QĐND - Khởi nghiệp từ một con số 0 tròn trịa, chàng trai Đỗ Công Nguyên từ chối giấc mơ bước vào cánh cổng trường đại học, rời quê hương phiêu bạt khắp nơi để kiếm sống, từ bán vé số, phụ hồ đến đốt lò gạch thủ công... Nhưng rồi, với khát vọng cháy bỏng vươn lên, anh đã trở thành “vua bếp” ASEAN và giờ là giảng viên Trường Đại học Thương mại Hà Nội.

Chàng trai nghèo nghị lực

Đôi mắt sâu hút, thần thái mạnh mẽ và cách nói chuyện đầy lạc quan của Nguyên đã gây ấn tượng với tôi từ những phút giây đầu gặp gỡ. Giữa tiết trời dìu dịu của mùa thu Hà Nội, ngồi quán cà phê căng-tin của trường, câu chuyện về quãng thời gian khó khăn, vất vả mà anh đã trải khiến tôi ngấn lệ.

Sinh ra ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, tuổi thơ của Công Nguyên cũng như bao bạn bè cùng trang lứa. Ấy là chăn trâu, cắt cỏ, phụ cha mẹ việc cấy cày. “Nhà tôi nghèo, không đủ ăn, vừa đi chăn bò vừa tranh thủ móc cua, đánh giậm. Khi học cấp hai, tôi đã đi phun thuốc sâu hằng tuần với cái bình nặng mấy chục cân trên lưng. Cảm giác choáng váng giữa trưa hè làm việc trên cánh đồng lúa mênh mông với cái bụng đói meo, nhiều lúc đôi chân muốn khuỵu xuống…”, Nguyên kể về tuổi thơ của mình.

Dường như cái nghèo, cái khổ không thể khuất phục được sức mạnh của ý chí, lòng quyết tâm của những đứa trẻ nơi làng quê như Nguyên. Mỗi khi chiều về, dắt trâu qua đầu làng, Nguyên lại trăn trở, sau này sẽ phải làm gì để giúp gia đình vượt qua cuộc sống này? Câu hỏi đó cứ bám riết lấy cậu bé.

Một ngày tháng 7-2000, Nguyên vui sướng khi nhận giấy báo đỗ vào Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội. “Cầm tờ phiếu báo trúng tuyển đại học, tôi sung sướng muốn hét lên. Cuộc đời từ nay sẽ bước sang một trang mới, một tương lai rực sáng loé lên nhưng rồi bỗng khựng lại. Số tiền 250.000 hằng tháng gửi cho chị gái đang học đại học sư phạm cũng đã là quá sức với bố mẹ. Thêm mình đi học bố mẹ sẽ nhọc nhằn gấp bội”, Nguyên bùi ngùi. Vào đại học luôn là ước mơ, khát vọng không chỉ của Nguyên mà của biết bao người, vì đó là tương lai tươi sáng, là con đường đỡ gian nan nhất đối với tuổi trẻ khi tìm kiếm tương lai. Nhưng với anh thì không thể chọn tương lai theo một cách thông thường. Nguyên tự an ủi, đại học đâu phải là cánh cửa duy nhất để bước vào đời, tờ phiếu đỗ đại học nhanh chóng được cất trang trọng trong cuốn sổ nhật ký để mỗi khi mệt nhọc, anh lại mở ra, tiếp thêm cho mình nghị lực.

“Đầu bếp” Đỗ Công Nguyên với “tuyệt phẩm” cá kho.
Nguyên nhanh chóng gác sách bút để bước vào cuộc đời. Công việc đầu tiên anh xin đi làm là một cơ sở sản xuất cám gạo. Guồng quay công việc cuốn hút Nguyên từ sáng sớm đến tối khuya. Hằng ngày, anh phải dậy từ 3 giờ, vác những bao tải gạo lên xe cho người ta chở về thành phố. Một thời gian sau, anh lại chuyển làm thợ sắt cho các công trình xây dựng. Cảnh làm thuê, ráo mồ hôi cũng hết tiền, khổ cực đã thôi thúc Nguyên tìm đến những miền đất hứa. Để dành ra được 1 triệu đồng, Nguyên lại xin bố mẹ vào Nam lập nghiệp. Chuyến tàu đưa Nguyên vào miền Nam xa xôi mang theo bao nước mắt vì nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha. Vừa vào đến nơi, cũng chỉ còn lại mấy chục nghìn trong túi, Nguyên xin đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương, rồi đi đốt lò gạch gốm thủ công. Mỗi buổi sáng thay vì mua gói xôi 3.000 đồng, Nguyên chỉ mua gói 1.000 đồng. Phần tiền còn lại dành dụm gửi về cho mẹ. Mỗi lần đi gửi tiền về, nghĩ tháng này thế là mẹ bớt đi được một nỗi lo, trong lòng Nguyên lâng lâng hạnh phúc.

