Với lịch sử tồn tại khoảng 300 năm gắn với lịch sử hình thành của mảnh đất Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh nhưng di tích lò gốm Hưng Lợi (quận 8) đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều năm qua, những hộ dân xung quanh khu vực di tích đã lấn chiếm đất đai, xâm phạm, xả rác, chất thải, ảnh hưởng nghiêm trọng tới di tích. Theo báo cáo của UBND quận 8, Khu di tích lò gốm Hưng Lợi được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích khảo cổ học quốc gia theo Quyết định số 722-QĐ/BVHTT ngày 25-4-1998.
Hiện tại, di tích cần có biện pháp trùng tu, bảo vệ cấp bách nhưng do diện tích bao phủ quá rộng nên gặp nhiều khó khăn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh, cho biết, từ những năm 1996-1997, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức các đợt khai quật di tích lò gốm Hưng Lợi và phát hiện rất nhiều hiện vật quý có giá trị. Tuy nhiên, những năm qua, khu vực này có tốc độ đô thị hóa quá nhanh, khiến di tích bị xâm hại nghiêm trọng.
|
|
Địa đạo Củ Chi thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: XUÂN CƯỜNG |
Vừa qua, đoàn công tác của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh đã đi giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-HĐND về kết quả thực hiện bảo tồn di sản và cảnh quan đô thị TP Hồ Chí Minh tại UBND quận 8. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã có đề án xây dựng và phục hồi nguyên vẹn khu di tích này để bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của tiền nhân. Tuy nhiên, để một khu di tích bị xuống cấp như hiện nay thành di tích nguyên vẹn ban đầu là bài toán vô cùng nan giải.
Cũng giống như lò gốm Hưng Lợi, nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác trên địa bàn thành phố cũng đã và đang xuống cấp, thậm chí bị xâm hại nghiêm trọng. Có thể kể đến di tích đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp), đình Tân Túc (huyện Bình Chánh), trại giam Bệnh viện Chợ Quán (quận 5), đình Tân Quy Đông (quận 7)... cũng đang xuống cấp, hư hại ở những mức độ khác nhau.
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, dù một số di tích có tình trạng xuống cấp chưa quá nghiêm trọng nhưng việc bảo quản và khai thác chưa bài bản, chưa mang đến giá trị bảo tồn bền vững. Theo đó, các ngành chức năng cần tăng thêm những di tích lịch sử, văn hóa nằm trong bản đồ du lịch của thành phố. Khai thác phù hợp các di tích lịch sử vào hoạt động du lịch không những sẽ góp phần giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc mà còn tăng thêm sức hấp dẫn, thêm trải nghiệm cho du khách khi đến với thành phố.
Những năm gần đây, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố thường xuyên phối hợp với Sở Du lịch, Hội Di sản văn hóa và các doanh nghiệp du lịch tổ chức hội thảo nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử trong hoạt động du lịch. Sở cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ tổng hợp thông tin những di tích lịch sử để du khách có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao ý thức bảo tồn di sản; đồng thời, thực hiện xã hội hóa, huy động nhà hảo tâm trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy các di tích lịch sử.
HOÀNG NGÂN