Bài này trình bày cách tiếp cận theo hướng các khu vực kinh tế để bàn về chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030.

Cần cách tiếp cận mới dựa trên lợi ích dân tộc

Nước ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và toàn cầu trong tình hình thế giới và khu vực nhiều biến động khó lường. Trong bối cảnh đó, nước ta cần có cách tiếp cận thích hợp với tình hình thế giới trong hoạch định chiến lược phát triển 2021-2030 để ứng phó với thách thức mới do sự thay đổi của định hướng phát triển và chính sách đối ngoại của các quốc gia, nhất là các cường quốc; đồng thời tranh thủ cơ hội mới do vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới đã được nâng lên, và quan hệ với các đối tác chiến lược; trên cơ sở đó đề ra định hướng phát triển đất nước theo hướng đổi mới, sáng tạo để nhanh chóng biến khát vọng thịnh vượng của dân tộc thành hiện thực với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: nhadautu.vn

Đó là cách tiếp cận dựa trên căn bản lợi ích dân tộc trong việc đề ra chủ trương, chính sách kinh tế-xã hội như khai thác tiềm năng tiền vốn, trí tuệ, năng lực sáng tạo của người Việt Nam ở trong nước và định cư ở nước ngoài, đồng thời khuyến khích đầu tư nước ngoài và thu hút các nguồn vốn khác tham gia thị trường vốn của nước ta, tận dụng các mối quan hệ để mở rộng hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức giáo dục và nghiên cứu của nhiều nước nhằm sử dụng trí tuệ của nước ngoài trong sự nghiệp chấn hưng đất nước.

Theo cách tiếp cận đó, kiến nghị cân nhắc việc sử dụng cụm từ “thành phần kinh tế” thay bằng “khu vực kinh tế”. Tùy theo đối tượng nghiên cứu có thể phân chia thành nhiều cách khác nhau: Khi nghiên cứu quan hệ giữa kinh tế trong nước với kinh tế đối ngoại thì có thể phân thành hai khu vực là khu vực kinh tế dân tộc và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; khi nghiên cứu sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước thì phân thành nhiều loại: Khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế ngoài nhà nước hoặc khu vực kinh tế hợp tác xã, khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm kinh tế hộ gia đình).

Chúng tôi đã nhiều lần mong muốn rằng, để thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là không phân biệt đối xử, bình đẳng trước pháp luật mọi loại hình doanh nghiệp, nên sử dụng cụm từ “doanh nghiệp dân tộc” bao gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước để thể hiện hai khía cạnh: Một là doanh nghiệp của người Việt Nam, bảo vệ lợi ích của dân tộc Việt Nam và hai là phân biệt với doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, được coi là bộ phận cấu thành của kinh tế Việt Nam, nhưng họ có mục đích khác với doanh nghiệp dân tộc của nước ta.

Các khu vực kinh tế trong tiến trình phát triển

Từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung có hai khu vực kinh tế chủ yếu là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, chuyển sang kinh tế thị trường thì hai khu vực kinh tế này đã thay đổi cơ bản.

Kinh tế nhà nước đã được đổi mới theo hướng nhà nước tập trung vào một số ngành kinh tế quan trọng như dầu khí, năng lượng, công nghệ thông tin, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm; đầu tư vào ngành, lĩnh vực, miền núi, hải đảo khi chưa được khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài tham gia; phần lớn doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê; thực hiện bỏ cơ chế chủ quản, quản trị doanh nghiệp theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm thông qua thiết chế dân chủ với sự tham gia của người lao động vào hoạt động giám sát quá trình quản trị doanh nghiệp của hội đồng quản trị và ban giám đốc.

Doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều tập đoàn mạnh như dầu khí, điện lực, bưu chính, viễn thông, hàng không, đường sắt, ngân hàng, bảo hiểm... đóng vai trò chủ đạo đối với tốc độ tăng trưởng, nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước, phát triển đất nước theo hướng kinh tế bao trùm, kinh tế xanh và bền vững.

Vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp nhà nước là thực hiện nghiêm chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cổ phần hóa nhanh hơn và có hiệu quả hơn, thực hiện đổi mới, sáng tạo, chuyển nhanh sang doanh nghiệp số để gia tăng quy mô doanh nghiệp, nâng tầm các tập đoàn lớn trở thành tập đoàn kinh tế tầm cỡ khu vực và dần tiến tới tầm cỡ thế giới.

Kinh tế tập thể (KTTT) đã được tổ chức lại theo hướng hợp tác xã (HTX) kiểu mới để thích ứng với nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới. Đến cuối năm 2019, cả nước có 22.861 HTX, tăng 59% với 6 triệu xã viên, doanh thu bình quân đạt hơn 4,4 tỷ đồng/HTX/năm, gấp 5,2 lần. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt khoảng 36,6 triệu đồng/năm, tăng khoảng 133% so với năm 2003. Vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung đã được khẳng định, đóng góp thông qua kênh gián tiếp, tác động tới kinh tế hộ thành viên khá tích cực, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình đạt 30% GDP cả nước. Tuy vậy, đóng góp trực tiếp của khu vực HTX vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm, trung bình đạt khoảng 4% do số lượng HTX kiểu mới còn quá ít, phát triển không đồng đều giữa các địa phương, kết nối giữa HTX với doanh nghiệp, nhà khoa học để hình thành các chuỗi cung ứng còn nhiều hạn chế.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT; nâng cao hiệu năng của bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước và tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật phát triển HTX.

