Chú bộ đội bất ngờ nổi tiếng
Sau một đêm ngủ tỉnh giấc, Đại úy Vũ Văn Quốc (Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1) còn tưởng rằng mình đang ở trong giấc mơ. Bài hát “Có một nghề” anh tự sáng tác, hát và làm video clip đăng lên trang YouTube cá nhân tối hôm trước đã có hơn 20.000 người theo dõi cùng hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận tích cực. “Có một nghề” là bài hát được Quốc sáng tác trong thời gian rất ngắn, như một lời tự sự nói về công việc của người chiến sĩ trong thời bình-mà một số người vẫn gọi là “nghề lương cao”. Bài hát chỉ chân thật kể lại những câu chuyện của đồng đội đã ra đi mãi không về khi làm nhiệm vụ, bao đồng đội đang căng mình cùng nhân dân chống dịch, có người mẹ mất cũng không thể về chịu tang... Những nỗi gian nan của bộ đội thời bình làm sao kể xiết, nhưng họ vẫn xông pha, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Mộc mạc, nhẹ nhàng, không một từ ngợi ca, nhưng chính những ca từ chân thật ấy đã thể hiện được sự hy sinh thầm lặng của Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Cũng chính bởi sự giản dị mà sâu sắc ấy nên bài hát đã chạm đến trái tim của nhiều người chỉ trong thời gian ngắn.
13 năm trong quân ngũ đã giúp Vũ Văn Quốc thấu hiểu đời sống của chính mình, của đồng đội mình là như thế nào. Chứng kiến những hy sinh, mất mát của đồng đội, được thấy và hòa mình vào lực lượng xung kích trên tuyến đầu chống dịch khiến cảm xúc trong anh dâng trào, để những ca từ đầu tiên vang lên: “Có một nghề được gọi là lương cao...”. Anh chia sẻ: “Tôi không nghĩ là bài hát lại được lan tỏa đến vậy. Ngay sau khi đăng lên, có nhiều bình luận, hầu hết đều bày tỏ sự xúc động, chia sẻ với những hy sinh của bộ đội, nhiều người còn viết rằng đã khóc khi nghe bài hát. Có một bác đã viết: “Tôi cũng là người lính già, 52 tuổi, thượng tá, bác sĩ, vừa nghe vừa khóc! Cảm ơn đồng đội nhiều!” khiến đọc xong tôi cũng nghẹn lòng”.
    |
 |
Bộ đội Sư đoàn 3 trên đường hành quân. Ảnh: PHÚ SƠN |
Những ngày qua, nhiều người khi nghe bài hát “Có một nghề” đã liên hệ Quốc để xin beat nhạc, lời bài hát và xin được hát lại ca khúc. Anh cũng nhận được nhiều lời hỏi thăm, động viên sáng tác tiếp. Nhưng mới đây, khi đăng tải ca khúc mới “Xin cảm ơn những thiên thần áo trắng”, Đại úy Vũ Văn Quốc đã bày tỏ rằng: “Tôi là một người lính, không phải là nhạc sĩ, cho nên trước hết bản thân chỉ coi đây như những dòng tâm sự, tri ân và niềm cảm phục sâu sắc đối với những con người đang hết lòng, hết sức trên trận chiến chống Covid-19 vì Tổ quốc thân yêu, chỉ khác là được phổ nhạc cho dễ đi vào lòng người mà thôi”. Khi sáng tác “Có một nghề”, Quốc mong có thể cổ vũ, động viên đồng chí, đồng đội của mình. Còn với “Xin cảm ơn những thiên thần áo trắng”, anh gửi lời tri ân, tôn vinh những nhân viên y tế đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân. Hai đồng đội thân thiết ở đơn vị của Quốc đều có chung hoàn cảnh: Chồng bộ đội, vợ ngành y. Những ngày này, hai vợ chồng đều đi làm nhiệm vụ chưa biết ngày về, con nhỏ ở nhà với ông bà. “Chú Quốc sáng tác một bài hát về ngành y đi”-câu nói đã thôi thúc Quốc thấy mình có trách nhiệm. Và những ca từ đã cất lên: “Ánh mắt nào đã bao đêm không ngủ... Tôi đã thấy tim mình đau nhói khi thấy bao người gục ngã vì kiệt sức, rồi lại gượng dậy... Có nơi nào như đất nước tôi không, có những thiên thần đầy bao dung nhân ái, những con người trong cổ tích ngày nay với đức hy sinh sáng mãi muôn đời...”. Bài hát “Xin cảm ơn những thiên thần áo trắng” do Vũ Luyến-anh họ của Quốc thể hiện cũng đã nhận được sự yêu mến, cổ vũ với hàng nghìn lượt xem trên YouTube sau hai ngày đăng tải.
Hạt nhân văn nghệ từ lúc nhỏ
“Sắp vào giới nghệ thuật rồi”; “Bây giờ gọi Quốc là nhạc sĩ hay ca sĩ đây?”; “Nghệ sĩ nổi tiếng rồi”... Bỗng dưng “nổi tiếng”, Quốc cũng nhận được nhiều câu đùa của bạn bè, người thân như vậy. Nhưng anh chỉ cười, nói mình vẫn là một người lính bình thường như bao đồng đội khác. Với anh, công việc của cán bộ chính trị hiện tại là quan trọng, ưu tiên hàng đầu và trước sau anh vẫn là một quân nhân luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình.
Vũ Văn Quốc sinh ra ở Lạng Giang (Bắc Giang). Ông bà nội mất sớm, bố Quốc và các anh em đùm bọc, nuôi nhau trưởng thành. Bác ruột, đến bố, rồi chú ruột Quốc đều là bộ đội. Từ nhỏ, hình ảnh chú bộ đội đã trở nên thân thuộc với anh. Người bác là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là bố-cán bộ tuyên huấn (công tác tại Sư đoàn 3) đã có nhiều ảnh hưởng đến Quốc từ nhỏ. Bác anh rất giỏi chơi các loại nhạc cụ. Bố là hạt nhân văn nghệ của đơn vị, thổi sáo rất hay. 5-6 tuổi, dù ngón tay còn quá ngắn không bịt kín hết lỗ sáo, Quốc bắt đầu tập tành thổi sáo theo bố. Năm học lớp 4, Quốc biểu diễn tiết mục thổi sáo đầu tiên ở trường, bài “Huyền thoại mẹ” trước sự bất ngờ của bạn bè, thầy cô. Rồi những năm học sau đó, trong các cuộc thi văn nghệ cấp huyện, tỉnh, những tiết mục thổi sáo của Quốc đều mang về giải cao.
Anh kể, vốn bố anh tự học thổi sáo, sau này dạy lại cho con kiểu "truyền miệng". Quốc cũng chưa từng được học về nhạc, vì vậy những sáng tác của anh cũng được ra đời theo cách rất “thủ công”. Như bài “Có một nghề”, Quốc nghĩ lời và giai điệu đến đâu thì đàn và hát, ghi âm lại đến đó. Sau đó, gửi nhờ anh họ làm beat nhạc, nhờ đồng đội ở đơn vị tranh thủ quay video vào giờ chơi thể thao, rồi tự thu âm bằng phần mềm trên máy tính và dựng hoàn chỉnh. Anh chỉ xác định làm mang tính văn nghệ cho vui, và sẽ vui hơn nếu có thể lan tỏa được những điều ý nghĩa tới xã hội.
Tuổi thơ Quốc cũng từng nghĩ đến việc sẽ làm một nhạc công, nhưng cuối cùng anh chọn con đường của một quân nhân, một quyết định mà đến nay anh vẫn khẳng định là phù hợp, đúng đắn nhất với mình. Ở vùng quê nghèo, bố mẹ lam lũ quanh năm để đủ cho con ăn học đã vất vả, nói gì đến chuyện đi học nhạc, mà muốn học cũng phải đi mấy chục cây số. Vì vậy, Quốc biết đó không phải con đường phù hợp với mình. Tốt nghiệp THPT, anh chọn thi vào Trường Sĩ quan Chính trị. Năm đầu học ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, trong môi trường mới nhiều bỡ ngỡ nhưng cũng đầy hào hứng, cậu học viên mày mò viết một số bài hát tặng các bạn cùng lớp, tặng mẹ, tặng anh trung đội trưởng. Và cho đến tận bây giờ, Quốc mới lại tiếp tục với “Có một nghề” và “Xin cảm ơn những thiên thần áo trắng”.
Như Đại úy Vũ Văn Quốc đã nói, anh không phải nhạc sĩ. Anh là một người lính. Nếu có chút tài lẻ, anh sẽ nhiệt tình làm một hạt nhân văn nghệ của đơn vị. Chơi đàn, thổi sáo, hát, đóng góp được gì, Quốc đều nhiệt tình tham gia. Trong những lần tham gia các cuộc thi, Vũ Văn Quốc từng mang về giải Vàng cho tiết mục độc tấu sáo “Cùng hành quân giữa mùa xuân” của Trường Sĩ quan Chính trị tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ VIII-khu vực II, năm 2015. Đại úy Vũ Văn Quốc cũng là hạt nhân tích cực trong công tác dân vận, gắn kết quân-dân. Mới tháng 4 vừa rồi, với đề xuất của địa phương nơi đơn vị đóng quân, Quốc được đơn vị cử tham gia đoàn của huyện Lạng Giang trong Hội thi Tuyên truyền lưu động tỉnh Bắc Giang năm 2021. Tiếng sáo của Quốc cất lên một lần nữa để lại nhiều ấn tượng với người nghe và được trao giải tiết mục xuất sắc.
DƯƠNG THU HÒA