Bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng viết từ mùa hè 1948, nhưng những năm 80 của thế kỷ 20 trở về trước, bài thơ chỉ được nhắc đến đôi nét trong văn học sử như là những ví dụ về “buồn rớt, mộng rớt” trong văn chương đầu kháng chiến chống Pháp. Đến khi có sự đổi mới tư duy văn học trong sự đổi mới toàn diện của đất nước thì "Tây Tiến" mới được tôn vinh xứng đáng.

Có thể nói, trong đời dạy văn của tôi, 4 tiết giảng "Tây Tiến" là 4 tiết dạy say sưa nhất. Tôi đã huy động toàn bộ trí lực, tâm lực và cả vốn văn học, vốn thực tế vào bài giảng và tôi đã làm cho học sinh hào hứng tiếp nhận sâu sắc bài thơ từ đầu đến cuối. Kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc năm đó, đội tuyển Hà Sơn Bình đều là học sinh lớp tôi và 5/8 em đã chọn đề "phân tích bài thơ "Tây Tiến". Kết quả: 1 em đoạt giải nhì, 2 em đoạt giải ba và 2 em nhận giải khuyến khích. Bài văn đoạt giải nhì của em Vũ Thu Hương sau đó được in vào cuốn "Văn chọn lọc lớp 12" do NXB Giáo dục ấn hành. Tôi đã đọc bài viết ấy và nhận thấy em đã tiếp nhận một cách sáng tạo lời giảng của thầy, biến nó thành hồn văn của riêng em, mang dấu ấn của tâm hồn em, một thanh niên thế hệ mới. Mở đầu bài văn, em đã khẳng định vị thế độc đáo của bài thơ "Tây Tiến" trong thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Pháp với chất anh hùng, hào hoa pha chút huyền thoại (hoa về trong đêm hơi), chút ngang tàng, hào hiệp của người chiến sĩ xuất thân học sinh Hà Nội (gục trên súng mũ bỏ quên đời, đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm...).Em còn liên hệ chất tài hoa của những câu thơ như: Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi với Sương nương theo trăng ngừng lưng trời của Xuân Diệu. Kết bài văn, Vũ Thu Hương viết: "Mấy chục năm qua kể từ ngày "Tây Tiến" ra đời, vượt qua sức cản phá của thời gian, bài thơ vẫn còn sức quyến rũ mỗi chúng ta ngày hôm nay, gợi nhớ về những năm tháng không quên trong lịch sử dân tộc. Có thể coi "Tây Tiến" là tượng đài bất tử về người lính vô danh mà Quang Dũng đã dựng lên với cả tâm hồn mình để tưởng niệm một thế hệ thanh niên đã hăng hái ra đi, chiến đấu và ngã xuống. "Tây Tiến" in đậm một phong cách thơ Quang Dũng tài hoa, độc đáo".

leftcenterrightdel

Chân dung nhà thơ Quang Dũng (1921-1988). Ảnh tư liệu 

Sau này, tôi còn nhiều lần dạy "Tây Tiến", ở lớp chuyên, lớp chọn và lớp thường. Mặc dù ở những lớp này chỉ được dạy trong 2 tiết nhưng với kinh nghiệm giảng dạy đã tích lũy được và với sự nhuần nhuyễn trong kiến thức, tôi vẫn bảo đảm được chất lượng truyền thụ và tạo được sự đồng cảm của các em với nhân vật và chủ thể trữ tình. Mặt khác, các công trình nghiên cứu, các hoạt động văn hóa-xã hội nhằm tôn vinh thi sĩ và tác phẩm nhiều thêm, càng tạo điều kiện cho tôi dạy tốt hơn bài thơ này. Tôi được biết ở Lạc Sơn, Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La)… đã có bia kỷ niệm chiến sĩ Tây Tiến, trên đó có khắc những câu thơ trong bài "Tây Tiến". Những chi tiết này đều được tôi đưa vào bài giảng, kể cả những lần được mời giảng dạy sau khi đã về hưu.

Năm 2008, kỷ niệm 60 năm ra đời bài thơ "Tây Tiến", tôi đã dự buổi họp mặt của các cựu chiến binh Tây Tiến, có cả vị đại diện của nước bạn Lào. Những đồng đội còn may mắn sống sót của nhà thơ năm ấy, nay đều đã ở tuổi 80 nhưng vẫn nhớ như in những ngày Tây Tiến, đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện thú vị và cảm động. Hồi đó, bộ đội hầu hết bị sốt rét, nhiều người bị sốt rét ác tính, đã nằm lại vĩnh viễn trên đường Tây Tiến. Khi có người mất, tiếng cồng lại nổi lên báo tin buồn. Có đêm mấy tiếng cồng nối nhau vẳng tới. Tiểu đoàn phó Nguyễn Như Trang, một thanh niên Hà Nội đã xúc động viết ca khúc "Tiếng cồng quân y" nhưng rồi chính anh cũng hy sinh sau đó, sau mấy lần bị thương. Mấy năm sau, cha của anh là cụ Nguyễn Như Hoàn đến thăm mộ đã khóc anh bằng những vần thơ bi tráng mà chỉ có những người cha hết lòng thương con, yêu nước mới viết được:

Đắp mãi mồ con, ngại nặng con

Hỏi con còn mất, mất hay còn?

Tình cha đã nặng, vun chi đất

Phủ kín mình con nghĩa nước non…

Cách đây mấy năm, Hội Nhà văn Hà Nội có tổ chức tưởng niệm và hội thảo về Quang Dũng. Tôi cũng đến dự và phát biểu. Tôi kể lại cảm xúc của tôi khi giảng bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng; nhớ lại cả chuyến đi thực tế ở công trình Thủy điện Sông Đà mà tôi được hân hạnh đi cùng với nhà thơ Quang Dũng và được nghỉ cùng phòng với ông. Tôi đã chứng kiến sự bình dị, khiêm nhường của một nhân cách lớn. Cũng trong buổi hội thảo ấy, nhà thơ Vân Long cho biết, có một bài thơ ra đời trong kháng chiến chống Pháp rất hay, nhan đề là "Dặm về" được cho là của Quang Dũng. Biết tin này, Quang Dũng kiên quyết cải chính. Mãi đến gần đây, các nhà nghiên cứu mới tìm ra tác giả của bài thơ trên là liệt sĩ Nguyễn Đình Tiên. Sự việc này càng chứng tỏ tính cách trung thực, khảng khái, tự trọng của nhà thơ Quang Dũng trong thơ ca cũng như trong cuộc sống.

leftcenterrightdel

 Toàn cảnh Khu lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến ở Mộc Châu, Sơn La. 

Về hưu, tôi đi vào nghiên cứu phê bình văn học. Tôi đọc Quang Dũng cả thơ lẫn văn xuôi nữa và tôi đã viết bài tiểu luận "Chất lãng mạn và tài hoa của Quang Dũng". Bài viết được in vào cuốn sách "Văn chương người cùng thời" của NXB Hội Nhà văn năm 2015. Cuốn sách đã được giải thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2016. Mùa hè 2016, tôi có dịp lên Mộc Châu. Tại ngã ba từ Mộc Châu sang phía Tây, tức là con đường Tây Tiến xưa, tôi đã ghé thăm nhà bia kỷ niệm binh đoàn Tây Tiến, lúc này đang được xây lại khang trang, hoành tráng hơn nhiều. Trên nhà bia cũ sắp được thay thế, tôi đọc lại 8 câu thơ của "Tây Tiến" trên tấm bia cũ vẫn còn in đậm nét khắc:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm

 

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành!

Tôi thầm mong sẽ có một tượng đài Quang Dũng ở đây như tôi đã thấy trong sân một trường học ở Đan Phượng, Hà Nội - quê hương ông, với chiếc mũ ca-lô và tấm áo trấn thủ. Quang Dũng là người lính Tây Tiến đích thực, cũng đồng thời là nhà thơ-chiến sĩ, nhà thơ Việt Nam tiêu biểu của một thời kỳ tiêu biểu cho sự đổi mới, sự hồi xuân của văn học dân tộc trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhà giáo Ưu tú ĐẶNG HIỂN