Trước ngày đi, nhà thơ Lê Hoài Nguyên điện cho tôi: “Nhớ trong danh sách có Phạm Ngọc Tiến nhé. Nó cũng là lính trung đoàn mình đấy!”. Điện chưa dứt, lại thấy Giám đốc Nhà xuất bản Văn học Anh Vũ gọi điện: “Chú ơi, nhớ có tên bố nuôi cháu đấy nhé. Bố Phạm Ngọc Tiến, trước cũng từng là lính pháo ở Lào đấy!”.

Nghĩ, ai chứ Phạm Ngọc Tiến với tôi thì nào xa lạ. Đã đành bây giờ tay này là nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng, nhưng ngày ấy đời lính, đời pháo thủ cũng đào công sự, vác đạn như bao anh lính khác thôi. Tay này tôi nhớ lại còn dại gái nữa. Ngày nó phải lên trạm xá trung đoàn, mất đứt với các em nuôi quân trạm xá bao nhiêu là mảnh dù, mà nào có được xơ múi gì, tay mình lại nắm tay mình, có phải thế không hả Tiến?

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN

Có Tiến ngồi trên xe đường dài, anh em mừng lắm. Bởi tay này vừa lợi khẩu, vừa duyên lắm, sẽ kể cho cơ man nào những “hậu trường” chung quanh những bộ phim truyền hình do Tiến làm biên kịch: “Chuyện làng Nhô”, “Đất và người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”… Quả như rằng, trên xe lính ta dồn dập những câu hỏi, dồn dập những tâm tư để Tiến kể miên man suốt đường dài…

- Này, các ông nhé! Ngày nhỏ đọc ông Nam Cao ấy mà, cái nhân vật Chí Phèo gieo vào tôi những ấn tượng mạnh khủng khiếp nhé. Khi Chí Phèo từ trang sách “nhảy” lên màn ảnh thì cái ấn tượng kia, kỳ lạ, vẫn không hề vơi giảm. Ai đã đọc Nam Cao, mê thích hoặc sợ hãi Chí Phèo đều khó cưỡng lại sự chấp nhận đến mặc nhiên hình hài diễn viên Bùi Cường thủ vai nhân vật này.

Bùi Cường là một diễn viên, đạo diễn có tài nhưng kể từ khi anh đóng vai Chí Phèo thì mọi sự anh làm, dù tài đến mấy cũng bị cái gã Chí “du thủ du thực” kia che khuất lu mờ hết. Thậm chí, ở ngoài đời, Bùi Cường là người hiền lành nhưng cái bóng của Chí Phèo lớn đến mức khi tiếp xúc với anh bây giờ, tôi vẫn ngần ngại, e sợ. Nói dại, không ai dám chắc anh sẽ không nổi máu “Chí” lên lần nữa... Phải công nhận Bùi Cường diễn Chí Phèo tài, từ cái nhướng mày, cái nhếch mép nhất là cái sự di chuyển của anh “Chí” say, chao ôi sao mà đạt, mà giống. Cái sự giống này cũng thần tình rặt từ hình dung của mọi người nghĩ về anh “Chí” mà ra. Khiếp thế! Lớn lên, theo đuổi nghề văn, cố gắng học hỏi làm mới, trường phái cách tân này nọ đến đâu thì bao giờ trước trang giấy tôi vẫn cứ lẩm nhẩm tâm niệm như một thằng ngộ cái câu đã trở thành thần chú: “Nhân vật, nhân vật”.

