Nhà thơ Xuân Hoàng tên khai sinh là Nguyễn Đức Hoàng, sinh năm 1925, tại Đồng Hới, Quảng Bình; mất năm 2004, tại TP Hồ Chí Minh. Xuân Hoàng là một trong những hội viên tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.
    |
 |
Nhà thơ Xuân Hoàng (bên phải) và tác giả. Ảnh do tác giả cung cấp |
Cách nay gần nửa thế kỷ, khi biết Xuân Hoàng ấp ủ ước nguyện viết tập trường ca về Bác Hồ, không ít đồng nghiệp bày tỏ sự quan ngại, vì từ khi tham gia Hội Văn hóa cứu quốc đến lúc đó, Xuân Hoàng hoạt động chủ yếu ở địa bàn Liên khu 4 và chưa một lần được gặp Bác Hồ. Vì vậy, ngoài việc tìm đọc, nghiên cứu những tài liệu, sách báo trong nước và nước ngoài liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông còn cố gắng tìm đến những địa phương ở miền Bắc từng vinh dự được đón Bác về thăm để nghe cán bộ, nhân dân kể chuyện về Người. Có năm, ông dành hẳn cả kỳ nghỉ phép để đến làng Sen quê Bác ở Nghệ An, ngược lên Pác Bó ở Cao Bằng... Đặc biệt, sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Xuân Hoàng đã vào Huế tìm dấu chân của Bác thuở còn thơ và tìm vào Phan Thiết, bến Nhà Rồng... để lắng nghe những “hồi âm” về Bác. Rồi những dịp được đi công tác, học tập ở nước ngoài, ông luôn tìm cách để có thể đến được những địa danh mà Bác Hồ từng đặt chân trong thời gian Người bôn ba tìm đường cứu nước...
Trường ca “Từ tiếng võng làng Sen” được Xuân Hoàng kết cấu 6 chương. Các chương gồm nhiều ca khúc được gọi theo số thứ tự, ghi lại từng chặng đường lịch sử liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ. Trong chương đầu tiên có tiêu đề “Trở dạ”, Xuân Hoàng muốn đề cao vai trò của những bậc sinh thành và môi trường sống trong quá trình hình thành nhân cách một con người. Sách vở đã nói khá nhiều về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Nhà thơ chỉ tập trung vào hai chi tiết để viết thành hai ca khúc rất có ý nghĩa: Ca khúc đầu là những lời hát ru của người mẹ trẻ vào một buổi trưa làng Sen thật vắng, cậu bé Nguyễn Sinh Cung nằm bên cạnh mẹ mở mắt to, nghe mẹ hát lời buồn. Tác giả rất có dụng ý khi lồng vào lời ru của bà Hoàng Thị Loan bài hát giặm Nghệ Tĩnh nói về cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng: Sau nhiều trận xông pha/ Kinh hồn quân giặc dữ/ Cạn kho lương dự trữ/ Vơi binh lính, tài nhân/ Mắc bệnh chốn sơn lâm/ Cụ lui về núi Vụ... Buổi trưa làng Sen thật yên ả với biết bao hình ảnh hết sức dân dã, gần gũi, thân quen: Những mái tranh in bóng cau thưa lặng im trong nắng/ Những ao bèo âm thầm nổi váng/ Những bờ tre lá rụng đầy vườn... Ca khúc thứ hai có tiêu đề “Người trồng cây ở làng Dương”, viết về thời cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng hai con tạm trú ở làng Dương Nổ thuộc ngoại ô Huế. Nếu tuổi ấu thơ cậu Nguyễn Sinh Cung từng lắng nghe lời ru của mẹ thì tuổi niên thiếu cậu nuốt lấy từng lời những bài bình giảng thơ Đỗ Phủ, vè “Thất thủ kinh đô”... của cha. Cùng với tiếng võng làng Sen của mẹ, tiếng giảng bài của cha đã gợn lên những nét suy tư trên vầng trán cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Cung.
Có thể nói, “Trở dạ” là chương đóng vai trò hết sức quan trọng, nó làm nền cho bản trường ca. Trên cái nền đó, Xuân Hoàng “Theo chân Bác” đi tìm hồi âm của biết bao kỷ niệm thiêng liêng. Nhà thơ tưởng tượng những chặng đường bôn ba hải ngoại của Bác để ngẫm ra rằng: Trên địa cầu, da dù có khác nhau/ Muối ở mồ hôi thảy mặn như nhau/ Người cùng khổ ở nơi nào cũng khổ.
Ấn tượng và xúc động nhất là ca khúc “Một ngày bình thường”, tác giả tả lại cảnh nơi Bác ở lúc vào khuya: Chỉ cá đớp ánh trăng trên hồ lặng/ Chỉ hương bưởi, hương lài nghiêng cánh trắng/ Và cành si, thong thả rễ buông êm... Tất cả đều hết sức gần gũi, thân quen. Âm điệu câu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng. Và đây là tâm trạng của Người khi ngồi viết Di chúc: Bác lắng nghe trong buổi sáng trong veo/ Những nhịp đập của dòng đời sôi động/ Đất nước, nhân dân, bầu trời cao rộng/ Và tương lai, và năm tháng mênh mang... Phải nhập thân, phải hóa thân đến mức nào Xuân Hoàng mới viết được những vần thơ có chiều sâu nội tâm đến vậy!
Nhà thơ Xuân Hoàng khởi thảo và hoàn thành trường ca “Từ tiếng võng làng Sen” vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, tức khoảng dăm năm sau ngày đất nước thống nhất. Dạo ấy, trong những lần hội ngộ bạn bè đồng nghiệp, những cuộc sinh hoạt văn chương... Xuân Hoàng thường đọc cho mọi người nghe một số chương hồi, ca khúc đang ở dạng bản thảo để mọi người cùng chia sẻ, góp ý... Sau khi tập trường ca được xuất bản, rất nhiều cơ quan, trường phổ thông và cao đẳng, đại học trong tỉnh Bình Trị Thiên trước đây đã mời anh đến nói chuyện về tập trường ca viết về Bác Hồ kính yêu. Giọng đọc và phong cách đọc thơ của Xuân Hoàng, nhất là đọc “Từ tiếng võng làng Sen” cũng là một ấn tượng đối với công chúng yêu thích thơ anh.
Nhà thơ MAI VĂN HOAN