Vào ngày cuối tháng 5, ngay sau khi các đơn vị kết thúc kiểm tra chất lượng huấn luyện chiến sĩ mới (CSM), chỉ huy Lữ đoàn 575 triển khai kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả. Tôi nhanh chóng cơ động lên Đồng Hỷ, Thái Nguyên, đến sở chỉ huy Lữ đoàn 575.

Đầu giờ làm việc, khi những hạt sương còn lóng lánh trên cỏ, đội ngũ cán bộ, sĩ quan các ngành tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật trong cơ quan Lữ đoàn đã có mặt tại Tiểu đoàn 1, cách sở chỉ huy gần 5km. Giao nhiệm vụ cho các cán bộ làm công tác kiểm tra, Thượng tá Phạm Viết Giang, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng yêu cầu cần đánh giá chính xác tổng thể các nội dung, trong đó chú trọng đến trình độ, kỹ năng, phương pháp tổ chức huấn luyện của cán bộ phân đội; hành động của CSM trong các khoa mục. Nếu phát hiện trường hợp nào nâng đỡ cho đơn vị sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết, nhằm ngăn ngừa bệnh thành tích từ trứng nước.

Khi mặt trời đã lên cao, nắng tràn ngập thao trường cũng là lúc việc phúc tra được bắt đầu. Tại các bàn kiểm tra, cán bộ chăm chú theo dõi tư thế, động tác vận động trên chiến trường của chiến sĩ, gồm: Lăn, lê, bò, trườn... Cỏ thao trường rạp xuống trước sức nặng bước chân chiến sĩ, như muốn làm vơi đi độ mặn của những giọt mồ hôi trên má sạm đen. Ở khu vực sân đường nội bộ, tiếng khẩu lệnh của các tiểu đội trưởng phục vụ kiểm tra điều lệnh đội ngũ vang vọng, như làm lay động lớp ngụy trang xanh màu lá trên những chiếc nhà bạt dã chiến ở mép đường.

leftcenterrightdel

Xe tăng vượt cầu PMP do Lữ đoàn 575 (Quân khu 1) triển khai. Ảnh: HÙNG CƯỜNG 

Đi cạnh tôi, Thượng tá Phạm Viết Giang tâm tình, năm nay, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện CSM ở hai tiểu đoàn, nhiều gần gấp hai lần so với những năm trước. Thế nên trước khi bước vào huấn luyện hơn hai tháng, chỉ huy Lữ đoàn đã triệu tập những cán bộ có kinh nghiệm huấn luyện đang làm nhiệm vụ ở các nơi về tập huấn, giao nhiệm vụ, trong đó chú trọng trang bị cho cán bộ kỹ năng, phương pháp lên lớp và tổ chức luyện tập, cũng như nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên chiến sĩ. Quá trình huấn luyện, chỉ huy Lữ đoàn luôn bám sát, tăng kiểm tra và rút kinh nghiệm từng tuần, từng tháng nên chất lượng huấn luyện được giữ vững. Hiện các đơn vị huấn luyện đã kiểm tra xong 3 nội dung “bắn, đánh, ném”, an toàn tuyệt đối và đạt từ khá trở lên.

Thượng tá Nguyễn Duy Nhập, Phó chính ủy Lữ đoàn bổ sung thêm: Trong huấn luyện, ngoài chương trình, nội dung theo quy định, Lữ đoàn đã tổ chức cho CSM tham gia nhiều hoạt động bổ trợ rất cơ bản để qua đó hình thành nếp sống văn hóa, tinh thần cống hiến, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và đặc biệt là tinh thần quyết thắng của chiến sĩ công binh.

Tính đến nay, Thượng tá Phạm Viết Giang đã có gần 35 năm quân ngũ. Anh từng trải qua nhiều vị trí chỉ huy cấp phân đội và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó nổi bật là chỉ huy tổ chức xây dựng công trình phòng thủ, rà phá bom, mìn, xây dựng công trình phòng thủ trên địa bàn các xã biên giới của tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn. Thế nên dù thời bình nhưng việc quân của những người lính công binh chiến dịch mà anh Giang là điển hình vẫn “bận hơn con mọn”. Cũng như hầu hết cán bộ trong Lữ đoàn, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái, đối nội-đối ngoại trong gia đình của các anh đều trông cả vào sự tần tảo, khéo léo của vợ và dựa vào ông bà nội-ngoại hai bên. Ấy nhưng, bù đắp cho những khó khăn, thiếu thốn đó là niềm vui công việc, với nhiều thành tích được cấp trên ghi nhận. Năm 2023 là một mùa bội thu của Lữ đoàn 575 trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

