Tôi tìm về ngôi nhà số 2, ngõ 4 trên phố Yec-xanh (Hà Nội) trong chiều đông giá lạnh. Nếp nhà xưa phủ bóng thời gian nằm lặng lẽ, hai cây hoa giấy trước hiên nhà, thường ngày Đại tướng Nguyễn Quyết chăm sóc, nay như kém sắc hơn. Bộ bàn ghế gỗ cũ gia đình mua từ năm 1986, qua thời gian mòn vẹt phía tay tì, kể từ nay không còn hình bóng ông ngồi đó. Đại tướng Nguyễn Quyết-“vị tướng của cơ sở”, “vị tướng của chính sách” (tên gọi trìu mến mà cán bộ các cấp trong Quân đội dành tặng) đã mãi mãi rời xa chúng ta.

Đang cùng gia đình sắp đặt lại những kỷ vật và các công việc sau lễ tang của Đại tướng Nguyễn Quyết, Thượng tá QNCN Phạm Xuân Bình, người thư ký gắn bó với Đại tướng Nguyễn Quyết hơn 44 năm qua không nén được xúc động khi nhớ về ông. “Tôi theo Đại tướng Nguyễn Quyết kể từ ngày ông làm Tư lệnh Quân khu 3. Cả cuộc đời ông chưa bao giờ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Ông luôn nghĩ cho dân, cho bộ đội. Phong cách làm việc của ông là đến những nơi khó khăn, gian khổ nhất, sâu sát với đời sống bộ đội, hiểu tận tường cơ sở, gỡ vướng mắc cho cơ sở, luôn lắng nghe dân”, Thượng tá QNCN Phạm Xuân Bình chia sẻ.

Có lần, Thượng tá QNCN Phạm Xuân Bình tâm tình với Đại tướng Nguyễn Quyết: "Thưa ông, vì sao ông nghĩ và làm được nhiều việc lớn đến vậy?".

Đại tướng Nguyễn Quyết đã nói với người thư ký của mình: "Cháu à! Trước khi đi ngủ phải nghĩ việc hôm nay mình làm đã được chưa? Nếu chưa thì phải sửa thế nào cho hiệu quả. Làm cán bộ phải dám nhận cái sai, dám bảo vệ cái đúng. Gương mẫu, giản dị trong đời sống; kiên định và sáng tạo trong mọi việc".

leftcenterrightdel

Đại tướng Nguyễn Quyết và thư ký Phạm Xuân Bình. 

Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sôi nổi, sáng tạo của Đại tướng Nguyễn Quyết đã khắc họa rõ nét nhất về phẩm chất, đức tính cao đẹp của người cộng sản kiên trung; một vị tướng Quân đội, một nhà lãnh đạo có đầy đủ trí-dũng-nhân-tín-liêm-trung cho các thế hệ cán bộ hôm nay và đời sau học tập.

Ngược dòng lịch sử, tháng 8-1945, khi nghe tin Nhật đầu hàng Đồng minh, mặc dù chưa nhận được Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc nhưng với trách nhiệm là Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm phụ trách quân sự, đồng chí Nguyễn Quyết đã triệu tập hội nghị thành ủy mở rộng quyết định chớp lấy thời cơ, giành chính quyền thắng lợi trọn vẹn. Mấy ai biết lúc ấy, đồng chí Nguyễn Quyết mới chỉ 23 tuổi đời, 5 năm tuổi Đảng nhưng đã thể hiện tư duy sắc bén, tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm với Đảng, với dân trước thời cơ có một không hai trong lịch sử.

