|
|
“Về nhà đi con” là bộ phim truyền hình thành công năm 2019. |
Trước đó, các phim như: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Quỳnh búp bê” đã được cho là thành công của phim truyền hình Việt khi kéo được khán giả quan tâm theo dõi, thậm chí các câu nói, phong cách nhân vật trong phim còn thành những trào lưu hot của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, đa số các phim này đều được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài. Điều đó khiến nhiều người vẫn nghi ngại rằng, chúng ta thiếu những kịch bản phim truyền hình thuần Việt. “Về nhà đi con” lấy cảm hứng từ kịch bản “cũ” thuần Việt “Khi đàn ông góa vợ bật khóc”. Phim “Khi đàn ông góa vợ bật khóc” chiếu năm 2013 được đánh giá như làn gió mới khi trước đó nhiều phim truyền hình Việt từng gây thất vọng cho khán giả. Sau 6 năm, “Về nhà đi con” giống như một bước ngoặt lớn. Vậy, điều gì đã tạo nên sức hút, thành công của bộ phim? Phim hấp dẫn không phải chỉ bởi đáp ứng nhu cầu giải trí, dàn diễn viên tên tuổi mà hơn hết, phim đã đề cập đến đề tài gia đình rất thời sự, gần gũi với những câu chuyện chân thực, rất đời thường, sống động mà người xem dễ dàng thấy ở xung quanh hay chính gia đình mình.
Sau hơn 4 tháng với 85 tập phim chiếu vào khung giờ “vàng” trên VTV1, bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” đã thực sự gây sốt trên khắp các diễn đàn, cộng đồng mạng, thu hút sự quan tâm theo dõi của lượng khán giả khổng lồ, hiếm thấy từ trước đến nay. Được biết, bộ phim cũng mang lại con số rất lớn cho VTV từ doanh thu quảng cáo, bởi sức nóng của bộ phim tỷ lệ thuận với giá quảng cáo. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng khen tặng tập thể Trung tâm Sản xuất phim truyền hình-Đài Truyền hình Việt Nam; nhóm biên kịch phim “Về nhà đi con” và 13 cá nhân là nghệ sĩ tham gia phim vì đã hoàn thành xuất sắc bộ phim. Ngoài giá trị nghệ thuật, “Về nhà đi con” còn mang giá trị tư tưởng, nhân văn sâu sắc, góp phần đề cao tình cảm gia đình, có tác động tích cực đến đời sống văn hóa, xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nhiều giá trị gia đình, xã hội bị lãng quên, mai một.
“Về nhà đi con” là một bộ phim dung dị, cảm động về gia đình với những câu chuyện xung quanh gia đình ông Sơn (NSND Trung Anh). Mở đầu bộ phim, ông Sơn hiện lên là một người chồng, người cha với suy nghĩ cổ hủ, gia trưởng, muốn vợ sinh được con trai. Khi ông đang hơn thua với bạn trên bàn nhậu thì vợ ông mất trong lúc sinh người con thứ 3-vì mong sinh được con trai theo ý chồng. Một mình cố gắng nuôi 3 con gái trưởng thành trong sự dằn vặt lỗi lầm về cái chết của vợ, ông nhận ra rằng “con trai hay con gái thì cũng là trời cho, cũng quý như nhau cả” và với ông “Ở một trường hợp nào đó mà bố phải lựa chọn mong muốn của cá nhân mình với các con thì bố luôn lựa chọn các con”.
Dẫu có những lúc chưa hiểu hết suy nghĩ của các con nhưng từ suy nghĩ đến hành động, ông Sơn luôn lo lắng, hy sinh vì các con, chỉ mong các con được hạnh phúc, bình an. Vừa làm cha, vừa làm mẹ của một đứa con đã khó, huống chi ông Sơn có 3 người con gái, mỗi người một tính cách, quan điểm sống khác nhau, vì vậy cách hiểu, cách dạy với mỗi người con cũng phải khác nhau. Trải qua những sóng gió gia đình, đã có lúc bế tắc, mệt mỏi nhưng chính lòng yêu thương con hết mực và sự bao dung, chở che trước những lỗi lầm, vấp ngã của các con, ông Sơn đã khiến những thành viên trong gia đình dù khác biệt về tính cách vẫn gắn kết với nhau bởi giá trị của tình cảm gia đình.
Xem phim, khán giả thấy các nhân vật hiện lên mỗi người một vẻ, một tính cách nhưng không có ai hoàn hảo, ở nhân vật nào cũng có những tật xấu, khuyết điểm và nỗi niềm riêng. Ông Sơn rất yêu thương, hy sinh vì các con nhưng đôi khi giáo điều. Chị cả Thu Huệ dịu dàng, đảm đang, luôn lo nghĩ cho người khác lại hay cam chịu. Anh Thư xinh đẹp, sắc sảo nhưng lại quá thực dụng trong cuộc sống và tình yêu. Ánh Dương yêu thương bố và các chị nhưng đôi khi lại quá trẻ con, nông nổi. Khải-người chồng yêu vợ nhưng ghen tuông, vũ phu. Vũ đa tình, lăng nhăng… Nhưng chính điều đó tạo nên các nhân vật đời hơn, phim chân thực hơn và gần gũi với khán giả như câu chuyện của chính mình, của người xung quanh vậy. Cuối cùng, qua bao sóng gió, va vấp cuộc đời, chính tình yêu thương, vị tha đã khiến mỗi nhân vật hiểu ra những giá trị tốt đẹp của gia đình, tình thân, của cuộc sống để sống tốt hơn, hoàn thiện mình hơn. Cũng qua câu chuyện phim, qua mỗi nhân vật, từng lời thoại là những thông điệp đầy nhân văn, tính giáo dục, những bài học ý nghĩa mà tác giả, đạo diễn muốn gửi gắm đến người xem.
CHI PHONG