Lấp lánh nhịp cầu

Sa Vĩ, Móng Cái-nơi địa đầu vùng Đông Bắc Tổ quốc là những địa danh thoạt nghe sao mà gần gũi, quen thuộc. Nhưng trực tiếp đến với Sa Vĩ bằng đường bộ thì vời vợi ngàn trùng. Thời điểm duy nhất một lựa chọn đi từ Hòn Gai đến Móng Cái là Quốc lộ 18-một tuyến đường hẹp, quanh co và đầy thách thức... thì nhiều người, dù rất yêu mến nơi đây, cũng chỉ có thể nghe kể, nhìn qua ti vi, sách báo và ngưỡng mộ.

Đó là chuyện cũ, chuyện của thời chưa xa. Còn bây giờ, việc khánh thành tuyến đường cao tốc hiện đại Vân Đồn-Móng Cái vào ngày 1-9-2022 mở ra một thời kỳ mới, đầy sức sống và niềm vui. Đây là phần cuối cùng hoàn thiện tuyến đường cao tốc dài 176km nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, phá vỡ sự độc quyền của tuyến đường trước kia từ Hòn Gai đến Móng Cái. Đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái còn tạo sự kết nối tổng thể với con đường cao tốc từ Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái với tổng chiều dài khoảng 600km, mở ra không gian phát triển mới cho Quảng Ninh và các tỉnh dọc theo tuyến đường cao tốc kỳ diệu này.

Đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái dài khoảng 80km, mặt đường rộng 25 mét, 4 làn xe, vận tốc tối đa 120km/giờ, là hệ thống giao thông thông minh, có hệ thống chiếu sáng hiện đại. Và hôm nay, để đến với Móng Cái, chúng tôi vừa vượt qua con đường cao tốc ấy.

Biết được một số thông tin về dự án đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, tôi muốn gọi đó là “kỳ tích”. Sau đây là một vài số liệu “biết nói”: Sau chưa đầy một tháng, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn tuyến. Thời gian thi công ngắn kỷ lục: Từ khi giải phóng mặt bằng, chỉ sau 25 tháng, tuyến đường đã được thông xe. Một đại công trường được mở ra với 3.000 lao động và 1.000 thiết bị hoạt động suốt ngày đêm trong cùng một thời điểm. Đường cao tốc không dài mà có 32 cây cầu vượt biển, vượt sông suối; trong đó, cầu Vân Tiên dài 1,5km, rộng 25 mét... là cây cầu vượt biển dài nhất tỉnh Quảng Ninh, được thi công “thần tốc” trong 330 ngày đêm.

Nhớ lại thời điểm xây dựng cầu Bãi Cháy, chúng ta từng phải nhờ đến công nghệ và chuyên gia Nhật Bản. Nhưng giờ đây, khi tiến hành xây dựng cầu Vân Tiên cùng nhiều cầu khác, Việt Nam đã hoàn toàn tự lực về mặt kỹ thuật, dù đối mặt với những thách thức không nhỏ về địa hình, địa chất và thủy văn tại nơi này. Một cây cầu với dáng vẻ bình thường, ta có thể lướt qua vô tình, nhưng trong từng nhịp cầu thấm đẫm mồ hôi, công sức, hội tụ trí tuệ sáng tạo của những người thợ cầu. Tự hào nhận ra rằng, chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong công nghệ xây dựng cầu đường!

Những suy ngẫm về hành trình qua tuyến đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, nơi chúng tôi vừa trải qua, đắm chìm trong niềm vui sướng và những cảm xúc sâu lắng trên đường đến với mảnh đất Sa Vĩ, Móng Cái yêu dấu... không phải là một phép màu, một điểm sáng đặc biệt, một bước tiến mới mẻ và đáng giá sao? Sự ra đời của tuyến đường cao tốc này và nhiều công trình khác gần đây trên khắp đất nước, là bằng chứng rõ ràng cho thấy, khi có ý chí và khát vọng, cùng với sự đồng lòng, con người chắc chắn sẽ biến điều tưởng chừng như không thể thành hiện thực, tạo nên những thành tựu vĩ đại và ý nghĩa...

Trong khi miên man suy tư, chiếc ô tô chở khách hiện đại chạy êm ái trên đường, như một con thuyền trôi nhanh trên biển, đưa chúng tôi đến Sa Vĩ một cách thầm lặng lúc nào chẳng hay.

leftcenterrightdel

 Từ tháng 4 đến tháng 7 là thời điểm lý tưởng để đến mũi Sa Vĩ. Ảnh: TUẤN NGUYỄN

Linh địa

Tôi đứng ở mũi Sa Vĩ trên đất Móng Cái. Mũi Sa Vĩ là phần đất, mỏm đất nhô ra biển, là điểm khởi đầu của đường bờ biển, là “mốc giới” tự nhiên đánh dấu vùng địa đầu Đông Bắc nước ta. Gần Sa Vĩ còn có cột mốc 1378-cột mốc biên giới trên đất liền cuối cùng của tuyến biên giới Việt - Trung. Điểm cuối của ranh giới quanh co trên bộ, điểm đầu của dọc dài bờ biển nước ta, đó là Sa Vĩ.

Móng Cái là thành phố biên giới. Bên phải là Biển Đông ngàn năm rì rào sóng vỗ. Phía đối diện, chưa hết một tầm nhìn, là nước láng giềng, phân cách với nước ta bằng hai nhánh sông Ka Long và Bắc Luân. TP Móng Cái vừa hoang sơ tự nhiên vừa hiện đại phố phường, với mênh mông biển trời, ngút ngát màu xanh trải dài bất tận.

Sa Vĩ, Móng Cái-những địa danh gợi nhiều cảm xúc, nghĩ suy. Cây cổ thụ trầm ngâm, ngọn cỏ phất phơ trước gió, dòng nước lững lờ trên con sông Ka Long vạn cổ, đám mây bạc vắt mình qua biên giới... là những nhân chứng lịch sử, như muốn nói một điều gì về mảnh đất, con người nơi đây qua thăng trầm lịch sử... “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về...” (Nguyễn Đình Thi).

Về gốc tích của địa danh Sa Vĩ, hiểu theo lối chiết tự, “sa” là “cát”, “vĩ” là “đuôi”. Người dân địa phương cho biết, khi thủy triều rút, bãi biển nơi đây nổi lên một doi cát dài uốn lượn như đuôi một con rồng. “Sa Vĩ” là “đuôi con rồng cát”, gợi hình ảnh con rồng-biểu tượng của sự cao quý, linh thiêng.

Mũi Sa Vĩ như một chấm son đặc biệt trên bản đồ Việt Nam. Đó là điểm khởi đầu đường bờ biển chạy dài 3.260km của nước ta, khởi đầu của thềm lục địa gắn với vùng biển Việt Nam mênh mông, giàu có. Nơi đây không chỉ phong phú về thiên nhiên mà còn là điểm hội tụ giữa đất, trời và biển. Gần đây, mũi Sa Vĩ còn nổi bật với công trình “Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ”, như một biểu tượng sống động của lòng yêu nước. Đến Sa Vĩ bây giờ, thấp thoáng đó đây là cột mốc chủ quyền, đài quan sát, chốt canh phòng, những người lính biên phòng, vành đai biên giới... Tất cả đều gợi lên ý niệm về việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, gợi ý niệm về một vùng đất thiêng.

Móng Cái là thành phố biên giới ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh với hơn 70km đường biên giới trên đất liền và trên biển, giáp với nước láng giềng Trung Quốc. Móng Cái nằm bên bờ sông Ka Long và sông Bắc Luân-con sông đồng thời là đường biên giới quốc gia. Móng Cái có đền Xã Tắc nằm gần bờ sông Bắc Luân cũng là điểm đến gợi cho du khách nhiều suy ngẫm. Đền được xây dựng từ thời Trần, vốn thờ thổ thần và những người có công khai khẩn vùng đất này, sau phối thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là anh hùng dân tộc thời Trần.

Theo các nhà chuyên môn, về nguồn gốc của chữ “xã tắc”, thuở xa xưa dựng nước, dân cần có đất ở, người ta lập nền “Xã” để tế Thần Đất; dân cần có lúa ăn, lập nền “Tắc” để tế Thần Nông (cơ sở để lập “đàn Xã Tắc” sau này). Mất nước thì mất Xã Tắc, nên Xã Tắc cũng có nghĩa là quốc gia. Từ đó hình thành cách nói: Giang sơn xã tắc, xã tắc sơn hà... nghĩa là sông núi, đất đai của một quốc gia. Trong "Đại cáo bình Ngô", Nguyễn Trãi cũng viết: “Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới...”.

Vì thế, sự tồn tại sừng sững, vững bền của đền Xã Tắc nơi biên cương Tổ quốc trên mảnh đất Móng Cái ngày nay, đã vượt khỏi ý nghĩa thờ thần của một địa phương làng xã, mà trở thành một biểu tượng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, khẳng định ý chí độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ.

Việc đền Xã Tắc được Nhà nước công nhận là Di tích cấp Quốc gia không chỉ là bước tiến trong việc gìn giữ di sản văn hóa mà còn là minh chứng cho giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần của dân tộc Việt Nam, nhất là trên vùng đất biên giới. Chuyến thăm Sa Vĩ và Móng Cái, Quảng Ninh trở thành một hành trình khám phá và trải nghiệm đầy ý nghĩa, là cơ hội để hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, truyền thống và lòng yêu nước của người dân nơi biên giới, khơi dậy trong mỗi người niềm tự hào về một dân tộc kiên cường và bất khuất. 

LÊ HỮU TỈNH