Từ quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh, ông đến với văn học Nga ở giữa trái tim Nga - Mát-xcơ-va. Để rồi, cái công việc chuyển tải văn học Nga đến với bạn đọc Việt Nam dính lấy ông như một cái nghiệp. Cách đây hai thập kỷ, trong hai năm nằm trên giường bệnh, ông đã dịch kiệt tác “Nghệ nhân và Ma-ga-ri-ta” của một trong những nhà văn được đánh giá là lớn nhất và kỳ bí nhất của nước Nga: Mi-kha-in Bun-ga-cốp. Đến nay, ông đã dịch hơn 30 đầu sách như “Trái tim chó”, “Những quả trứng định mệnh” (M. Bun-ga-cốp); “Nguyệt thực”, “60 ngọn nến”, “Đêm sau lễ ra trường” (V.Ten-dri-a-cốp); “Chiếc vòng thạch lựu”, “Xulamif” (A.Cu-prin), Đêm trắng (Đốt-tôi-ép-xki)...
 |
Dịch giả Đoàn Tử Huyến |
Hiện trạng văn học Nga ở Việt Nam
PV: Thưa ông, từng có một thời gian khá dài, văn học Nga thống trị mảng văn học dịch ở Việt Nam. Nhưng đến hiện tại, nhiều sự đã thay đổi. Theo ông, văn học Nga đang đứng ở đâu?
Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Năm 70, 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, những tác phẩm văn học Nga nào mới ra tôi đều tìm đọc. Giờ việc nhiều, không chỉ chăm lo văn học Nga mà còn cả văn học thế giới và Việt Nam. Diện quan tâm rộng hơn nên không đi sâu được vào riêng văn học Nga. Thời gian trước, có những năm tôi dịch 5-7 tác phẩm. Giờ, vài ba năm mới dịch một cuốn. Hơn nữa, văn học Nga cũng bùng nổ về mặt số lượng. Trước kia, mỗi năm, mỗi nhà xuất bản xuất bản dăm bảy cuốn, giờ có thể ra hàng trăm cuốn sách dịch. Số nhà xuất bản tăng lên, số sách in nhiều, nên việc theo dõi cũng khó khăn hơn. Trước kia số lượng ít, tập trung, cuốn nào ra có tiếng đều được đón nhận, hơn nữa lại là định hướng một chiều.
Số người tìm đọc văn học Nga không còn nhiều, nên số người làm văn học Nga cũng bớt đi. Tuy nhiên, tôi vẫn theo dõi tình hình văn học Nga qua báo chí Nga, Việt và nghe ngóng qua bạn bè Nga.
- Những năm 70-80, sở dĩ văn học Nga có được vị trí thống trị ở ta là do hầu như không có nguồn văn học nước ngoài nào khác. Thế rồi, đến thời đại bùng nổ thông tin, khi văn học Âu-Mỹ tràn vào, văn học Nga bỗng vắng bóng. Thưa ông, vì sao?
- Những năm 60, 70, 80, rất nhiều tác phẩm của văn học Nga được đem ra dịch sang tiếng Việt mà thiếu sự chọn lọc. Người đọc không có gì khác để đọc và bị bội thực. Khi có văn học Âu-Mỹ vào, lập tức xuất hiện một thị hiếu khác. Nhiều người không còn mặn mà với văn học Nga. Cần phải có những người đưa văn học Nga bình thường trở lại. Cần thời gian để cái thị hiếu đọc cân bằng trở lại.
- Có còn là do văn học Nga hiện đại không có những tác phẩm lớn?
- Thời nào văn học Nga cũng có những tác phẩm lớn. Văn học Nga từ khi đứt đoạn ở Việt Nam, từ những năm 80, đã khoảng 20 năm rồi, không thể một nền văn học lớn như thế lại không có tác phẩm lớn. Hiện tại luôn có tới 5-6 nhà văn Nga thường xuyên được đề cử giải Nô-ben. Vấn đề là khả năng chọn lọc của dịch giả. Những năm trước đây, người ta chỉ chạy theo những tác phẩm ăn khách. Mấy năm trở lại đây, những tác phẩm có tầm tư tưởng lớn mới được quan tâm.
