QĐND - Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tạo ra một hiện tượng độc đáo trong văn chương Việt Nam đương đại khi sống ung dung bằng nghề viết văn bởi tác phẩm nào của ông cũng bán chạy như... tôm tươi. Điều phi thường mà Nguyễn Nhật Ánh làm được hiển nhiên không phải là do may mắn, mà do chính nội lực của một ngòi bút sung sức.

Văn học cho thiếu nhi ở nước ta bao lâu nay không thể so bì mọi mặt với các tác phẩm văn học của người lớn nhưng vẫn có kha khá cây bút thành danh trong trái tim độc giả nhí như: Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Duy Khán, Trần Hoài Dương, Nguyễn Ngọc Thuần... Riêng trường hợp của Nguyễn Nhật Ánh, ông không chỉ viết cho thiếu nhi (dưới 10 tuổi) mà thực ra ông chú tâm viết cho đối tượng độc giả rộng hơn đó là trẻ vị thành niên (từ 10 đến 19 tuổi). Trẻ vị thành niên, nhất là giai đoạn sau (từ 15 đến 19 tuổi) là giai đoạn mà các nhà tâm lý học đã chứng minh có tâm hồn nửa trẻ em nửa người lớn khá phức tạp. Đi sâu khai thác tâm lý, viết về những câu chuyện đời thường của tuổi mới lớn đã giúp Nguyễn Nhật Ánh nhận được sự đồng cảm lớn của không chỉ các độc giả “tuổi teen” mà còn cả người lớn bởi người trưởng thành luôn có nhu cầu hồi tưởng lại thuở học trò đã đi qua.

Trở thành một nhà văn của các tác phẩm best-seller có lẽ nằm ngoài mong đợi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng quả thực, đằng sau lưng ông là một đội ngũ những người làm xuất bản lành nghề hỗ trợ. Khi Nguyễn Nhật Ánh viết xong một tác phẩm nào đó, chưa phát hành ra thị trường, nhà xuất bản “đỡ đầu” tác phẩm của ông đã tổ chức hẳn một chiến dịch truyền thông rộng khắp, đến mức như tác phẩm “Chúc một ngày tốt lành” (2014) đã nhận được tổng cộng gần 40.000 đơn đặt hàng cả hai phiên bản bìa mềm lẫn bìa cứng. Và sau khi sách được bày bán, hàng loạt các sự kiện đồng hành như: Tổ chức ra mắt sách, ký tặng sách và giao lưu với độc giả; khiến cho độ “nóng” của tác phẩm tăng lên và tỷ lệ thuận là sách Nguyễn Nhật Ánh lại “cháy hàng”. Nhờ công tác truyền thông tốt mà vài năm gần đây, các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn đứng hàng đầu ở tất cả các bảng xếp hạng sách bán chạy, vượt trên cả những cuốn sách dịch ngôn tình của Trung Quốc, Nhật Bản đang làm mưa làm gió trên thị trường sách văn học; trở thành “điểm sáng” của văn hóa đọc.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho bạn đọc.

Truyền thông đóng vai trò quan trọng để làm nên hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh, song điều quan trọng nhất vẫn chính là chất lượng tác phẩm và cách thức lao động nghề văn của ông. Nguyễn Nhật Ánh trước hết là một nhà văn chuyên nghiệp hiểu theo nghĩa là ông không chỉ sống được bằng nghề viết văn mà ông còn xem viết văn là nghề nghiệp chính, không giống như đại đa số nhà văn ở ta thường là “con dao pha”-phải làm các công việc khác nữa ngoài chuyện viết văn. Tại các buổi giao lưu với độc giả, Nguyễn Nhật Ánh tâm sự: Sở dĩ năm nào ông cũng có tác phẩm mới là vì ngày nào ông cũng ngồi vào bàn viết, viết văn là một nghề như bao nghề khác, cần tuân thủ kỷ luật bản thân đề ra chứ không phải kiểu thích thì viết, không thích thì không cầm bút hoặc kiểu ngồi chờ cảm xúc đến mới viết.

Viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn, có lẽ Nguyễn Nhật Ánh thừa hiểu đây là lứa tuổi yêu văn chương thông qua nội dung các câu chuyện chứ không phải thông qua hình thức câu chuyện. Nói nôm na là câu chuyện phải có cốt truyện rõ ràng, dễ đọc dễ hiểu, được kể bằng ngôn ngữ đúng lứa tuổi; chứ không phải là một câu chuyện được kể bằng hình thức phức tạp như đồng hiện, trộn lẫn không thời gian, thật và ảo đan xen nhau... Đọc Nguyễn Nhật Ánh, độc giả có thể đọc một mạch từ đầu đến cuối mà không cần phải tạm dừng để đọc lại, câu chuyện được kể tự nhiên, không có những lời giải thích dài dòng, những lời dạy dỗ bề trên. Sự thành công của Nguyễn Nhật Ánh khi viết cho tuổi mới lớn có lẽ là ông có một tâm hồn đồng điệu với các độc giả ở tuổi mới lớn, hiểu các vấn đề nảy sinh trong tâm lý các em để có thể kể những câu chuyện mà người đọc nhỏ tuổi thấy cuộc sống của mình trong đó.

Tài năng của Nguyễn Nhật Ánh khi viết truyện cho tuổi mới lớn còn thể hiện ở khả năng khai thác mọi chiều kích tâm hồn của lứa tuổi này. “Cô gái đến từ hôm qua” (1989), “Mắt biếc” (1990), “Thằng quỷ nhỏ” (1990)... là những tác phẩm viết về tình cảm tuổi học trò, những rung cảm đầu đời với người khác giới hết sức tinh tế và trong sáng. Ở các tác phẩm khác mà thành công, đặc biệt là tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (2008), như lời Nguyễn Nhật Ánh viết: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai đã từng là trẻ em”. Nguyễn Nhật Ánh đã thấu hiểu được giá trị và vai trò quan trọng của những năm tháng tuổi thơ đã góp phần làm nên tính cách con người ở tuổi trưởng thành. Ông dẫn dắt người đọc lớn tuổi trở về tuổi thơ bằng những kỷ niệm đẹp, êm đềm của thời vô lo vô nghĩ. Đúng như nhà báo Gia-xơn Bơ-man viết trên Báo “Ngôi sao Tô-rôn-tô” (Ca-na-đa): “Nếu các chân lý phổ quát có tồn tại, còn nơi nào tốt đẹp hơn để tìm thấy chúng ngoài những ký ức tuổi thơ? Ở đó, không bị phai mờ vì đánh mất sự thơ ngây và những nhọc nhằn của tuổi trưởng thành, cuộc sống-ngay cả khi nhìn lại, vẫn là một cuộc phiêu lưu vô tận. Nguyễn Nhật Ánh, tác giả được ngưỡng mộ và có truyện bán chạy nhất ở Việt Nam, quê nhà của ông, dường như được trời phú cho khả năng thấu hiểu sự quyến rũ của tuổi thơ”. Và một điều không thể thiếu ở một nhà văn là trí tưởng tượng, Nguyễn Nhật Ánh với sự tưởng tượng tuyệt vời cộng với sự công phu trong thu thập tài liệu đã khai mở sự tưởng tượng, đưa độc giả nhí đến những thế giới huyền ảo trong bộ truyện “Chuyện xứ Lang Biang” (2004).

Năm nay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tròn 60 tuổi, lứa tuổi với nhiều cây bút thì sức sáng tạo đang dần vơi cạn. Nhưng với Nguyễn Nhật Ánh, người ta chưa thấy dấu hiệu nào ông sẽ ngừng viết hoặc là viết dở đi, thay vào đó càng ngày ông viết càng hay và viết nhiều lên. Điều đó đồng nghĩa là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ tiếp tục lĩnh trách nhiệm mà tự bản thân ông đặt trên vai, đó là: “Nhà văn là trụ đỡ tinh thần của trẻ em”.

Bài và ảnh: DIỆU HÀ