QĐND - Hiện tại, cây dó sinh trầm đã được trồng trong vườn hộ dân và 95% trầm trên thị trường hiện nay là trầm nhân tạo nhưng pháp luật vẫn cấm xuất khẩu trầm…

Trầm được tạo ra từ cây dó trồng.

Cây dó có mặt ở 15 nước trên thế giới và được phân bố chủ yếu ở một số nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Cam-pu-chia và Việt Nam. Tổng cộng có 25 loài dó nhưng chỉ 19 loài là có khả năng sinh trầm. Trầm hương và tinh dầu chiết xuất từ trầm hương có nhiều công dụng. Đặc biệt, trong tinh dầu trầm có chứa các Secquitecpenoit - một loại hợp chất có hoạt tính sinh học được dùng trong y học hiện đại để làm thuốc kháng khuẩn, kháng nấm, phòng và hạn chế ung thư, điều hòa miễn dịch, kích thích hoặc ức chế hoạt động của các mô và tế bào.

Trầm hương là sản phẩm đặc biệt có giá trị. Trong đó, trầm có xuất xứ từ Việt Nam được xem là thượng hạng trên thị trường quốc tế. Hiện Việt Nam còn 6 loài dó, được phân bố ở hầu hết các tỉnh miền núi từ Bắc vào Nam nhưng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ như Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Khánh Hòa, Bình Định... Trong những năm gần đây, tình trạng khai thác bừa bãi các loài dó để khai thác trầm hương đã đưa loài cây này tới nguy cơ tuyệt chủng. Vì thế, Công ước quốc tế cấm buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã xếp dó có khả năng cho trầm hương vào loài cây hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng và nghiêm cấm khai thác buôn bán. Chính phủ Việt Nam cũng đã xếp cây dó bầu vào nhóm thực vật IA - những thực vật đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học và kinh tế, có số lượng, trữ lượng rất ít hoặc đang có nguy cơ bị tuyệt chủng và nghiêm cấm khai thác, sử dụng.

Vườn ươm cây dó tạo trầm. Ảnh: Văn Long

Chất lượng trầm hương của Việt Nam nổi tiếng trên thế giới và được mua với giá rất cao trong khi đó nguồn khai thác trầm hương trong tự nhiên đã cạn kiệt. Trước nguy cơ tuyệt chủng của loài dó tự nhiên, cùng với lợi nhuận khổng lồ của trầm hương, vài năm trở lại đây hàng nghìn héc-ta cây dó đã được gây trồng khắp cả nước. Trong đó, địa hình và khí hậu thuận lợi của các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ rất phù hợp với sự phát triển và tạo trầm của cây dó. Kỹ thuật cấy tạo trầm nhân tạo hiện đã trở nên phổ biến với chất lượng không thua kém trầm tự nhiên nhưng với thời gian nhanh hơn (cây dó chỉ trồng từ 6-7 năm đã có thể cấy tạo trầm và sau thời gian từ 24 đến 36 tháng kể từ khi cấy hóa chất là khai thác trầm) đã mở ra một hướng đi mới cho thị trường trầm hương trong nước cũng như trên thế giới. Thậm chí, ngay cả trường hợp cây không tạo được trầm, bán gỗ làm hương vẫn có lãi cao so với trồng quế hoặc cây nguyên liệu giấy như keo, bạch đàn, cao su...

Với tiềm năng lớn, diện tích trồng cây dó đang phát triển khá nhanh. Năm 2004, diện tích cây dó cả nước là hơn 4.900ha. Năm 2006 đã lên hơn 8.900ha. Theo ước tính, hiện nay đã có khoảng 30.000ha cây dó được gây trồng trên 22 tỉnh, thành phố.

Theo tính toán của một số doanh nghiệp, chi phí đầu tư cho 1ha cây dó trong năm đầu tiên khoảng 25,7 triệu đồng, năm thứ hai khoảng 8,2 triệu đồng, từ năm thứ ba trở đi khoảng 45 triệu đồng. Chi phí tạo trầm khoảng 300 triệu đồng. Như vậy, tổng chi phí từ lúc trồng đến lúc thu hoạch xấp xỉ 379 triệu đồng/1000 cây/ha. Với giá bán bình quân 4 triệu đồng/cây, lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí là 3,6 tỷ đồng. Theo Hội Trầm hương Việt Nam, thực tế đã có nhiều nông dân làm giàu từ cây dó với thu nhập từ 50 đến 150 triệu đồng/ha/năm.

Hiện tại, việc mua bán các sản phẩm trầm và tinh dầu trầm từ cây dó trên thị trường khó khăn và giảm sút nghiêm trọng do nguồn cung cấp từ thiên nhiên đã cạn kiệt và bị ràng buộc bởi sự kiểm soát của Chính phủ và CITES nên cung cách xa cầu, làm cho giá trầm ngày càng cao. Vì thế, theo Hội Trầm hương Việt Nam, Nhà nước cần có chiến lược quốc gia và hành lang pháp lý cho cây dó tạo trầm. Hiện tại, cây dó đã được trồng trong vườn hộ dân và 95% trầm trên thị trường hiện nay là trầm nhân tạo được cấy ghép từ cây dó nhưng pháp luật vẫn cấm xuất khẩu trầm. Và thực tế, trầm hương vẫn được xuất theo đường tiểu ngạch, với tên gọi nguyên liệu làm hương. Với cách làm này, doanh nghiệp gặp rủi ro, không phát triển được thương hiệu và Nhà nước thất thu thuế, đồng nghĩa với việc không phát triển mạnh được việc gây trồng và sản xuất trầm hương trong nước. Đây là một nghịch lý không nên tồn tại. Việc phát triển cây dó nên được coi là một giải pháp góp phần xóa đói giảm nghèo và đưa loài thực vật đặc hữu, quý hiếm, có giá trị đặc biệt về khoa học và kinh tế này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

VÕ HOÀI