, Ngũ vị tôn quan, Đức Ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Đức Thánh Trần, chúa Sơn Trang, lầu cô, lầu cậu. Chùa đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (năm 1992). Từ năm 2019 đến 2020 chùa được trùng tu, tu bổ, tôn tạo khang trang, trở thành điểm tựa tinh thần tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân sở tại. Sớm sớm, chiều chiều, người già, trẻ nhỏ ra sân chùa vui chơi khỏe mạnh, an toàn trong môi trường trong lành, sạch sẽ.
Cùng với các hoạt động chăm lo bảo tồn và phát huy giá trị di tích diễn ra thường xuyên, vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác lần thứ 133 (19-5-2023), phường Việt Hưng tổ chức xây dựng cuốn kỷ yếu ảnh “Di tích lịch sử văn hóa-Di tích cách mạng kháng chiến Đình-Chùa Trường Lâm 20 năm (2003-2023) bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa”. Cuốn sách được thiết kế đẹp, khổ 300mm x 240mm, dày 224 trang. Nội dung chính gồm 500 bức ảnh về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và các hoạt động văn hóa, chính trị xã hội... của quận Long Biên, của phường Việt Hưng, được lựa chọn trong 6.000 bức ảnh chụp từ các sự kiện tiêu biểu, có ý nghĩa lịch sử, diễn ra tại khu di tích, giai đoạn 2003-2023, như: Đạo sắc phong của triều đình; lễ gắn biển Di tích cách mạng kháng chiến cấp quốc gia (năm 2006); trùng tu bảo tồn kiến trúc cổ (năm 2006); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư Trường Lâm (ngày 9-11-2007); sửa đình (năm 2009-2010, 2022-2023); đúc chuông (năm 2010); kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (năm 2010); lễ hội truyền thống Trường Lâm hằng năm...
Có thể nói, cuốn kỷ yếu như một "biên niên" về lịch sử phát triển của địa phương bằng ảnh, là kết quả của việc bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân làng Trường Lâm. Việc hoàn thiện và tổ chức ra mắt cuốn kỷ yếu ảnh vào ngày lễ giỗ Bác Hồ năm 2023 như “sợi tơ vàng” kết nối, tôn vinh các giá trị văn hóa của địa phương; góp phần khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của di tích, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG