Cây quý trên vùng đất thơm

Cung đường đi qua xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, hai bên đường bạt ngàn những mảnh vườn dó trầm tươi mát, hút mắt với thân cây thẳng, tít tắp nối liền những cánh rừng xanh.

Hương Khê là huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Hà Tĩnh, nằm trong thung lũng hình lòng máng giữa núi Giăng Màn, thuộc dãy Trường Sơn ở phía Tây và dãy Trà Sơn ở phía Đông. Tên huyện Hương Khê được đặt theo phong thổ. Phong thổ có những thứ sản vật thơm, “hữu xạ” cho nên “tự nhiên hương”. Hương Khê có gỗ trầm hương, quế và các loại trái cây thơm như mít. Danh tiếng bưởi Phúc Trạch là đặc sản của Hương Khê, từng được xếp vào hàng “quả ngon xứ Đông Dương”. Hương Khê cũng có nếp rẫy “lạ lùn”, đến mùa lúa trổ, hương nếp thơm ngọt bay ngào ngạt.

leftcenterrightdel
Những vườn dó trầm không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn tạo không gian mát mẻ, xanh tươi. 

Theo người dân địa phương, cũng như cây đặc sản bưởi Phúc Trạch, cây dó trầm trồng ở vùng đất này sẽ phát triển tốt, tụ trầm nhiều và thơm. Năm 2020, Hội Trầm hương Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng cây dó trầm tại xã Phúc Trạch đã xác định chất lượng cây và các sản phẩm trầm hương trên đất Hương Khê, đặc biệt là tại xã Phúc Trạch, có chất lượng rất cao, thuộc tốp đầu thế giới.

Trầm hương được tạo nên từ cây dó. Khi thân cây dó bị thương vì sâu đục, kiến ăn, gãy đổ, nó tự tiết ra một chất nhựa để chữa lành vết thương. Năm này qua năm khác, chất nhựa đó dần dần hình thành nên một loại gỗ mang tên trầm hương, có mùi thơm nhẹ. Trầm hương hình thành trong cây dó tự nhiên thường rất hiếm, bởi cần thời gian dài hàng chục năm mới tích tụ được lượng trầm nhất định. Do đó, người dân đã tìm cách tạo ra nhiều vết thương trên thân cây dó để cây có phản xạ tạo trầm như đục lỗ, kích thích sinh học, cắt tỉa một phần thân cây. 

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Phương (Phúc Trạch, Hương Khê) bên cây dó có trầm trị giá 50 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Phương là một trong những hộ dân có nhiều cây dó trầm lâu năm của xóm 8, xã Phúc Trạch. Ông có hơn 1ha vườn trầm, với khoảng 400 cây hơn 20 năm tuổi. Trong vườn trầm của ông Phương có rất nhiều trầm hương được hình thành tự nhiên. Khu vườn dó trầm của ông mát rượi, rêu xanh phủ đầy mặt đất, hương trầm thoảng nhẹ trong gió. Những vườn trầm bạt ngàn xanh ở Phúc Trạch không chỉ có giá trị kinh tế mà còn tạo không gian thư thái, môi trường trong lành.

Đổi đời nhờ trầm hương

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Hương Khê có 682,5ha diện tích cây dó trầm, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Phúc Trạch với diện tích 350ha. Dó trầm đã giúp người dân Hương Khê đổi đời, nhiều gia đình thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang, mua ô tô, có của ăn của để. Thông tin từ UBND xã Phúc Trạch cho biết, thu nhập từ cây dó trầm của xã năm 2023 đạt 95 tỷ đồng. Hiện nay, tại xã Phúc Trạch đã thành lập được làng nghề chế tác trầm hương với 50 hộ dân tham gia. Từ cây dó trầm được thu mua về, thợ thủ công thực hiện các công đoạn và tạo ra những sản phẩm khác nhau, như: Hàng thủ công mỹ nghệ, trầm nụ, hương trầm...

Cho chúng tôi xem chiếc vòng trầm trị giá gần 10 triệu đồng, chị Võ Thị Nga, chủ cơ sở chế tác trầm hương Thọ Nga tại xã Phúc Trạch chỉ cách phân biệt trầm thật và trầm giả: “Vòng tay trầm hương tự nhiên thường có màu nâu nhạt, hơi sần chứ không có màu nâu sẫm và bóng loáng như loại giả. Quan sát các đường vân trầm chạy dọc theo thớ gỗ, đường vân càng nhiều thì chứng tỏ càng chứa nhiều tinh dầu. Vòng trầm thật thì sẽ khá nặng tay. Trầm hương thật luôn có mùi hương thoang thoảng, nhè nhẹ, trong khi hàng giả sẽ có mùi rất nồng như nước hoa, đôi khi sẽ rất khó chịu vì nó được tẩm tinh dầu nhân tạo hoặc hóa chất tạo hương”.

Một mặt hàng khá đắt khách tại xứ sở trầm hương Phúc Trạch là trầm cảnh. Cây rẻ nhất cũng 10 triệu đồng, cây cao lớn, thế đẹp, nhiều trầm giá 50-100 triệu đồng, cây "gia bảo" có giá lên tới nửa tỷ đồng. Giá trị cây dó trầm tùy thuộc vào đó là cây trầm tự nhiên hay trầm tự tạo. Trầm được hình thành tự nhiên sẽ có giá cao hơn. Cùng năm tuổi và kích thước, có cây giá từ 5 đến 10 triệu, nhưng cũng có cây lên đến hàng trăm triệu đồng, tùy vào lượng trầm trong từng cây.

leftcenterrightdel

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm trầm hương ở cơ sở chế tác trầm hương Thọ Nga (Phúc Trạch, Hương Khê).  

Từ cây dó trầm, trên địa bàn huyện Hương Khê cũng phát triển nghề thợ chế tác trầm. Thu nhập của thợ làm trầm phụ thuộc vào tay nghề, từ 300.000 đến 500.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, hiện số lượng thợ có tay nghề cao tại xứ sở trầm hương Hương Khê còn khá ít, đội ngũ thợ có tay nghề cao ngày càng lớn tuổi mà chưa có nguồn kế cận. Xã Phúc Trạch đang xây dựng kế hoạch liên kết với các cơ sở chế tác trầm hương tại Huế, Bình Định mở các lớp đào tạo chuyên sâu để phục vụ làng nghề chế tác trầm hương trên địa bàn trong tương lai.

Dó trầm đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Hương Khê. Vì vậy, ở xã Phúc Trạch, hầu như nhà nào cũng đang đầu tư để phát triển diện tích trồng dó trầm. Không chỉ được trồng trong vườn nhà, mà trên rừng, đồi... dó trầm cũng đang dần thay thế các loại cây lấy gỗ lâu năm. Thậm chí, nhiều người còn phá bỏ diện tích trồng những loại cây đặc sản Phúc Trạch như cam, bưởi... để trồng dó trầm.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương cũng đã có chỉ đạo, khuyến khích bà con phát triển bền vững lâu dài, vừa phát triển cây dó trầm, vừa phải duy trì ổn định diện tích cam, bưởi Phúc Trạch và các loại cây khác. Chuyển đổi cây trồng ồ ạt, thiếu quy hoạch là cái giá phải trả khá đắt ở không ít địa phương. Điều đó đặt ra yêu cầu và trách nhiệm cao đối với cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hương Khê nói riêng, Hà Tĩnh nói chung. Trước mắt, dù cây dó trầm mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương nhưng về lâu dài, vẫn cần có được sự phát triển bền vững...

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