Đã có người từng hỏi Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bá Dương: “Là tác giả, chủ biên của những bộ sách phòng, chống “diễn biến hòa bình” đoạt giải thưởng cao, anh đã làm cách nào để biến những tác phẩm lý luận tưởng chừng khô khan kia trở nên thú vị?”. Cho đến khi cầm cuốn thơ “Sắc màu thương nhớ” của anh trên tay thì câu trả lời đã tỏ…
Bá Dương sinh ra trên một vùng quê nghèo ở Thanh Hóa. Là một học sinh giỏi và là niềm tự hào của quê nhà; 18 tuổi, gửi lại giảng đường giấy báo trúng tuyển đại học và được chọn du học nước ngoài, anh xung phong nhập ngũ, trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Trước khi vào quân đội, chàng trai trẻ dành thời gian tu bổ con đường quê đưa anh đến trường và đã cố đắp xong nhiều đoạn mới để tránh lầy lội cho bà con. Con đường ấy qua bao năm tháng giờ vẫn được người quê gọi với tên thân thiết: “Đường anh Dương”.
|
|
Bìa cuốn thơ “Sắc màu thương nhớ”. |
Bá Dương-cái tên rạng rỡ như ánh mặt trời. Một mặt trời không chói chang, không ồn ào; một mặt trời hiền hòa, sâu thẳm và nội tâm; như chính những vần thơ trong “Sắc màu thương nhớ”.
60 bài thơ là 60 khúc tự tình về Tổ quốc, quê hương, về đồng đội, bạn bè, cho người yêu thương và dường như những khúc tự tình không địa chỉ là anh muốn gửi tình thương mến cho nhân gian.
Nhưng trên hết, khúc tự tình này dành một góc thiêng liêng cho Tổ quốc.
Tổ quốc trong thơ anh gần gũi, thân thương như vòng tay mẹ ôm con. Trong giấc mơ gần trong cả giấc mơ xa, kể cả khi cách xa vời vợi. Càng đi xa càng thấy Tổ quốc thật gần: Xa Tổ quốc nhớ hình hài đất nước/ Cánh diều bay nối mơ ước tuổi thơ.
Nhưng có lẽ, anh là người không thích những tuyên ngôn rổn rảng ồn ào, nên nếu muốn cảm về tình yêu Tổ quốc trong thơ anh, phải nghe cái cách anh bàn về lý tưởng sống của thanh niên mà hình ảnh thấp thoáng trong thơ thực chất là hình ảnh của chính mình. Khi anh viết đơn tình nguyện vào bộ đội, chiến trường đã thôi bom rơi đạn nổ, nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ nền hòa bình và bảo vệ Tổ quốc nơi biên giới cũng dữ dội không kém. Bá Dương là người có tố chất chính trị nhạy cảm, anh biết khó khăn gì đang đợi phía trước nếu anh vào bộ đội.
Đơn vị đầu tiên của anh là Trung đoàn Không quân 252. Ở đây, anh được thỏa nguyện khát khao mang sức trẻ phục vụ Tổ quốc, mang tri thức bảo vệ bầu trời bình yên. Từng cánh bay bát ngát chở theo niềm “tự hào chiến sĩ” như cánh thư đầu tiên gửi về cho bố mẹ, đó cũng là bài thơ anh đặt đầu cuốn sách.
Tiếp đó là những trải nghiệm về đời lính, gian khổ nhưng đầy bổ ích và lý thú, từ việc vệ sinh nội vụ, gấp chăn màn, đến chấp hành nội quy kỷ luật đơn vị và triển khai nhiệm vụ chuyên môn. Vốn là học sinh giỏi văn, được bồi đắp bởi lý tưởng sống cao đẹp nên hình ảnh về người chiến sĩ qua lăng kính của một trái tim đa cảm và một tâm hồn lãng mạn trở nên thi vị làm sao: Các anh những người dệt nắng vàng au/ Bầy én bạc sóng hàng phơi ức trắng/ Ra-đa quay tròn đong nắng/ Và đong đầy tiếng hát ngân nga.
Lãng mạn là thế đấy, sự lãng mạn khiến người ta muốn Bay lên trời sao hôm, sao mai/ Tiếng gọi Cửu Long, Hồng Hà tha thiết, nhưng: Đứng trước kẻ thù xâm lược/ Sân bay thành một pháo đài.
Pháo đài của Tổ quốc, đối với Nguyễn Bá Dương, là lý tưởng cao đẹp, là sự cống hiến, hy sinh quên mình của người lính. Đó chính là phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được trau rèn, kết tinh thành giá trị văn hóa quân sự và sự kết tinh đó rất đời thường và cũng vô cùng thi vị, được hình tượng hóa qua lăng kính Nguyễn Bá Dương: Vũ khí đã mài trong hơi thở/ Một con đường phía trước hành quân.
Những vần thơ cũng tự nhiên như hơi thở, được gửi gắm trong một bài thơ lãng mạn “Một chiều Sầm Sơn”-là lời của một người yêu gửi tới người yêu, khi họ tạm biệt nhau trở lại đơn vị. Có thể nói, lý tưởng sống của người thanh niên, tình yêu Tổ quốc của người chiến sĩ hiển hiện ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ cảnh huống nào, khi đang làm nhiệm vụ hay cả khi bên người yêu thương, thì trách nhiệm của một quân nhân với Tổ quốc cũng không bao giờ quên lãng. Đó là điều dung dị trong thơ Nguyễn Bá Dương mà người đọc dễ cảm, dễ vào khi nói về những điều lớn lao.
Bước vào quân ngũ, có lẽ người đọc tinh ý sẽ nhận ra khi đó, anh chưa có người yêu, nỗi nhớ để lại là nhớ quê hương, nhớ Đồng làng bao la/ Ngạt ngào hương lúa/ Dòng sông thương nhớ/ Tuổi thơ đời người. Làng Hạc quê anh-vùng đất địa linh đã đi vào sử sách, nhưng niềm tự hào đó chỉ sau này anh mới cảm nhận hết, còn khi viết lá đơn nhập ngũ, là lòng thi nhân chỉ một điều dứt áo tòng quân. Gần 50 năm xa quê, đã từng đi qua các vùng đất của Tổ quốc, đặt chân đến những miền đất châu Âu tráng lệ, rồi đậu lại Hà thành, nhưng lòng anh luôn dằng dặc nỗi nhớ quê. Cái nếp quê dẫu không nói ra mà cứ thổn thức bám đeo, dằng dai trong ký ức. Nhiều khi trong những buổi chiều man mác, con đường quê với đôi bờ lúa ngát, bờ vai nhọc nhằn của mẹ cứ quay quắt về trong nỗi nhớ của anh. Từng ấy năm xa quê cũng là từng ấy năm anh nuôi trong mình nếp quê trọn vẹn, để mỗi lần chỉ cần về đến đầu con đường, khi hương bờ xôi ruộng mật, hương lúa làm đòng quấn quýt ùa lấy anh, là đã muốn truột đôi giày, đi chân đất. Rồi múc một gàu nước giếng khơi lên vục mặt vào mà xoa xuê cho thỏa nhớ, cũng là che đi cái nỗi xúc động chưa trào ra. Rồi bẻ củ khoai bở thơm mà tưởng mùi hương của năm tháng dội về, rưng rưng khóe mắt. Anh khi đó thấy mình thật may mắn khi mình còn có một quê, có quê để về, có tổ có tông để nương náu lúc lòng không yên ả, như chiếc lá kia, một đời biếc xanh rồi mai này khi rụng chỉ mong sao được rụng về cội. Ấy là cũng hiểu vì sao, bài thơ về quê hương, quê nhà, anh xếp lại phía cuối tập sách, cũng như một màu chiêm nghiệm sâu sắc của một người trưởng thành.
Cổ nhân vẫn nói rằng, phía sau một người đàn ông trưởng thành có bóng dáng một người phụ nữ. Vậy nên, trong tập “bài ca cuộc đời” này, anh dành nhiều trang cho “nàng thơ” của mình. Một người phụ nữ, không hình hài cụ thể, không tên gọi, không tuổi, không tháng năm, cũng không rõ ngôi thứ. Chỉ một tiếng “em” mà tưởng như bao nhiêu nét đẹp của vũ trụ này ở em, chính là em. Chỉ một tiếng “anh-em” mà tình yêu của họ dài theo năm tháng, từ thuở mới mắt tìm mắt, tay chạm bàn tay, hẹn hò trong một đêm hội tưng bừng mà ngỡ như đất trời chỉ có hai người, rồi cách xa, rồi thề hẹn, rồi những lần ghé thăm nhau. Em ở đâu, nơi đâu thì lòng anh cũng hướng về, bàn chân anh cũng tìm đến. Không phải chỉ vì người ấy đẹp, không phải chỉ vì người ấy là cô giáo để kết thành hình mẫu bộ đội-giáo viên để khiến chàng trai mê mẩn, mà bởi sự đồng điệu của tâm hồn, bởi đức hy sinh của người phụ nữ có người yêu là bộ đội, là nét dịu dàng, nết na, là đức thủy chung chờ đợi. Chỉ một người phụ nữ thôi mà tưởng cả thế gian này nghiêng lại khi bước chân nàng đi qua.
