Thả bộ phía trước chợ An Đông, bước chân của Út Liên bỗng khựng lại. Mùi thịt kho Tàu tỏa ra từ nhà ai buổi ban trưa sao quyến rũ, gần gũi quá chừng. Cái mùi mà mới chỉ thoảng vô mũi thôi là muốn chảy nước miếng, cảm thấy như Tết, xuân đã ở từng góc phố, từng hàng cây và trên gương mặt mỗi người.
Gần nhà Út Liên là nhà của anh Hai Phong, con bác Năm Hải. Hai nhà cách nhau bởi hàng cây trứng cá. Bác Năm gái làm món thịt kho Tàu bao giờ cũng hấp dẫn. Tết trước, bác kêu Út qua phụ rửa thịt, rửa lá gói bánh tét. Bác chọc Út Liên: “Qua Tết, thằng Phong đi bộ đội rồi, mi mà thi đỗ đại học nữa là chẳng còn đứa nào phụ tau làm đồ Tết. Hay học xong về làm con dâu bác nha?”. Nghe vậy Hai Phong la lớn: “Má kỳ quá à! Út mắc cỡ bỏ về thì ai rửa lá, rửa thịt đây?”. Út Liên mắc cỡ thiệt. Mặt cô nóng bừng, làn da hồng như vừa được đánh phấn.
Má nói ngày Tết ở Nam Bộ, dù mâm cao cỗ đầy tới đâu, nếu thiếu nồi thịt heo kho trứng thì chả phải là cỗ ngày Tết. Nhiều người cũng biểu, nhìn thấy món thịt kho Tàu là thấy Tết quả không sai. Gọi là thịt kho Tàu, nhưng không phải là bắt chước kiểu làm của người Trung Hoa, mà nó đậm hương, bình dân, gần gũi với gia đình, thôn ấp như chính người Nam Bộ vậy.
|
Đảo An Bang, quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Ảnh: PHAN TIẾN DŨNG |
Qua Tết Đinh Dậu, Hai Phong nhập ngũ vào bộ đội hải quân huấn luyện mãi ở tận Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa, 8 tháng sau, Út Liên thi đậu đại học và rời quê lên thành phố. Kể từ đó, hai đứa chỉ còn gặp nhau qua những tin nhắn hay những cuộc gọi điện thoại ngắn ngủi.
Út nhớ ngày học lớp 10, có lần cô mải bới cát tìm mấy con ốc mỡ, nước triều dâng lên trên đầu gối mà không hay. Tới khi một đợt sóng lớn từ ngoài khơi ào lại, đẩy Út Liên ngã cắm mặt xuống nước. Thấy vậy, Hai Phong liền nhào tới ôm ngang người cô kéo vô bờ. Út ho sặc ho sụa, tóc và mặt dính đầy cát trong vòng tay của chàng trai 17 tuổi. Hai Phong chạy vô lán lấy một thùng nước sạch, rồi dùng gáo dừa múc nước gội đầu, rửa cát trên mặt cho Út. Cô nữ sinh lớp 10 run rẩy, nhưng vẫn cảm nhận được một tình cảm rất lạ từ những dòng nước trên tay Hai Phong chảy xuống mái đầu... Thấy vậy, ba cô nói lớn với Hai Phong: “Tau giao con Út cho mi đó”. Cả trăm người trên bãi nghêu được một phen cười nghiêng ngả. Út mắc cỡ quá bỏ chạy về nhà, còn Hai Phong cầm gáo dừa đứng ngẩn ngơ trước biển.
Bữa hổm, Hai Phong gọi điện cho cô nói chuẩn bị đi Trường Sa. Chả hiểu sao khi nghe tin này, cô thấy lòng mình bồi hồi, có lúc lại trống vắng thế nào ấy. Cô hình dung bữa nay Hai Phong chắc chững chạc dữ lắm. Liệu lúc rời bờ ra đảo xa, anh ấy có nhớ về vùng quê của cụ Đồ Chiểu, có bãi nghêu ngút tầm mắt, có hàng dương, hàng dừa rì rào hát cùng biển không? Liệu chàng trai rắn như sắt thép còn nhớ nước trái dừa xiêm ngọt mát từ tay người con gái nhà bên đưa cho anh uống lúc trưa hè?
Út Liên thấy mặt nóng dần lên như người đang ngấm rượu. Cô tự chọc mình: Sao mi mộng mơ quá vậy? Người ta nhớ biển, nhớ bãi nghêu, nhớ những vườn dừa, chứ nhớ gì tới mi. Nghĩ thì như thế, mà sao cứ thấy nhớ nhớ, thương thương. Ruột gan Út Liên nóng lên, cồn cào như có kiến bò bên trong. Có nghĩa là Tết này về quê mình không được gặp Hai Phong nữa.
Út nhớ Hai Phong hay đọc sách báo về phong tục Tết các vùng miền ở nước ta. Có lần cô đố ảnh về ý nghĩa của “đòn bánh tét” ngày Tết cổ truyền ở Nam Bộ, Hai Phong “nổ” liền: “Đòn bánh tét” được bọc nhiều lá như người mẹ bọc lấy người con. Vì thế, ăn bánh tét sẽ nghĩ về mẹ, sống với mẹ, như anh chị em đùm bọc lẫn nhau cùng một mẹ sinh ra. Bánh tét xanh nhân nhụy vàng, gợi cho ta màu xanh của đồng quê, của đời sống chăn nuôi, của an vui xóm làng... gợi cho ta niềm mơ ước “an cư lạc nghiệp” của con người về một mùa xuân an bình cho mọi nhà. Chiếc bánh biểu hiện cho triết lý của người miền Nam về con người và cuộc sống: Giản dị, gần gũi yêu thương, cần cù và sáng tạo.
