Trong các hải trình ra công tác Trường Sa và nhà giàn DK1, cùng với những bài hát về Trường Sa thì “Tâm tình chiến sĩ nhà giàn” được nhắc đến nhiều vào gần chặng cuối của chuyến công tác, khi đoàn lên thăm nhà giàn. Bài hát thủ thỉ như một câu chuyện kể trong các cuộc gặp gỡ giữa những người lính biển với người từ đất liền ra thăm; trong sáng lạc quan như ban mai; vững vàng như lời thề canh giữ biển. Nó được bắt đầu như thế này:

Nhà giàn trong mây canh một hướng Tây Nam

Khi nước triều lên nằm ngang ngọn sóng

Ngồi chờ trăng lên chung lá thư tình

Biển sóng hát ca mơ về quê nhà...

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: CHÍ THẠCH 

Có thể nói, đó là một lời giới thiệu khá hóm hỉnh, tự nhiên, một sự định vị thú vị và lãng mạn: “Nhà của chúng tôi ở “con phố” mang tên “Trong mây”, trên “con đường” mang tên “Trên biển”; nhà của chúng tôi không chỉ để ở, mà là “canh một hướng Tây Nam” của Tổ quốc. Ngôi nhà này, khi nước triều lên nằm ngang ngọn sóng. Nơi ấy, lúc thảnh thơi chờ trăng lên trên biển, chúng tôi chuyền tay nhau những lá thư, chia sẻ buồn vui, nghe tiếng sóng mơ về quê nhà”...

Chỉ đôi nét chấm phá qua 4 câu hát, tác giả đã vẽ nên một không gian mênh mông trong mây, yên bằng trên sóng, không gian ấy cùng nhịp điệu cuộc sống nơi ấy được chuyển tải bằng ngôn ngữ, âm thanh nhẹ nhàng, bình thản, ung dung. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rằng, để có được sự bình thản, tự tại ấy là cả một trải nghiệm gian khổ, thiếu thốn, khó khăn, là mất mát, hy sinh của những chiến sĩ nhà giàn. Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: "Năm 2000, khi đang là nhân viên văn hóa cơ sở của Vùng 2 Hải quân, tôi được cử đi thực tế tại các đơn vị trong cụm nhà giàn DK1. Những ngày ở nhà giàn mới thấm thía nỗi khó khăn, gian khổ và nguy hiểm mà cán bộ, chiến sĩ nơi đây phải đối mặt. Tại đây, tôi được nghe kể về những tấm gương bám trụ, anh dũng hy sinh của các anh, trong đó có trường hợp Chuẩn úy Lê Đức Hồng. Anh Hồng hy sinh trong đêm 12 rạng sáng 13-12-1998 do cơn bão số 8 làm đổ Nhà giàn Phúc Nguyên 2A. Ngày ấy, anh vừa được kết nạp Đảng và có quyết định chuyển chế độ từ chiến sĩ sang QNCN phục vụ lâu dài trong Quân đội. Bộ quân phục mới anh chưa kịp mặc và những lá thư màu tím còn nguyên trong tủ cá nhân”.

leftcenterrightdel

Thượng tá QNCN, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn (bên trái) chia sẻ sáng tác mới cùng đồng đội. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trở về đất liền với cảm xúc buồn vui, trân trọng và khâm phục đan xen lẫn lộn, một lần, Nguyễn Hồng Sơn được thủ trưởng của mình (nay là Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương, nguyên Phó chính ủy Học viện Quốc phòng) đưa cho xem bài thơ “Những cánh thư màu tím”. Bài thơ của Đại tá Nhữ Mai Sinh (khi ấy là Chính ủy Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân) viết về liệt sĩ Lê Đức Hồng. Một tứ nhạc ấp ủ bấy lâu nay chợt bật ra trong đầu Nguyễn Hồng Sơn. Thế là chỉ trong một giờ đồng hồ tại đơn vị, bài hát “Tâm tình chiến sĩ nhà giàn” được anh hoàn thành.

Bài hát khắc họa chân dung người chiến sĩ nhà giàn với nét lãng mạn, hào hoa, với tâm thế tự tin, tự tại, với niềm tin tưởng, lạc quan và quyết tâm giữ biển. Hai câu đầu tác giả sử dụng nguyên bản hai câu thơ trong “Những cánh thư màu tím”. Nội dung bài hát không chỉ dừng ở câu chuyện người lính và những cánh thư mà được nhạc sĩ phát triển sâu rộng hơn, phản ánh đời sống tâm hồn phong phú, lý tưởng sống cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. 

Bài hát ra đời ở thời điểm các cụm nhà giàn của ta được xây dựng, hoàn thiện theo thiết kế của thế hệ hai với 4 chân cọc kim loại đóng sâu xuống nền đá san hô. Kết cấu hạ tầng là khung chân và thượng tầng là một tầng nhà ở, dưới gầm là tầng phụ để làm kho, bếp... So với thế hệ nhà giàn thứ ba bây giờ thì trước đây, ở trên nhà giàn vào mùa dông bão, cảm nhận về sự khắc nghiệt của thiên nhiên rõ ràng hơn, bạo liệt hơn; điều kiện trang bị vật chất ngày ấy cũng thiếu thốn hơn. Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn kể rằng, nhiều đêm nằm nghe tiếng sóng cồn cào dữ dội, dường như nghe được cả tiếng vặn mình, rung lắc của nhà giàn. Mùa gió Đông Bắc, những con sóng cực đại cao đến 8m, sóng bão tố cao tới 15m... Thế nhưng cán bộ, chiến sĩ nhà giàn vẫn kiên cường bám trụ. Điều đó khiến nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn suy nghĩ rất nhiều, đó cũng là nguyên nhân để “Tâm tình chiến sĩ nhà giàn” có tâm thế lạc quan, tự tin, tự tại đến vậy:

Người chiến sĩ nhà giàn, mãi yêu đời thiết tha

Nhìn mây nước biển trời, xốn xang lòng muôn ý thơ

Người chiến sĩ nhà giàn, vẫn kiên cường trong bão dông

Dù gian khó không sờn lòng, hiến dâng tuổi xuân sá chi,

Gìn giữ đất cha ông, vẹn tròn lòng son sắt,

Cờ thắm gió tung bay, súng ngang trời đứng canh.

Người đầu tiên hát “Tâm tình chiến sĩ nhà giàn” là các chiến sĩ Lữ đoàn 171, trong Chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”, sau đó tiếp tục được biểu diễn trong nhiều chương trình truyền hình, như: “Chung tay thắp sáng nhà giàn” của VTV, “Hát về DK1 thân yêu” trên sóng HTV... Lời ca giản dị, trong sáng, giai điệu đẹp và gần gũi khiến cả người hát lẫn người nghe dễ thuộc, dễ cảm. Hơn 20 năm qua, bài hát đồng hành với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, và mỗi lần có tàu ra thăm nhà giàn, ca khúc ấy lại được hát vang cả một vùng trời biển.

Cũng là từng ấy năm, Nguyễn Hồng Sơn, từ một nhân viên văn hóa cơ sở đã trưởng thành với quân hàm Thượng tá QNCN, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Vùng 2 Hải quân, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Anh cũng đã thực hiện nhiều chuyến công tác ra nhà giàn, mỗi chuyến đi cho anh một cảm xúc khác nhau, và thường sau mỗi chuyến đi sẽ có một tác phẩm về biển, đảo ra đời. Với anh, biển, đảo và nhà giàn là nguồn cảm hứng vô tận, khi nào cảm xúc đến độ “chín” là anh bắt tay vào viết ngay.

Đến nay, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn sở hữu gần 200 ca khúc với 50 bài viết về biển, đảo, đặc biệt có 15 bài hát về nhà giàn; nhiều tác phẩm đã được nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Quân chủng Hải quân. Trong đó, ca khúc “Màu xanh nhà giàn” đoạt giải C Cuộc vận động sáng tác về biển, đảo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010, giải khuyến khích Tổng kết 5 năm sáng tác văn học-nghệ thuật về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tuy nhiên, cảm xúc về bài hát đầu tiên chưa bao giờ phai nhạt trong anh. Trong “Tâm tình chiến sĩ nhà giàn” có lời ca thủ thỉ nhẹ nhàng như khúc đồng dao (khổ 1), có lời ca trong sáng, phơi phới tinh thần lạc quan (khổ 2), có nhịp đi vững vàng, chắc nịch ở hai câu kết. Nhịp điệu cùng ca từ quyện vào nhau, đi từ cung bậc nhẹ nhàng đến mạnh mẽ, chậm rãi đến thôi thúc, góp phần khắc họa thành công nét đẹp người chiến sĩ nhà giàn nói riêng và người chiến sĩ hải quân nói chung trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Xuyên suốt bài hát là cảm xúc trữ tình sâu lắng, lãng mạn nhưng rất thực tế, tự hào nhưng không tự mãn, kiêu hãnh nhưng vô cùng điềm đạm... Bản tình ca trên sóng “Tâm tình chiến sĩ nhà giàn” đã góp một nốt nhạc tươi đẹp vào khúc tráng ca của những người lính giữ biển.

VIỆT HẢI