“Đó là bức ảnh lịch sử và đáng nhớ suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi. Tháng 4-1975, tôi được giao nhiệm vụ là Thư ký quân sự phục vụ Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh. Điểm đặc biệt của bức ảnh chính là thời khắc lịch sử khi các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch đều mừng vui khôn xiết khi nhận được tin đại thắng, giải phóng Sài Gòn…”, Thiếu tướng Hoàng Dũng nói về giá trị lịch sử của bức ảnh.
Bức ảnh nổi tiếng ghi lại khoảnh khắc vui mừng của những tướng lĩnh, lãnh đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh và Bộ chỉ huy miền, gồm các đồng chí: Lê Đức Thọ, Đại diện Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại mặt trận; Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng, Lê Ngọc Hiền, Trần Văn Trà, Đinh Đức Thiện, Lê Quang Hòa… Đồng chí Hoàng Dũng lúc đó là cán bộ tác chiến Bộ Tổng tham mưu kiêm Thư ký quân sự của Đại tướng Văn Tiến Dũng, có điều kiện luôn theo sát mọi diễn biến của chiến dịch cùng với các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy cấp cao. Chính vì vậy, ông đã có mặt ở một trong những bức ảnh lịch sử của ngày đại thắng.
Bức ảnh lịch sử ghi lại khoảnh khắc ở Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh vào thời điểm 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Ảnh do Thiếu tướng Hoàng Dũng cung cấp
Bức ảnh thể hiện khuôn mặt của mọi người đều cười rạng rỡ trong lán Sở chỉ huy chiến dịch và đều cùng nhìn vào tấm bản đồ trước mặt. Thời khắc như đọng lại, cầm bức ảnh trên tay, Thiếu tướng Hoàng Dũng như đắm mình vào không khí của ngày toàn thắng năm xưa. Ông vẫn nhớ như in buổi sáng của ngày 30-4 năm ấy. Ông chậm rãi hồi tưởng:
Bắt đầu ngày mới, tin tức từ các hướng truyền về liên tục. Tất cả các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch đều tập trung ở lán Sở chỉ huy cập nhật diễn biến chiến dịch. Đại tướng Văn Tiến Dũng lúc ấy cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch tiếp nhận và xử lý, chỉ đạo kịp thời và sát với diễn biến thực tế ở khắp chiến trường. Thế ta đang như chẻ tre thì vào lúc 9 giờ 30 phút, một đồng chí cán bộ vào báo cáo với Đại tướng: Tổng thống Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn để thương lượng, xin được bàn giao chính quyền cho Quân Giải phóng.
Vừa nghe xong tin này, không cần suy nghĩ, Đại tướng nói ngay: “Họ không có gì để thương lượng và bàn giao cả! Ta phải tiếp tục tấn công theo kế hoạch, đánh tiêu diệt các mục tiêu trọng điểm, buộc chúng đầu hàng vô điều kiện”.
Cùng lúc đó, Đại tướng Văn Tiến Dũng nhận được bức điện mật từ Tổng hành dinh ở Hà Nội truyền vào. Bức điện nêu rõ chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Về thông tin Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn để thương lượng, bàn giao, quân ta cần kiên quyết tiếp tục tiến công, thực hiện theo kế hoạch.
Thiếu tướng Hoàng Dũng thường đọc lại những cuốn sách về Đại tướng Văn Tiến Dũng để nhớ về những ngày ở Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Không chậm trễ, Đại tướng Văn Tiến Dũng gọi cán bộ tác chiến đến gần và đọc ngay một điện lệnh, yêu cầu gửi các quân khu, quân đoàn, binh chủng, địa phương… chỉ đạo tiếp tục tiến công theo kế hoạch, không dừng lại, đánh tiêu diệt địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Chỉ đạo của Đại tướng đã truyền quyết tâm, khí thế tiếp tục tiến công quyết liệt đến khắp chiến trường, đập tan những ổ kháng cự cuối cùng và chiếm giữ hoàn toàn các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội ô Sài Gòn đúng như kế hoạch và yêu cầu đã đề ra của chiến dịch.
Thiếu tướng Hoàng Dũng như đắm mình trong những ký ức thiêng liêng của 42 năm trước, nhưng ông cũng không quên nhắc tôi ghi rõ từng câu chữ mà ông còn nhớ như in vào buổi sáng đặc biệt ấy. Vốn nhiều lần đến tiếp chuyện ông trong nhiều năm qua, tôi hiểu được sự cẩn thận, chặt chẽ đến từng chi tiết lịch sử của ông. Suốt hơn 32 năm ở Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu và sau là Chánh văn phòng Bộ Tổng tham mưu, ông luôn ghi chép cẩn thận những dấu mốc lịch sử và sự kiện mà mình được chứng kiến.
Thiếu tướng Hoàng Dũng tiếp tục kể: Đến 11 giờ 30 phút ngày 30-4, qua sóng phát thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng và mọi người tại Sở chỉ huy chiến dịch nghe Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Dù không còn là sự bất ngờ nhưng mọi người chợt lặng đi rồi vỡ òa niềm vui chiến thắng. Không chỉ những người có mặt trong lán Sở chỉ huy, phía bên ngoài, các cán bộ, nhân viên phục vụ cũng vui mừng reo hò, ôm nhau, có người đứng ngẩn ra, xúc động trào nước mắt trước tin chiến thắng. Đại tướng Văn Tiến Dũng và các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Thượng tướng Trần Văn Trà ôm chầm từng người sẻ chia niềm hạnh phúc vô bờ.
Đất nước thống nhất đã 42 năm, câu chuyện về thời khắc và diễn biến ở Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh của Thiếu tướng Hoàng Dũng vẫn luôn sôi nổi và giàu cảm xúc mỗi lần ông nhắc đến. Điều tôi cảm nhận ở Thiếu tướng Hoàng Dũng, đó là dù ở tuổi 91, sức khỏe năm sau yếu hơn năm trước, nhưng có một điều đặc biệt là ở ông vẫn luôn toát lên vẻ minh mẫn với trí nhớ tuyệt vời về các dấu mốc, sự kiện lịch sử, ký ức chiến trường và về các vị tướng huyền thoại mà ông từng được làm việc, tiếp xúc trong suốt cuộc đời quân ngũ của mình. Thời gian vẫn cứ trôi, nắng tháng Tư chói chang ngoài cửa sổ như làm sáng lên những giá trị lịch sử, câu chuyện phía sau bức ảnh ở Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh như mạch nguồn chảy mãi với thời gian qua những ký ức không quên về một chiến dịch hào hùng đưa non sông về một mối.
Bài và ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN