Tuấn bước đến bên bậc thềm, lặng lẽ tháo giày, bước lên bậc tam cấp chào thầy. Anh biết, mỗi năm tai thầy lại nặng hơn, lời chào lại phải đi xa hơn. Thầy Hoành ngước lên nhìn Tuấn, ánh mắt ánh lên niềm vui, hình như thầy đoán được tầm này anh sẽ về.

- Giờ mỗi lần anh đến thăm như một luồng gió mới.

- Thầy cứ nói thế. Tại em lúng túng, vụng về nên việc nọ, việc kia lấn bận nay mới đến thăm thầy được.

Tuấn nhớ dạo trước có lần nghe tin thầy ốm, anh vội vã gọi lái xe, hai người đi một mạch hai trăm cây số đến thăm thì thấy thầy đã xuất viện và tỉnh táo hơn. Thầy cầm tay anh bảo:

- Tuấn à, người già như ngọn đèn cứ mờ dần, đi đâu cũng khó, thầy chỉ có một việc nhỏ nhờ anh giúp.

Thầy chưa nói dứt lời thì cô Hạnh vợ thầy cẩn thận mở tủ lấy ra chiếc hộp sắt, trong chiếc hộp là một tấm ảnh cũ.

leftcenterrightdel

Minh họa: PHÙNG MINH 

- Thầy giáo em may mắn tìm thấy ảnh này trong cuốn sổ cũ. Bao năm nó đã chìm trong sự luộm thuộm, tất bật của một người. Đến lúc cần phải khơi lại ký ức rồi, không thì... chẳng biết còn kịp không.

Tuấn đón lấy bức ảnh, thời gian đã làm nhiều gương mặt bị ố, năm tháng che mờ cả những cảnh vật phía sau. Ngay đến người thợ trong tiệm ảnh nổi tiếng với khả năng phục chế các bức ảnh cũ cũng phải lắc đầu ngao ngán: “Khó, còn xem cái duyên của số phận nữa”.

Nhấp ngụm trà búp hái từ vựa chè quê hương, Tuấn mở cặp lấy tấm ảnh cũ đưa hai tay cho thầy. Sau đó, anh lại lấy bức hình mới phục chế đặt lên bàn để thầy được nhìn rõ. Thầy Hoành nheo mắt rồi cẩn thận chỉ từng người trong ảnh giới thiệu. Tuấn vâng dạ nhưng chưa thể nhập tâm bởi những thông tin xa lạ với một người sinh sau, đẻ muộn gần ba mươi năm như anh.

- Đây là anh Hùng, người làng Phúc Lương, nổi tiếng nghề thuốc, ra chiến trường thì dũng cảm. Thầy già rồi trí nhớ kém nên nhờ có bức ảnh này mới nhớ ra anh ấy. Có điều anh này cho đến giờ vẫn biệt tăm tin tức...

Bỗng đôi mắt Tuấn sáng lên khi nghe thầy Hoành nói và dừng lại trước một khuôn mặt thầy vừa chỉ. Người đó như nhìn thấu vào đôi mắt anh. Tuấn xúc động nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh:

- Vậy thầy và bác ấy chắc có nhiều kỷ niệm...

- Ừ, nhiều lắm em. Sở dĩ thầy còn sống sót trở về và chỉ bị mảnh đạn trong người là nhờ anh ấy đã dũng cảm che cho. Anh Hùng hằng ngày vẫn bảo thầy: “Cậu là người có chữ, sinh viên năm thứ ba trường tổng hợp thì hết chiến tranh còn về cống hiến cho nước nhà chứ”. Giữa sống và chết, ai cũng nghĩ người ta chỉ có bản năng ham sống sợ chết nhưng vẫn có nhiều người bất khuất như thế đó em.

Chào thầy rồi ra về, Tuấn đứng trên bậc thềm chưa muốn rời bước. Liệu thầy có hiểu được suy nghĩ của anh. Người chiến sĩ ấy chính là bác ruột, anh trai của mẹ anh. Người đàn ông duy nhất nối dõi của một gia đình ngụ cư ở làng Phúc Lương. Khi ông ngoại anh đưa gia đình về Phúc Lương vào thập niên 1960, làng đã đông đúc nhưng ở phía Đông Bắc vẫn có một khu đồi rừng rậm rạp, thú rừng hoang dã thường xuất hiện. Vì thế gia đình ông đã bắt tay vào phát cây, nhặt đá, đắp nền dựng nhà... Được một thời gian, biết ông từng theo học đến bậc thành chung, giỏi đông y, người làng đưa con đến xin học, người ốm đến cậy nhờ bắt mạch, cắt thuốc. Điều đặc biệt là ông không lấy tiền của ai và còn tìm những người sáng dạ đề truyền dạy. Trong một lần máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, khẩu đội dân quân của ông bị trúng bom và hy sinh anh dũng. Căm thù giặc và ý thức sâu sắc được sứ mệnh của trai tráng khi đất nước có chiến tranh, người con trai duy nhất của ông đã tình nguyện lên đường nhập ngũ và không trở về...

Tiếng gọi của thầy Hoành phía sau lưng làm Tuấn sực tỉnh, trở về với hiện tại.

- Tuấn, em đang nghĩ gì đấy, mấy hôm nữa, em thu xếp đi với thầy một chuyến nhé.

***

Xe dừng trước ngõ, Tuấn nhanh nhẹn chạy vào đón chiếc va li từ tay thầy Hoành. Thời gian như thoi đưa, vèo cái đã giáp Tết. Đi cùng thầy Hoành chuyến này còn có một người thanh niên trẻ trong Hội Khoa học Lịch sử của tỉnh. Trên xe, qua câu chuyện của hai người, Tuấn hiểu được lần này thầy Hoành sẽ thực hiện một tâm nguyện là tìm lại thông tin của một số đồng đội ở đơn vị cũ.

- Vậy thầy là trung đội trưởng?

- Ừ, em à, thời chiến người chỉ huy là điểm tựa cho anh em chiến sĩ. Vì thế nếu chưa tìm lại được người còn, người mất thì còn canh cánh trong lòng.

Ba ngày qua đi, cả đoàn đã đi gặp gỡ các đơn vị tiền thân của phiên hiệu cũ. Qua mối quan hệ của mình, Tuấn tìm cách móc nối các nhân chứng để thu thập tin tức nhưng đều gặp những cái lắc đầu. Chiến tranh ngày càng lùi xa, trí nhớ của các cựu chiến binh ngày càng suy giảm theo tuổi tác, những manh mối tìm kiếm càng trở nên khó khăn. Thầy Hoành buồn bã bảo Tuấn dừng lại quán nước ven đường.

- Thôi em ạ, có thể thầy chưa có cái duyên tìm lại đồng đội. Ta ngồi đây nghỉ chân, thầy cũng muốn từ đây có thể ngắm lại thung lũng dưới kia, nơi từng có trận đánh ác liệt năm 1972...

Khi thầy Hoành cầm tấm ảnh lên để so sánh với cảnh sắc thiên nhiên sau hơn năm mươi năm trở lại, vừa lúc người bán nước bưng khay nước ra bàn. Vì mải nói chuyện mà thầy trò không để ý nên người đó phải nhắc lại lần thứ hai. Lúc này thầy Hoành mới cất tiếng “cảm ơn anh” rồi đặt bức ảnh xuống. Đúng lúc đó, người bưng nước vội giật phắt bức ảnh từ trên bàn rồi nhìn chăm chăm. Sau đó chạy như bay lao xuống con dốc khiến tất cả mọi người đều bất ngờ.

Đã từng đối phó với các tình huống nhưng chưa bao giờ Tuấn bị động như thế. Anh quay sang người phụ nữ trong quán nước định tìm một lời giải thích thì chính chị ta cũng đang há hốc mồm gọi với theo: “Tâm, Tâm, ủa sao kỳ vậy con...”.

Ít phút sau, anh Tâm đã quay lại với chiếc xe máy và gọi thất thanh từ dưới dốc:

- Các chú đi theo con, không cần gởi tiền nước đâu...

Tuấn và thầy Hoành cùng mọi người cũng chỉ biết lên xe bám theo Tâm mà chưa rõ chuyện gì xảy ra. Xe dừng trước một căn nhà nhỏ có vườn cây ăn trái. Tâm lao vào nhà dắt tay một ông cụ bước ra và rơm rớm nước mắt:

- Là ngoại con đó các bác ơi, ngoại không nhớ gì ngày xưa hết trơn. Bị thương nặng lắm mà may mắn sống sót. Ngoại cũng có một bức ảnh y hệt trong ngực áo...

Trong ngôi nhà nhỏ hôm nay đã đầy ắp những giọt nước mắt và tiếng cười. Người phụ nữ chủ quán nước lúc này đã đi bộ về đến nhà liền đon đả rót nước, lấy trái cây mời khách và bật quạt. Hình như niềm vui khiến mọi người quên khuấy cả cái nóng đất phương Nam. Bỗng chị ta như sực nhớ ra điều gì liền đi đến bên tủ lấy ra một bức ảnh cũ:

- Con nghe các ông bà trong xóm kể ba con chỉ có bức ảnh này trong ngực áo lúc du kích tìm thấy. Hoàn cảnh chiến tranh đó, ba lại mất trí nhớ nên chẳng biết những ai trong ảnh. Chỉ biết ba ở ngoài Bắc mà hổng biết ở tỉnh nào...

Tuấn ngồi trên xe mà lòng vui khấp khởi. Từ nay, gia đình anh đã tìm lại được người bác, đất nước lại có thêm một người cựu chiến binh được hưởng thành quả của hòa bình. Những cuộc chiến tranh dù có khốc liệt, thương vong đến đâu, vết thương dù có hằn sâu như thế nào thì dường như vẫn có một phép màu hàn gắn lại tất cả tổn thương ấy. Đồng đội tìm thấy nhau, người thân tìm thấy máu mủ của mình.

Thầy Hoành quay sang nắm chặt bàn tay Tuấn:

- Ở hiền gặp lành, các cụ đã dạy rồi phải không em. Nhờ bức ảnh ấy mà thầy trò mình tìm thấy niềm vui. Chúng ta vui với ngày hôm nay nhưng đừng bao giờ lãng quên quá khứ.

Tuấn xúc động, hình như đó là bài học mới mẻ mà anh lại được nghe thầy dạy trong một sớm mùa đông như thế...

Chiến tranh đã qua đi nhưng ký ức về nó vẫn còn là một phần rất lớn trong tâm hồn người Việt. Những bộn bề của cuộc sống có thể vùi lấp, phủ che và đẩy ký ức ấy lùi sâu mà mỗi lần trỗi dậy, sống lại là một lần khiến con người ta rưng rưng, cảm động. “Một bức ảnh cũ” là câu chuyện tác giả Bùi Việt Phương kể cho chúng ta nghe về hành trình đoàn tụ của những con người từng cùng nhau vào sinh ra tử, của cả những thân tình máu mủ biền biệt xa lìa vì tưởng chừng đã vĩnh viễn không bao giờ gặp lại. Bức ảnh ấy cũng là manh mối duy nhất trong cuộc kiếm tìm, là vật chứng tâm linh kết nối quá khứ và hiện tại trong niềm mong mỏi tột cùng của người thân. Cuối cùng, họ đã tìm thấy nhau và như thế “đất nước lại có thêm một cựu chiến binh được hưởng thành quả của hòa bình”. (Nhà văn TỐNG NGỌC HÂN) 

Truyện ngắn của BÙI VIỆT PHƯƠNG