Khi bắt tay làm “Ma làng”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần mặc định luôn một loạt nhân vật. Vai Tòng chắc chắn phải là Bùi Bài Bình rồi. Quả nhiên Nguyễn Hữu Phần đúng. Bùi Bài Bình bằng tài năng, tâm huyết đã thể hiện quá xuất sắc nhân vật Tòng. Thừa thắng, đến “Gió làng Kình”, Bùi Bài Bình lại được giao vai nhân vật trưởng thôn Khuếnh. Không còn gì phải bàn thêm, người khó tính nhất cũng không thể chê diễn xuất của anh. Tôi ngờ rằng tài đến mấy thì Bùi Bài Bình cũng khó có thể quay về những vai chính diện cũ được nữa... Trong “Gió làng Kình”, diễn viên Công Lý vào vai Khoái, một kẻ lưu manh, một thứ mõ làng có chút ngu ngơ. Anh này có câu chửi cửa miệng “Thánh họ” là loại vai hài hài, nhộn nhộn cần thiết để giãn mạch truyện, giảm thiểu sự căng thẳng trong phim. Khi kịch bản chưa được chữ nào, tôi đã nhắm đến Công Lý. Có điều Công Lý bấy giờ giở chứng rất ngại đóng phim, chỉ thích lái xe rong chơi uống ruợu. Nghĩ đi nghĩ lại mãi, chỉ có Công Lý mới phù hợp, tôi bèn nghiến răng bày một tiệc rượu mời Lý. Rồi chuốc, ly cụng chan chát, véo von hót ca chích chòe kích động, rượu tầm tầm, Công Lý vỗ đánh bốp vào tay tôi đầy hào sảng: “Xong!”. Tôi biết tỏng là rượu nói nhưng có nhân chứng là mấy diễn viên bạn, vật chứng là mấy vỏ chai rỗng, có mà chối.

Quả nhiên, hôm sau tỉnh rượu, Công Lý gãi gãi cái đầu trụi tóc nom như con dúi già rụng lông, tính lật kèo bằng võ bài bây nước đôi: “Nhưng em phải thích kịch bản mới đóng đấy. Để em đọc xong mới quyết định”. Nhất trí, có mà chạy đằng trời. Công Lý vào vai cứ ngọt như không, tôi toan tính đợi xong xuôi “Gió làng Kình” mới tính sổ lại cái vụ “đầu tư” tốn kém kia.

Lại có không ít nhân vật đã được tạo ra từ những toan tính kiểu này. Diễn viên Hán Văn Tình có cái đầu rất lạ, trọc nhẵn thín một vệt từ trán đến đỉnh đầu và một khuôn mặt rất láu, tôi xem anh này đóng một vài vai ngăn ngắn trên truyền hình thấy thích, thấy thú, vẫn bụng bảo dạ thể nào có dịp cũng tương anh ta vào phim. Đến khi cùng nhà văn Khuất Quang Thụy viết kịch bản “Đất và người” chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, thì khuôn mặt Hán Văn Tình hiện lên rành rẽ và đầy thúc ép. Tôi quyết định xây dựng nhân vật Chu Văn Quềnh cho Hán Văn Tình đóng. Nói xây dựng vì trong tiểu thuyết nhân vật Quềnh chỉ xuất hiện rất ít nên buộc phải tạo ra một Quềnh khác, dày dạn hơn, khác cả về số phận lẫn tính cách. Tôi bèn gặp Hán Văn Tình mời. Anh này xưa nay chưa bao giờ gặp tôi nên có bất ngờ vì lời mời, dè dặt hỏi lại vai thế nào. Lúc đó dù Tình là người lạ, tôi vẫn nói chắc như đinh đóng cột, đại loại vai hay dở thế nào tôi chưa biết nhưng chắc chắn anh sẽ mất tên. Sau này Hán Văn Tình đã là Quềnh rồi mới tâm sự: “Lúc bác nói, em nghĩ thằng cha này bốc phét chắc là một dạng thần kinh, làm đếch gì có cái vai ấy. Không ngờ…”. Hán Văn Tình sau khi “Đất và người” chiếu, đi đâu cũng bị thiên hạ gọi là thằng Quềnh. Mức độ mến mộ đến người trong cuộc cũng không ngờ. Dạo tôi sửa nhà, đám thợ nhất quyết đòi phải dẫn Quềnh về nhà. Rồi liên hoan, việc này việc nọ, đến khổ, tôi lại phải nhờ vả Quềnh đến cho thông việc. Được cái Hán Văn Tình không như một vài diễn viên ngạo mạn khác khi thành công hay có tật chê bai từ kịch bản đến đạo diễn nhằm đề cao mình, anh luôn nhũn nhặn khiêm tốn…

Lính ta trên xe nghe chuyện làm phim của biên kịch tài ba Phạm Ngọc Tiến cứ há hốc mồm như nghe chuyện ông nhà văn Sholokhov bên Nga. Ừ cũng là cái lạ, vẫn cái tay pháo thủ năm xưa, trận chiến đấu nào “ban căng” quá, khẩu đội trưởng thương tình cho làm cái vai “tiếp đạn” để giữ cái gáo, hy vọng hết chiến tranh có ngày về với thầy u... Thế mà hôm nay, anh lính ấy nói chuyện phim ảnh nghệ thuật cứ làu làu, cứ như có bùa mê lòng người. Tài lắm. Máu lắm. Hầm hố dũng khí lắm. Mà cũng tao nhã văn chương lắm…

Anh em quan tâm lại hỏi sang chuyện hiện thời, rằng dạo này ông đang sáng tác gì, có phim nào mới không? Thì bảo ngay có cái phim “Sinh tử” ấp ủ ròng rã gần 10 năm nay, thời gian qua bóc gan bóc ruột mà viết, cũng đã xong phần kịch bản, chữa đi sửa lại cũng hơn chục lần, đang được ông đạo diễn Khải Hưng đưa vào bấm máy. “Này, nghe tên “Sinh tử” cũng là quyết liệt lắm bác nhỉ? Có gay cấn như “Chuyện làng Nhô” hay “Gió làng Kình” không?” Phạm Ngọc Tiến xua xua tay: “Chưa được tiết lộ vì đang quay, nhưng anh em cứ yên tâm đi. Tiến này năm xưa ngồi trên mâm pháo đánh đấm thế nào, thì nay ngồi trên bàn viết với cây bút cũng thế thôi, không biết sợ là gì đâu”.

Khiếp. Nghe Tiến nói khẩu khí quá, anh em cựu chiến binh là cứ xanh lè hết mắt. Để trấn an cho anh em, cậy chỗ thân tình, tôi ghé tai hỏi Tiến: “Thế phim “Sinh tử” cậu làm sắp công chiếu, người lãnh đạo to nhất cỡ gì, tên là gì?”. Tiến bảo không tầm thường đâu anh ơi, không phải cỡ “ma làng” hay trưởng thôn, chủ tịch xã nữa, mà là cỡ bí thư tỉnh ủy hẳn hoi, tên gọi là Văn Thành Nhân anh ạ!

- Thế ông này là em ruột hay anh ruột ông nhạc sĩ Văn Thành Nho sáng tác cái bài “Đất nước lời ru” hả anh? Một ông cựu chiến binh (chắc là mê man âm nhạc) bỗng hứng chí lên hỏi làm Phạm Ngọc Tiến cứ ngớ người-bởi có bao giờ Tiến chú ý tới nhạc nhẽo gì hay chú ý tới ai, ngoài những Anh Thư, Khải Hưng, Bùi Bài Bình, Đỗ Thanh Hải... đâu!

Tôi thở phào một cái, “nói leo” với đồng đội, giả lời giúp cho Phạm Ngọc Tiến:

- Văn Thành Nhân, cái tên hay thế, nhiều hy vọng lắm đây!

Rồi quay sang hỏi Tiến: “Tôi trộm nghĩ thế có phải không chú Tiến?”.

...Mọi người vỗ tay như pháo rang. Thở phào. Thế thì yên tâm rồi, chỉ ít ngày nữa sau chuyến đi thăm lại chiến trường xưa này về, chắc chắn sẽ được xem “Sinh tử” mà thôi...

Y như rằng!

Nhà văn CHÂU LA VIỆT