Những năm tháng chiến đấu cùng quân và dân Liên khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Quyết để lại nhiều dấu ấn đậm nét về tinh thần tự lực, tự cường trong kinh tế tự túc, giải quyết hậu cần tại chỗ, sớm xây dựng LLVT ba thứ quân, giữ vững vùng tự do rộng lớn từ đầu đến cuối cuộc kháng chiến. Đánh mạnh ở vùng tạm bị chiếm, tự giải quyết chiến trường và phối hợp đắc lực với chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Gần 30 năm công tác và chiến đấu ở địa bàn Quân khu 3, đồng chí Nguyễn Quyết cũng thể hiện rõ những phẩm chất, tài năng của một nhà lãnh đạo: Phát động quần chúng giải quyết vấn đề “thấp, bé, nhẹ cân”, thực hiện công bằng, dân chủ trong tuyển quân, xây dựng phân đội dự bị, “bộ đội làng” chuẩn bị sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến. Trong cuộc chiến đấu chống lại chiến dịch đế quốc Mỹ dùng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc cuối năm 1972, ông đã chủ động cùng Thành ủy, UBND TP Hải Phòng sơ tán hơn 1,7 triệu dân trước khi "pháo đài bay" B-52 đánh vào thành phố cảng.

Hòa bình lập lại, nhưng trước muôn vàn khó khăn của đất nước, của Quân đội, đồng chí Nguyễn Quyết lại khởi xướng Phong trào “Làm giàu, đánh thắng” trong LLVT và nhân dân trên địa bàn Quân khu 3. Phong trào không những được LLVT Quân khu hưởng ứng mà còn được đảng bộ và đông đảo nhân dân trên địa bàn đồng tình thực hiện, đem lại hiệu quả tích cực. Khi phát động Phong trào “Vươn ra Biển Đông làm giàu, đánh thắng”, đồng chí Nguyễn Quyết đã cùng với các tỉnh ủy, thành ủy trên địa bàn Quân khu 3 động viên toàn dân làm kinh tế gia đình, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, từ thiếu đói đi lên đủ ăn, có dự trữ, có đóng góp cho đất nước.

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Quyết rất quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, đời sống của nhân dân. Đồng chí luôn chú ý lắng nghe và chia sẻ với những hy sinh, mất mát của đồng bào, đồng chí và cán bộ, chiến sĩ. Thời gian làm Chính ủy, rồi Tư lệnh Quân khu 3 và sau là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, đồng chí đặc biệt quan tâm đến công tác chính sách cán bộ và hậu phương Quân đội. Chính nhờ việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách, đặc biệt là chính sách nhà ở cho đội ngũ cán bộ, đi đôi với công tác tư tưởng, công tác tổ chức mà Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng có thể thực hiện được kế hoạch tinh giản biên chế trong Quân đội một cách tốt nhất, tạo được bầu không khí phấn chấn trong tuyển quân, xây dựng Quân đội. Nhờ những quan tâm sâu sát cơ sở, đến đời sống bộ đội nên Đại tướng Nguyễn Quyết được cán bộ các cấp trong Quân đội dành tặng tên gọi trìu mến “vị tướng của cơ sở”, “vị tướng của chính sách”.

Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho cách mạng và Quân đội, Đại tướng Nguyễn Quyết đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; 2 Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng... Sinh thời, đánh giá về Đại tướng Nguyễn Quyết, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã viết: “Tôi thấy không có gì đầy đủ bằng 8 chữ, đó là: Một vị tướng tài năng, đức độ, trung hiếu, vẹn toàn”.

Thắp nén tâm nhang lên ban thờ cho bố, cô Nguyễn Phương Hải, con gái thứ hai của Đại tướng Nguyễn Quyết nghẹn ngào chia sẻ: “Những năm tháng cuối đời, bố tôi lúc nào cũng đau đáu về những việc đã làm và luôn nghĩ về Quân đội. Bố tôi luôn muốn tổng kết, rút kinh nghiệm trong mọi việc với phương châm “kiên định, sáng tạo”. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, những việc bố tôi xác định đúng thì kiên quyết làm nhưng không thụ động, rập khuôn mà luôn tìm tòi, sáng tạo để đạt hiệu quả tốt nhất, vì lợi ích chung. Ở phương diện gia đình, ông luôn dặn chúng tôi rằng cuộc sống vật chất và tinh thần như hiện tại là tốt rồi. Ông cũng rất hài lòng vì chúng tôi luôn giữ lối sống gương mẫu, giản dị, giữ được phẩm giá con người”.

Vĩnh biệt Đại tướng Nguyễn Quyết! Đại tướng mất đi nhưng tấm gương dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động, vì lợi ích chung của Đại tướng sẽ mãi mãi được thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

THÀNH AN