Kinh tế tư nhân từ khi Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 2000 đã tăng trưởng nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2020, nước ta có khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân, 5 triệu hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, thủ công nghiệp; phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khoảng 3% doanh nghiệp vừa và 1,5% doanh nghiệp lớn. Kinh tế tư nhân đã tham gia vào nhiều ngành công nghiệp như khai khoáng, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp, thương mại, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giáo dục, bệnh viện, nghiên cứu khoa học.

Cùng với việc gia tăng số lượng và quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ đã hình thành nhiều tập đoàn kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh, như: Vingroup, Sun Group, THACO, Hòa Phát, Vinamilk, TH true MILK, FPT...

Trong lần gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân Việt Nam năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Phải thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gia tăng nhanh chóng về quy mô, số lượng, sức cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước, tiến vào các khâu có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu; hệ thống hành chính nhà nước cần phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Làm thế nào để doanh nhân Việt Nam có tầm nhìn sáng tạo, kinh doanh văn minh, có đạo đức kinh doanh? Thủ tướng gợi ý các doanh nghiệp tư nhân cần có chiến lược, chiến thuật hợp lý, kiểm soát tốt rủi ro kinh doanh, đóng góp nhiều hơn cho chất lượng, hiệu quả tăng trưởng...

Khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài đã du nhập vào nước ta từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài cuối năm 1987, đã trở thành bộ phận cấu thành kinh tế Việt Nam. Tính lũy kế đến ngày 20-11-2020, nước ta đã có 32.915 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 382,9 tỷ USD, tổng vốn thực hiện 229,1 tỷ USD, bằng 59,8% tổng vốn đăng ký. Khu vực FDI tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, trong đó mạnh mẽ nhất là lĩnh vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ.

Khu vực FDI đã tạo việc làm cho khoảng 4,5 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp, trong đó có hàng vạn công nhân lành nghề, kỹ sư và cán bộ quản lý có trình độ cao, góp phần hình thành đội ngũ lao động cả về số lượng và chất lượng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, khu vực FDI cũng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề như chuyển giá, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động, tác động lan tỏa còn hạn chế do chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm. Chất lượng một số dự án FDI còn thấp, định hướng thu hút FDI chậm thay đổi.

Việt Nam đang đứng trước thời cơ để thu hút FDI và dịch chuyển FDI. Trước tình hình mới, chúng ta phải thay đổi tư duy và hành động trong việc lựa chọn đối tác và dự án FDI, chú trọng TNCs (công ty xuyên quốc gia) hàng đầu thế giới, thu hút nhiều hơn FDI từ Mỹ và châu Âu các dự án công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, dịch vụ số, giáo dục, khoa học và công nghệ liên quan đến chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kết nối các khu vực kinh tế để phát huy sức mạnh tổng hợp

Kết nối giữa các khu vực kinh tế là vấn đề rất quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình doanh nghiệp theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng và hiệu quả kinh tế-xã hội của đầu tư và kinh doanh.

Kết nối theo chuỗi sản phẩm giữa các doanh nghiệp diễn ra theo hai hướng: Theo chiều dọc giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra; theo chiều ngang (hiệu ứng nội ngành) do cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong cùng một ngành công nghiệp.

Doanh nghiệp trong nước thuộc các khu vực kinh tế khác nhau kết nối theo chuỗi sản phẩm như may mặc, da giày, du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... thông qua hiệp hội nghề nghiệp hoặc do một tập đoàn kinh tế làm đầu mối để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia. Vấn đề đã được phát hiện đang cần giải quyết là tầm nhìn và cách tiếp cận của các tập đoàn kinh tế về chiến lược phát triển sản phẩm, từ đó có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ động tham gia các khâu trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Một ví dụ điển hình là Vinmart có chính sách ưu đãi với chiết khấu chưa bằng 1/2 của siêu thị nước ngoài tham gia cung ứng hàng cho siêu thị ở nước ta, đã tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm với sự tham gia của hàng nghìn HTX nông nghiệp, hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tiếp cận với các tập đoàn kinh tế nước ngoài để hình thành quan hệ hợp tác cùng có lợi, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Câu chuyện Samsung là điển hình về việc tham gia chuỗi cung ứng của một tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghiệp điện tử. Có thể khẳng định rằng, doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện và năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nếu: 1) Tự tin và chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội để thiết lập quan hệ hợp tác tin cậy với TNCs đang kinh doanh tại Việt Nam; 2) Coi đổi mới, sáng tạo là định hướng lớn để đầu tư vào công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực trình độ cao theo lộ trình thích hợp; 3) Doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ thiết thực về chuyên gia, giải pháp công nghệ, quản trị doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở đó ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia các khâu có giá trị gia tăng cao.

Kết luận

Tiếp cận theo khu vực kinh tế vừa phân biệt được kinh tế trong nước bao gồm doanh nghiệp nhà nước, HTX và doanh nghiệp tư nhân đóng góp chủ yếu vào xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa; vừa coi khu vực FDI là bộ phận cấu thành nền kinh tế Việt Nam, đồng thời chỉ rõ mục đích chính của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án tại nước ta là lợi nhuận cận biên, trên cơ sở thực hiện được mục đích đó thì họ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững của Việt Nam. Đó chính là sự khác biệt giữa doanh nghiệp dân tộc-đại diện cho lợi ích dân tộc với doanh nghiệp FDI, góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội từng giai đoạn phát triển của Việt Nam.

GS, TSKH NGUYỄN MẠI