|
|
Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương với chiến sĩ làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). |
Cả tập thơ lấp lánh trong đó rất nhiều về đơn vị, về đồng đội, nhưng chỉ hai bài anh dành riêng để “cụ thể” nhất về tình đồng đội. Nếu bài “Nhớ đồng đội” cho người đọc một tiếng cười bình dị, hồn hậu, ngồn ngộn yêu thương không che đậy màu mè, thì “Đồng ơi” lại khiến người đọc khóc đấy rồi cười đấy, cười đấy rồi khóc đấy. Bởi cái kết của bài thơ không biết phải khóc hay cười, phải cười hay khóc. Anh nói chuyện với một người đồng đội cũ đang hôn mê vì biến chứng sốt xuất huyết, vừa xót xa trách móc, vừa như hờn dỗi dỗ dành: Đồng ơi sao nỡ như thế, sao ngủ lại không chịu buông màn, dậy đi xem bạn đến thăm này, rồi từ sau chừa đi nhé, nhớ mắc màn mà ngủ: Tớ khấn Phật, cầu Trời/ Mong cậu mau tỉnh lại/ Đồng ơi đừng ngủ mãi/ Tớ gọi cậu nghe không/ Cậu vốn sẵn là đồng/ Giờ thêm gang thép nhé/ Qua hoạn nạn cậu khỏe/ Mắc màn ngủ nghe chưa.
Thơ là người, có lẽ là như vậy. Nếu gặp một Bá Dương ngoài đời, cảm nghĩ đầu tiên là anh sẽ không thể làm điều xấu cho một ai, chắc cũng không nỡ nói to sợ con chim trên cành giật mình bay mất. Thì thơ anh cũng vậy. Bên cạnh những thấm đẫm yêu thương, còn có một Bá Dương trải từng khi tuổi đời đã bước qua ngưỡng “tri thiên mệnh”. Hiểu lòng người, biết mệnh trời, lạc quan, ung dung tự tại, thấm đẫm triết lý nhân sinh trên cõi nhân gian hay cả những miền thiền Phật từ tâm thăm thẳm.
Những bài thơ thấm đẫm triết lý nhân sinh ấy được đúc kết bằng sự trải nghiệm chồng dày vốn sống của anh, điển hình là bài thơ “Tự tình”. Khúc “Tự tình” giống như khúc ru mình giữa thanh vắng, trong tĩnh lặng, cô tịch, khi mà vạn vật quanh anh dường như đang trở nên trong suốt vô hình vô thanh. Anh tự ru mình khúc buông bỏ ung dung, khúc tĩnh tại bao dung. Dường như có đóa bạch liên đang tỏa hương dưới trăng thanh gió mát, mùi hương thanh tao khiến bùn đen dưới chân còn xấu hổ tự vấn an mình: Bụi hồng tẩy sạch bùn ôi/ Lòng ngay, trong trắng chào mời anh minh.
Có lẽ “Tự tình” chính là khúc trung tâm, chi phối những triết luận nhân sinh, những lẽ sống được đúc kết lại thành chân lý. Đọc thơ anh, chợt nhận ra thành công hay hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều vô cùng giản dị. Trong bài “Đi làm”, anh viết: Tôi tư duy là tôi tồn tại và vinh quang trên đời này chính là lao động. Trong “Leo dốc và lao dốc” lại đưa ra một triết lý thâm sâu về bản ngã: Chiến thắng chính mình mới là chiến thắng khó khăn nhất. Hay là định nghĩa về hạnh phúc thật giản đơn: Hạnh phúc là có một việc để làm, có một người để yêu, có một mục tiêu để phấn đấu. Và hiểu được những giá trị “Cả đời học im lặng” mà có lẽ chỉ những người đã thấm đẫm không gian tĩnh tại của khúc “Tự tình” mới thấu hiểu.
Dẫu là lần đầu trình làng nhưng Bá Dương đã cho ta thấy một cuộc chơi của kẻ sĩ. 60 bài thơ với thể thơ tự do có, niêm luật có, bút pháp đa dạng, tứ thơ phong phú sảng khoái. Một bản tình ca giàu ngôn ngữ, giàu nhịp điệu; khi êm đềm sâu lắng, lúc trầm tư; khi sóng dội, lúc lạc quan bình thản; khi đời thường, lúc khúc triết, suy tư… đó là ngôn ngữ của nhạc, của thơ hòa trộn, là ngôn ngữ đồng quê, ngôn ngữ quân nhân, nhà khoa học, người đang yêu, người từng trải, tạo nên 60 sắc màu mà anh gọi đó là sắc màu thương nhớ.
Trước “Sắc màu thương nhớ”, ta như thấy được câu chuyện cuộc đời tác giả, hiểu được nhân sinh quan, thế giới quan sâu sắc, cảm trước lý tưởng sống cao đẹp, phong cách sống giản dị, tâm hồn thi vị và trái tim yêu thương. Còn với tôi, gấp cuốn sách lại, chợt như đang đón một bình minh trong lành thơ thới khi bắt gặp câu thơ của anh: Ngày luôn mới bởi đời luôn đổi mới.
Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự-Bộ Quốc phòng. Hiện nay, anh là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. |
VIỆT HẢI