Thuê nhà trọ ở Bình Dương nhưng Nguyên lại làm phụ hồ ở TP Hồ Chí Minh. Tài sản duy nhất lúc ấy của anh là chiếc xe cà tàng, nát đến mức phải dùng chân làm phanh. Vậy mà, hằng ngày, trên chiếc xe ấy Nguyên đạp hơn 35km đi làm. Có lần xe hỏng, không có tiền, anh phải năn nỉ mãi thợ mới sửa hộ. Vòng xe cứ quay, Nguyên lang thang phụ hồ hết công trình này sang công trình khác rồi làm đủ thứ nghề, ai thuê gì làm đấy, từ lắp ráp xe đạp, đến in quần áo, đi bán vé số… Ròng rã 2 năm liền bám trụ đất Sài thành với đủ thứ nghề, Nguyên nghĩ rằng, muốn ổn định cuộc sống phải tìm cho mình một nghề. Dốc sức làm việc dành dụm ít tiền, Nguyên quay về Hà Nội dự thi vào Trường Trung cấp Nghiệp vụ Du lịch. Thi trượt hệ trung cấp, Nguyên làm đơn xin theo học sơ cấp nấu ăn của trường.

Từ anh học trò “học lỏm”... đến giảng viên đại học

Năm 2004, Đỗ Công Nguyên tạo nên một bất ngờ lớn. Sau nhiều lần Việt Nam đưa người tham dự Hội thi Tay nghề ASEAN, lần đầu tiên có một đầu bếp Việt Nam giành Huy chương vàng. Nhớ về kỷ niệm đó, giờ đây Nguyên vẫn ngỡ như một giấc mơ. Do đã nếm trải nhiều khổ cực của cuộc sống nên khi có cơ hội, dù là nhỏ nhoi Nguyên cũng cố gắng hết sức với tinh thần tập trung cao độ. Vì thế, không ít lần anh đã đi học lỏm. “Một lần tôi thấy thầy Tường Minh Ngọc, giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội dạy tỉa hoa, mê mẩn với cách trình bày độc, đẹp, lạ của thầy, nghĩ rằng sẽ dùng trang trí món ăn sau này, nên tôi lẻn vào lớp học lỏm. Do lớp toàn con gái và tôi không mặc đồng phục nên dễ dàng bị thầy phát hiện và mời ra ngoài. Không nản, được một lúc tôi lại quay trở lại lớp học... Về nhà tôi quyết tâm làm bằng được như thầy. Có ngày tôi dành 12 tiếng chỉ để tỉa thành công 1 bông hoa”, Nguyên nhớ lại.

Để có kinh nghiệm thực tế, Nguyên xin vào nấu ăn ở các nhà hàng. Có những nơi anh đến xin làm không công chỉ để học cách nấu một món nào đó. Do vậy, ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, Nguyên đã có tay nghề rất khá. Trong lần đi thực tập ở Khách sạn Hilton, Hà Nội, dù thời gian thực tập đã hết nhưng anh vẫn xin ở lại học. Theo anh Lê Văn Linh, Bếp trưởng bếp nóng của Khách sạn Hilton: “Trong thời gian thực tập hay đã được tuyển chính thức làm bếp ở khách sạn thì ngày nghỉ Nguyên luôn chủ động xin đến làm việc. Nhiều người không hiểu sao thì Nguyên giải thích, đây là cơ hội rất lớn để được thực hành. Đam mê học hỏi, sẵn sàng nhận bất kỳ công việc nào, Nguyên đã gây được cảm tình với các đồng nghiệp và được mọi người giúp đỡ, chỉ bảo tận tình”.

Với Huy chương vàng đoạt được, cuộc đời Nguyên rẽ sang một trang mới. Anh được Khách sạn Hilton cho đi đào tạo tại Nhật Bản một thời gian về công việc đầu bếp. Sau đó, anh được đào tạo về kỹ năng khách sạn ở một số nước trên thế giới.

Sau thời gian được đào tạo tại nước ngoài, Nguyên quyết định về nước học đại học. Trường Đại học Thương mại là nơi anh tìm đến. Đã có thực tế về kỹ năng khách sạn và tiếng Anh nên anh chọn học chuyên ngành quản trị du lịch và khách sạn. Đến nay, chàng trai nghèo thuở nào đã là thạc sĩ, giảng viên chuyên ngành quản trị khách sạn và du lịch.

Thỏa mơ ước xưa kia, cứ ngỡ cánh cổng trường đại học không bao giờ chào đón mình thì nay thầy Đỗ Công Nguyên đã truyền thụ kiến thức cho biết bao thế hệ sinh viên. Bước chân dọc theo những hành lang cùng anh trên khuôn viên trường, tôi nhận thấy anh luôn được các em sinh viên bày tỏ sự kính trọng, khâm phục. "Thầy Nguyên không chỉ là một người thầy dạy cho chúng em kiến thức mà thầy còn dạy cho chúng em về kỹ năng sống. Thầy đã truyền thụ cảm hứng sống mãnh liệt cho tất cả mọi người”, sinh viên Thảo Như, K38, ngành quản trị khách sạn và du lịch của Trường Đại học Thương mại, chia sẻ.

“Đứng trên bục giảng hằng ngày, anh truyền cảm hứng cho sinh viên thế nào?”-Tôi hỏi. “Tôi thường kể cho sinh viên những câu chuyện mình đã trải qua. Để có tiền đi học, tôi phải tranh thủ làm thêm tối ngày. Tôi đã từng có thời gian chỉ được ngủ 2 đến 3 tiếng/ngày. Nhiều hôm, đi xe đạp trên đường đến trường cũng ngủ, đang thái thức ăn cũng ngủ”, Nguyên kể. Những chia sẻ đó của Nguyên đã góp phần truyền lửa cho thế hệ sinh viên hôm nay. Sau mỗi khóa tốt nghiệp, anh đều cho sinh viên của mình những lời khuyên chân thành phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng người và giới thiệu, giúp đỡ rất nhiều sinh viên tìm việc làm ổn định với mức thu nhập khá. Nhiều sinh viên đang học nếu hoàn cảnh khó khăn đều được thầy Nguyên tạo cơ hội cho đi thực tập, làm thêm ở các nhà hàng, khách sạn kiếm thêm thu nhập, trang trải học hành.

Ngoài việc giảng dạy ở trường, Nguyên thường xuyên được các nhà hàng, khách sạn ở khắp các tỉnh, thành phố mời về dạy, hướng dẫn cho nhân viên của họ những kỹ năng cơ bản để trở thành một đầu bếp giỏi hay cách quản lý một khách sạn chuyên nghiệp. Cuộc sống giờ đã ổn định, Nguyên không làm để kiếm sống mà anh muốn làm để chia sẻ kỹ năng, những gì mình đã được học để truyền lại cho mọi người. Đặc biệt, Nguyên còn tư vấn, dạy nấu ăn cho học sinh, sinh viên và cả những người “không quen biết” tại nhà mà không hề nhận một đồng học phí. Trên trang cá nhân của mình, hằng tuần anh luôn có những công thức các món ăn dành tặng mọi người. Từ cách kho cá chép đến cách làm những món sa-lát hay đặc sản của các vùng, miền. Anh còn dạy cho mọi người kinh nghiệm chọn và tìm những thực phẩm sạch ở đâu. Được giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vượt lên số phận là mong ước, khát khao của Nguyên. Tính đến nay, riêng ở xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, anh đã hướng dẫn cho hơn 20 người thành công với nghề nấu ăn trên khắp cả nước.

Dù đã là một giảng viên, nhưng Nguyên vẫn trực tiếp tham gia đứng bếp cho các nhà hàng, khách sạn ở quanh thành phố Hà Nội, tư vấn lên thực đơn, dạy nấu ăn, cách tổ chức sắp xếp sự kiện sinh nhật, cưới hỏi... Anh cũng tham gia biên tập và viết sách dạy nấu ăn. Hiện nay, anh đang từng bước hiện thực hóa ý tưởng hướng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm sạch, thông qua cách chọn, chế biến thức ăn bằng cách đưa vào giáo trình tài liệu và hướng dẫn, tư vấn miễn phí qua điện thoại và các trang mạng xã hội.

Bằng những trải nghiệm của bản thân, anh đã chứng minh không có sự may mắn nào tự nhiên có được mà tất cả đều phải bằng sự nỗ lực. Kết quả Nguyên đạt được ngày hôm nay đều xuất phát từ quá trình lao động, tìm tòi, học hỏi. Nó sẽ là ngọn lửa truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ thêm vững tin bước vào cuộc đời.

Bài và ảnh: MAI ANH