Ở Việt Nam chúng ta, hành vi chào được thể hiện rất đa dạng, có thể chỉ nói đơn giản là “Chào!” hay “Xin chào!” (kèm theo giơ tay). Nhưng thực tế thường không đơn giản như thế. Văn hóa và phong tục giao tiếp đòi hỏi mỗi người một cách ứng xử sao cho phải.
Trong bài hát “Chim vành khuyên” (Nhạc của Hoàng Vân) có mấy câu nói về lời chào: Chim gặp bác Chào mào, chào bác!/ Chim gặp cô Sơn ca, chào cô!/ Chim gặp anh Chích chòe, chào anh!/ Chim gặp chị Sáo nâu, chào chị!
Như vậy, muốn chào cho đúng, việc đầu tiên ta phải xác lập cho đúng vai giao tiếp. Với người thân thiết trong gia tộc hay bạn bè quen biết đã lâu thì không có vấn đề gì (mọi thứ đã an bài theo quy định). Nhưng với người lạ mới gặp lần đầu (như nhân viên mới đi làm, hoặc đến một cơ quan nào đó làm việc, tình cờ gặp ai đó trên đường) thì việc chọn một vai xưng hô sao cho hợp lý là thể hiện một kỹ năng ứng xử cần thiết. Với người Việt Nam, nói gì thì nói, tuổi tác, quyền uy vẫn là yếu tố quan trọng nhất để chọn ngôi “xưng” và ngôi “hô”. “Xưng thì khiêm” (nhún nhường), “hô thì tôn” (kính trọng). Đó là nguyên tắc ứng xử quan trọng của người Việt trong mọi cuộc tiếp xúc. Nếu không, bạn sẽ bị coi là vụng về, thiếu tế nhị, thậm chí vô lễ. Cử chỉ đầu tiên này sẽ ảnh hưởng nếu không nói là quyết định cho mọi cuộc gặp gỡ, trao đổi. Người Việt ta có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Tác giả Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB TP Hồ Chí Minh, 2010) giải nghĩa câu này là: “Tiếng chào (giữa những người quen thân) thường được coi trọng hơn là việc được mời ăn một bữa cỗ (vì tình nghĩa bao giờ cũng được quý trọng hơn của cải, tiền bạc)”.
Nhưng trong giao tiếp công sở hay trong công chúng hiện nay, xưng hô cũng là vấn đề cần bàn.
Có người nói rằng, trong thời buổi văn minh hiện đại, nên sử dụng cách xưng hô xã giao cho phù hợp. Tức là khi gặp nhau trong công sở, trên diễn đàn hội nghị, hội thảo, phải bỏ qua lối xưng hô kiểu thân tộc gia đình. Phải nhất loạt gọi nhau là “ông”, là “bà”, là “đồng chí”. Ông, bà là hai ngôi thứ nhất trung tính, chỉ hai giới khác nhau (đàn ông hay đàn bà), bất luận tuổi tác của họ thế nào. Đồng chí (từ Hán-Việt có hai thành tố: Đồng là “cùng nhau”, chí là “ý chí”. Nghĩa đen gộp lại của “đồng chí” là “cùng ý chí, cùng chí hướng”) được dùng để chỉ một ai đó trong một tập thể cùng tổ chức mang tính chính trị, như đảng phái, đoàn thể... (thường là đảng viên, đoàn viên, công đoàn viên...). Sự câu nệ mang tính lệ thuộc làm cho nhiều người không dám xưng “tôi” gọi “ông/bà”, “đồng chí” ngay cả trong bối cảnh đông mang tính cộng đồng. Ví dụ, không ít cô gái lên diễn đàn: “Thưa các chú, các bác, các anh, các chị. Cháu xin phép bắt đầu buổi họp hôm nay...”. Cô làm ra vẻ lễ phép nhưng mắc hai lỗi: 1) Xưng “cháu” mới chỉ lễ phép một phần (vì còn nhiều người phải xưng em, xưng tôi, xưng mình...); 2) Làm mất đi vẻ trang nghiêm trong hội họp cần có. Ra ngoài hành lang, đến phòng riêng, cô có thể xưng “cháu”, còn ở diễn đàn không nên, dù rằng người đang đứng trước mặt cô trong khán phòng xứng đáng gọi “chú”. Gọi “đồng chí” không phải lúc nào cũng được. Các biên tập viên truyền hình (và truyền thanh) trong các buổi đưa tin thời sự (tức là cho mọi khán giả) cũng không thể gọi “đồng chí” với một số vị đang là cán bộ, công chức Nhà nước (dù họ có vai trò quan trọng hay quyền uy đến mấy). Cần phải thể hiện sự khách quan của “nhà đài” bằng lối xưng hô chung của cộng đồng (gọi “ông/bà”, xưng “tôi”, hoặc gọi chức danh “bộ trưởng”, “giáo sư”, “giám đốc” và xưng “tôi”). Bởi lúc đó, họ đang là cán bộ “nhà đài” thực thi công vụ. Ngay cả khi phỏng vấn, họ cũng phải “giấu” tư cách cá nhân. Không ai trách họ nếu họ xưng “tôi” mà không xưng “cháu” hay “em”. Khán giả thấy không ổn khi các phóng viên (kể cả các phóng viên nổi tiếng) cứ “bác/cháu”, “chú/cháu” tùm lum cả, khó nghe quá.
Dân gian có một câu nói vui: “Đến cơ quan gọi bằng chú, lúc bù khú gọi bằng anh, khi nào đấu tranh gọi là đồng chí” để chế giễu một số người nhanh chóng thay đổi cách xưng hô trong những tình huống cụ thể. Nó cũng thể hiện những “cung bậc tình cảm, thái độ”, bởi thực tế, không ít người có cách xưng hô rất nhũn nhặn, khiêm nhường, thiện cảm, nhưng khi có vấn đề không vừa ý là họ nổi máu “đổi màu” xưng hô ngay lập tức. Bình thường đang yên đang lành, anh em ngọt xớt, nhưng bất thình lình nổi đóa: “Đồng chí nói lại tôi nghe xem!”, “Đồng chí đừng lên giọng như thế nhé!” là không xong rồi. Thậm chí, bỏ qua cả chuyện gọi nhau “đồng chí” mà xưng “mày/tao” cho hả. Tình hình đã trở nên nghiêm trọng và không khí bạn bè vui vẻ đã chuyển sang tình trạng “đối đầu” ngay. Nguyên tắc “xưng khiêm hô tôn” lập tức đổi chiều thành “xưng tôn hô khiêm”, không gìn giữ ý tứ gì nữa. Đúng là Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH