Doanh nghiệp khởi nghiệp thường gắn liền với sự đổi mới, không chỉ trong sản phẩm mà còn trong mô hình kinh doanh. Đổi mới này có thể là sự cải tiến về công nghệ, quản trị, hay thậm chí là cách thức hoạt động hoàn toàn mới. Tuy nhiên, sự mới mẻ này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần vượt qua nhiều thách thức trước khi sản phẩm hoặc dịch vụ được thị trường chấp nhận, từ việc nghiên cứu, phát triển, cho đến thử nghiệm, đòi hỏi nhiều thời gian và tài chính.
Trong bối cảnh đó, quỹ đầu tư mạo hiểm đóng một vai trò không thể thiếu, cung cấp nguồn lực tài chính và hỗ trợ cần thiết để các công ty khởi nghiệp có thể thực hiện những ý tưởng đổi mới của mình. Ở Việt Nam đã xuất hiện các nhà đầu tư có uy tín, những người sẵn sàng đầu tư vào các dự án khởi nghiệp tiềm năng ngay từ giai đoạn đầu. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn đóng góp vào sự đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế của đất nước.
|
|
Các đại biểu tham quan sản phẩm đổi mới sáng tạo tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Thủ đô năm 2023. Ảnh: LA DUY
|
Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam các năm 2019, 2020 và 2022, số lượng quỹ tham gia và số vốn cam kết không ngừng tăng lên, từ 18 quỹ với 425 triệu USD năm 2019 lên 33 quỹ với 815 triệu USD năm 2020 và 39 quỹ với 1,5 tỷ USD năm 2022. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp sáng tạo cũng như số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam. Nửa đầu năm 2023, tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam vẫn đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị đầu tư đạt 413 triệu USD.
Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund), Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, Việt Nam không chỉ thu hút sự chú ý từ quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế mà còn từng bước hình thành một hệ thống pháp lý vững chắc để hỗ trợ cho sự phát triển của khởi nghiệp mà Nghị định số 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là một ví dụ. Điều này tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm theo luật pháp của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, mặc dù vấn đề pháp lý có đôi chút chậm trễ so với thực tế, nhưng Việt Nam đã và đang nỗ lực tạo dựng một khung pháp lý ổn định cho đầu tư mạo hiểm. Từ đây sẽ mở ra cơ hội cho việc hình thành một thị trường đầu tư mạo hiểm sôi động, thậm chí là xây dựng sàn giao dịch các công ty khởi nghiệp. Điều này sẽ giúp Việt Nam không chỉ thu hút thêm nhiều vốn đầu tư mạo hiểm mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp. "Việt Nam hiện không thiếu tiền để đầu tư mạo hiểm, cái còn thiếu là thiếu các công ty startup tiềm năng, có đủ cơ sở để thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn, bao gồm cả các quỹ trong và ngoài nước", ông Phạm Tuấn Hiệp nhận định.
Hiếm startup nông nghiệp
|
|
Ông Vũ Tiến Lộc. Ảnh: THẢO HIỀN |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): Nước ta hiện có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong tổng số hơn 900.000 doanh nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam về căn bản là nông nghiệp gia công, giá trị gia tăng thấp, giống cây trồng, vật tư, phân bón vẫn phải nhập khẩu. Phải chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phải biến mỗi người nông dân thành một nhà khởi nghiệp. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ tiếp sức cho người nông dân và doanh nghiệp.
|
|
Ông Đỗ Tiến Thịnh. Ảnh: ANH SƠN |
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC): Dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới không thiếu, chưa kể Việt Nam là một trong những nước được coi là tam giác vàng của dòng vốn quốc tế. Có nhiều quỹ đầu tư tiếp cận thị trường Việt Nam trong vài năm qua, nhưng số lượng startup nông nghiệp được họ rót vốn còn rất ít. Nguyên nhân là bởi các nhà đầu tư cần những doanh nghiệp đạt chuẩn, trong khi startup nông nghiệp của chúng ta đa phần quản trị theo kiểu gia đình, chưa đạt chuẩn về công khai minh bạch. Như vậy vấn đề là làm sao startup nông nghiệp khắc phục các điểm yếu để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
|
HOÀNG VIỆT