- Tiếng Nga là thứ tiếng phát triển rất nhanh, xã hội Nga cũng biến chuyển mạnh mẽ. Trong khi đó, những người dịch văn học Nga lại chủ yếu là những “người cũ”, học tiếng Nga từ những năm 60, 70. Vậy vấn đề bạn đọc không còn mặn mà với văn học Nga có phải vì thiếu những người
Thời nào văn học Nga cũng có những tác phẩm lớn. Văn học Nga từ khi đứt đoạn ở Việt Nam, từ những năm 80, đã khoảng 20 năm rồi, không thể một nền văn học lớn như thế lại không có tác phẩm lớn. Hiện tại luôn có tới 5-6 nhà văn Nga thường xuyên được đề cử giải Nô-ben. Vấn đề là khả năng chọn lọc của dịch giả. Những năm trước đây, người ta chỉ chạy theo những tác phẩm ăn khách. Mấy năm trở lại đây, những tác phẩm có tầm tư tưởng lớn mới được quan tâm. |
dịch tiếng Nga hiện đại?
- Một phần! Tiếng Nga có nhiều người giỏi, nhưng để chuyển sang tiếng Việt phải có điều kiện. Đó là sự am hiểu văn học và điều kiện có làm hay không. Vì người ta có thể làm nhiều việc khác nhiều tiền hơn.
- Theo ông, văn học Nga ở Việt Nam có thể trở lại thời hoàng kim?
- Không thể trở lại thời đó được. Vì đó là sự hoàng kim giả tạo, ép buộc, nếu để tự nhiên sẽ không có chuyện ấy.
Sức sống của văn học nga
PV: Nhiều tác phẩm Nga thế kỷ 19-thế kỷ vàng của văn học Nga-và 20 đang được in lại và vẫn được bạn đọc tìm mua. Điều đó chứng tỏ, vẫn còn những người Việt yêu mến văn học Nga, thưa ông!
Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Những tác phẩm của các tác giả: Đốt-tôi-ép-xki, Pu-skin, Sê-khốp đã trở thành kinh điển, những tác phẩm không còn là văn học Nga nữa đã trở thành văn học thế giới. Dăm bảy năm nay, bọn tôi đã làm tuyển tập những nhà văn lớn trên thế giới, trong đó có văn học Nga. Sê-khốp đã làm 3 tập, Pu-skin 5 tập, Đốt-tôi-ép-xki dự kiến làm 6 tập, hiện đã ra 4 tập và đã tái bản “Anh em nhà Ca-ra-ma-dốp”, “Gã khờ”. Những cuốn ấy vẫn được đọc. Số lượng không lớn nhưng vẫn có người tìm mua. Chúng tôi sắp ra một bản dịch mới của Sê-khốp. Đồng thời sẽ sàng lọc lại, sẽ dịch lại hoặc chọn những bản dịch tốt những cuốn kinh điển của văn học Nga như “Anh hùng thời đại” của Léc-môn-tốp, “Ta-rát Bun-ba” của Gô-gôn, tuyển tập truyện ngắn, truyện vừa Đốt Tôi-ép-xki. Tác giả này, ở Việt Nam mới chủ yếu biết đến tiểu thuyết. Truyện ngắn, truyện vừa của ông cũng rất hay. Đối với văn học Nga thế kỷ 20, chúng tôi sắp in một cuốn mỏng thôi nhưng rất lớn- cuốn “Chúng ta” của Gia-mai-kin.
- Dịch thơ, như thơ Pu-skin, hoàn toàn không dễ. Làm thế nào để có được những bản dịch vừa cao về mặt nghệ thuật, vừa chuẩn xác về mặt ngôn từ, thưa ông?
- Đó là yêu cầu lý tưởng. Ở yêu cầu lý tưởng, người dịch thơ phải là nhà thơ. Vì như thế mới có thể diễn đạt ra thơ. Ví như ngay đối với tiếng Việt, trước một sự kiện nào đó, dù cho đầy đủ câu chữ, đề tài, sẽ có người làm thơ dở, người hay. Dịch thơ cũng tương tự, cũng có câu chữ, người làm thơ tiếng Việt sẽ biết cách cấu trúc bài, câu chữ để thành bản dịch hay. Người không phải nhà thơ có thể hiểu được nghĩa, dịch sát nghĩa nhưng không thể biến thành bản dịch hay.
Nhà thơ hay mới có những bản dịch hay. Trước đây có Tản Đà, Nguyễn Khuyến dịch thơ Đường, Nam Trân dịch “Nhật ký trong tù”. Sau này, tôi đánh giá người dịch thơ hay là Bằng Việt. Bản thân ông đã là một nhà thơ, ông diễn tả bằng tiếng Việt thơ của Ôn-ga Béc-gôn rất đúng và hay.
Pu-skin là một nhà thơ lớn, rất nhiều người dịch thơ ông. Nhưng những bài toàn bích bằng tiếng Việt rất hiếm, thậm chí là không có. Những bài như “Anh yêu em”, “Thiên thần trắng trong”, nói một cách khắt khe, vẫn chưa ổn.
- Vậy thì ông dịch Pu-skin theo cách nào?
- Bản thân tôi và Trung tâm Văn hóa Đông-Tây chỉ tổ chức dịch và in ấn chứ không trực tiếp dịch. Năm 1999, kỷ niệm 200 năm ngày sinh Pu-skin, chúng tôi tổ chức một cuộc thi dịch thơ Pu-skin. Rất nhiều người đã hưởng ứng. Trong cuộc thi ấy, có những bài chúng tôi nhận được hàng chục bản dịch. Năm đó, Trung tâm đã làm 5 tập Pu-skin cả kịch, truyện ngắn, thơ (chọn phần lớn từ cuộc thi).
Văn học dịch đang khủng hoảng
PV: Tại sao, trong thời gian gần đây, văn học Nhật Bản, Trung Quốc lại được hấp thụ mạnh mẽ vào Việt Nam, thưa ông?
Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Vì đó là văn học thời thượng. Văn học Trung Quốc gần mình, giống mình, nên dễ dàng được đón nhận. Nhật Bản thì không nhiều nhưng là thời thượng của thế giới. Ví như Mu-ra-ka-mi đã sốt ở Nga cách đây cả chục năm, thần tượng số 1 của văn học thế giới ở Nga. Người đọc trên mạng thấy hôm nay Mu-ra-ka-mi, mai lại Mu-ra-ka-mi thì tất nhiên sẽ quan tâm. Mà Mu-ra-ka-mi cũng hay thật. Trước đây là “Rừng Na uy”, sau là “Biên niên ký chim vặn dây cót”, dân mình bị choáng rồi cứ tìm đọc theo.
- Cùng với văn học châu Á, văn học Âu-Mỹ cũng đang chiếm vị trí rất đáng kể, thưa ông?
- Văn học dịch hiện đang ở trong một tình trạng khủng hoảng, rất bấp bênh, phiến diện về đề tài, mảng sách, tác giả... Thiếu hẳn những tác phẩm lớn, đại diện cho văn hóa, văn học hiện đại và người đọc Việt Nam thật ra đang rất thiệt thòi... Sách dịch của Mỹ trên thị trường không hiếm, thế nhưng người đọc gần như không biết nhiều đến văn học Mỹ cổ điển và hiện đại. Văn học các nước khác cũng vậy...
- Có một con số ước đoán, có tới 60-70% sách dịch bán trên thị trường hiện nay là sách cũ. Việc ấy có nghĩa, bạn đọc Việt Nam cập nhật văn học thế giới rất chậm.
- Tôi thì đồ rằng nhiều hơn, khoảng 90%. Sẽ đến một ngày người đọc Việt Nam không có sách dịch mới, sách dịch tốt để mà đọc, mà biết đời sống văn học bên ngoài ra sao. Nhất là trong bối cảnh vấn đề bản quyền tới đây sẽ như một rào chắn khó vượt nếu không được tiếp sức... Đây cũng là lý do trung tâm chúng tôi luôn chú trọng mảng sách dịch mới, cổ vũ và khuyến khích các tác giả bỏ công đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
HUY QUÂN thực hiện