leftcenterrightdel

 Huấn luyện chiến sĩ mới năm 2024 tại Lữ đoàn 575 (Quân khu 1). Ảnh: HÙNG CƯỜNG

Chuyện là, sau khi tổ chức tiếp nhận nguyên trạng lực lượng, phương tiện của Lữ đoàn Công binh 219 (Quân đoàn 2) không lâu, vào tháng 9-2023, Lữ đoàn 575 nhận nhiệm vụ bảo đảm công binh tác chiến phòng thủ cho Quân khu 3 diễn tập tại Trường bắn Quốc gia khu vực 1 (TB1). Lữ đoàn có nhiệm vụ làm đường và bắc cầu PMP tải trọng 60 tấn, dài 138m để binh khí kỹ thuật của Quân khu 3 cơ động. Đây là một trong những nội dung công việc rất khó vì khối lượng lớn, nhiều đòi hỏi rất cao về chất lượng, xác suất mất an toàn lớn và thời gian hiệp đồng khắt khe, trong khi thời gian chuẩn bị không dài. Hàng chục đầu mục công việc đổ dồn vào một thời điểm, từ lập kế hoạch tác chiến, hiệp đồng, sử dụng lực lượng cho đến trinh sát và cơ động lực lượng triển khai. Thuận lợi lớn nhất trong bắc cầu trên sông Thảo là tốc độ dòng chảy nhỏ, không ảnh hưởng quá lớn đến thực hành ghép cầu.

Chưa hết, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà như cán bộ ở đây nói là “chưa ráo mồ hôi” thì Lữ đoàn lại nhận lệnh bảo đảm cơ động cho binh khí kỹ thuật các đơn vị, binh chủng tham gia diễn tập vào tháng 12-2023. Quy mô diễn tập lần này lớn gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với lần trước. Trong thời gian 6 phút, Lữ đoàn phải bắc 1 cầu phao PMP tải trọng 60 tấn, dài 132m cho xe tăng hiện đại cơ động đi qua trong điều kiện địch đánh phá ác liệt. Ngoài ra còn phải làm 3 bến bơi cho xe thiết giáp. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Lữ đoàn 575 đã xây dựng kế hoạch, mở cuộc hành quân đưa lực lượng, trang bị từ sở chỉ huy sang Lục Ngạn, Bắc Giang. Đây cũng là lần đầu tiên Lữ đoàn 575 tổ chức cơ động lực lượng, phương tiện lớn đến vậy.

Nhưng khó khăn thì cứ bám chặt không rời và dường như tăng theo thời gian. Gần đến ngày diễn tập, sau một buổi kiểm tra của Bộ Tổng Tham mưu, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng yêu cầu Lữ đoàn 575 thiết kế, thi công một bến vượt phà tự hành GSP để chở xe tăng và hai ngày sau phải hoàn thành.   

Ngay lập tức, cuộc hội ý chỉ huy được mở. Rất nhiều vị trí được chọn và đưa vào kế hoạch trinh sát. Một tổ trinh sát thiện chiến do Thượng tá Phạm Viết Giang chỉ huy tức tốc lên đường. Sơ đồ lòng sông Thảo, nơi dự kiến đặt bến vượt cho GSP được vẽ. Tuy nhiên, vào mùa nước cạn, muốn có bến vượt thì phải tổ chức phương tiện nạo vét lòng sông. Hiện Lữ đoàn có phương tiện nạo hút nhưng công suất nhỏ, hơn nữa, để di chuyển từ Thái Nguyên sang cũng mất nửa ngày. Tiến độ công việc không thể đáp ứng yêu cầu tác chiến.

Trong khi đang bối rối suy tính thì Thượng tá Phạm Viết Giang đề xuất dùng phà PMP chở theo máy xúc để nạo vét lòng sông đạt độ sâu quy định. Sau này, Trung tá Lương Sỹ Hiệp (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1) kể lại, đây là cách làm chưa từng áp dụng. Máy xúc đặt trên phà rất tròng trành khi tác nghiệp, dễ mất an toàn. Để khắc phục tình trạng này, phà PMP được gia cố neo giữ chắc chắn, nhưng nhân viên lái máy vẫn vừa làm vừa lo. Sau này khi đã quen với công việc, họ mới đỡ bị cảm giác ấy chi phối. Gần trọn hai ngày, hai đêm thay ca làm việc liên tục, 1.500m3 bùn đất được vét chở đi và lòng sông Thảo đạt độ sâu cần thiết (2,5m), đủ điều kiện cho phà tự hành GSP hoạt động.

Hôm diễn tập, kết thúc mệnh lệnh từ đài chỉ huy, sau khoảng gần 4 phút, cầu PMP tải trọng 60 tấn của Lữ đoàn 575 đã nối hai bờ sông Thảo. Phà tự hành GSP cũng được thiết lập nổ giòn vang mặt sông, át tiếng nổ ùng oàng của các loại pháo cỡ lớn từ xa vọng tới. Từ đài quan sát, nhìn những chiếc xe vượt cầu PMP và phà tự hành GSP chở xe tăng qua sông trong tiếng nổ, rồi những cột nước tung cao trắng xóa, anh Giang và đồng đội như mở cờ trong bụng. Thế là công sức chuẩn bị cả tháng trời của Lữ đoàn 575 đã cho quả ngọt. Trong tổng kết diễn tập, Thượng tá Phạm Viết Giang vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Tổng Tham mưu và Đại tá Nông Văn Đăng, Lữ đoàn trưởng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Cuối câu chuyện, anh Giang thổ lộ, càng huấn luyện cơ bản với nhiều yêu cầu cao cùng lúc thì chất lượng hoàn thành nhiệm vụ càng được khẳng định.

Có lẽ, đó là bí quyết lớn nhất để Lữ đoàn 575 hoàn thành nhiệm vụ mũi nhọn mà Quân khu 1 giao.

MẠNH THẮNG