Thầy giáo dạy Lịch sử được học sinh ngưỡng mộ

Trước khi trở thành một Đại tướng lừng danh, Võ Nguyên Giáp từng là thầy giáo dạy Lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long (nay là Trường Tiểu học Thăng Long), Hà Nội. Trong quá trình dạy tại trường Thăng Long, Võ Nguyên Giáp cùng với một số nhà giáo đã để lại những tình cảm ngưỡng mộ, trân trọng trong lòng nhiều thế hệ học sinh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ về công việc ở trường Thăng Long lúc bấy giờ. Đại ý, khi là giáo viên dạy sử, Võ Nguyên Giáp tập trung vào những sự kiện như Phong trào Cần Vương hay những tấm gương đầy khí phách như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu...; ngoài những giờ dạy trên lớp, còn tổ chức cho học sinh đi “dã ngoại”, đến Cửa Bắc, đứng trước quả đạn pháo của tàu chiến Pháp bắn vào thành; đến Ô Cầu Giấy, chỗ Henri Riviere, Garnier tử trận. Ngay tại hiện trường, thầy Võ Nguyên Giáp đã giảng giải cho học sinh diễn biến của các trận đánh và gieo vào các em lòng căm thù giặc, ý chí quyết tâm cứu nước.

leftcenterrightdel

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu 

Là thầy giáo dạy sử, không chỉ say sưa truyền đạt cho học sinh về truyền thống yêu nước với những tấm gương bất khuất, kiên cường của các thế hệ đi trước, Võ Nguyên Giáp còn có mối quan tâm đặc biệt đến tư tưởng quân sự và lịch sử các trận đánh của những vị tướng nổi tiếng trong nước và thế giới. Ông nghiền ngẫm các trước tác về nghệ thuật quân sự của F.Engels, Tôn Tử, Clausewitz, Lê Lợi, đặc biệt là "Binh thư yếu lược" của Trần Hưng Đạo và "Quân trung từ mệnh tập" của Nguyễn Trãi, với nghệ thuật biết vận dụng “thời”, “thế” trong phép dùng binh; cũng như nghệ thuật quân sự của Napoléon Bonaparte qua các chiến công trong một số trận chiến ở châu Âu đầu thế kỷ 19.

Tiếp thu tư tưởng yêu nước của các nhà giáo ở trường Thăng Long, trong đó có thầy Võ Nguyên Giáp, nhiều học sinh của trường sau này đã trưởng thành, trở thành những cán bộ cách mạng kiên trung hoặc nhà văn, nhà báo, nhà quân sự, nhà sử học, họa sĩ có nhiều đóng góp như: Lê Quang Đạo, Trần Quang Huy, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Thọ Chân, Hoàng Minh Thảo, Phạm Hồng Cư, Ngô Duy Cảo, Đặng Xuân Kỳ, Đào Thiện Thi, Phan Kế An, Trọng Loan, Vũ Tú Nam, Đào Duy Kỳ, Lý Chính Thắng, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Trần Lâm, Trần Sâm, Võ Thuần Nho, Minh Tranh, Lê Trung Toản...

Vị tướng chiến đấu vì hòa bình

Năm 1940 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của thầy giáo Võ Nguyên Giáp khi được tổ chức đưa sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Dưới sự chỉ đạo của Người, Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp góp phần xây dựng lực lượng cho cách mạng Việt Nam. Năm 1941, trở về nước hoạt động, Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuắt sắc nhiệm vụ phát triển LLVT, xây dựng căn cứ địa cách mạng do Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao phó. Ông cùng các đồng chí thực hiện thành công con đường quần chúng, nối thông Cao Bằng với Khu du kích Bắc Sơn-Võ Nhai. Để hoàn thành nhiệm vụ, Võ Nguyên Giáp đã kiên trì học tiếng địa phương, chịu đựng khó khăn, nguy hiểm, đến từng bản làng để vận động đồng bào.

Tháng 12-1944, Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-tiền thân của QĐND Việt Nam. Kể từ đây, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh tin tưởng giao cho Võ Nguyên Giáp trọng trách người đứng đầu, trực tiếp chỉ huy LLVT cách mạng. Sau thắng lợi của chiến dịch bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc Thu-Đông 1947, năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ trao cho ông quân hàm Đại tướng như giao phó một trọng trách, một sự tin cậy lớn để ông điều hành, chỉ huy Quân đội. Và tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn liền với thắng lợi vĩ đại của 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975).

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quán triệt sâu sắc đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng QĐND Việt Nam từng bước lớn mạnh, trưởng thành, phát huy vai trò của quân đội cách mạng, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; phát huy thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, từng bước đánh bại các kế hoạch quân sự của địch. Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng, đánh dấu sự phát triển của cuộc kháng chiến như: Biên giới, Hòa Bình, Tây Bắc và Thượng Lào... Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, với tư duy quân sự sắc bén, nhãn quan chiến lược sâu sắc, bản lĩnh và trọng trách trước Đảng, Bác Hồ và sinh mệnh cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đưa Đại tướng vào hàng danh tướng thế giới.

Bằng tài năng và trí tuệ kiệt xuất cùng kinh nghiệm thực tiễn, trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Đại tướng đã góp phần quan trọng vào xây dựng Nghị quyết Trung ương 15, tạo nên cột mốc lịch sử trong quá trình tìm tòi, xác định con đường cách mạng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, Đại tướng chỉ đạo quân và dân trên cả hai miền Nam, Bắc lần lượt đánh bại các chiến lược, những cố gắng quân sự cao nhất của Mỹ, ngụy, lập nên nhiều chiến công vang dội, như thắng lợi trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và mùa khô 1966-1967, Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971, cuộc tiến công chiến lược năm 1972, hai lần tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, làm nên “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội vào tháng 12-1972. Đặc biệt, đại thắng mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã lập nên mốc son chói lọi, kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng, giành lại trọn vẹn độc lập cho dân tộc, thống nhất cho non sông.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng luôn thể hiện sự quyết đoán, sắc bén ở khả năng nắm, tạo và chớp thời cơ, kịp thời đưa ra những mưu kế chiến lược tài tình, những mệnh lệnh, phương án đặc sắc có tầm chiến lược để chỉ đạo quân và dân ta chiến đấu, giành chiến thắng. 

Có thể khẳng định, trong nhiều năm trên cương vị Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh bại nhiều viên tướng của các đội quân xâm lược nhà nghề thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và là một trong những danh tướng kiệt xuất trên thế giới, được nhiều tướng lĩnh, nhà nghiên cứu quân sự trong và ngoài nước đánh giá cao, nhân dân các nước đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin ngưỡng mộ, cảm phục, góp phần cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, chống áp bức, bóc lột, bất công ở các nước thuộc địa.

Không chỉ là vị Tổng Tư lệnh tài ba, trực tiếp chỉ đạo quân và dân ta đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Say mê lịch sử, yêu mến nghề dạy học, nói cách khác, chính từ thầy giáo dạy Lịch sử là một trong những nhân tố góp phần làm nên tên tuổi và sự nghiệp lừng danh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Về điều này, năm 1990, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi trả lời nhà báo Mỹ Stanley Karnow đã nói: "Xin nhớ, tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình. Nếu không trở thành người lính, có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo, có thể Triết hoặc Lịch sử".

Với những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý của Việt Nam và quốc tế.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU