Những người giữ “lửa” nghề
Nguyễn Văn Thanh là một thợ trẻ của làng nghề. Bước vào tuổi 33, Thanh vinh dự đón nhận danh hiệu Nghệ nhân làng nghề do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng. Cũng giống như bao thế hệ người dân xã Chuyên Mỹ, Thanh lớn lên trong bề bộn gỗ, ốc, trai cùng tiếng mài giũa, đục đẽo nên đã được lĩnh hội nghề thủ công truyền thống của ông cha ngay từ nhỏ. Đến năm 13 tuổi, Thanh chính thức được cha mình-thế hệ thứ ba trong gia đình theo nghề khảm trai, ốc truyền thụ những kiến thức nghề theo cách “cầm tay chỉ việc”. Vừa học văn hóa, Thanh vừa hoàn thiện kỹ năng nghề và chỉ ít năm sau đó, thay vì ly hương ra thành phố làm việc, Thanh ở lại quê nối nghiệp các cụ làm nghề. Chịu khó, yêu nghề và xác định đúng đắn con đường lập nghiệp, Thanh chuyên tâm học nghề từ cha, trưởng thành và từng bước khẳng định tay nghề qua các tác phẩm khảm ốc xà cừ. Sau khi lập gia đình với cô thợ trẻ cùng xã Đặng Thị Ánh Tuyết, vợ chồng Thanh ra ở riêng và lập xưởng sản xuất.
|
|
Một số sản phẩm khảm trai của gia đình Nghệ nhân Nguyễn Văn Thanh - Đặng Thị Ánh Tuyết. |
Các tác phẩm khảm trai, khảm ốc của Thanh được khách hàng đánh giá cao ở độ tinh xảo, sắc nét, tái hiện tích truyện, nhân vật, cảnh vật… lên bản vẽ một cách sinh động. Nhiều sản phẩm được anh “thổi hồn” trở thành những bức tranh đẹp. Tâm sự về nghề, Thanh nói: Trong khi nhiều nghề thủ công truyền thống bị ảnh hưởng do sự phát triển nhanh của công nghệ hiện đại thì tại Chuyên Mỹ, người làm nghề đã tận dụng công nghệ để cải tiến kỹ thuật, rút ngắn thời gian thực hiện tác phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua công cụ mạng xã hội và kênh kinh doanh trực tuyến. “Các cụ xưa sử dụng đến 25 bộ giũa các loại, mất mấy tháng trời mới xong một tác phẩm, nhưng đến thế hệ sau đã sáng tạo một số dụng cụ mới như cải tiến dây cót đồng hồ thành lưỡi cưa để cưa nguyên liệu, tốc độ nhanh hơn, thành phẩm đẹp hơn so với trước đây, nhất là ở những chi tiết nhỏ, mảnh, nếu không có kỹ thuật tốt sẽ khó thực hiện và dễ gãy vì vỏ ốc, vỏ trai rất giòn. Nhờ sự cải tiến này, thời gian hoàn thiện tác phẩm rút ngắn hơn, từ 3-4 tháng xuống còn một tháng. Còn các dòng sản phẩm, ngoài khảm khay chè, đĩa, hoành phi câu đối mà các cụ đã làm, thế hệ trẻ hiện nay phát triển thêm các dòng sản phẩm mới như khảm chân dung, sản phẩm quà tặng, đồ dùng gia đình bằng gỗ khắc họa tiết và khảm nghệ thuật. Khảm chân dung đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao, thợ giỏi mới thực hiện được vì phải rất kỳ công mới tạo được thần thái, hình ảnh thật như ngoài đời cho nhân vật từ những mảnh ốc, miếng trai thô sơ, mộc mạc như vậy”-anh Thanh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hỏi, Chủ tịch Hội Khảm trai làng Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ) cho biết thêm: “Những mảnh trai trên tác phẩm không bị vỡ, có độ phẳng, thậm chí có chi tiết mảnh, xương hoặc được uốn cong rất nghệ thuật; ăn khớp và khít với các chi tiết đục tạo nên đường nét tinh xảo và rất đẹp. Với thương hiệu và uy tín lâu năm, hầu hết người dân xã Chuyên Mỹ vẫn sống được bằng nghề; nhiều cơ sở sản xuất như xưởng của Thanh, các đơn đặt hàng đã kín đến tận tháng 8. Ở xã Chuyên Mỹ, nhiều gia đình có 2-3 thế hệ cùng làm nghề, tạo nên những mạch ngầm tiếp nối, duy trì và phát triển nghề cổ có truyền thống lâu đời”.
Phố trong nghề
“Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”-câu nói này thật đúng với làng nghề truyền thống khảm trai Chuyên Mỹ. Công việc khảm trai, khảm ốc ở xã Chuyên Mỹ có nét đặc biệt, không chỉ là nghề truyền thống của một làng mà tất cả các làng trong xã đều được công nhận là làng nghề. Điều này cho thấy sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của nghề thủ công mỹ nghệ. Với 90% dân số làm nghề, công việc khảm trai, ốc đã và đang tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và các xã lân cận, mang lại nguồn thu nhập ổn định, tạo nên những bước đột phá về kinh tế cho xã Chuyên Mỹ; góp phần đưa 70% dân số của xã có đời sống khá giả, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
|
|
Vợ chồng Nghệ nhân Nguyễn Văn Thanh và bức tranh khảm trai đang được hoàn thiện. |
Theo thống kê của UBND xã Chuyên Mỹ, thu nhập bình quân của các hộ dân trong xã từ 50 đến 70 triệu đồng/hộ/năm; những thợ có tay nghề cao hoặc những hộ có nhiều đơn hàng, thu nhập có thể gấp 4-5 lần, ở mức 300 triệu đồng/lao động/năm. Đến Chuyên Mỹ hôm nay, ai cũng cảm nhận được sự thay đổi nhanh về hạ tầng kỹ thuật. Đường làng ngõ xóm khang trang, cuộc sống của người dân ngày càng sung túc và ấm no. Dọc đường làng, nhiều cửa hàng giới thiệu sản phẩm xuất hiện, ngoài hợp tác xã chuyên thu mua xuất khẩu hàng khảm trai của hội viên, không ít chủ cơ sở đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm khắp cả nước và các nước trên thế giới.
Trong khi không ít làng nghề đau đáu với nỗi lo thất truyền, không có người trẻ nối nghiệp thì nghề khảm trai của Chuyên Mỹ đã và đang tạo sức hấp dẫn cho người thợ trẻ. Tuy nhiên, trao đổi với các nghệ nhân của làng, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều trăn trở để khai thác tốt hơn tiềm năng phát triển nghề truyền thống, mang lại thu nhập cao hơn cho bà con như làng nghề gắn với phát triển du lịch, thu hút du khách tìm hiểu, tham quan làng nghề; phát triển dòng sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế lớn… Những vấn đề này đang gặp nhiều khó khăn về nhân lực, nguồn lực, trong đó vấn đề nan giải là ô nhiễm môi trường nước, bụi và tiếng ồn do hoạt động sản xuất gây ra. Để khắc phục tình trạng này, ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, cần sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành trong việc tìm kiếm nguồn lực, giải pháp tổng thể.
Bài và ảnh: MINH VÂN