QĐND - Con đường dài hơn 35km từ trung tâm TP Hà Nội tới khu di tích lịch sử đền Gióng ở huyện ngoại thành Sóc Sơn như đang gần lại. Những cơn mưa mùa xuân lất phất pha lẫn rét ngọt không làm cho hành trình của chúng tôi chậm bước mà nó càng như vội vã hơn để tới với vùng đất “địa linh, nhân kiệt” này…

Tượng Thánh Gióng khánh thành năm 2010. Ảnh: Lộc Hà

Nói là “địa linh, nhân kiệt” có lẽ là không quá đại ngôn để miêu tả về vùng đất và con người nơi đây. Bởi nó gắn liền với truyền thuyết người anh hùng Thánh Gióng đánh tan giặc Ân xâm lược rồi cưỡi ngựa bay về trời. Có lẽ không cần phải kể lại truyền thuyết anh hùng ấy của dân tộc bởi nó đã hằn sâu trong tiềm thức của mỗi con người Việt Nam ngay từ thuở còn ấu thơ. Chỉ xin kể thêm rằng: Nơi chân núi Vệ Linh này, chàng Gióng đã bỏ lại áo giáp sắt, cưỡi ngựa bay về trời. Để tưởng nhớ công ơn của chàng, dân làng đã lập miếu thờ tại chân núi Vệ Linh và phong chàng làm Thánh-tục truyền là Thánh Gióng. Đến năm 980, Lê Hoàn cùng các tướng sĩ trên đường hành quân chống Tống xâm lược đã dừng chân ở miếu này, làm lễ cầu ngài phù hộ. Trận chiến sau đó không lâu, quân giặc đã thua to. Khi quay về, vua vào lễ tạ và sai người tìm gốc trầm hương tạc tượng thần và xây dựng nơi đây thành khu đền uy nghi. Đồng thời phong thêm hai chữ “Phù” và “Thiên” vào tên của Thánh Gióng nên tên của Ngài được thờ tại đền là “Phù Đổng Thiên Vương”. Ngót nghìn năm sau, quần thể khu di tích đền Sóc Sơn (đền Gióng) đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 28-4-1962… 
… Đang suy nghĩ mông lung, tôi chợt nhận ra, xe của đoàn đã tới chân khu di tích. Trời cũng đã ngớt mưa, cho xe vào nhà để xe, tôi chuẩn bị đồ lễ và bước nhanh vào cổng đền. Từ nhà để xe vào đền phải đi qua một quãng sân rộng, nơi đây là khu vực chính diễn ra phần hội của lễ hội đền Gióng vào ngày 6-1 âm lịch hằng năm, cũng là nơi diễn ra các hoạt động dịch vụ tại khu di tích lịch sử này. Đứng giữa khoảng sân rộng, đưa tầm mắt ra xung quanh, tôi nhận ra nơi chân núi Vệ Linh này được bao bọc bởi những dãy núi hình cánh cung. Bàn tay của tạo hóa đã vẽ nên nơi đây thành bức tranh thiên nhiên phong cảnh hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, với những hồ nước rộng, tương truyền là dấu chân ngựa Gióng.

Bước tiếp về Cổng Tứ Trụ để vào khu đền, ngang qua cánh cổng này, tôi biết rằng chúng tôi đang đến với thế giới linh thiêng, mang ước nguyện về cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân tộc. Quần thể khu di tích bao gồm đền Hạ (đền Trình), đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, nhà Bia và tượng đài Thánh Gióng. Ngay khi bước vào cổng đền Hạ, chúng tôi đã được đọc qua tấm biển giới thiệu. Đền Hạ là nơi thờ quan thần linh vùng Sóc Sơn “vị sơn thần duy nhất trên toàn cõi Việt Nam được phong vương”. Đền được thiết kế hình chữ “Đinh”, gồm có tiền đường và chính cung. Chính cung là nơi đặt tượng thờ quan thần linh. Vái tạ tại chính cung đền Hạ, chúng tôi xuống đền Mẫu. Nơi đây thờ Thân Mẫu đức Thánh Gióng. Trước sân đền Mẫu có một giếng nước. Qua sự giới thiệu của cụ từ Nguyễn Ngọc Lung, chúng tôi được biết giếng nước này dù mùa khô hay mùa lũ đều đầy nước. Đây là nơi để khách thập phương rửa tay và rửa mặt trước khi vào thắp hương trong đền. Được sự hướng dẫn của cụ từ, sau khi rửa tay, chúng tôi bước theo cụ vào chính cung đền Mẫu. Cụ cho biết: “Tượng Mẫu cao 1m, đặt trên bệ cao 1,8m. Ông cha ta xưa kia thông qua việc xây dựng đền Mẫu này để gửi gắm lời cảm tạ tới các bà mẹ Việt Nam”…

Tượng Phù Đổng Thiên Vương được thờ tại đền Thượng cùng 6 vị thần thánh có công với đất nước. Có tới tận nơi, nhìn ngắm khung cảnh tại đền Thượng mới thấy hết được vẻ uy nghiêm của đền. Ngôi đền được chạm khắc rất tinh xảo. Tượng của Phù Đổng Thiên Vương cùng các vị thần được đặt trên bệ thờ cao nhất trong đền. Hành lễ xong, chúng tôi được nghe ông Hiến giới thiệu: “Tượng Phù Đổng Thiên Vương cao hơn 3m, được tạc từ gốc cây trầm hương, trên vai ngài khoác áo bào, gương mặt phương phi nhìn thẳng về phương Bắc”. Ông còn cho biết thêm: “7 bức tượng thần thánh ở đây được thờ trong tư thế đứng, ý muốn răn dạy cháu con đời đời phải giữ vững tư thế của người chiến thắng”. Đây cũng là nơi diễn ra phần lễ chính trong lễ hội đền Gióng hằng năm.

Vái tạ tại đền Thượng, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình đi lên tượng đài Thánh Gióng. Tượng đài được đặt trên ngọi núi Đá Chồng cao hơn 300m so với mực nước biển, tương truyền là nơi Thánh Gióng bay về trời. Được biết, tượng đài Thánh Gióng được khởi công xây dựng vào năm 2009 và khánh thành vào năm 2010, đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên khối, cao hơn 20m, nặng 80 tấn. Bức tượng là biểu hiện cho sức mạnh dân tộc, vươn cao hơn và bay xa hơn như sức mạnh của Phù Đổng Thiên Vương…
Cơn mưa chiều lại bắt đầu đổ hạt như níu bước chân những đoàn khách du lịch. Nhưng mọi người không thể dùng dằng ở lại lâu hơn được nữa. Chúng tôi phải tạm biệt vùng đất và những con người nơi đây, trở về với cuộc sống tấp nập hàng ngày, để lại những nguyện cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc và hòa bình cho dân tộc!

MAI TRANG