Là người có vinh dự đề xuất ý tưởng và sau đó trực tiếp tham gia Ban tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trong nhiều năm, tôi cảm thấy rất hạnh phúc về điều này. Đây chính là một trong những hoạt động thiết thực, hiệu quả mà Báo QĐND đã kiên trì, bền bỉ thực hiện trong 11 năm qua nhằm học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong công tác báo chí, trước hết là học tập, thực hiện những chỉ đạo của Bác trong việc tuyên truyền, phổ biến nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt trong xã hội.
Báo QĐND, trong lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mình, đã đạt nhiều thành tựu và đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý trong tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Từ những bài viết trên Báo QĐND đã xuất hiện nhiều điển hình tập thể và cá nhân có sức lan tỏa rộng lớn trong các phong trào thi đua yêu nước các thời kỳ, đặc biệt trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, góp phần giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thanh niên, cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân. Những kinh nghiệm đó là một di sản vô giá được các thế hệ làm báo hiện nay của Báo QĐND nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới.
Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt từ lâu đã được coi là một thế mạnh của Báo QĐND và đây cũng là một mũi nhọn trong tác chiến hằng ngày của báo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm những bài viết về gương người tốt, việc tốt của Báo QĐND. Được biết, trong bộ sưu tập những bài báo viết về gương người tốt, việc tốt Bác cắt ra từ các báo thì bài “Mẹ Đăng” cắt ra từ Báo Phụ nữ Việt Nam ra ngày 16-2-1956 là bài đầu và bài báo cuối cùng là bài “Xông vào lửa cứu xe, cứu đạn” cắt ra từ Báo QĐND số ra ngày 30-12-1968. Như vậy, trong suốt 13 năm, Bác đã bền bỉ và âm thầm sưu tầm, tuyển lựa những gương người tốt, việc tốt đăng trên các báo để động viên, khuyến khích, khen thưởng, tặng Huy hiệu của Người. Những gương người tốt, việc tốt thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần, nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau: Học tập, chiến đấu, lao động sản xuất, tiết kiệm, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, dũng cảm, thật thà và những gương nghèo vượt khó...
Lúc này, khi nhìn lại những kết quả to lớn mà Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đạt được sau 11 năm tổ chức, tôi càng thấm thía và tâm đắc lời dạy của Bác: “Những gương người tốt làm việc tốt muôn hình muôn vẻ là vật liệu quý để các chú xây dựng con người. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn. Đó cũng là cách thực hành đường lối quần chúng trong công tác giáo dục”. Bác cũng dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin thiết thực nhất”.
Ý tưởng tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” ra đời từ đầu năm 2008, đúng vào dịp các cơ quan báo chí mở đợt tuyên truyền sâu rộng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (1948-2008). Trong dịp này, Ban biên tập Báo QĐND có ý định phát động một cuộc thi viết về những cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực. Chúng tôi muốn bằng hoạt động sáng tạo này, thu hút sự tham gia của đông đảo cây bút chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong cả nước cùng tìm tòi, phát hiện và viết gương người tốt, việc tốt đăng trên các ấn phẩm của Báo QĐND, đồng thời phổ biến, lan tỏa những tấm gương đó qua các phương tiện và các loại hình truyền thông khác như giao lưu truyền hình, xuất bản sách, triển lãm… tạo ra một cuộc vận động phát hiện, biểu dương, phổ biến, lan tỏa và nhân rộng gương người tốt, việc tốt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong xã hội. Chúng tôi muốn từ cuộc thi viết này, trên trang báo cũng như trong xã hội, ai cũng thấy dòng chảy chính, chủ lưu vẫn là cái tốt, cái đẹp, cái tích cực, lấn át các hiện tượng tiêu cực, làm cho mọi người tin yêu cuộc sống, cùng chung tay nhân cái đẹp, cái tích cực lên nhiều lần hơn. Để cuộc thi thực sự có tiếng vang và tạo ảnh hưởng mạnh mẽ, Ban biên tập Báo QĐND đã chủ động mời Ban biên tập Báo Nhân Dân và Ban biên tập Báo Lao động cùng tham gia phối hợp tổ chức. Hai cơ quan báo chí này, cũng như Báo QĐND, đều có nhiều kinh nghiệm trong việc tuyên truyền gương người tốt, việc tốt qua các thời kỳ và cũng là những tờ báo, lúc sinh thời, được Bác Hồ rất quan tâm theo dõi, phát hiện các gương tốt được đăng trên báo, để Người tặng Huy hiệu. Rất mừng là các đồng chí lãnh đạo báo bạn đồng ý, đặc biệt là hai Tổng biên tập thời đó là đồng chí Đinh Thế Huynh và đồng chí Vương Văn Việt rất nhiệt tình ủng hộ ý tưởng này.
