Nghề thủ công tinh xảo, khéo léo
Bước qua cổng làng Chuôn Ngọ là hai dãy nhà của nhiều gia đình làm khảm trai được xây sát nhau, trải dài tới cuối con đường. Ngay cổng làng, Hợp tác xã (HTX) mỹ nghệ Ngọ Hạ với tuổi đời hơn 60 năm vẫn ngày đêm hoạt động. Khi chúng tôi đến cũng là lúc nghệ nhân Nguyễn Thị Vui, 80 tuổi, Chủ nhiệm HTX đang hoàn thiện những lớp sơn bóng cuối cùng lên chiếc trâm cài tóc được khảm trai. Bà chia sẻ: “Tôi theo nghề hơn 50 năm. Sản phẩm khảm trai không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn thể hiện sự tài hoa, khéo léo, óc thẩm mỹ và tinh tế của người thợ”.
|
|
Nghệ nhân Nguyễn Thị Vui hoàn thiện lớp sơn cuối cùng lên sản phẩm khảm trai. Ảnh: VIỆT TRUNG
|
Từ lâu, làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ đã nổi tiếng với việc sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng, kỹ năng của người thợ chuyên nghiệp. Khảm trai thường được khảm trên gỗ, đa phần sử dụng gỗ mỹ nghệ. Thường thì các tấm ván gỗ có độ dày khoảng 2cm đã được xử lý về độ ẩm, chống sâu mọt. Kỹ thuật xử lý chất liệu như độ ẩm, độ co ngót của gỗ và khả năng kết dính của trai cần được thực hiện tỉ mỉ. Nếu chất lượng gỗ kém, các chi tiết trai khảm bị bong lật, sản phẩm nứt nẻ, cong vênh sẽ làm giảm tính thẩm mỹ.
Nếu vật liệu dùng để khảm khi xưa là vỏ trai thì ngày nay thường được thay thế bằng ốc, sác, cửu khổng do có màu sắc đẹp và dễ sử dụng hơn. Để có được sản phẩm khảm trai, người thợ phải cắt miếng trai to bằng hai ngón tay, ngâm nước và hơ lửa cho mềm vỏ rồi mới ép phẳng. Sau đó sẽ cưa, cắt thành nhiều miếng trai nhỏ, ghép lại và khảm vào gỗ. Trước đó, gỗ đã được đục sẵn khuôn hình mẫu rồi mới kết dính trai bằng sơn ta. Nếu các chi tiết trên trai được cưa cắt chuẩn xác, không bị gãy, vỡ; mối ghép giữa trai với gỗ dính kín khít và phẳng, không bị lỗ thì sản phẩm sẽ đẹp và có giá trị. Sau khi khảm hoàn thiện, người thợ sẽ đánh phủ lên bề mặt gỗ lớp sơn ta trộn bột đen, đánh bóng rồi phủ sơn vecni. Điều đó có tác dụng làm cho bề mặt gỗ lên màu đẹp, có độ bóng và chống lại tác động của môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, làm gia tăng tuổi thọ của sản phẩm. Trải qua nhiều công đoạn, sản phẩm khảm trai nhỏ, chi tiết không cầu kỳ như hộp trang sức, lược... cần 3-5 ngày để hoàn thiện. Còn những sản phẩm lớn như tranh gỗ, bàn ghế... thì thời gian hoàn thành khoảng 2-3 tháng.
|
|
Những công việc sử dụng đến máy cưa, mài gỗ, ép trai cũng được người phụ nữ tự tay thực hiện. Ảnh: VIỆT TRUNG
|
Ngoài khảm trai trên gỗ mỹ nghệ, bà Vui còn khảm trên vóc sơn mài. Miếng gỗ làm vóc không phô ra bề mặt gỗ mà được bảo quản qua hàng chục nước sơn. Để làm vóc hoàn chỉnh cần khoảng hai tháng với 4 công đoạn thủ công: Làm mộc gỗ, sơn chống thấm, đi hom, lót gỗ. Vì cách làm cầu kỳ nên sản phẩm khảm trai trên vóc sơn mài có giá thành cao hơn, đổi lại độ bền có thể kéo dài đến hàng trăm năm.
|
|
Hằng ngày, nghệ nhân Nguyễn Văn Thưởng vẫn miệt mài với công việc khảm trai. Ảnh: VIỆT TRUNG
|
Từng làm tại HTX mỹ nghệ Ngọ Hạ, nghệ nhân Nguyễn Văn Thưởng luôn tự hào khi trở thành thế hệ tiếp theo gìn giữ nét văn hóa truyền thống của làng Chuôn Ngọ. Năm nay anh Thưởng mới 38 tuổi nhưng đã có tuổi nghề lên đến 29 năm. Hiện tại, anh Thưởng tự làm khảm trai tại nhà, thu nhập bình quân mỗi tháng 11-13 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính giúp vợ chồng anh chăm sóc cha mẹ và nuôi hai con ăn học. Dù thu nhập không quá cao, trong khi ngày nào tay chân cũng lấm lem, dính đầy bụi trai, đôi tay nhiều vết chai sạn, ngón trỏ và ngón út vì tì dao khảm nhiều năm, nay bị cong vẹo... nhưng anh Thưởng vẫn một lòng yêu nghề thủ công truyền thống và hy vọng trong tương lai, các con có thể theo nghề của gia đình.
Đa dạng hóa sản phẩm
Khác với vẻ sôi động khi xưa với hàng trăm thợ, giờ đây xưởng của HTX mỹ nghệ Ngọ Hạ chỉ còn chưa đến 20 thợ. Sau đại dịch Covid-19, nghề khảm trai mất đi số lượng khách đáng kể, do những mặt hàng được xuất khẩu sang các nước, như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... ít dần. Theo bà Vui, trước đây, làng Chuôn Ngọ lúc nào cũng nườm nượp khách đến xem và mua hàng. Thu nhập bình quân mỗi thợ tại xưởng trung bình khoảng 9-10 triệu đồng/tháng. Giờ đây, nghề khảm trai đang gặp nhiều khó khăn, nhiều thợ phải đi làm ăn xa xứ kiếm thêm thu nhập.
|
|
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn hoàn thiện sản phẩm khảm trai truyền thần. Ảnh: VIỆT TRUNG
|
Nhận thấy nghề khảm trai tại làng đang giảm sút nên nhiều người trong làng tìm cách thay đổi mẫu mã như: Khảm trai trên muôi cơm, bút viết, hộp lưu niệm, vòng tay, trâm cài tóc... để thu hút khách đến tham quan, mua hàng. Gần đây, từ việc đánh giá xu hướng nhu cầu của khách nên nghệ nhân làng Chuôn Ngọ làm thêm sản phẩm khảm trai truyền thần. Thợ khảm vô cùng tỉ mỉ ghép miếng trai cho đúng màu sắc của từng góc độ, với nét khảm mềm mại, thổi hồn vào từng ánh mắt, cử chỉ của nhân vật, khiến nhân vật như nổi trên bề mặt gỗ, mềm mại và sống động như thật. Vì sản phẩm truyền thần mang nhiều ý nghĩa, treo trang trí hợp với đa dạng phong cách như cổ điển hay hiện đại, nên khảm trai truyền thần dần trở nên nổi tiếng, khách đến tham quan đặt hàng đông hơn vào các dịp lễ, tết...
|
|
Khi trời tối, người dân làng Chuôn Ngọ thắp đèn khảm trai. Ảnh: VIỆT TRUNG
|
Dạo quanh làng Chuôn Ngọ, ở đâu chúng tôi cũng gặp hình ảnh người thợ miệt mài làm khảm trai. Khi trời tối dần, họ lại ngồi dưới ánh đèn tiếp tục công việc của mình. Dù mỗi gia đình có cách tiếp cận khảm trai riêng, nhưng họ đều hướng tới mục tiêu chung là duy trì và gìn giữ nghề truyền thống của làng.
HẠ ANH