Tháng tám lúa còn ngoài đồng, khoai hà, sắn mọt trong nhà cũng hết, lấy gì cho chúng mày moi móc. Đói rã họng đuổi cắn nhau là phải thôi. Ông đây còn lo cái giỗ tuần sau biết làm kiểu gì cho tươm tất tí đây? Khốn nạn thế! Nhà hàng xóm đám giỗ toàn tháng năm, tháng mười, lúc vụ gặt vừa xong, lúa ngô đầy ních bồ, gà vịt chạy đầy sân. Nhà ông đây một năm hai cái giỗ. Một cái hai ba tháng tám, một cái mùng mười tháng giêng. Toàn những lúc gạo vơi, tiền hết, không biết sờ sẩm vào đâu.

Lão Lựu vắt óc nghĩ xem làm giỗ bố thế nào cho tiện, lại có tí tiền thu về. Cái vùng đất dở phố, dở quê này, lâu nay vẫn chưa dứt bỏ được tục lệ phiền hà, phức tạp trong cỗ bàn. Thôi thì xưa làm sao, nay làm vậy. Cả làng, cả xã chứ riêng gì nhà lão. Bây giờ cũng tiến bộ hơn hai chục năm trước, đi ăn cỗ còn chiếu dưới, chiếu trên. Chủ nhà cứ kê ngay chiếc bàn ngoài đầu sân, khách đến xòe tiền lễ ra để trên đĩa, có người nhà tiếp nhận ghi sổ đàng hoàng. Tiền ra rồi mới có cỗ các vị nhá! Đi mười nghìn thì xếp vào mâm cỗ thường. Đi hai chục thì xếp vào mâm cỗ trung. Năm chục nghìn thì xếp vào mâm cỗ sang. Cứ nguyên tắc “tiền nào cỗ nấy”, cao niên hay trung niên không thành vấn đề. Thế nên các vị cao niên muốn ngồi mâm sang thì phải đặt lễ khơ khớ tí, mới ổn. Cánh trung niên, phụ nữ muốn ào ào cho xong bữa còn tranh thủ việc nhà, thì chỉ đặt lễ chiếu lệ, có thằng ba bửa còn đi lễ có năm nghìn, làm chủ nhà loay hoay mãi không biết xếp ngồi mâm như thế nào.

leftcenterrightdel
 Minh họa: KHOA AN

Bây giờ làng này đã bỏ tục đó, nhưng đi ăn cỗ vẫn phải có tiền. Vào mâm rồi khách mới rút hầu bao đặt lên mâm. Chủ nhà đến có vài lời cảm ơn, giơ hai tay nhận tiền rồi “kính các cụ xơi chén rượu nhạt”. Kiểu đặt tiền này mang nhiều may rủi, tùy tâm của khách. Họ đi nhiều, chủ nhà có lãi. Họ đi ít, hòa hoặc lỗ. Ăn thua nhất là do người đặt lễ đầu tiên. Thường trong mâm khách, trước khi uống rượu người ta chọn, nhường một vị cao tuổi nhất có lời với chủ nhà và đặt lễ trước, sau đó cả mâm sẽ đặt theo. Những người đặt lễ sau đều nhìn vào người đầu tiên để ra tiền bằng hoặc ít hơn một chút, chứ không ai dám “chơi trèo” đặt nhiều hơn. Mấy năm gần đây, dân làng dư luận rằng, có nhà làm cỗ sợ lỗ thường gài người vào các mâm để tranh đặt lễ trước. Cánh trẻ gọi tếu táo là “cò” cỗ. Chuyện này lão Lựu vừa dính hồi tháng sáu, khi đi ăn giỗ bố nhà ông Chủ tịch mặt trận xã. Quan khách đông lắm. Lão Lựu ngoại bảy mươi nên được xếp ngồi với mấy ông trong Hội Người cao tuổi. Biết đám nhà này sang, lão Lựu khôn khéo thủ tiền cả hai túi quần, bên tờ năm chục, bên tờ một trăm. Vào mâm rồi tùy cơ ứng biến. Lệ cỗ làng hiện tại, giá đi lễ một trăm là “kịch đường tàu”. Bữa ấy ngồi vào mâm rồi. Ông Chủ tịch hội vừa tằng hắng định đáp lời gia chủ thì lão Tăng “cắt tóc” đã xun xoe đỡ lời: “Thôi thì... ngày giỗ cụ, ông có lòng cho anh em chúng tôi biết, đến dự. Xin có chút lễ làm hương  nhang, nhờ ông kính lên các cụ ...”. Rồi lão xòe ngay tờ hai trăm nghìn hồng nhạt ra, làm cả mâm choáng váng. Mấy ông cán bộ bắt buộc phải theo, chứ chẳng lẽ thua tay cắt tóc? Lão Lựu bấm bụng moi cả hai túi quần ra. Trăm rưởi cũng còn mát mặt chán. Hình như sau bữa cỗ, bà chủ nhà nhét vào túi lão Tăng năm chục nghìn.

Mình cũng chơi chiến thuật “cò” trong đám giỗ này. Từ tháng giêng tới giờ, đi ăn cỗ không biết bao nhiêu đám trong làng, ngoài xã. Nếu quy ra khoai lang thì phải tốn cả chục tấn. Trong lòng lão Lựu sôi sục ý định này, mà ngoài mặt sượng ngắt vì ái ngại. Lão đã chấm đối tượng làm “cò” cỗ. Đó là tay Chung xồm nát rượu. Thằng này mới ngoài bốn mươi, nhưng đầu tóc râu ria để rậm trông như đám lục lâm ngày xưa. Có tật nghiện rượu, Chung xồm sẵn sàng bán rẻ linh hồn cho kẻ khác chỉ bằng một chai nửa lít, tuy nhiên phải vào lúc đang cơn nghiện mà túi hết tiền. Chiều nay lão Lựu đã may mắn gặp Chung xồm trong trạng thái ấy.

- Này chú! Hôm nào tôi sẽ đến nhà mời, nhưng tiện đây cứ nói trước. Chủ nhật này tôi làm mấy mâm giỗ các cụ, chú sang xơi rượu với gia đình.

Chung xồm đón ly rượu trắng to vật vã từ tay lão Lựu, tại quán rượu đầu làng. Hắn vuốt râu, cười hị hị lấy lòng:

- Bác bảo thế em nhớ rồi! Không phải đến nhà nữa! Ai chứ bác Lựu, em coi như anh cả. Cần gì cứ ới em một câu!

Lão Lựu bắt tay Chung xồm, lắc lắc: “Tính xởi lởi của chú, cả làng này không ai bằng. Này! Thằng con tôi nói hôm nào về giỗ cụ sẽ mang chục lít rượu ngô Bắc Hà về đãi khách. Tôi sẽ để lại biếu chú một lít uống cho vui”.

Chung xồm líu cả lưỡi: “Ối giời! Rượu ấy thì nhất hạng! Uống say lúc nào không hay! Hôm này em sang sớm, có việc gì phải làm sẽ giúp bác một tay!”.

- Thôi thôi! Các cháu nó lo hết rồi! Chú sang chơi là quý, ai dám phiền. À nhưng mà... này. Có việc này muốn nhờ chú.

Lão Lựu vít vai, ghé sát nói thầm với Chung xồm. Hắn há mồm ra cười, vỗ tay đánh đét một phát: “Ô kê con gà đen! Việc ấy bác cứ để em! Chuyện moi tiền trong túi người khác, em là chuyên gia số một!”.

Vậy là Chung xồm đã đồng ý làm “cò” cỗ cho nhà mình. Lão Lựu hả hê trong bụng. Hè hè! Các vị lưu manh thì đây cũng bợm già nhá! Thế thì phải đầu tư làm thêm mấy mâm nữa. Thiếu tiền thì đi vay. Nước nó chấm nó thôi.

Đám giỗ năm nay, lão Lựu không nhờ con cháu, họ hàng giúp đỡ nấu nướng. Cỗ đặt hết, cho đỡ cách rách. Bây giờ dịch vụ nấu ăn đầy ra, tiền lớn cỗ lớn, tiền nhỏ cỗ nhỏ, ăn có người dọn ra, xong có người thu vào, chẳng phải rửa bát, rửa nồi vất vả. Lão chọn loại cỗ trung bình, năm trăm rưởi một mâm. Nếu khách đi một trăm nghìn, vẫn dôi ra năm chục, không lỗ. Nếu Chung xồm nổ loạt đầu hai trăm nghìn, lão thắng lớn. Lão nhắm mắt lại, cho cái đầu nghỉ ngơi, nhưng nó không chịu nghỉ, cứ bừng bừng như uống rượu ngon, chấp chới những khuôn mặt đỏ bầm, những tờ bạc hai trăm bay lượn, từng vốc chui vào túi lão.

Mười giờ trưa, khách lục tục đến. Lão Lựu đứng trước cổng, đon đả đón khách, bắt tay từng người một. Những bộ mặt đủ trạng thái dừng lại, lướt qua. Một cái miệng cười toe toét, một cái gật đầu xã giao, vài ánh mắt lạnh lùng nhìn đi chỗ khác, cái bắt tay hờ hững như là hờn dỗi vì bị mời ăn giỗ.

- Chào chú! Chào cô! Hân hạnh quá!

- Ông ạ! Vất vả quá! Mời ông vào trong xơi nước!

- Ối giời! Quý hóa quá! Các bà tới chơi!

Một bà dòm qua dãy bàn đã bày cỗ, cao giọng khen:

- Ái chà! Cỗ nhà bác Lựu bày biện to quá! Nhìn đã thấy ngon rồi!

Đó là bà Chất, em vợ lão Lựu. Chắc bà vợ đã có lời nhờ trước.

- Vâng! Chẳng mấy khi được bày vẽ mời dân làng!