Ba năm đầu (2008, 2009 và 2010), Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” chính thức được 3 tờ báo cùng tổ chức và thu được những thành công rất ấn tượng. Mỗi cơ quan báo chí nhận được hàng trăm bài viết, phản ánh những tấm gương say mê lao động sáng tạo, chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình vì nhân dân, vì cộng đồng, nêu cao trách nhiệm trong công việc, hết lòng làm việc thiện, việc nghĩa, thể hiện đạo lý “thương người như thể thương thân”, cưu mang, cứu giúp những mảnh đời bất hạnh… Những tấm gương đó với suy nghĩ đúng đắn, trong sáng, hành động đẹp đã thể hiện giá trị nhân văn cao cả, lòng yêu nước, bản sắc văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người mới Việt Nam.
Để tạo ảnh hưởng tích cực và lan tỏa những tấm gương đã được giới thiệu trên các trang báo, mỗi kỳ tổng kết cuộc thi, ban tổ chức đều tổ chức lễ trao giải trang trọng, tổ chức giao lưu truyền hình trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam”, gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với những tấm gương nổi bật, gây xúc động mạnh đối với người xem và các tầng lớp nhân dân. Các tác phẩm dự thi được Nhà xuất bản QĐND tuyển chọn, xuất bản thành các tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trong tủ sách “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phát hành rộng rãi trong quân đội và toàn quốc. Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm hằng năm cùng với tên gọi “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm đến hoạt động có ý nghĩa này của các cơ quan báo chí, đến dự lễ tổng kết, trao giải, phát biểu chỉ đạo, biểu dương các gương người tốt, việc tốt và các tác giả, đánh giá cao cố gắng của 3 tờ báo trong việc phát hiện, giới thiệu, phổ biến, truyền bá, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt, tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng. Kết quả cuộc thi viết, mà cụ thể là những tấm gương được giới thiệu trên các báo: Nhân Dân, Lao động, QĐND đã ngày càng chứng tỏ sự hấp dẫn và tính thuyết phục của việc truyền bá cái đẹp, cái tích cực trong xã hội. Cái đẹp đã thực sự lên ngôi, góp phần “dẹp” cái xấu, cái tiêu cực. Nhiều bạn đọc đã phải thốt lên với sự ngạc nhiên: “Không thể tưởng tượng trong cuộc sống hiện nay lại có những tấm gương tuyệt vời như thế!”.
Sau khi kết thúc 3 cuộc thi trong 3 năm (2008-2010) với sự phối hợp cùng Báo Nhân Dân và Báo Lao động, Báo QĐND tiếp tục phối hợp với Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản QĐND tổ chức cuộc thi hằng năm từ năm 2011 đến nay. Cuộc thi được sự tài trợ và đồng hành của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Hàng nghìn tấm gương người tốt đã được giới thiệu trên các ấn phẩm của Báo QĐND, 14 tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã được Nhà xuất bản QĐND xuất bản và phát hành. Các cuộc giao lưu, truyền hình lễ trao giải cuộc thi được tổ chức là những sự kiện được chờ đợi hằng năm, cuộc nào cũng mang đến cho người xem những cảm xúc và ấn tượng không quên.
