Chiều một ngày cuối tháng 12-2018, tôi nhận được cuộc điện thoại của Thiếu tá QNCN Trần Thị Sâm, nhân viên Ban Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, Bảo tàng Hậu cần. Chị Sâm hồ hởi thông tin với tôi, chiếc xe “quốc tế” của Cục Vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Thế là sau hơn 10 năm với hai lần làm hồ sơ hết sức vất vả, chiếc xe “quốc tế” không có số hiệu đã có ngôi vị xứng tầm. Hiện nay, chị Sâm đã là Giám đốc Bảo tàng Hậu cần và mang cấp bậc Trung tá.

Cách đó đúng 10 năm, khi tôi về nhận nhiệm vụ trên cương vị Trợ lý Phòng Chính trị (Cục Vận tải) không lâu thì chị Sâm đến liên hệ công tác. Chị nhờ tôi lấy danh sách và thông tin về các đồng chí cán bộ của Cục Vận tải từng tham gia kháng chiến chống Pháp còn sống, để thu thập thông tin về chiếc xe “quốc tế”. Qua kiểm tra danh sách, tôi cùng chị Sâm đến gặp Thiếu tướng Vũ Văn Đôn, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Ông là một trong những cán bộ được biên chế vào Cục Vận tải từ ngày đầu thành lập (18-6-1949). Ông kể, khi thành lập, Cục Vận tải chỉ có 36 người, phương tiện gần như không có gì. Lúc đó, nhu cầu vận chuyển cho Chiến dịch Biên giới và các hoạt động chiến đấu khác của các đại đoàn chủ lực đã rất khẩn trương. Để hoàn thành nhiệm vụ, Cục đã sử dụng các loại phương tiện thô sơ, như ngựa thồ, xe quệt, xe trâu, xe bò... và gồng gánh, gùi bộ, mang vác là chính.

leftcenterrightdel

 Phương tiện vận tải nước hiện đại được Lữ đoàn 683 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) đưa vào khai thác, sử dụng. Ảnh: VĂN TUYNH

Ngày 4-8-1949, Phái đoàn mậu dịch thống nhất quốc phòng được thành lập do đồng chí Vũ Văn Đôn phụ trách, có nhiệm vụ tổ chức mua hàng từ các địa phương, vận tải lên Liên khu Việt Bắc. Ông đã lên Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ (Thái Nguyên) xin người có trình độ kỹ thuật xe-máy và biết tiếng Trung Quốc, trong đó có Văn Trường, Lê Hài, Nguyễn Ngọc Khuê và tổ chức ra một tổ thợ gồm hơn 10 người. Tổ này đã lên Bắc Kạn tìm kiếm vật tư xe máy của quân Pháp bỏ lại sau Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947.

Sau thời gian thu gom, phân loại phụ tùng và sửa chữa, tổ thợ này đã lắp ráp hoàn chỉnh thành một chiếc xe vận tải cơ giới đầu tiên với máy của hãng Ford (Mỹ), buồng lái của hãng Studebaker (Đức), Sát-xi của hãng Renault (Pháp). Do điều kiện không có nhiên liệu xăng nên tổ thợ đã cải hoán để động cơ xe chạy bằng than. Sau khi chạy thử đạt chất lượng tốt, xe ô tô "quốc tế" đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển vật chất phục vụ các chiến dịch lớn. Đặc biệt, xe ô tô "quốc tế" đã chở Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra các đơn vị Quân đội và địa phương ở Chiến khu Việt Bắc và chở đồng chí Lêo Figuerre, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp trong dịp đến thăm căn cứ địa Việt Bắc năm 1950.

leftcenterrightdel
 Dỡ hàng từ vận chuyển đường bộ sang vận chuyển đường biển.

Năm 2009, trước ngày kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành vận tải quân sự, tôi được gặp Thiếu tướng Đặng Huyền Phương, nguyên Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, nguyên Đại đội trưởng xe ô tô vận tải, Cục Vận tải tiền phương trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể, sau năm 1950, Liên Xô viện trợ cho ta 24 xe ô tô vận tải. Đây là khối tài sản vô cùng quý giá để thành lập Đại đội 200 và 203 vận tải cơ giới đầu tiên. Những năm sau đó, kết hợp với 352 chiếc xe ô tô do bạn viện trợ đưa về nước cuối năm 1953, các đơn vị đã tham gia vận tải phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là lần đầu tiên Cục Vận tải tổ chức vận chuyển cơ giới phục vụ chiến dịch lớn như vậy. Thiếu tướng Đặng Huyền Phương nhớ lại, vận chuyển hàng từ Sơn La lên Điện Biên Phủ rất khó khăn, nguy hiểm và phải đi đêm, trong khi máy bay địch lùng sục, ném bom, bắn phá. Dù đường nhỏ hẹp, đèo cao, suối sâu, cua gấp lại sử dụng đèn gầm, tầm nhìn hạn chế..., song

Thiếu tướng Nguyễn An, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, nguyên chỉ huy trung tuyến Tổng cục Cung cấp tiền phương trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã viết về tính chất ác liệt trong tổ chức vận tải cơ giới thời điểm này: "Ở ngã ba Cò Nòi, các lái xe phải chiến đấu quyết liệt với sự đánh phá của bom, đạn địch. Ở đây, mỗi ngày máy bay địch trút xuống trên 60 tấn bom, mìn các loại: Nổ ngay, nổ chậm vùi lẫn với bom bươm bướm, mìn đè nổ, mìn phá xe, chông ba cạnh, làm cho địa hình vùng này biến dạng. Các lái xe gọi Cò Nòi là “ngã ba sống chết”, vì đi qua đây, cái sống liền kề ngay cái chết, do bom, mìn địch giương bẫy thường trực ngày đêm".

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cục Vận tải và ngành vận tải quân sự đã có sự phát triển mạnh về lực lượng, phương tiện và trở thành chủ công trong tổ chức “mạch máu giao thông” nối hậu phương với tiền tuyến lớn. Cuộc chiến giữa các đơn vị vận tải cơ giới với đế quốc Mỹ ở tuyến lửa Trường Sơn rất khốc liệt nhưng cũng vô cùng lãng mạn.

Để vượt qua những trọng điểm Xuân Sơn, Long Đại hoặc ATP trên Đường 20 Quyết thắng, các lái xe đã có nhiều chiến thuật, chạy lấn sáng, lấn tối, thậm chí chạy ban ngày dưới sự bảo vệ của cao xạ. Có những chiến sĩ đã lái xe liên tục, vận chuyển 32 chuyến/tháng, vượt chỉ tiêu 300% mà vẫn an toàn. Hình ảnh chiến sĩ lái xe Trường Sơn “gan vàng dạ ngọc” được ví là “chiến mã Trường Sơn” hay “phi công mặt đất” đã khắc sâu vào lịch sử. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết những vần thơ lãng mạn về lái xe Trường Sơn thuở ấy, mà khi đọc bất cứ ai cũng rung cảm, tự hào: Những chiếc xe từ trong bom rơi/ Đã về đây họp thành tiểu đội/ Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới/ Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.../ Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim... ("Tiểu đội xe không kính").

Nhà thơ Tố Hữu từng viết những vần thơ hừng hực khí thế về lái xe Trường Sơn trong “Bài ca lái xe đêm”, nhưng chân thật: Xe ơi cùng ta bay/ Dù mưa bom bão đạn/ Ta lấy đêm làm ngày/ Ta cùng cây làm bạn/ Xe đi trong đêm tối/ Dù đường lạ đường quen/ Xe đi khôn lạc lối/ Có mắt ta làm đèn...

Thời bình, mỗi khi có dịp họp mặt chứ chưa nói đến các đợt hội diễn văn nghệ quần chúng, cánh lính xế chúng tôi hôm nay vẫn ngân vang lời ca: Qua bao gian nguy xe vẫn vượt lên, những đêm không trăng mịt mùng tối đen. Đường lầy bùn, hố bom quanh bên, trườn từ từ, mắt căng trong đêm, nhưng có niềm tin tay lái ta vững vàng thêm. Tôi, người lái xe!... Chiều vượt đèo, sớm băng qua non, đường dù dài bánh xe bon bon, bên tiếng đạn bom, nghe tiếng lòng sắt son ("Bài ca người lái xe"-An Chung). Hoặc những âm hưởng trong nhạc phẩm “Chào em cô gái Lam Hồng” của nhạc sĩ Ánh Dương: Xe ta bon bon đi trên đường lòng vui như mở hội/ Đường quê em êm êm đưa như thoi dệt bao tâm tình/ Lững lờ đèn giặc dõi lửa soi để em đi thông đường/ Kìa gà rừng vẳng gáy cuối nương vượt đèo Ngang nào bạn ơi/ Tay lái ta rộn lên lời ca...

Ngày nay, Cục Vận tải đã được biên chế tinh, gọn, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại; với phương thức vận tải đa dạng, khép kín, có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thời bình, thời chiến, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu cao trong bảo đảm vận tải bảo vệ Tổ quốc, chống chiến tranh công nghệ cao. Cục Vận tải đã đưa nhiều phương tiện mới, hiện đại vào khai thác, sử dụng trong khi tổ chức biên chế ngày càng tinh, gọn và sắc hơn, đặt ra yêu cầu cao trong cả huấn luyện và tổ chức vận chuyển, đặc biệt trong vận chuyển chiến lược. Điều ấy cũng đặt ra cho mỗi người lính vận tải nhiệm vụ nặng nề, trong đó vượt lên chính mình, hết lòng vì nhiệm vụ với tinh thần cống hiến và niềm tin chiến thắng được coi là “mệnh lệnh trái tim”.

Thượng tá NGUYỄN VIẾT TÚY

Phó chính ủy Lữ đoàn 683, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần