Trong văn hóa truyền thống người Việt, gia đình luôn có một vị trí đặc biệt. Từ thuở bình minh lịch sử của dân tộc, tổ tiên ta đã có ý thức về cội nguồn gia đình với huyền tích Lạc Long Quân kết hôn cùng Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng sinh ra một trăm người con. Sự hình thành của dân tộc Việt bắt nguồn từ gia đình “một trăm con đông đúc, vẹn tròn, toàn bích” ấy đã minh chứng một triết lý: Gia đình Việt là một phần máu thịt của cội nguồn quê hương, là một thành phần không thể tách rời của cộng đồng dân tộc. Thế nên không ngẫu nhiên khi ngôn ngữ tiếng Việt có từ “nước nhà” với hàm ý “nhà” (gia đình) là một phần thuộc đất nước, thuộc nhà nước, đồng thời, nước không phải của riêng ai mà là đại diện của mọi nhà. Dễ hiểu hơn, “nước nhà” nghĩa là “nhà của nước, nước của nhà”, đó là mối quan hệ khăng khít hữu cơ giữa gia đình-với tư cách là tế bào của xã hội và nhà nước-với tư cách là bộ máy quản lý xã hội. Lịch sử Việt cũng chỉ ra rằng, mối quan hệ nhà-làng-nước đã trở thành thế “kiềng ba chân” bền bỉ nhất và góp phần tạo ra thế đứng vững chãi của dân tộc Việt qua suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Theo truyền thống xưa, trong mỗi đời người Việt luôn có ba nghi lễ quan trọng nhất là hôn lễ, tang lễ và tế lễ. Hôn lễ là tổ chức nghi lễ thành hôn nam-nữ để xây dựng gia đình. Tang lễ là tổ chức nghi lễ trang trọng, chu đáo cho người đã quá cố với tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”. Tế lễ là nghi lễ thờ cúng trời đất, tổ tiên, ông bà. Còn trong quan niệm của ông cha ta, đối với nam giới trưởng thành: Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/ Xong ba việc ấy mới là người hay. Tức là trong số ba “đại sự” (việc lớn) của một đời người thì có hai việc liên quan đến gia đình, đó là lấy vợ và làm nhà. “Tậu trâu”, hiểu theo nghĩa rộng là đầu tư mua sắm tư liệu sản xuất để làm ăn. “Lấy vợ” là tổ chức hôn lễ để thực hiện chức năng quan trọng nhất của gia đình là duy trì nòi giống. “Làm nhà” để có nơi có chốn đi về, nghỉ ngơi và tổ chức các sinh hoạt của gia đình, vợ chồng, con cái.
Điểm qua vài chi tiết đó để thấy gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi đời người, mỗi con người. Chả thế mà ông cha ta từng đúc kết: Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa và: Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu. Chữ “tu” ở đây được hiểu: “Tu” là tu sửa, sửa sai chính mình, cải thiện bản thân mình theo chiều hướng tích cực; “tu” cũng có nghĩa là tu dưỡng, trau dồi, rèn luyện đạo đức, lối sống, nhân cách ngày càng tốt hơn. Trong mọi thứ tu thì không ở đâu bằng “tu tại gia”, mà cốt lõi là giữ cho gia đình trong ấm ngoài êm, trên kính dưới nhường, anh em đùm bọc, cha mẹ thuận hòa, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo. Có “tu tại gia” thật tốt thì mới tu ở chợ, tu ở chùa tốt được. Vì gia đình không chỉ là cái nôi đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách mỗi con người ngay từ thời thơ ấu mà đó cũng là một môi trường để con người thể hiện tình cảm, bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với bố mẹ, ông bà, anh em ruột thịt trong suốt cuộc đời mình. Bài học trong đời cho thấy, khi ai đó không làm tròn nghĩa cử của một người ông, người bà, người cha, người mẹ, người anh, người em, người con trong gia đình mình thì cũng đừng bao giờ nghĩ bản thân là một nhân cách tốt trong cộng đồng, một công dân tốt trong xã hội.
Người Việt ta thường sống nội tâm, tức là trọng tình cảm bên trong, tình cảm xuất phát từ đạo lý làm người. Một trong những biểu hiện rõ nét nhất của tình cảm ấy là tấm lòng dành cho gia đình, quê hương. Với người Việt, nơi “chôn nhau cắt rốn” bao giờ cũng là nơi thiêng liêng nhất, bởi nơi ấy mình được cha mẹ sinh ra, được lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng. Cổ nhân có câu: Điểu phi phản cố hương hề/ Hồ tử tất thủ khâu (Con chim bay về quê cũ/ Con cáo về chết ở cái gò nó sinh ra). Đến như con vật mà cũng có lòng hướng cội như thế thì tình cảm đó của con người càng nhân lên gấp bội. Từ lâu, người Việt ta quan niệm “lá rụng về cội” với hàm ý, dù cho đi cuối đất cùng trời, dù có phiêu bạt nơi chân trời góc biển, nhưng về già và cuối đời, ai cũng muốn trở lại nơi đã sinh ra mình. Thế nên nhiều người vì cả đời bận bịu làm ăn, công tác xa quê, trước lúc nhắm mắt xuôi tay đã dặn dò con cháu là được về quê cha đất tổ để yên giấc ngàn thu!
Có một thông tin gần đây khá thú vị. Harvard-một trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ và thế giới từng thực hiện một cuộc phân tích liên tục với hơn 700 người đàn ông từ năm 1938 đến nay và phát hiện rằng, những người thường xuyên kết nối, gắn bó với gia đình, bạn bè và cộng đồng đã có cuộc sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và sống thọ hơn so với những người ít kết nối.
Vâng, cuộc đời có nhiều con đường, nhiều ngã rẽ, nhiều lối đi. Con đường, ngã rẽ, lối đi nào mà chúng ta đi nhiều, đi mãi cũng sẽ có lúc cảm thấy mỏi gối chồn chân. Chỉ duy nhất có một lối đi suốt cuộc đời vẫn luôn muốn níu giữ bước chân ta lại-đó là gia đình-yêu thương một lối đi về.
THIỆN VĂN