Chống cây cuốc đứng tần ngần, ông Thành chợt thấy giọng ai đó nói vù qua tai “Lương hưu đại tá những mười mấy triệu việc gì phải trồng rau cho nhọc”. Ông Thành thoáng giật mình quay lại “Nguyên đấy à. Ông chạy được mấy vòng rồi?”. Ông Nguyên cười khẩy “Tiền nhiều để làm gì. Thong dong mà thể dục cho nó sướng”. Biết ông Nguyên nói mát nên ông Thành không chấp nhặt, ông bước lại gần “Thì trồng tăng gia cũng là tập thể dục mà ông. Trồng rau có cái hay của nó”.
***
Ông Thành và ông Nguyên là bạn từ thuở nhỏ, cả hai nhà cùng phố huyện, cùng học phổ thông lại cùng ngày nhập ngũ nên ngày thường hai ông thường xưng hô “mày mày, tao tao” chứ không trịnh trọng “ông ông, tôi tôi như hôm nay”. Hồi còn ở phố huyện, tuy hai nhà ở hai bên phố nhưng gia cảnh lại không giống nhau. Ông Thành có mẹ cán bộ, ông Nguyên là con cô thợ may kiêm buôn bán vặt.
 |
Minh họa: KHOA AN |
Chơi với nhau rất thân cho dù tính cách hai thằng khác hẳn. Ông Thành là thường ít nói, chịu nhún nhường, còn ông Nguyên thì nói lắm và hay tị nạnh. Chuyện tị nạnh cũng bắt nguồn từ gia cảnh. Nhà ông Thành hầu như chẳng phải lo đến chuyện cơm gạo vì hằng tháng đều đều có gạo sổ. Nhà ông Nguyên là “công thương” cũng có gạo sổ nhưng vị thế xã hội “thấp”. Chuyện “vị thế thấp” đã sinh ra chuyện tị nạnh. Nào là nhà mày chẳng phải lo cặm cụi sớm hôm kỳ cạch đạp máy khâu đến rã cẳng. Nguyên nói đạp rã cẳng cũng có lý. Vì Nguyên ngày ngày ngoài sáng đến trường ngồi học thì chiều ngồi vào bàn máy khâu mấy tiếng đồng hồ, đạp chân hối hả để cố chần cho xong ba chục miếng lót, mỗi miếng cỡ hơn bàn tay.
Đó là những miếng lót gồm nhiều lớp vải nhỏ vụn được cô Hậu, mẹ thằng Nguyên, xếp chồng lên nhau, ở giữa có đệm thêm mảnh ni lông, qua những đường chỉ may chần tạo thành những miếng lót dầy cứng. Rồi từ những miếng lót đó cô Hậu chuyển sang “công nghệ cuối, cứ hai miếng lót một, cô Hậu may thêm phần đỡ và phần dây cài cúc thành những chiếc áo xu chiêng phụ nữ. Hồi xưa ở quê áo lót ngực phụ nữ đều có được từ công việc đó. Mẹ thằng Nguyên may xong treo lủng lẳng những chiếc xu chiêng đó ở trước quầy may. Khách đến mua nhiều, cánh nữ trẻ thôn quê rất thích những chiếc xu chiêng đó vì nó dầy, cứng và “tôn” rất nhiều cho bộ ngực. Nhiều hôm thằng Nguyên vừa cặm cụi đạp máy vừa đỏ mặt tía tai. Ấy là khi nó bước sang tuổi mười lăm. Các cô, các chị đi chợ huyện xúm vào, họ vừa sờ nắn những chiếc xu chiêng treo lủng lẳng vừa mặc cả giá. Thỉnh thoảng họ lại nhìn chăm chăm vào cậu trai tơ đang cắm mặt vờ như không biết có khách xem hàng. Biết vậy nên mấy cô, mấy chị sán lại gần hơn tới thằng Nguyên. Họ cười cười, họ nói to như cố tình “Cái này nhỏ hơn của em chị ạ”. Thằng Nguyên xấu hổ lắm, đợi mấy cô ra về rồi nó cự với mẹ “Sao mẹ không làm cán bộ như mẹ thằng Thành đi. Làm cái việc này chán chết đi được”. Cô Hậu không hay con trai mình đang ngượng nên mắng át “Không may hàng này thì lấy tiền đâu cho mày ăn học”. Thế là từ đó thằng Nguyên sinh tị nạnh với thằng Thành.
***
Sáng nay vắng khách, ông Nguyên đứng trước cửa, mặt buồn tênh nhìn sang bên phố thấy ông Thành đang tựa cửa, tay cầm chiếc bánh mỳ ăn vẻ mặt vô cùng nhàn hạ. Thằng Nguyên tức lắm, nó đem cái tức, rồi sinh cái tị nạnh với thằng Thành suốt những năm phổ thông cho đến tận giờ. Già rồi mà hễ chuyện với nhau cứ câu trước câu sau là ông Nguyên nói mát mẻ. Ông Thành biết nhưng lảng đi.
Ông Thành vác cuốc lên vai “Ông sang tôi uống chè đi. Vừa được anh em đơn vị cũ tới thăm, mấy cậu ấy cho gói chè Thái ngon lắm”. Tưởng là vui ai dè ông Nguyên xẵng giọng “Biết ông có nhiều quà biếu rồi. Chứ ông không mời, tôi chắc chỉ uống nước trắng thôi”. Ông Thành biết nhưng vờ không biết “Anh em còn quý mến mình nên tới thăm có gì nhiều nhặn đâu”.
Chuyện trẻ con ngỡ lâu rồi mà chẳng ngờ khi về hưu ông Thành và ông Nguyên lại ở chung tòa chung cư. Đó là một tòa chung cư bên ngoại thành, chính xác hơn là tòa chung cư đó thuộc địa bàn một xã mới nâng cấp lên phường. Ông Nguyên ở đó để giúp vợ chồng cô con gái lớn trông mấy đứa trẻ. Sáng sáng sau khi chạy bộ vài vòng là ông Nguyên tất tả đưa đứa lớn đến trường tiểu học, quay về đèo đứa bé đến lớp mẫu giáo. Đến chiều là ngược lại, ông Nguyên lại tất bật đến trường mẫu giáo đón đứa bé, tiện thể ông chở nó luôn tới trường tiểu học để đón đứa lớn. Đưa hai đứa cháu về nhà rồi thì quanh quẩn vừa ngó mắt vào màn hình ti vi vừa dõi mắt trông chừng chúng nó. Tận tối bố mẹ chúng nó về thì ông mới rảnh.
Ông Thành thì khác hẳn, ông chuyển về ở chung cư ngay sau khi nghỉ hưu. Ban đầu định về lại phố huyện nhưng căn nhà cũ bố mẹ ông đã bán lâu rồi, đâu như sau ngày ông đi bộ đội do khi ấy bố mẹ ông chuyển lên công tác cơ quan mới ở Hà Nội. Cũng ban đầu ông Thành tính tìm mua đất ở quê xây căn nhà làm chỗ trú chân nhưng các con ông không nghe, chúng nó bảo “Bố mẹ cả đời cống hiến cho quân đội rồi, về quê giờ cũng khác xưa. Tốt nhất là ở chung cư cho nó tiện lại gần thành phố. Ngày nghỉ bọn con đưa các cháu sang chơi với ông bà”. Nghe các con nói vậy nên vợ chồng ông Thành thấy cũng có lý. Không ở cùng các con nhưng ở gần thì nên, mọi người đều nói thế mà.
Ở chung cư được dăm tháng ông Thành bỗng thấy thừa thãi chân tay. Cả ngày hết xem ti vi lại ăn rồi ngủ. Nhiều đêm ông Thành tỉnh dậy, ông bước ra ban công chẳng ngắm trăng sao mà ánh mắt cứ nhìn vào xa xăm, ông thấy nhớ những quả đồi, những cánh rừng và nhớ nhất là chiếc cuốc con dao. Bà vợ ông thấy ông mãi không vào giường trở lại, bà bước ra xem sao, thấy ông buồn nhớ thở dài thườn thượt, bà hiểu ngay chuyện. Số là hai ông bà cùng đơn vị, anh thượng úy đại đội trưởng hễ vắng việc là xuống bếp đại đội. Kiểm tra công việc nấu nướng là nói cớ chứ thực ra Đại đội trưởng “phải lòng" cô lính trẻ. Dần dần thế nào họ nên đôi chồng vợ. Đám cưới “nhà binh” được tổ chức ngay tại đơn vị. Lính tráng cùng dân bản được “bữa” vui như tết.
Thấy tiếng chân vợ lại gần, ông Thành không quay lại nhưng nói, giọng thật thà “Cứ như thế này chán lắm bà ạ”. Bà vợ ông im lặng, vẻ suy tính lâu sau mới nói “Tôi thấy khu chung cư nhà mình còn nhiều chỗ đất chưa xây dựng gì cả. Hay là tôi với ông ra đó “khai hoang” trồng tí rau cho đỡ mỏi chân mỏi tay”. Ông Thành ôm chầm lấy bà vợ làm bà vợ ông thấy ngượng cho dù nhà chỉ có hai ông bà già, bà mắng yêu “Nỡm quá. Già rồi còn nỡm”. Ông Thành cười trêu “Ai bảo già rồi vợ chồng không được ôm nhau”. Bà vợ lại át “Thế ông có nghe ý kiến của tôi không đấy?”. “Nghe chứ- ông Thành phấn khởi-cũng thấy nhớ cái thời còn chưa rời quân ngũ”.
