Trước đây, tôi từng tham gia giảng dạy cho sinh viên các trường chuyên nghiệp. Có lần, tôi mời một vài nữ sinh viên vốn là cây văn nghệ trong khoa trình bày một bài hát ru. Loay hoay với chiếc điện thoại, rồi nữ sinh hát theo lời đã có sẵn trên mạng. Nhưng tôi thất vọng về bài hát đó vì nghe nó chẳng ra hát ru mà dường như có vẻ giống nhạc hiện đại hơn, nhang nhác như nhạc remix thịnh hành.
Trong những lần giảng bài ở một số nơi khác, tôi có làm các cuộc điều tra, khảo sát nho nhỏ thì nhận thấy, số lượng và tỷ lệ các bạn trẻ nam và nữ biết về hát ru rất ít. Thỉnh thoảng họ mới nghe hát ru do vô tình nghe qua các phương tiện truyền thông. Cá biệt, có khá nhiều trường hợp nói rằng không biết hát ru là như thế nào và cũng có trường hợp tưởng nhầm hát ru với hát chèo, hát xẩm.
Điều tra sơ bộ tại nơi cư trú của gia đình, tôi nhận thấy, số bà mẹ trẻ là công chức nhà nước, nhân viên văn phòng, công nhân biết hát ru ngày càng hiếm. Đa phần những ông chồng trẻ không biết hát ru. Có một số bà mẹ trẻ hát ru con ngủ bằng nhạc Bolero thịnh hành. Nhiều trường hợp mở điện thoại để hát ru con ngủ.
|
|
Sao khó tìm lời hát ru. Minh họa: ANH KHOA
|
Tôi đã gặp câu chuyện khôi hài vì mối quan hệ bất hòa giữa mẹ chồng và nàng dâu bởi hát ru. Mẹ chồng khoảng 60 tuổi, là nông dân, còn người con dâu sinh năm 1998, làm việc ở một doanh nghiệp nước ngoài. Khi cháu nội được một tuổi, bà từ quê lên thành phố trông cháu để vợ chồng con trai có thời gian đi làm. Người con dâu không muốn bà hát ru cháu, mà phải mở nhạc không lời cho cháu nghe, vì trong thời gian mang thai, cô thường xuyên mở tai nghe úp vào bụng để con nghe nhạc không lời. Từ lúc con chào đời, cô cũng cho con nghe nhạc không lời trước khi đi ngủ. Khi con được 9 tháng tuổi, cô đã tập cho nó ngủ riêng vì tin sau này, nó sẽ độc lập, mạnh mẽ và can trường. Cô cũng tin rằng, nghe nhạc không lời thì con thông minh, sau này sẽ học giỏi.
Còn bà mẹ chồng thì thích ôm và hát ru cháu ngủ. Bà cho rằng, ôm và hát ru cháu ngủ thì trẻ sẽ cảm nhận được sự ấm áp, an toàn và giấc ngủ sẽ sâu hơn. Từ suy nghĩ và hành động khác nhau như vậy nên mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vì thế mà bất hòa, "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt"...
Tham khảo một số tài liệu, một số cuốn sách của các nhà nghiên cứu văn hóa, như “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính và “Hát ru Việt Nam” của tác giả Lê Giang-Lư Nhất Vũ, tôi vỡ vạc hơn về hát ru. Tôi thấy hát ru là một tài sản văn hóa phi vật thể lớn của dân tộc.
Theo đó, hát ru được hình thành từ rất sớm, được lưu truyền một cách mạnh mẽ và bền lâu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là một loại hình dân ca đã có từ lâu đời, phổ biến ở nhiều vùng, nhiều tộc người trên khắp mọi miền đất nước ta. Hát ru được diễn xướng bằng ngôn ngữ riêng của mỗi tộc người và sử dụng với mục đích chính là đưa em bé vào giấc ngủ.
Hát ru rất đa dạng, phân loại theo vùng miền, có hát ru Bắc Bộ, hát ru Trung Bộ, hát ru Nam Bộ; hát ru theo tộc người có: Hát ru người Việt, hát ru người Thái, hát ru người Mường...; hát ru theo thể thức làn điệu có: Hát ru-nói ngâm, hát ru-ca xướng; hò ru...; hát ru theo đối tượng có: Hát ru con, hát ru cháu, hát ru em; hát ru theo môi trường diễn xướng có: Hát ru trong sinh hoạt thế tục, hát ru trong sinh hoạt nghi lễ...
Ở mỗi tộc người, điệu hát này lại có tên gọi khác nhau: Hát ru con, hát ru em (Việt); ú lục non (Thái), ru ún (Mường), ứ nọng nòn, vén eng, vén nọng nèn (Tày, Nùng); khổng mí nhủa, lù tra mí nhủa (Mông); gu nư, gu anứh (Chăm); bompê kôn, bompê chao (Khmer); niêng kôon (X'tiêng); um con (Ba Na); ping điêng con (Châu Ro); yài kòn, nao nờh kòn (Châu Mạ)...
Cũng theo các nhà nghiên cứu, công dụng quan trọng nhất của những bài hát ru là trợ giúp giấc ngủ của đứa trẻ. Một khi đứa trẻ còn chưa ngủ thì người ru sẽ hát mãi, chắp nối các câu hát khác nhau vào mà hát cho đến khi đứa trẻ ngủ rồi mới thôi. Bên cạnh đó, những bài hát ru cũng thực hiện nhiệm vụ chuyển tải thông tin một cách độc đáo. Người hát ru có thể đưa vào bài hát những lời dạy dỗ đứa trẻ các kiến thức sơ đẳng về cuộc sống: “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan/ Để mẹ đi cấy đồng xa trưa về/ Bắt được con trắm con trê/ Thòng cổ mang về cho cái ngủ ăn".
Hát ru thể hiện tình yêu thương con vô bờ bến và đức hy sinh thầm lặng của người mẹ: “Nuôi con chẳng quản chi thân/ Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”; hay thổ lộ những tâm sự thầm kín như nỗi nhớ chồng đang ở xa, nỗi than phiền những cơ cực của đời sống, ca ngợi đạo lý gia đình... Những nội dung và các hình ảnh cụ thể được sử dụng để thể hiện trạng thái tình cảm này, ở mức độ nào đó mang sắc thái đặc trưng của từng dân tộc, qua đó mà có thể thấy những nét cơ bản nhất trong tâm hồn, cảm xúc, tiếng nói của mỗi dân tộc. Hát ru là một sản phẩm văn hóa, nghệ thuật vừa có giá trị ích dụng vừa có giá trị tinh thần.
Trong văn học, hát ru trở thành biểu tượng cho truyền thống, quê hương và tấm lòng người mẹ: “Mai rồi con lớn khôn/ Trên đường xa nắng gắt/ Lời ru là bóng mát/ Lúc con lên núi thẳm/ Lời ru cũng gập ghềnh/ Khi con ra biển rộng/ Lời ru thành mênh mông” (Xuân Quỳnh); hay “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru...” (Nguyễn Duy).
Lời hát ru trở thành nguồn nuôi dưỡng và hình thành nên tâm hồn, tính cách con người; là điểm tựa tinh thần mỗi khi con người nhớ về thuở ấu thơ và nơi chôn nhau cắt rốn. Bao nhiêu nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà chính trị, nhà quân sự và các tướng lĩnh nổi tiếng, rồi cả các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam đều lớn lên và thành danh từ những lời hát ru của bà, của mẹ. Hát ru đã đi vào tâm khảm, vào văn chương của người Việt giống như một điển tích, điển cố phổ biến.
Tác dụng là thế, ý nghĩa của hát ru lớn lao là thế mà sao thế hệ người Việt đương đại lại thờ ơ, quay lưng với hát ru? Tôi đã cố gắng đi tìm lời giải thích cho những hiện tượng ấy thì thấy rằng, có những lý do căn bản khiến hát ru không được giới trẻ đón nhận. Một là, trong xã hội hiện đại, con người có quá nhiều sản phẩm để lựa chọn. Một số người bị chi phối bởi thói chạy theo mốt thời thượng nên coi những gì hiện diện trong đời sống thời thượng cũng là nhất. Thế nên, thấy người ta hát karaoke nhạc Bolero, nhạc trẻ Remix... họ cũng đều theo mà thờ ơ với dân ca, thờ ơ với hát ru. Hai là, ngày nay cuộc sống của người Việt khấm khá hơn, có nhiều loại hình dịch vụ chăm sóc trẻ con hiện đại, tiện ích hơn. Bên cạnh đó, họ cũng có nhiều phương tiện để có thể thay lời hát ru bằng cách mở điện thoại hoặc dùng những chiếc USB có lời bài hát rồi mở qua một chiếc loa là xong, thay vì phải ôm con hát ru.
Trong cuộc sống công nghiệp hiện đại, thời gian đi lại, làm việc rồi tăng ca, khiến người Việt càng bận hơn thì hát ru cho con ngủ đã trở thành nhu cầu thứ yếu. Hơn nữa, nhiều gia đình có xu hướng giáo dục con tách khỏi phương pháp truyền thống nên hát ru cũng bị mai một.
Tôi yêu thích các làn điệu hát ru và dân ca Bắc Bộ. Ở đó có cây đa, giếng nước, sân đình, có lời hát ru của bà, của mẹ ngọt ngào, êm ái. Những ký ức đó đã nuôi tôi lớn và trưởng thành như hiện nay. Tôi coi đó là tài sản tinh thần không gì có thể đánh đổi. Vì thế, khi thấy thực trạng giới trẻ thờ ơ với hát ru, sống mũi tôi lại cay cay!
Thượng tá NGUYỄN QUANG QUÝ