Hai Phong còn giải thích cho cô ý nghĩa của mâm ngũ quả hai miền Nam-Bắc. Người miền Bắc thì có thể có nhiều loại quả trên mâm bày ngày Tết, nhưng người Nam Bộ chỉ cần mong muốn “cầu sung vừa đủ xài” là đã rồi. Có nghĩa chỉ cần các loại trái: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài là đã có một mâm ngũ quả ưng ý ngày Tết. Ngoài ra, nhiều gia đình cũng bày thêm quả thơm (dứa), một cặp dưa hấu to để mong muốn con cháu về đông đủ, gia đình thịnh vượng trong những ngày xuân...
Tết Mậu Tuất đã đến rất gần. Gần như bước chân Út Liên đang bước tới hàng cây trứng cá thân thương của gia đình. Ngó thấy con gái về, má cô đã la to: “Mi vô nhà thay đồ, rồi qua nhà bác Năm có gì phụ giúp đi”.
Bận đồ bà ba vô, đôi chân Út Liên nhún vài nhịp là đã qua nhà bên. Thấy cô bước qua hàng cây trứng cá, nét mặt bác Năm gái tươi trở lại: “Con bé này lên thành phố học mà vẫn quấy quá như ngày nào. Mi làm rớt đầy quả trứng cá xuống đất nè”. Út toét miệng cười, rồi sà vô bếp. Chà, một cái nồi to chứa đầy thịt heo ba rọi và thịt đùi. Út bê cả nồi ra bể nước trước sân rồi cẩn thận rửa. Từng miếng thịt mềm mại trong bàn tay cô ấm áp. Lặng lẽ thái thịt để bác Năm ướp rồi kho, Út Liên thấy khoảng sân như rộng thêm ra gấp 5, gấp 10 lần. Không còn thấy tiếng của ai đó khen cô khéo tay. Không có ánh mắt trìu mến của Hai Phong mỗi khi nhìn Út cột lại mái tóc xòa xuống mặt...
Công việc rửa lá gói bánh tét, làm thịt heo kho Tàu, dọn nhà để trang trí Tết ở nhà bác Năm xong nhanh nhờ có bàn tay của Út Liên. Khi cô lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, chuẩn bị về nhà giúp má thì Thủy Tiên, em gái Hai Phong tới bên nói nhỏ: “Anh Hai em gởi chị cái này”. Cô bé đưa cho Liên một hộp giấy rồi ào ra ngoài cổng với lũ bạn đang đợi. Nghe nói bữa trước có người cùng huyện ra thăm con ở cùng đơn vị với Hai Phong, nên anh chàng mới gởi một chút đồ về nhà.
Phải tới khi bữa trưa xong xuôi, Út Liên mới mở hộp giấy ra coi. Bàn tay cô run run. Trái tim cô tăng nhịp. Gương mặt lại dần nóng lên, chờ đợi, háo hức. Ôi, một con gấu trúc làm bằng bông nhỏ xinh và một cánh thư màu hồng. “Út à! Giờ đây viết thư xem chừng quê lắm phải không? Hì. Chỉ còn hai tiếng nữa, anh sẽ lên tàu ra Trường Sa. Sao lúc này anh muốn được nhìn thấy em, được nắm lấy bàn tay mềm ấm của em đến thế. Anh chỉ muốn mang hình bóng của em, gương mặt dễ thương và tiếng nói, nụ cười của em ra đảo xa, để Tết này vẫn như có em bên mình. Em cùng anh và đồng đội làm thịt kho, gói bánh tét, làm mứt dừa cho ngày Tết nha?...”. Hai hàng lệ chảy dài trên khuôn trăng của Út Liên lúc nào không hay. Đọc xong bức thư ngắn ngủi, cô thấy lòng mình thanh thản lạ thường. Những tình cảm trong câu từ của Hai Phong dường như lấp gần đầy những trống vắng trong lòng người thiếu nữ mấy ngày qua...
Một chiều, Út Liên thả bộ ra bãi nghêu. Con đường xưa vắng anh, hàng dừa vẫn xòa tóc thề lưu luyến. Bãi cát mịn xa anh, vẫn đợi sóng hôn lên từng phút, từng giờ. Càng nhìn đất, nhìn trời, càng ngắm biển, ngắm dừa, cô càng yêu quê hương Bến Tre của mình quá đỗi. Út muốn gửi những vườn dừa, bãi nghêu, gửi chút rượu nồng Ba Tri ra Trường Sa cho Hai Phong.
Đứng trước biển, mái tóc người thiếu nữ bay bay theo làn gió. Ở phía xa xa kia là Hoàng Sa, Trường Sa, là lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, là nơi mà nỗi nhớ thương của cô đang cầm chắc tay súng cùng đồng đội canh giữ biển xuân cho đất nước. Út khát khao một ngày nào đó, lúc bước ra cổng trường đại học, cô sẽ thấy Hai Phong rắn rỏi trong bộ quân phục đứng chờ cô. Ngày đó chắc không còn xa lắm. Hy vọng là mùa xuân năm sau. Nhất định là mùa xuân rồi.
Bến Tre-TP Hồ Chí Minh
Xuân Mậu Tuất
Bút ký của LÊ PHI HÙNG