Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học-nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: “Cả nước tính ra có hàng nghìn câu lạc bộ thơ, nhưng có bài thơ nào hay, có sức sống lâu dài không? Khó vô cùng! Tôi rất chịu khó đọc thơ của các câu lạc bộ nhưng phải thú nhận là không có thơ hay đâu”.
Chia sẻ của nhà thơ Hữu Thỉnh thực ra cũng là nỗi niềm của rất nhiều văn nghệ sĩ trên cả nước. Các nhà văn, nhà thơ vẫn hay nói với nhau: Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng, xin đừng tặng thơ.
Kể từ khi hoạt động văn học-nghệ thuật được xã hội hóa, một tình trạng khiến cộng đồng nhức nhối là các nhà xuất bản cho in thơ nhiều như “nấm mọc sau mưa”. Nhiều “thi sĩ xóm”, “thi sĩ làng” trước đây có nằm mơ cũng không dám nghĩ thơ mình được đăng trên báo tường... cấp xã. Vậy mà nhờ chủ trương xã hội hóa, cứ có tiền là có thể in thơ nên nhiều người in vô tội vạ, in cả chục tập thơ “con cóc” đi tặng bạn bè, người thân.
Có người nói, “nhà thơ” bỏ tiền túi ra in, có hại gì cho xã hội đâu mà phải phê phán. Xin thưa, tiền túi là của cá nhân nhưng trên bình diện toàn xã hội thì đó vẫn là một sự lãng phí ghê gớm về tiền bạc, của cải. Thơ “con cóc” mà cứ in tràn lan thì đích thị là một thứ “rác văn hóa” cần phải dọn dẹp.
TRÚC LINH