Giờ đây, nhìn lại hiệu ứng tích cực và sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc thi, tôi nghĩ một trong những yếu tố làm nên thành công chính là ngay từ đầu ban tổ chức cuộc thi đã chọn đúng đối tượng phản ánh, đó là những tấm gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực, thuộc mọi thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi, “những người sống quanh ta”, gần gũi với bạn đọc, chứ không phải những người có chiến công và thành tích đặc biệt đã được tôn vinh.
Đúng như Bác Hồ nói: “Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân, thì hay bị xem thường”. Chính tại cuộc làm việc về xuất bản sách “Người tốt, việc tốt” tháng 6-1968, Bác đã nói: “Các chú có biết biển cả do cái gì tạo nên không? Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc!”.
Vậy nhiệm vụ của cuộc thi chính là đi tìm “từng giọt nước nhỏ đang thấm vào lòng đất, chảy về một hướng để thành suối, thành sông”, những người bình thường làm việc tốt, âm thầm làm nên sức mạnh của tinh thần yêu nước, bản sắc văn hóa và những phẩm chất tuyệt vời của con người Việt Nam. Và sứ mệnh của báo chí là đi sâu vào thực tiễn, phát hiện, biểu dương, ca ngợi những con người đang xây “nền”, đắp “gốc” cho những pho tượng và lâu đài trên đất nước Việt Nam anh hùng.
Tôi luôn có cảm giác lời dặn sau đây của Bác trong cuộc làm việc với các cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương (tháng 6-1968) chính là lời dặn trực tiếp đội ngũ nhà báo, trong đó có cá nhân tôi trong suốt bao năm tổ chức cuộc thi: “Bác chỉ muốn nhắc các chú một điều: Chớ bỏ qua những việc mà các chú tưởng là tầm thường. Hai cô con gái đi đường thấy cái hố nhỏ ở vỉa hè đã rủ nhau đi lấy đất lấp lại cho đồng bào khỏi vấp ngã. Một người nông dân đi giữa trời mưa thấy bao gạo của Nhà nước không có gì che phủ, đã cởi tấm ni lông của mình ra đậy gạo cho Nhà nước. Cụ già Việt kiều trở về Tổ quốc để cùng chia sẻ những khó khăn, cùng gánh vác công việc đánh Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội… Tất cả những việc làm như vậy đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Chúng ta đánh thắng giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế, chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng”.
Thấm thía lời dặn của Bác, ngay từ đầu, ban tổ chức đã chọn cho cuộc thi viết một tên rất có ý nghĩa: “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Những hành động, việc làm của những gương tốt có thể là nhỏ, ít ai để ý, họ làm việc tốt một cách tự nhiên, như một bản năng, như một nhu cầu tự thân, không phô trương, không làm màu, không khoe khoang và không cần khen thưởng, nhưng suy nghĩ và hành động của họ mang ý nghĩa sâu xa, cực kỳ to lớn. Con người bình dị, việc làm bình dị, suy nghĩ bình dị nhưng ẩn trong sự bình dị đó là những giá trị cao quý về lòng yêu nước, tình thương yêu con người, sự hy sinh quên mình vì cộng đồng, tinh thần trách nhiệm, bổn phận người cán bộ, đảng viên và nghĩa vụ công dân… Sẽ càng cao quý nếu những suy nghĩ, việc làm của những con người bình dị đó được chia sẻ với nhiều người, để mọi người cùng cảm nhận, cùng học tập, làm theo, để cái tốt, cái đẹp lan tỏa không ngừng. Báo chí nêu gương người tốt làm việc tốt là để nhiều người học một người! Chính Bác Hồ mong muốn báo chí phải làm thật tốt việc này, vì không có gì giáo dục con người tốt hơn những tấm gương như vậy. Nhưng đáng tiếc là không phải lúc nào việc tuyên truyền người tốt, việc tốt cũng được báo chí quan tâm đúng mức. Có những lúc, một số báo lại quá hào hứng đưa vụ việc tiêu cực, tệ nạn xã hội lên trang báo, đến mức người đọc có cảm giác cái xấu, cái ác đang lấn át cái tốt, cái tích cực. Có những lúc, người đọc có cảm giác việc xấu thì lan nhanh mà việc tốt thì lan tỏa khó khăn…!
Không phải ngẫu nhiên, trong Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” có rất nhiều câu chuyện kể về những gương hoạt động nhân đạo, từ thiện, những con người sống trọn tình, vẹn nghĩa, sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân mình, gia đình mình, vì mọi người, vì cộng đồng. Những câu chuyện đó đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam, giáo dục mọi người sống theo đạo lý tốt đẹp “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Về vấn đề này, tôi lại nhớ lời Bác: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa như thế. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà. Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được”.
Điều quan trọng nhất chúng tôi rút ra từ những năm đầu tổ chức cuộc thi cho đến nay là trong bối cảnh đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp, một bộ phận cán bộ, đảng viên có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cái ác, cái xấu vẫn có đất để “dung thân” thì việc tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trên báo chí là cần thiết hơn bao giờ hết. Việc nghiên cứu, học tập và thực hiện những lời dạy của Bác về tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trên báo chí cần được các cơ quan báo chí thực hiện liên tục, thường xuyên với tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng. Cần sử dụng tốt những lợi thế của công nghệ thông tin hiện đại, sự phát triển của mạng xã hội, kết hợp sức mạnh tổng hợp của hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí, xuất bản, các công cụ thiết chế văn hóa… để lan tỏa người tốt, việc tốt sâu rộng đến mọi người, mọi nhà. Cần có nhiều hình thức quảng bá các tấm gương để “làn gió trong lành” từ những tấm gương bình dị mà cao quý mang đến cho bạn đọc sự sảng khoái, lạc quan và tình yêu cuộc sống, tin tưởng vào sự “tất thắng” của cái thiện, cái đẹp. Không phải ngẫu nhiên “những tấm gương bình dị” được người đọc đón nhận hào hứng với những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ vui mừng, ngạc nhiên, thán phục đến tin tưởng và mong muốn làm theo. Quả đúng như Bác Hồ đã nói: “Những gương thánh hiền ngày xưa chỉ có mấy chục và là chuyện của nước ngoài, chuyện tưởng tượng ra. Còn thánh hiền ngày nay bao gồm hàng triệu con người có thật trong nhân dân Việt Nam ta, ở trong nhà hay ra ngõ đều có thể gặp được”.
Bác tôn vinh gương người tốt, việc tốt ngang “thánh hiền”. Báo chí cần làm tốt sứ mệnh của mình là đưa các “thánh hiền” đó đến với mọi người, mọi nhà. Những câu chuyện về gương người tốt, việc tốt nếu được kể một cách chân thật, luôn có sức lay động lòng người, có tiếng vang, có sức thuyết phục, tính giáo dục cao, tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Đã qua 11 lần tổ chức, đến hôm nay, tôi nghĩ cuộc thi vẫn có chỗ đứng trong lòng bạn viết, bạn đọc và ai cũng cảm thấy nuối tiếc nếu một ngày nào đó cuộc thi bị dừng lại! Việc dùng gương người tốt, việc tốt để xây dựng con người mới là việc lâu dài, không có hồi kết, không có điểm dừng. Báo chí cách mạng lại càng phải quan tâm giới thiệu gương người tốt, việc tốt vì đây mới thực sự là “xây”, báo chí vừa “xây”, vừa “chống” nhưng “xây” vẫn là căn cốt, bền lâu. Lời Bác dặn đến nay vẫn mang tính thời sự: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Qua 11 Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, càng thấy rõ, khi cái tốt được phát hiện, vun trồng, chăm sóc, nó sẽ nảy nở thành bông hoa đẹp. Chúng ta phấn đấu để mong muốn của Bác Hồ thành hiện thực: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.
Mỗi năm, Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” phát hiện được vài trăm gương tốt, con số đó đáng khích lệ nhưng vẫn là chưa đủ. Tôi nghĩ là cuộc thi cần được quan tâm hơn nữa để trở thành cuộc vận động viết thường xuyên, liên tục, lâu dài, để rừng hoa đẹp ngày càng khoe sắc rực rỡ khắp nẻo, muôn nơi trên đất nước ta.
Trung tướng LÊ PHÚC NGUYÊN, Nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân