Kết thúc năm 2021, bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều mảng tối, tốc độ tăng GDP dưới 3%, thấp nhất trong 5 năm gần đây; hai đầu tàu kinh tế là TP Hồ Chí Minh chỉ tăng 1,39% và Hà Nội tăng 2,35-3%, hàng trăm nghìn doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, thu nhập và đời sống của người lao động giảm sút. Tuy vậy, có hai mảng sáng là kim ngạch xuất, nhập khẩu dự báo vượt 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, xuất siêu 3 tỷ USD và đầu tư nước ngoài với vốn FDI đăng ký cấp mới điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2 % so với năm 2020. Vốn FDI thực hiện đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020.
Khởi đầu năm 2022, nước ta chuyển sang trạng thái bình thường mới với nhiệm vụ kép: Vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Do đó, nhìn lại một số tỉnh, thành phố vượt qua thách thức do dịch bệnh gây ra năm 2021, đạt tốc độ tăng trưởng cao, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó Quảng Ninh và Hải Phòng là hai điển hình, để rút ra một số bài học cho các địa phương khác.
1. Quảng Ninh là một trong số các tỉnh có ít ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, vẫn là “vùng xanh” an toàn. 100% người dân trong độ tuổi quy định đã được tiêm vaccine mũi 1, sản xuất, kinh doanh được duy trì ổn định. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 dự báo tăng 10,5%.
Cùng với việc đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, duy trì ngành khai thác than truyền thống, Quảng Ninh coi ngành chế biến chế tạo là động lực tăng trưởng mới. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, cầu Cửa Lục 1, đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả. Khởi công xây dựng Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh có vốn đầu tư 230.000 tỷ đồng, nhà máy điện sử dụng khí LNG có công suất 1.500MW, vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng, sân golf Đông Triều và bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1).
Du lịch và dịch vụ được dự báo từng bước phục hồi để đạt mức tăng trưởng 10,5%, trong đó, phấn đấu đón 1,2 triệu khách nội địa trong quý IV. Thu hút FDI đạt 1,3 tỷ USD vốn đăng ký, bằng 2,5 lần năm 2020.
Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước ở 4 chỉ số quan trọng: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); giữ vị trí thứ 3 Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-IT (ICT Index).
Quảng Ninh được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương có mô hình kiến trúc chính quyền điện tử phù hợp với giai đoạn mới. Bộ thủ tục hành chính được chuẩn hóa ở cả 3 cấp; mô hình phòng họp không giấy tờ, thực hiện gửi, nhận tài liệu qua môi trường mạng; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số... đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ, hỗ trợ tốt cho người dân, DN.
Ước tính, sau hơn 5 năm áp dụng Chính quyền điện tử, người dân và DN tại tỉnh Quảng Ninh đã giảm được trung bình hơn 40% thời gian làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 70 tỷ đồng/năm.
Năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt và triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh, trong đó Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh-được coi là “bộ não số” của thành phố thông minh. Trung tâm sử dụng công nghệ thông tin và công nghệ phân tích, để chính quyền tỉnh đưa ra quyết định kịp thời, giúp quản lý được cả vấn đề đã được dự liệu trước và vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp; đồng thời, tăng tính tương tác với người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... qua ứng dụng App Smart Quảng Ninh bằng vài thao tác đơn giản trên thiết bị di động.
2. Tính đến cuối năm 2021, TP Hải Phòng chỉ có hơn 1.500 ca dương tính với Covid-19, đã cơ bản hoàn thành việc tiêm hai mũi vaccine cho người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12 tuổi đến 17 tuổi.
Hải Phòng đã thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2021, GRDP tăng 12,38% so với năm 2020; 13/19 chỉ tiêu kinh tế-xã hội hoàn thành và vượt mức; 6/19 chỉ tiêu kinh tế không hoàn thành kế hoạch. Thu ngân sách của thành phố đạt hơn 90.400 tỷ đồng, tăng 7%, vượt 17% dự toán Trung ương giao, trong đó, thu nội địa đạt 35.000 tỷ đồng, tăng gần 7%, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt hơn 54.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 18% so với năm 2020, cao hơn năm 2019 (15%). Thu hút FDI đạt hơn 3,1 tỷ USD vốn đăng ký, gần bằng 2 lần năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 23%; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 150 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,34%; tỷ trọng năng suất các yếu tố tổng hợp vào GRDP đạt 41% .
Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng 8 công viên cây xanh, hoàn thành cải tạo hè đường tại 6 tuyến đường trung tâm thành phố trước Tết Nguyên đán, chuẩn bị khởi công dự án cải tạo sông Tam Bạc từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ...
Thành phố đã đạt được kết quả đáng khích lệ về cải cách hành chính. PCI 2020 của Hải Phòng xếp thứ 7/63 tỉnh, tăng 3 bậc so với năm 2019. Đây là lần thứ 3 Hải Phòng đứng trong tốp 10 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt. Trong 10 chỉ số thành phần, có 6 chỉ số tăng điểm.
Hải Phòng là một trong những địa phương chậm triển khai chuyển đổi số nên không tạo chuyển biến nhanh và có hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi chính quyền các cấp sang chính phủ số, chính phủ kiến tạo. Gần đây, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đưa vào thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC).
IOC hỗ trợ tích cực hoạt động điều hành của lãnh đạo thành phố, các cấp, các ngành, cung cấp dịch vụ đa dạng phục vụ DN và người dân, tạo bước khởi động cho việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành công chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số thành phố.
Ngày 26-10-2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết về “Chuyển đổi số TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, coi chuyển đổi số là động lực phát triển thành phố, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và DN; để đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GRDP thành phố.
3. Cải cách hành chính và chuyển đổi số là hai nhân tố chủ yếu để Quảng Ninh và Hải Phòng vượt qua thách thức của dịch bệnh, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của nhà đầu tư, DN và người dân.
Từ đầu tháng 9-2021, tình hình kinh tế đất nước đã xuất hiện dấu hiệu tích cực, năm 2022 nếu không có biến động bất thường trên thế giới và khu vực, dịch bệnh được kiểm soát, nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,5-6,8%. Một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng, dư địa để tăng trưởng cao hơn còn lớn nếu giảm bớt nạn tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư công, đấu thầu công khai, minh bạch dự án đầu tư theo đối tác công tư.
Quan trọng nhất là thực hiện cải cách đồng bộ thể chế và thực thi thể chế, cơ cấu lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh giản, có hiệu năng và xây dựng đội ngũ công chức, viên chức nhà nước và các nhà quản trị DN tinh thông nghiệp vụ, có phẩm chất tốt, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của đất nước trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, trong đó lấy DN và người dân làm trung tâm, để hình thành đội ngũ DN dân tộc ngày càng lớn mạnh với nhiều tập đoàn kinh tế có đủ tiềm lực vươn ra thị trường thế giới, hàng triệu DN vừa và nhỏ có quy mô ngày càng lớn được kết nối thành các mạng lưới cung ứng sản phẩm, đồng thời thu hút cộng đồng dân cư thực hiện xã hội số, tham gia, giám sát các hoạt động của Nhà nước.
GS, TSKH NGUYỄN MẠI