Từ bối cảnh mới
Dịch Covid-19 không những làm cho kinh tế thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng mới với mức độ còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, mà còn làm thay đổi toàn cầu hóa đã giúp hàng triệu người tăng thu nhập, thoát khỏi đói nghèo, nhưng cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Neil Irwin, nhà báo kinh tế cấp cao của chuyên trang The Upshot viết trên The New York Times về đại dịch Covid-19 làm thay đổi kinh tế toàn cầu: “Nền kinh tế thế giới là một mạng lưới cực kỳ phức tạp… Những năm tới đây, chúng ta sẽ biết được điều gì xảy ra khi mạng lưới đó bị xé toạc, khi hàng triệu kết nối bị phá hủy cùng lúc. Và nó mở ra viễn cảnh kinh tế toàn cầu khác hoàn toàn so với những gì đã tồn tại nhiều chục năm qua”.
Adam Tooze, nhà sử học của Đại học Columbia bình luận: “Đây là thời kỳ của bất trắc cực độ, một sự bất trắc lớn hơn so với bất kỳ thứ gì chúng ta từng trải qua”.
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung còn tiếp diễn, xung đột lợi ích giữa các nước G7 ngày càng lớn hơn, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng càng làm cho những nhược điểm vốn có của toàn cầu hóa như khoảng cách về thu nhập giữa các quốc gia, giữa các nhóm dân cư, giữa các địa phương trong một nước trở nên rõ rệt hơn, lỗ hổng của internet trước các cuộc tấn công mạng cũng có rủi ro rất lớn.
|
|
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn |
Dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho nước ta. GDP quý I-2020 chỉ tăng 3,82%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP cả năm chỉ tăng 2,7%; hàng vạn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, hàng triệu lao động mất việc. Chính phủ đã có các gói hỗ trợ tín dụng, lãi suất, giảm, miễn thuế, hoãn thời hạn nộp thuế, trợ cấp cho lao động và người dân gặp khó khăn.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo bằng chủ trương và giải pháp sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị, được người dân tự giác hưởng ứng và thực hiện nghiêm chỉnh. Vì thế, một số tổ chức quốc tế như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều quốc gia coi Việt Nam là hình mẫu chống dịch mà các nước nên học tập. Doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta đã chứng tỏ năng lực chống chịu rất cao nên không lâm vào trạng thái suy thoái, vẫn tăng trưởng dương. Do đó, cùng với lợi thế trước đây về an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an toàn cho nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, thành công trong phòng, chống dịch làm cho nước ta có thêm lợi thế đối với thu hút FDI. Đa số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam dự kiến mở rộng sản xuất sau dịch, nhiều nhà đầu tư châu Á, châu Mỹ, châu Âu coi Việt Nam là điểm đến an toàn cho FDI mới, trong đó sẽ dịch chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam. Điển hình là Apple (Mỹ) chuyển xí nghiệp từ Trung Quốc sang nước ta để sản xuất 30% tai nghe không dây xuất khẩu, Panasonic (Nhật Bản) chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt từ Thái Lan sang Hà Nội.
Trong bối cảnh đó, khi nước ta chuẩn bị các phương án phục hồi kinh tế và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 thì cần có các nghiên cứu về sự thay đổi của thế giới sau dịch Covid-19, về quan hệ giữa các quốc gia, về thương mại và đầu tư, về sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu để có cách tiếp cận khoa học thích ứng với bối cảnh quốc tế mới.
Định hướng mới
Cách tiếp cận của Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 theo xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, tăng cường liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam với các mục tiêu:
- Vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỷ USD (40-50 tỷ USD/năm).
- Vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 100-150 tỷ USD (20-30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm).
- Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.
- Tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 20-25% hiện nay lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
- Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động tăng từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Định hướng mới đòi hỏi phải thay đổi tư duy và hành động trong việc lựa chọn đối tác và dự án FDI, bởi vì có liên quan đến chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối chiếu với tình hình thu hút vốn FDI của quý I-2020 thì chưa đạt được định hướng mới của Bộ Chính trị. Vốn thực hiện đạt 3,85 tỷ USD, bằng 93%; vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% cùng kỳ năm 2019. Nhờ có dự án khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với vốn đăng ký 4 tỷ USD, nên vốn đăng ký đạt 5,5 tỷ USD cho 758 dự án mới. Như vậy, 757 dự án còn lại có tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD, bình quân mỗi dự án khoảng 2 triệu USD. Có 2.523 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài gần 2 tỷ USD, bình quân 0,78 triệu USD/lượt góp vốn (quý I-2019 là 3,4 triệu USD).
Lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI giảm sau nhiều năm tăng liên tục. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn, nhất là dệt may, da giày, túi xách, bia, thủy sản, khách sạn, văn phòng cho thuê.
Tận dụng cơ hội mới bằng giải pháp kịp thời và thích hợp
Ngày 22-5-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp bàn các giải pháp để thu hút vốn FDI. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày “Báo cáo tình hình, triển vọng và giải pháp thu hút FDI”, được sự đồng tình của các đại biểu tham gia cuộc họp.
Về trung hạn: Tiếp tục thực hiện định hướng và giải pháp của Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19...
Liên quan đến dịch chuyển nhà máy FDI từ các nước sang Việt Nam: Hiện còn có ý kiến khác nhau về xu hướng dịch chuyển này, nên cần có nhận thức và quan điểm thống nhất. Một số chuyên gia cho rằng, đây là xu hướng đã có từ đầu thế kỷ 21 “Trung Quốc + 1”; sau đại dịch thì Mỹ, Nhật Bản khuyến khích dịch chuyển nhà máy từ nước ngoài về nước là chính, do đó đừng hy vọng quá nhiều vào dịch chuyển sang nước ta. Chúng tôi nhận định: Trung Quốc với thị trường 1,4 tỷ dân, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có ưu thế nổi trội về công nghệ, quy mô doanh nghiệp nên dù Chính phủ Mỹ, Nhật Bản khuyến khích, có các gói hỗ trợ tài chính, nhưng chỉ một số nhà máy chuyển từ Trung Quốc về nước, đại bộ phận tìm cách ở lại đó, một số khác chuyển sang nước thứ ba, trong đó Việt Nam thuộc các quốc gia được ưu tiên lựa chọn.
Cần lưu ý rằng, đã có một số nguyên thủ quốc gia công bố ý đồ về sự dịch chuyển này. Thủ tướng Ấn Độ-nước có thế mạnh về thị trường 1,3 tỷ người, hằng năm có số kỹ sư tốt nghiệp đại học nhiều nhất thế giới, công nghệ thông tin phát triển-tuyên bố đã có sẵn đất sạch với các ưu đãi cao để thu hút 1.000 xí nghiệp lớn chuyển sang nước này. Tổng thống Indonesia-nước có dân số gần gấp 3 lần Việt Nam, GDP trên 1.000 tỷ USD-vừa ra lệnh xây dựng khu công nghiệp (KCN) 400ha với nhiều ưu đãi để đón nhận xí nghiệp quy mô lớn dịch chuyển sang nước này.
Do vậy, cần coi đây là cơ hội mới cần được tận dụng bằng chủ trương, giải pháp kịp thời và thích hợp.
Ngoài những chính sách ưu đãi đối với dự án công nghệ cao, công nghệ số, dịch vụ hiện đại thì cần công bố công khai các giải pháp:
1. Việt Nam đã sẵn có đất sạch tại các KCN, khu kinh tế đang hoạt động và sẽ xây dựng thêm KCN mới ở các địa phương có nhu cầu với giá cả ổn định (bằng khoảng 40% giá thuê đất tại Bắc Kinh, Thượng Hải của Trung Quốc).
2. Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao với chi phí nhân công thấp hơn nhiều nước (bằng 40% của Hàn Quốc).
3. Nhiều khu kinh tế, KCN Việt Nam đã có đường giao thông, internet, 3G, 4G, cung ứng điện nước, xử lý chất thải đáp ứng đòi hỏi của nhà đầu tư.
4. Khi nhà máy đang sản xuất ở nước khác chuyển sang Việt Nam, không áp dụng quy định “máy móc, thiết bị đã qua sử dụng” nhập khẩu. Chủ doanh nghiệp được thông báo các quy định tiêu chuẩn, định mức về môi trường, khí phát thải, tiếng ồn, phòng, chống cháy, nổ, an toàn lao động để thực hiện nghiêm chỉnh. Trong trường hợp nhà máy đưa vào hoạt động mà vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn, định mức trên đây thì cơ quan nhà nước Việt Nam kiểm tra, hướng dẫn nhà đầu tư khắc phục.
5. Nhiều xí nghiệp khi chuyển vào nước ta sẽ xuất khẩu 100% sản phẩm, do đó cần sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến “doanh nghiệp chế xuất” để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
6. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí cơ hội để nhanh chóng đưa các xí nghiệp dịch chuyển sang nước ta đi vào hoạt động.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và một số lãnh đạo tỉnh, thành phố đã thông báo về việc có nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đạt được thỏa thuận hoặc đã đề xuất với lãnh đạo địa phương hỗ trợ về đất đai và thủ tục hành chính để họ dịch chuyển nhà máy quy mô lớn sang Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các bộ, UBND tỉnh, thành phố quyết liệt hơn trong việc thu hút FDI, nhất là làn sóng dịch chuyển nhà máy sang nước ta, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao, đất sạch, giảm thiểu thủ tục hành chính. Thủ tướng cũng đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng giúp Thủ tướng chỉ đạo để tận dụng cơ hội mới.
GS, TSKH NGUYỄN MẠI