QĐND - Nói đến họa sĩ Quách Phong (Quách Văn Phong hay Nguyễn Anh Việt) là người yêu hội họa nhớ ngay đến một tác giả của đề tài "lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng". Trong bộ sưu tập tác phẩm của ông, "Sài Gòn giải phóng" đã đi vào lịch sử mỹ thuật cách mạng Việt Nam, không thể không nhắc đến mỗi dịp 30-4, kỷ niệm ngày chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Sài Gòn giải phóng.
|
Sinh ra trong một gia đình kháng chiến có truyền thống cách mạng ở tỉnh Vĩnh Long, gia đình đã cho ông theo học ở Trường Mỹ thuật Gia Định, ba và em ông tập kết ra Bắc, ông ở lại lo việc cho gia đình, tham gia đấu tranh trong phong trào sinh viên vẽ truyền đơn. Năm 1955, ông được đưa ra Bắc học khóa 2 hệ trung cấp của Trường Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu-Hà Nội), sau được tuyển thẳng lên hệ cao đẳng. Học đến năm thứ 3 (1963), khi 25 tuổi, Quách Phong xung phong nhập ngũ để được cầm súng chiến đấu.
Được tổ chức phân công về Quân khu 6 (Nam Trung Bộ), lấy bí danh là Nguyễn Anh Việt với nghĩa là Việt Nam anh hùng, họa sĩ Quách Phong sống, làm việc, chiến đấu cùng các chiến sĩ, đồng bào. Cuộc sống thật gian khổ, phải chia thời gian vừa đi gùi sắn, tránh bom, vừa cầm bút vẽ. Trong hồi ký của mình, họa sĩ có kể: "Vùng Bác Ái toàn đồi núi, địch dùng pháo phá mình, gạo không có để ăn chỉ có bắp, mít, muối ớt, bà con trồng bắp nuôi cán bộ còn mình chỉ ăn mít luộc… Có thể nói, vùng này lúc bấy giờ chưa có dân, không có nguồn tiếp tế, kể cả từ Nam Bộ ra và miền Bắc vào, do đó cực kỳ gian khổ...”.
|
Nắng tháng Năm. (Tranh do họa sĩ Quách Phong cung cấp)
|
Lăn lộn, chiến đấu ở chiến trường 10 năm, họa sĩ Quách Phong còn bị thương nặng khi tham gia Chiến dịch Mậu Thân 1968 ở vùng Phước Long, Sông Bé. Cùng đồng bào sẻ chia từng nắm cơm, hạt muối, họa sĩ càng thấu hiểu tấm lòng của nhân dân, hiểu được thế trận của chiến tranh nhân dân, của những chiến sĩ cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Họa sĩ Quách Phong cùng với đồng đội tham gia chiến đấu, cống hiến tài năng, khả năng hội họa của mình vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Mang trong mình lý tưởng thời đại, ông vẫn nói ông ảnh hưởng tấm gương của Pa-ven Coóc-xa-ghin trong "Thép đã tôi thế đấy" trong văn học của nước Nga Xô-viết.
Thời kỳ này, các sáng tác của họa sĩ chủ yếu là ký họa, tranh cổ động phục vụ chiến đấu. Ông đi khắp các chiến trường, bên cạnh ba lô, cây súng còn bút, giấy, màu, có điều kiện là ông vẽ trực tiếp về chiến sĩ, đồng bào trong sản xuất, chiến đấu, vẽ những tấm gương điển hình tiên tiến, những người cuộc đời hiến dâng cho cách mạng, người còn, người mất. Họa sĩ Lê Lam đã từng gặp họa sĩ Quách Phong trên chiến khu, ông rất khâm phục: "Hai anh em đi vẽ, đi tắm ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ, thấy Quách Phong gầy quá, mắt trũng sâu, đến bữa chỉ ăn có sắn, thấy thương quá. Quách Phong là họa sĩ được đào tạo ở miền Bắc về chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, xem các ký họa tôi rất khâm phục vì chiến trường ác liệt vẽ rất khó, lúc cầm bút, lúc gùi sắn, tránh bom… Quách Phong khổ như thế, bà con khổ như thế…" (Trích phim "Họa sĩ Quách Phong - Ký ức một thời"). Họa sĩ đã vẽ hàng nghìn bức ký họa, ông tổ chức nhiều triển lãm lưu động, bày tranh tại trận địa cho bà con, chiến sĩ xem. Các tác phẩm của ông có tác động rất lớn động viên tinh thần chiến đấu, các chiến sĩ xung trận nhìn thấy Quách Phong đang ký họa, như một tác động tinh thần mạnh mẽ, truyền cho người chiến sĩ sức mạnh tiến công. Sau này ký họa của họa sĩ đã trở thành một bộ sưu tập lịch sử bằng hình vẽ, ghi lại sinh động cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân, chiến sĩ ở Khu 6, Chiến khu Bác Ái, chiến trường Đông Nam Bộ. Năm 1973, khi những bức vẽ này được mời trưng bày tại Đông Âu, những người Đức, Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba, Ấn Độ, Pa-le-xtin khi xem đánh giá: "Các bạn làm được việc vẽ tại chiến trường là điều khó dân tộc nào có thể làm được, trực tiếp vẽ rồi triển lãm cho nhân dân, chiến sĩ xem, điều này tác động tới thắng lợi của cuộc chiến đấu… Những tác phẩm đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ là những tác phẩm có giá trị… (Phát biểu của họa sĩ Lê Lam trong phim "Họa sĩ Quách Phong - Tranh sơn mài" - Hãng phim Thành phố Hồ Chí Minh). Và rồi chính những bức ký họa đã trở thành tư liệu để ông làm những tác phẩm lớn sau này.
Năm 1973, Nguyễn Anh Việt từ chiến trường ra Hà Nội hoàn thành nốt chương trình cao đẳng Mỹ thuật tại trường cũ và đến với sơn mài, chất liệu truyền thống dân tộc. Với nguồn tư liệu chiến tranh ngồn ngộn, tác phẩm của ông đều được đánh giá cao. Bài tốt nghiệp sơn khắc "Hành quân qua làng" của ông được nhà trường tặng đoàn đại biểu Ấn Độ đến thăm trường và bức "Giã gạo sóc Bom Bo" (sơn mài) được tặng cho Đoàn Tổ chức giải phóng Pa-le-xtin. Sau khi tốt nghiệp, có cơ hội đi nghiên cứu sinh ở Bun-ga-ri, nhưng ông đã chọn chiến trường để tham dự vào chiến thắng lịch sử mà ông vẫn nói vui là cho “trọn vẹn bộ sưu tập kháng chiến”. Chính vì vậy ông đã được tham gia, chứng kiến ngày 30-4 lịch sử, giây phút Sài Gòn giải phóng, để sáng tác thành công tác phẩm "Nắng tháng Năm" (bột màu), vẽ ngay đêm 30-4-1975 hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, "Sài Gòn giải phóng" (sơn mài) trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông - Quân khu 7.
Có thể coi bức "Nắng tháng Năm" là bức ký họa cuối cùng trong tập ký họa về chiến trường của Quách Phong. Trung tâm bức tranh là các chiến sĩ trang phục màu xanh ngồi trên xe tăng bên tháp pháo, xung quanh, rợp trời là những lá cờ đỏ sao vàng, cờ nửa xanh, nửa đỏ, giữa có ngôi sao vàng tung bay tạo không khí rộn rã, tưng bừng, xốn xang. Những tà áo dài trắng của các nữ sinh tung bay ngời sáng, mấy nữ du kích, tự vệ đội mũ tai bèo nét mặt hồ hởi. Ánh sáng như nhảy múa được họa sĩ thể hiện qua các đường chạy của mảng sáng tối tạo cảm giác về niềm vui náo nức của ngày giải phóng. Cũng chủ đề này, Quách Phong đã tìm tòi một bố cục công phu hơn để vẽ bức sơn mài "Sài Gòn giải phóng" mà 7 năm sau ông mới hoàn thành. Bức tranh "Sài Gòn giải phóng" với chất sơn then, sơn cánh gián, màu son, vàng, bạc, vỏ trứng, vỏ trai v.v.. đã tạo cho chất liệu khi làm tranh thật huyền bí, lộng lẫy. Các màu được chồng lên nhau, thếp bạc, vàng, gắn vỏ trai, vỏ trứng… rồi mài tạo cho bức tranh hiệu quả thị giác. Trung tâm bức tranh là cảnh gặp gỡ giữa người dân và chiến sĩ giải phóng, sự thân mật, vồ vập cho ta cảm giác có thể là gia đình người lính gặp lại con em sau bao ngày xa cách. Phía bên trái là cô nữ sinh đi xe đạp tay giơ cao như vẫy chào, cậu thiếu niên cầm chùm bóng; bên phải bức tranh là 2 cô gái mặc áo dài hoa quay mặt vào nhau, xen giữa là gương mặt nữ chiến sĩ giải phóng. Hai em bé tay cầm vòng nhảy múa. Phía đằng sau các chiến sĩ ngồi trên xe tăng giơ tay chào đón. Góc phải bức tranh, trên ô tô tải, bộ đội cúi người đưa tay về phía những người dân chào đón đoàn quân chiến thắng, cờ đỏ tung bay trên tháp pháo, khắp phố phường, phía trên là hình ảnh Bác Hồ như ẩn hiện… Khác với bức "Nắng tháng Năm" thể hiện niềm vui háo hức, bừng lên thì ở "Sài Gòn giải phóng" lại có độ trầm sâu (có thể do hiệu quả chất liệu). Họa sĩ thể hiện góc nhìn ở nhiều điểm khác nhau tạo sự mở cho bố cục, làm bức tranh vừa hiện thực vừa khái quát. Hình ảnh người dân đan xen với các chiến sĩ tạo sự quấn quít của tình quân dân. Bức tranh đã được Nhà xuất bản Văn hóa in 50.000 bức để tuyên truyền trong dịp kỷ niệm 10 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-1985).
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, họa sĩ Quách Phong giữ chức Phó tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia Hội đồng giám khảo của hội, của nhiều cuộc triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc (5 năm 1 lần), cuộc thi và triển lãm Mỹ thuật ASEAN do Bộ Văn hóa tổ chức. Bức tranh "Sài Gòn giải phóng" cùng với "Mùa gặt mới ở Củ Chi", "Xuống đường Mậu Thân 1968" là những tác phẩm để họa sĩ Quách Văn Phong được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật năm 2007".
Khiêm nhường và kiên định, họa sĩ Quách Phong xác định lý tưởng thẩm mỹ của mình là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, các tác phẩm của ông là sự lao động cần cù, bền bỉ của một chiến sĩ, họa sĩ đã góp lao động, xương máu cho sự nghiệp cách mạng, là một chiến sĩ văn hóa góp phần cho sự nghiệp giải phóng quê hương. 40 năm qua, tác phẩm sơn mài "Sài Gòn giải phóng" là một điểm nhấn, là sự đóng góp của hội họa đối với lịch sử.
ThS TRẦN THỊ QUỲNH NHƯ