Sau những năm tháng “căng mình” suốt tuyến biên giới, đơn vị của ông Thành được tổ chức lại thành Đoàn kinh tế-quốc phòng với nhiệm vụ kết hợp cùng nhân dân địa phương xây dựng “tuyến phòng thủ thời bình”. Gọi thế cho oách chứ thực ra đơn vị của ông có hai nhiệm vụ: Một là tiếp tục đứng chân trên địa bàn trọng điểm và hai là tham gia xây dựng kinh tế địa phương.
Địa bàn không đổi, gần ba mươi năm sống ở vùng núi này nên ông Thành dường như coi đó là quê hương thứ hai của mình. Đơn vị được tổ chức lại cũng là khi những anh bộ đội lên đồi trồng rừng, xuống đồi trồng lúa trồng sắn. Công việc “nhà nông” suốt bấy nhiêu năm làm mãi thành quen. Làm mãi nên thạo. Anh trai phố huyện tên Thành ngày nào nước da trắng trẻo, dáng vẻ thư sinh giờ trở nên giống y một “lão nông” chính hiệu. Da sạm nắng, người cũng đậm hơn. Từ một Binh nhì cứ tà tà mà phấn đấu công tác và học hành lên tới Đại tá đoàn trưởng. Ông Thành Đại tá Đoàn trưởng thay vì ngày ngày ra thao trường chỉ huy luyện tập thành “ông lão” đêm đêm nằm ngủ, đầu óc lởn vởn những cây, những con. Nhiều đêm Đại tá Thành ngồi dậy, bật công tắc đèn, tính tính toán toán xem tuần tới đơn vị sẽ tập trung trồng rừng ở đâu, tính tính toán toán xem tháng tới đơn vị sẽ bạt đồi mở đoạn đường nào. Rồi làm việc với huyện với xã nữa. Hệt như một “ông chủ nhiệm hợp tác xã” vậy.
Việc làm thành quen, nghỉ hưu bỗng thấy nhớ, thấy ngứa ngáy chân tay. Khi nghe các con nói “Bố mẹ ở chung cư cho tiện” ông Thành đã nghĩ ngay tới việc “cày cuốc” rồi nhưng chưa nghĩ ra sẽ làm thế nào, nay nghe bà vợ nêu sáng kiến khai hoang lấy đất trồng rau ông như mở cờ trong bụng. Cái ôm chầm lấy bà vợ cũng là “phút trải lòng” của ông.
***
Mảnh đất mà vợ chồng ông Thành dự kiến ra đó “khai hoang” chỉ cách tòa nhà chung cư chừng non cây số. Chỗ đó thuộc đất dự án nhưng nhà đầu tư chắc vì cạn vốn nên bao lâu rồi vẫn để cỏ mọc hoang vu. Ông Thành nói với vợ “Gì chứ khoản khai hoang nó là “nghiệp lính” của tôi rồi. Nhất định vợ chồng mình sẽ làm tốt”.
Đúng là lời hứa của người lính. Người lính khi nhận nhiệm vụ đã hứa là khó khăn thế nào cũng nhất định hoàn thành. Sau hai tuần, sáng sáng vác cuốc cầm dao ra khu đất hoang, chiều chiều cầm dao vác cuốc trở về, mảnh vườn của hai vợ chồng ông đã nên hình hài. Ban đầu là trồng rau hè vì dịp đó là hè. Những luống rau muống, rau dền, rau mồng tơi lên nhanh tươi tốt như rừng vậy. Những người trong chung cư đi tập thể dục qua đấy dừng chân, họ thấy một ông độ sáu mươi tuổi nếu không cặm cụi xáo xới, nhổ cỏ thì cũng xắn quần xách từng ô doa nước tưới tưới tắm tắm cho rau. Mấy bà hỏi dò nhau “Ông này chắc ở quê lên trông nhà cho con nên trồng rau thấy có nghề đấy”. Lại có người bảo “Nông dân lâu đời có khác. Ở chung cư sướng nhàn như thế mà cứ rau với cỏ. Rồi có người nói “Rau rẻ như cỏ tội gì trồng cấy cho khổ”.
***
Chiều 28 tết, ông Thành ăn mặc tươm tất chứ không phải “bộ cày” mọi ngày, ông tranh thủ con trai con rể hì hụi lau dọn nhà, con gái con dâu vào bếp phụ mẹ nấu bữa cơm tất niên sớm, ông quyết định lên đường. Sở dĩ ông bà quyết định làm tất niên hôm nay để cho vợ chồng chúng nó chiều ba mươi tết về bên thông gia cho chu đáo. Ông Thành xách mấy bó rau tươi ngon mới hái khi sáng. Ông đến gõ cửa mấy nhà hàng xóm, biếu họ chút cây nhà lá vườn để góp vào bữa tết. Biếu xong thì ông quay đi, thoáng nghe đằng sau “Ông ấy là Đại tá đấy. Bộ đội có khác. Chịu khó ghê”.
Trong số những bó rau ấy, ông dành cho ông Nguyên bó rau tươi nhất, ngon nhất...
19/1/2021
Truyện ngắn của NGUYỄN TRỌNG VĂN