Lăng xăng, tất bật. Lôi người này lại, đẩy người kia vào. Ở quê, xếp người ngồi cỗ là cả một vấn đề đầy tế nhị, khó khăn. Cánh trung niên thì dễ hơn, họ tự chọn bạn, chọn chỗ rồi ngồi với nhau. Mấy bà, mấy chị cũng xuề xòa, xếp đâu ngồi đấy, cốt là cùng phụ nữ. Khó nhất là mấy ông cao tuổi, tới đám còn ngồi uống nước, thuốc lào vặt chán ra, nhìn ngắm, liếc sang mâm này, mâm kia, để rồi lắc đầu từ chối hay chấp nhận ngồi vào mâm họ ưng ý. Ông Tần bán thuốc trừ sâu chỉ muốn ngồi với mấy ông hưu trí hay cán bộ xã, không muốn ngồi với mấy lão nông dân đít mốc, nốc rượu tì tì và nói tục. Cụ Lẫm đầu râu tóc bạc chỉ muốn ngồi cùng mâm với ai cũng tóc bạc râu dài. Hôm nay cụ Lẫm lần lữa, từ chối mấy lần lời mời vào mâm vì chưa chọn được bạn ngồi ưng ý. Chung xồm là kẻ xổng mồm, liền nói hỗn:

- Các cụ, các ông phải đổi mới tư duy tí chứ! Cứ phong kiến quá con cháu khó xử! Làng này mấy cụ cao niên đi gần hết rồi. Cứ kén chọn thế, có nước ngồi một mình một mâm!

Cụ Lẫm tự ái, với cây gậy dựng cạnh bàn, đứng dậy định ra về. Vợ lão Lựu nhìn thấy vội níu lại:

- Ấy chết! Sao thế ạ?

- Tôi về! Xin phép ông bà! Tôi về! Ngồi đây có đứa nó bảo tôi là mõ đấy! Mõ mới một mình một mâm!

Lão Lựu phi từ trong nhà ra, nắm chặt tay ông cụ, nhỏ giọng:

- Chết! Chết! Cụ cho cháu xin! Anh em nó xổng mồm chứ không dám có ý ấy đâu ạ! Cụ về bây giờ bằng chửi bố nhà cháu. Rước cụ vào xơi rượu, mấy ông ở Hội Người cao tuổi xã đang chờ cụ đấy ạ!

Cụ Lẫm nguôi giận. Phải thế chứ! Cái thằng bỏ mẹ râu xồm kia, không thèm chấp mày nhá.

Ồn ào tiếng chuyện trò, nhốn nháo những cái đầu quay bên này, ngó bên kia chờ đợi. Khách đã ngồi vào mâm được hai phần ba cỗ, sốt ruột đợi chủ nhà lên tiếng. Lão Lựu thấy khách chưa tới đủ, lo lắng thầm, nhưng đã đến giờ nên phải cho tiến hành. Mấy câu cảm ơn, lời mời của chủ nhà vừa dứt, đã thấy Chung xồm đứng dậy, mặt mũi đỏ bừng. Chắc hắn tranh thủ làm một cốc lúc giúp xếp cỗ.

- Xin phép các cụ, các ông cho nhà cháu có ý kiến thế này. Hôm nay nhà cháu rất vinh dự, à mà là rất sung sướng. Hì hì... cứ được mời đám giỗ là sung sướng lắm ạ!

Hắn xoa tay, cười lớn, rồi móc trong túi ra một tờ bạc mới, trịnh trọng giơ cao ngang mặt, đưa cho lão Lựu:

- Gọi là của ít lòng nhiều, nhà em có tí lễ hương hoa cúng cụ...!

Cả đám giỗ với những cái đầu ngóc lên rào rào như tằm ăn rỗi nhìn vào hắn. Một tiếng ồ tự nhiên bật ra, đồng loạt. Lão Lựu cười mà như mếu, đón lấy tờ bạc năm mươi nghìn màu nâu nhạt từ tay Chung xồm. Rồi thực khách ồn ào, tranh nhau đưa tiền, tới tấp những tờ năm chục, thi thoảng có vài tờ một trăm nghìn. Lão Lựu loạng choạng, tay vịn vào ghế tựa cho khỏi ngã. Thằng Chung xồm nát rượu hại mình rồi.

Đường làng râm ran tiếng cười nói. Rượu vào lời ra, khen chê rải dọc bờ đồng, ngõ xóm. Người ta khen nhà lão Lựu làm cỗ ngon. Cỗ thế mới là cỗ chứ. Có đám giỗ lề mà vợ chồng lão làm như đám cưới con trai. Chỉ có mấy ông cao niên trong làng tỏ vẻ không bằng lòng. Ấy là nói về thằng Chung xồm. Nó ít tuổi mà hỗn, lại tranh chòi lược mặt các cụ, dám đặt lễ trước. Lần sau có đám cỗ, đám tiệc nào, thấy mặt nó các ông phải dằn mặt nhá. Đừng có mà cầm đèn chạy trước ô tô.      

Truyện ngắn của PHÙNG PHƯƠNG QUÝ